Đại học 4.0
Thứ Ba, 14/11/2017 20:7'(GMT+7)

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội hiếm có cho Việt Nam

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Việt Nam đang có nhận thức tốt về cách mạng công nghiệp 4.0

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Việt Nam đang có nhận thức tốt về cách mạng công nghiệp 4.0

Khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đã được nhắc rất nhiều trong thời gian qua.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ chuyển hóa toàn bộ thế giới thực của chúng ta sang thế giới số. Qua đó thay đổi một cách toàn diện cách tiếp cập của con người ở tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa và xã hội…

Vậy cuộc cách mạng này sẽ tác động thế nào đến Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Đây sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam bứt phá hay nó sẽ khiến kinh tế nước ta bị bỏ lại so với phần còn lại của thế giới? Và Việt Nam cần phải làm gì để ứng phó cũng như tận dụng các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại? Để giải đáp những câu hỏi trên, Báo điện tử VTV News đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Theo quan điểm của ông, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng thế nào dưới Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo xu hướng tích cực hay tiêu cực, cơ hội hay đe dọa?

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ còn là một khái niệm, mà nó đã và đang diễn ra, cũng như có sức ảnh hưởng ngày các lớn đến cuộc sống của con người. Với hàng loạt công cụ mới trong tay như: Công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi hoàn toàn cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, thậm chí là thay đổi cả hệ giá trị của con người.

Ví dụ như gia đình, một khái niệm cốt lõi và truyền thống nhất cũng đang dần biến đổi trước sự phát triển của công nghệ, khi mà giữa các thế hệ có cách tiếp cận khác nhau, hay sự xuất hiện của các công cụ mới như robot tình dục…

Hay như lĩnh vực sản xuất, xu hướng robot thay thế con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Nó thể hiện rõ nhất ở các công việc có những thao tác đơn giản khi robot đóng vai trò ngày một lớn. Trong tương lai, con người có thể còn không được làm những công việc đơn giản này khi mà robot làm tốt hơn và chính xác hơn.

Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam có rất nhiều các bộ phận, lĩnh vực hiện đang hoạt động trong không gian của cách mạng công nghiệp 4.0 như: Viễn thông, hệ thống mạng, camera tự động… Thậm chí một số doanh nghiệp cũng đang áp dụng công nghệ in 3D hay như mới đây nhất công ty FPT cho biết chuẩn bị ra mắt xe ô tô tự vận hành…

Về mặt nhận thức, Việt Nam đang có sự tiếp cận rất nhanh chóng về cách mạng công nghiệp 4.0 khi hàng loạt các cuộc thảo luận, nghiên cứu cho nội dung này đã được thực hiện. Trên các phương tiện truyền thông thì tràn ngập thông tin về cuộc cách mạng này.

Về đời sống thực tiễn, cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ mang lại những lợi ích rất lớn. Tuy nhiên với những quốc gia có nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ như Việt Nam, tác động của cuộc cách mạng này trong giai đoạn đầu có thể sẽ là rất tiêu cực. Cụ thể, những công nghệ năng lượng hay vật liệu mới, in 3D sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên, khi thế giới không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động đào than hay hút dầu.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, những lao động thủ công trong các ngành dệt may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng lần này. Các con số thống kê cho thấy, 20 năm tới đây, 70-75% những công việc đơn giản, thủ công trong các ngành này có thể sẽ bị thay thế. Điều này có thể khiến vài ba chục triệu lao động truyền thống bị mất việc.

Trái ngược với những thách thức trên, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, trong khía cạnh tiêu dùng là rất tích cực khi Việt Nam có thể tiếp cận được thông tin, tiếp cận được tri thức, tiếp cận được các dịch vụ tiên tiến… Đây được xem là một cơ hội cho nền kinh tế nước ta có một hệ năng lực mới để phát triển.

Tóm lại có thể nói rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi hệ thống của cả một cấu trúc. Trong đó, những cái cũ không sớm gì muộn sẽ bị thay thế. Những cái cũ không kịp thay đổi, hậu quả sẽ càng nặng nề, nghiêm trọng.

Tuy nhiên một điểm đáng chú ý là hiện những di sản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 và thứ 3 của nước ta không nhiều, do đó Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với những tiến bộ mới nhất trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Dưới góc nhìn của 1 nhà kinh tế, theo ông Việt Nam, cần có một chiến lược dài hơi thế nào để ứng phó cũng như tận dụng được cơ hội mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến?

