Đại học 4.0
Thứ Năm, 30/11/2017 10:43'(GMT+7)

Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi xác định lại vai trò của người thầy

LTS: Trong bối cảnh Việt Nam tích cực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò chủ yếu của giáo viên trong kỷ nguyên số hóa phải được xác định lại. 

Vai trò người thầy trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp trong thế giới đang thay đổi vì kiến thức là vô tận. Giáo viên phải hướng vào công nghệ và có trách nhiệm không chỉ với việc dạy mà còn với việc học của trò. 

Trong kỷ nguyên số hóa, vai trò người thầy chuyển từ chỗ chỉ thuyết giáo sang quản lý hành vi xã hội và tình cảm của sinh viên, cố vấn thông thái cho trò học trở thành công dân phát triển cân đối toàn diện;biết truyền cảm động cơ học cho sinh viên có tốc độ học nhanh chậm khác nhau trong môi trường số hóa. 

Trong kỳ 1 của chủ đề này, TS.Mai Văn Tỉnh đã chỉ ra tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục đào tạo đặc biệt là vai trò của người thầy.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thay đổi ở Việt Nam

Từ thế kỷ XIX loài người trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn, tất cả đều để lại dấu ấn vô cùng to lớn làm tiền đề cho nhân loại phát triển nhảy vọt.

Giờ đây thế giới bước vào ngưỡng cửa cách mạng công nghiệp 4.0 với những thay đổi triệt để cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ. Quy mô, phạm vi và tính phức tạp của nó sẽ không giống với bất cứ những gì mà chúng ta đã trải qua từ trước tới nay. 

Chưa ai có thể lường hết được sẽ có những chuyển biến gì, nhưng điều chắc chắn là chúng ta phải đối phó một cách đồng bộ, toàn diện với sự tham gia của toàn cầu từ các khu vực công và tư cho tới giới học thuật, các tổ chức xã hội trong cách mạng công nghiệp 4.0 này. 

 

Vậy cách mạng công nghiệp 4.0 là gì mà có tầm vóc vĩ đại như vậy? Đó là cuộc cách mạng dựa trên công nghiệp 3.0 của kỹ thuật số và điện tử (máy tính, ICT và Internet) xuất hiện từ đầu những năm 1990 thế kỷ trước. 

Đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất các loại công nghệ làm xóa nhòa ranh giới giữa lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là phát triển trí tuệ nhân tạo, robot hóa, Internet vạn vật (IOT) khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây liên ngành sâu rộng cho tự động hóa sản xuất chế tạo (1).

Tốc độ của những đột phá hiện chưa hề có tiền lệ trong lịch sử và đang phá vỡ hầu hết mọi ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. 

Cả bề rộng lẫn chiều sâu của nó báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người. Gần đây lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt chú ý đến cách mạng công nghiệp 4.0. 

Đầu tháng 10/2016, dự lễ khai giảng Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao đổi với sinh viên và giáo viên về ý nghĩa và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Giáo dục và đào tạo sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào của cách mạng công nghiệp 4.0?

Toàn cầu đang lo ngại rằng các hệ thống giáo dục hiện đã lỗi thời và không thể đào tạo con em chúng ta một cách tương thích cần thiết cho tương lai. 

Các thế hệ thầy giáo trước đây đã tận tâm đúng đắn trong nghiên cứu và giảng dạy song thế hệ mới lại có động cơ khác: quan tâm nhiều đến vấn đề cuộc sống, tình cảm và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực khác. 

Vai trò giáo viên trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng; nơi mà tri thức hầu như vô tận. Giáo viên phải định hướng vào công nghệ và chịu trách nhiệm không chỉ với việc dạy mà còn với việc học của trò nữa. 

Họ phải quan tâm nhu cầu của từng sinh viên trong lớp học không đồng nhất, tạo môi trường học tập lấy sinh viên làm trung tâm để học xuất sắc và có cơ hội học tập theo lối truy vấn, năng động. 

Người thầy cần đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo để tăng cường tính sáng tạo, óc tò mò ham hiểu biết và động cơ học tập của trò.

Giáo viên phải duy trì mối quan hệ với sinh viên, phụ huynh và cán bộ nhân viên. 

Tuy nhiên, vấn đề thúc đẩy thay đổi công nghệ trong giáo dục mà không gây nguy cơ giá trị con người vẫn còn chưa được giải quyết.

Các cơ sở giáo dục đại học và đặc biệt là các trường sư phạm đang đối diện nhiều cơ hội và thách thức do cách mạng số. 

Đó là vì cơ sở giáo dục Đại học phải thực hiện nhiều chức năng khác nhau: dạy học, nghiên cứu và dịch vụ đều bị tác động bởi công nghệ số có sẵn để sử dụng (Weller và Anderson 2013) (2). 

Trong xã hội dựa trên tri thức và số hóa của thế kỉ XXI, giáo dục phải đương đầu với thách thức to lớn chuyển từ học truyền thống sang đổi mới phương pháp học. Nó đặt ra yêu cầu lớn biến đổi vai trò giáo viên – truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối. 

Sự biến đổi này buộc giáo viên đối diện với nhiệm vụ mới một cách linh hoạt hơn và cần được đào tạo bồi dưỡng lại cho các nhiệm vụ rất mới mẻ này.

Vai trò giáo viên đã và đang tiếp tục thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập. 

Ngày nay, giáo viên phải giúp sinh viên điều chỉnh chất lượng và độ giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới, phải là nhà chuyên nghiệp có đầu óc mở, biết phê phán độc lập, hợp tác, cộng tác tích cực và điều giải giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu theo kiểu dàn giáo bắc cầu (Weinberger, Fischer, & Mandl, 2002) (3).

Muốn cho từng cá nhân tồn tại và phát triển nhanh trong kỷ nguyên số hóa, con người phải được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin. Cách dạy cổ truyền không thể tạo ra những công dân thích hợp cho thế kỉ XXI. 

Do vậy, chúng ta phải không ngừng phát triển kỹ năng và tri thức của mình bởi mọi lĩnh vực xã hội thay đổi liên tục. 

Tuy nhiên, niềm tin và thực tiễn dạy học phải thoát khỏi lối tư duy cũ, trước hết, người thầy phải gây ảnh hưởng tới cách tư duy và học có phê phán của trò. 

Bằng cái nhấp chuột truy cập thông tin và nguồn lực bất tận, vai trò giáo viên là người có quyền truyền bá kiến thức đã bị thay đổi bởi IT đã sẵn sàng.

Nếu thông tin và nguồn lực dễ tìm kiếm và truy cập thì chúng ta có thể tự hỏi: liệu giáo viên có cần tồn tại trong tương lai gần nữa không? 

Tất nhiên, vấn đề còn tranh cãi là nếu không cần nữa thì giáo viên sẽ bị thay thế, nhưng vai trò của người thầy sẽ là gì để giúp cho chính họ và sinh viên điều chỉnh những thay đổi xã hội. 

Chắc chắn rằng, công việc người thầy truyền dẫn kiến thức thực tế cho trò sẽ không còn là dễ dàng với bất kỳ ai nữa và đó là vấn đề cần phải tranh luận hiện nay. 

Xã hội đã phát triển nhiều vai trò khác nhau để người thầy hoạt động và thực hành trong kỷ nguyên kết nối. Mong muốn của chúng ta về dạy và học đã chuyển đột ngột sang nhấn mạnh sự tác động của mạng công nghệ và xã hội lên giáo dục. 

Trước kia chúng ta chưa tin chắc là nếu giáo viên không phải là chuyên gia chuyên môn về nội dung môn học để cung cấp kiến thức cơ bản cho sinh viên, thì liệu sinh viên có còn tôn trọng và lắng nghe họ  nữa không nếu một khi sinh viên tìm thấy cái họ cần trên google? 

