Tham dự Hội thảo có đồng chí Sỉ-Thăn Khăm-Sôm-Phu, Phó Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Công an Lào tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các học viện, trường CAND; Công an thành phố Hà Nội, Hải Phòng và đông đảo các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn.
Trung tướng, GS. TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện chủ trì và điều hành tham luận tại Hội thảo
Năm 2025 đánh dấu cột mốc 50 năm đào tạo trình độ đại học nghiệp vụ Cảnh sát, kể từ thời điểm Trường Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện CSND) được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học năm 1975. Chặng đường lịch sử 50 năm qua, các học viện, trường đại học CSND đã đào tạo hàng vạn sĩ quan Cảnh sát có trình độ đại học có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, góp phần đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra với quy mô và tốc độ nhanh chóng, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống; sự phát triển của khoa học công nghệ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội cho phát triển giáo dục và đào tạo nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu phải đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, đổi mới phương thức quản lý; đồng thời đặt ra yêu cầu phải tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ giáo dục và đào tạo đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, hiệu quả.
Bên cạnh đó, với sự chuyển mình của cả hệ thống chính trị hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ Công an cũng đã triển khai mô hình Công an 3 cấp, với nhiều nhiệm vụ mới tiếp nhận từ các bộ, ngành khác. Những yếu tố trên đặt ra cho công tác giáo dục và đào tạo của ngành Công an nói chung và các học viện, trường đại học Cảnh sát nhân dân nói riêng nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện Báo cáo đề dẫn Hội thảo
Trong bối cảnh đó, Học viện CSND tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “50 năm đào tạo trình độ đại học Cảnh sát - Thành tựu và định hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” nhằm tạo diễn đàn để lãnh đạo các cơ sở đào tạo, công an các đơn vị, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, kiến nghị đề xuất nâng cao chất lượng công tác giáo dục trình độ đại học Cảnh sát.
Hội thảo đã nhận được 78 báo cáo khoa học của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan đại diện Bộ Công an Lào tại Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, các Cục nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, các trường Công an nhân dân.

Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi làm rõ quan điểm, định hướng và chỉ đạo của Bộ Công an, Đảng ủy, Ban lãnh đạo các học viện, nhà trường CAND về nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trình độ đại học Cảnh sát; làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng Cảnh sát nhân dân trong tình hình mới.
Hội thảo cũng đánh giá những thành tựu đã đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong đào tạo trình độ đại học tại các học viện, trường đại học CSND; từ đó kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trình độ đại học đối với lực lượng CSND trong thời gian tới.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trình độ đại học đối với lực lượng CSND trong thời gian tới, nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục phát triển các cơ sở giáo dục đại học trong CAND theo hướng hiện đại, nhanh chóng xây dựng mô hình đại học thông minh và phấn đấu đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề xuất các đơn vị chức năng và các nhà trường CAND xây dựng chiến lược để các cơ sở đào tạo đại học Cảnh sát phải trở thành những trung tâm nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện danh mục ngành, chuyên ngành và nội dung, chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSND; hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ dạy và học theo tiêu chuẩn quốc gia, từng bước tiếp cận mức chuẩn của khu vực và thế giới; đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu khoa học và hợp tác trong đào tạo lực lượng Cảnh sát.
Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo tham luận tại Hội thảo.
Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo đã đưa ra những định hướng trong công tác giáo dục đào tạo tại các trường Công an nhân dân đáp ứng xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Theo đó, trong thời gian tới, Cục đào tạo sẽ phối hợp với các trường Công an nhân dân rà soát quy mô đào tạo, rà soát danh mục ngành; hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; chuẩn hóa tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo kiểm định chất lượng; tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đại học trong Công an nhân dân; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo; xây dựng đại học số phù hợp với đặc thù của lực lượng Công an nhân dân.

Thiếu tướng Lê Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trình bày tham luận.
Thiếu tướng Lê Văn Tân, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, các trường đại học CSND cũng cần chú trọng trang bị thêm cho người học các kỹ năng mềm, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ để đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Thượng tá Đỗ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm qua, học viên tốt nghiệp Học viện CSND được phân công về Công an thành phố Hà Nội đều có tư duy tốt, kỹ năng làm việc nhóm tốt, biết vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong công việc… Nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo chỉ huy, được Công an thành phố đánh giá cao. Trong thời gian tới cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; lựa chọn các ngành, các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tế; đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình tài liệu; phối hợp các đơn vị chức năng để đề xuất trang bị, đầu tư phương tiện thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến và các phần mềm nghiệp vụ để phục vụ công tác đào tạo thực hành, đẩy mạnh việc số hóa tài liệu để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thượng tá Đỗ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an TP Hà Nội tham luận.
Thượng tá Đậu Quang Minh, Phó Trưởng phòng, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cũng đề xuất công tác giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học CSND cần tiếp tục gắn với thực tiễn tình hình an ninh, trật tự và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; tập trung nghiên cứu những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nổi cộm, đồng thời tiến hành dự báo, đánh giá và chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ, tham mưu cho các hệ lực lượng nghiệp vụ để kịp thời có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND đề nghị các đơn vị chức năng của Học viện CSND tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội thảo để tham mưu Ban Giám đốc Học viện báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học Cảnh sát đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bên lề Hội thảo, Học viện CSND đã tổ chức trưng bày các công trình nghiên cứu khoa học và một số trang thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ giáo dục, đào tạo tại Học viện hiện nay.