Tôi cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể mang lại cho kinh tế Việt Nam một cơ hội hiếm để bứt phá. Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, chúng ta cần phải có một tầm nhìn tốt, một cách tiếp cận tốt hơn so với những gì đã làm với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Trước đây, các quốc gia cần phải giải quyết cơ bản các vấn đề của cách mạng công nghiệp lần thứ 1 để chuyển sang cuộc cách mạng lần thứ 2. Tương tự cần giải quyết cơ bản các vấn đề của các mạng lần thứ 2 mới có thể chuyển sang cuộc cách thứ 3. Tuy nhiên cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự thay đổi về bản chất không tuân theo quy luật logic tuyến tính thông thường giúp Việt Nam có thể nhảy thẳng vào cuộc cách mạng lần này.

Nhảy thẳng ở đây không đồng nghĩa với việc "tay không bắt giặc" mà chúng ta cần phải chuẩn bị đầy đủ những năng lực để có thể tận dụng các cơ hội mà cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Trước hết chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển. Trong quá trình đào tạo, chúng ta không chỉ truyền tải tri thức mà còn phải dạy sáng tạo, dạy trí tuệ.

Từ một nguồn nhân lực có chất lượng, chúng ta có thể tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn những thành tựu công nghệ của thế giới. Thời gian đầu, nhiệm vụ chính của chúng ta không phải là phát minh hay sáng tạo, mà chính là cần phải học học một cách hiệu quả.

Cùng với học hỏi, chúng ta cần phải biết "mượn sức"của thế giới bằng việc liên kết, hợp tác với những doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới. Điều này phải hoàn toàn khác với cách mà chúng ta đang thu hút vốn FDI như ở thời điểm hiện tại, khi nó không giúp được quá nhiều để phát triển năng lực của nền kinh tế Việt Nam.

Vấn đề tiếp theo là chúng ta cần phải giải quyết được những vấn đề nội tại cơ bản của nền kinh tế. Đó là đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần, tạo ra một môi trường minh bạch, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển.

Đảm bảo sự cạnh tranh công bằng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển một cách bình thường, không bị bóp méo. Ngoài sự cạnh tranh công bằng, các doanh nghiệp cũng cần kết nối với nhau để cùng nhau phát triển.

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, Nhà nước cần phải có cách tiếp cận mới để giúp nền kinh tế có thể thích ứng một cách tốt hơn với cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là giảm thiểu một cách triệt đề tư duy bao cấp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, trong một chừng mức khác là hướng dẫn sự phát triển cho doanh nghiệp.

Ông có lời khuyên gì cho những doanh nghiệp cũng như từng người dân Việt Nam trước sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0?

Trước khi chờ đợi những thay đổi mang tính tổng thể, trước tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ, doanh nghiệp cần phải chủ động có một cách tiếp cận hoạt động khác so với những gì đã thực hiện trước đây.

Đó là việc doanh nghiệp cần chủ động từ bỏ việc bám vào cơ chế xin cho, hoạt động dưới hình thức sân sau cũng như dựa dẫm vào luồng tiền của Nhà nước…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải chủ động chuyển sang hệ thống quản trị cao cấp, tiêu chuẩn quốc tế… qua đó có thể sẵn sàng thích ứng cũng như tận dụng các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Người dân cần phải chuẩn bị tri thức, lo tư thế của một người dân văn minh hơn. Tuy nhiên để người dân có sự chuẩn bị tốt nhất cho cách mạng công nghiệp 4.0, một điều không thể không nhắc đến chính là sự giúp sức đến từ thế chế, hệ thống pháp luật, các bộ ban ngành… Thông qua việc gây áp lực buộc người dân phải thay đổi theo hướng tích cực như chấp hành pháp luật, cạnh tranh công bằng, có trách nhiệm…

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ hai bắt đầu vào khoảng thập kỉ 1850, khi các tiến bộ kinh tế và kỹ thuật có được nhờ phát triển tàu hơi nước, đường sắt. Đến cuối thế kỷ 19, động lực của Cách mạng công nghiệp là động cơ đốt trong và máy móc sử dụng điện. Năm 1914 (năm bắt đầu Thế chiến thứ nhất), giai đoạn thứ hai này kết thúc.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu khoảng 1969, khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, máy tính và số hoá vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990). Cho đến cuối thế kỷ 20, quá trình này cơ bản hoàn thành nhờ những thành tựu khoa học công nghệ cao. Năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra là bước đánh dấu giai đoạn thứ ba kết thúc.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu vào đầu thế kỉ 21, tiếp sau những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)

 

Nguồn: TVTV Online

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất