Trước những thay đổi lớn lao của giáo dục dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường sư phạm buộc phải thay đổi và một trong những thay đổi cốt yếu là nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, bởi họ là “người thầy của những người thầy, là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ giảng viên phổ thông”, đó là chia sẻ của ThS Nguyễn Thị Xuân Mai, giảng viên bộ môn Ngữ văn, Trường ĐH An Giang.
Vai trò của người thầy có sự thay đổi mạnh mẽ
ThS Nguyễn Thị Xuân Mai cho rằng, nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0, một cuộc cách mạng có tốc độ phát triển nhanh chưa từng có trong lịch sử, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống trong đó có giáo dục. Trong kỷ nguyên số hóa, nền giáo dục sẽ thay đổi một cách sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò người dạy, tâm thế người học đến phương pháp dạy học.
Vì thế, để đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệp 4.0, đội ngũ giảng viên sư phạm cần phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực bằng những biện pháp như tập huấn sử dụng công nghệ phục vụ dạy học, ứng dụng các hình thức tiên tiến, mô hình trực tuyến vào công tác bồi dưỡng giảng viên, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng theo hướng nghiên cứu và nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, người học không còn bị giới hạn trong bốn bức tường nữa mà sự học sẽ diễn ra mọi lúc mọi nơi. Môi trường GD không còn diễn ra trong phạm vi nhà trường, lớp học mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, việc kết nối trong thời đại IT sẽ kéo theo sự phát triển của các hình thức học online, học trực tuyến, người học có thể học ở bất cứ nơi nào lúc nào họ muốn. Điều này đòi hỏi bản lĩnh thích ứng, nhạy bén của người học.
Trong kỷ nguyên số này, hơn bao giờ hết, vai trò của người thầy có sự thay đổi mạnh mẽ. Vai trò người giáo viên có sự biến đổi từ truyền thụ kiến thức theo lối truyền thống sang vai trò mới với tư cách là “người xúc tác và điều phối… người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập”.
Người giảng viên không phải là giảng bài mà là hướng dẫn và xúc tác giúp người học biết tự định hướng việc học của họ. Vì thế, người giảng viên cần phải ngày càng bản lĩnh, không ngừng trau dồi năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu mới.
Công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và cách học. Trong thời đại công nghệ, phương pháp dạy học phải được cải tiến mạnh mẽ và một trong những phương pháp không thể thiếu là góp phần nâng cao chất lượng dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện trực quan vào quá trình dạy học.
Đề xuất 4 biện pháp phát triển năng lực đội ngũ giảng viên
Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Mai, nhà trường sư phạm là nơi đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông. Trước những thay đổi lớn lao của giáo dục dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường sư phạm buộc phải thay đổi và một trong những thay đổi cốt yếu là nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, bởi họ là “người thầy của những người thầy, là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ giảng viên phổ thông”.
Để phát triển những năng lực này của giáo viên, ThS Nguyễn Thị Xuân Mai đề xuất một số biện pháp phát triển năng lực đội ngũ giảng viên:
Thứ nhất là năng lực sử dụng các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học. Người giảng viên sư phạm phải có năng lực quản lý tài nguyên mạng, có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học. Để có được những năng lực này, các khoa sư phạm nên có chính sách bồi dưỡng năng lực tin học, năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho giảng viên.
Bên cạnh đó, nhà trường cần phải công bố những phương tiện công nghệ mà giảng viên có thể sử dụng để phục vụ hỗ trợ quá trình giảng dạy. Khi giảng viên quản lý, am hiểu được các phương tiện công nghệ sẵn có, họ sẽ chủ động, sáng tạo hơn trong việc ứng dụng công nghệ và cho phép cũng như hướng dẫn học trò của mình sử dụng để cải tiến quá trình học tập.
Thứ hai là bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên sư phạm bằng các hình thức đào tạo tiên tiến, mô hình trực tuyến. Hiện nay, nhiều giảng viên sư phạm chưa tiếp cận được với các mô hình dạy học mới sẽ làm hạn chế việc rèn kỹ năng nghề cho sinh viên sư phạm.
Vì thế công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên nên kết hợp các mô hình đào tạo tiên tiến 4.0, đào tạo trực tuyến, từ xa để giảng viên sư phạm vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa tiếp cận các mô hình dạy học mới. Các hình thức dạy học này sẽ giúp giảng viên bổ sung vào kiến thức nghiệp vụ, làm phong phú hơn các hình thức dạy học của mình.
Bên cạnh đó, có một số mô hình giảng viên dạy trực tuyến đã và sẽ được ứng dụng trong đào tạo và bồi dưỡng giảng viên như Mô hình E-learning (đây là mô hình hệ thống quản lý qua mạng); mô hình B-learning (mô hình dạy học kết hợp hình thức học tập trên lớp với hình thức học hợp tác qua mạng máy tính và tự học); mô hình ứng dụng kỹ thuật hội thảo truyền hình (là dịch vụ cho phép nhiều người hội thảo từ xa, với sự xuất hiện của hình ảnh và âm thanh từ một người đến những người còn lại); Mô hình 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức.
Thứ ba là bồi dưỡng năng lực NCKH của giảng viên sư phạm bằng cách đẩy mạnh công tác NCKH, bồi dưỡng giảng viên theo hướng nghiên cứu. Bên cạnh việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ, giảng viên sư phạm cần phải bồi dưỡng năng lực NCKH.
Thứ tư là nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giảng viên sư phạm. Để tiếp cận những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến do sự phát triển của công nghệ 4.0 mang lại, con người không thể không thông thạo ngoại ngữ. Đây là điều cần thiết để giảng viên hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu, hội nhập với giáo dục đại học thế giới. Vì thế người giảng viên sư phạm cần nâng cao trình độ ngoại ngữ bằng nhiều biện pháp khác nhau.
“Trong thời đại công nghệ 4.0, người giảng viên sư phạm bên cạnh việc thường xuyên bồi dưỡng các năng lực như năng lực chuyên môn, năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu khoa học… còn đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng một số năng lực đáp ứng yêu cầu mới: Năng lực sử dụng thành thạo CNTT, thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp và giảng dạy”. ThS Nguyễn Thị Xuân Mai.
Hiếu Nguyễn
Nguồn: GD&TĐ