Câu trả lời đã có khi chúng ta đi tìm cách xác định lại vai trò người thầy trong học tập kết nối mạng. Theo chúng tôi, giá trị của giáo viên không phải là giảng bài mà là hướng dẫn, xúc tác giúp sinh viên biết tự định hướng trong học tập.

Khi áp dụng ICT và các công nghệ số khác, một số cơ sở giáo dục Đại học đã gặt hái kết quả lợi ích, sự ra đời của học tương tác kêu gọi và chấp nhận các công cụ dạy học và các vai trò mới của giáo viên (Lu J, Lu C, Yu CS, & Yao JE; 2014) (4). 

Vai trò giáo viên chuyển sang một định nghĩa mới đa dạng và rộng hơn để đáp ứng nhu cầu cộng đồng học tập. Cách giáo viên nhìn nhận và tương tác với sinh viên thế nào cũng đang thay đổi. 

Trong xã hội đa dạng, giáo viên phải coi mỗi sinh viên là một cá nhân và xúc tác việc học của họ dựa trên hứng thú của từng người. Sự đa dạng hóa và cá nhân hóa này sẽ làm cho thế giới trở nên độc đáo đặc biệt. 

Mặc dù, điều này có vẻ còn khó khăn nhưng không phải là không thể làm được. Câu hỏi đặt ra là người thầy cần biết loại kiến thức và kỹ năng nào để dạy cho từng sinh viên có tài khác nhau? Đây là kết quả của học tập kết nối mạng đang đến gần.

Lentell (2003) (5) tuyên bố rằng người làm công tác học thuật phải là chuyên gia kiến thức, biết lắng nghe và giao tiếp hiệu quả, kèm cặp huấn luyện, xúc tác, giải quyết vấn đề, thiết kế, hỗ trợ và điều phối cả nguồn lực. 

Với tư cách là giáo viên có năng suất trong kỷ nguyên kỹ thuật số, anh/chị ta phải biết tìm thông tin cần thiết ở đâu, giải quyết vấn đề thế nào và giữ cho việc học đúng ra sao. 

Nói chung, người thầy phải cải tiến phương pháp dạy và không những trau dồi học hỏi nghiệp vụ cùng với những phát triển mới. 

Vậy thì, giáo viên ở thế kỉ XXI cần hiểu rằng sự thay đổi là sống còn và phải chấp nhận, chuẩn bị cho mình phát triển. 

Điều quan trọng nhất là việc học qua mạng liên quan đến phát triển bồi dưỡng chuyên môn có hứng thú cá nhân làm cho người thầy biết nỗ lực tự bồi dưỡng một cách hợp lý khi có sự thay đổi diễn ra. 

TS. Mai Văn Tỉnh

Nguồn: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

 

Tài liệu tham khảo: 

(1) Tài liệu phục vụ  Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 với Giáo dục” do Hiệp hội các trường ĐH & CĐ Việt Nam phối hợp Tập đoàn công nghiệp Phoenix Contact, Đức tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh từ 21-23/10/2016.

(2) Weller & Anderson (2013) Digital resilience in higher education. European Journal of Open, Distance and E-Learning, 16 (1): 53.

(3) Weinberger, Fischer, & Mandl, 2002). Fostering individual transfer and knowledge convergence in text-based computer-mediated communication. In G. Stahl (Ed.), Computer support for collaborative learning: Foundations for a CSCL community. Proceedings of CSCL 2002. Mahwah, NJ: Lawrence Erlbaum.

(4) (Lu J, Lu C, Yu CS, & Yao JE; (2014) Fostering individual transfer and knowledge convergence in text-based computer-mediated communication. In G. Stahl (Ed.), Pedagogical Roles and Competencies of University Teachers Practicing in the E-Learning Environment. Retrieved from http://www.irrodl.org/index.php/irrodl/article/view/ 1477/2586

(5)   Shah (2014) The Future of classroom: the role of teachers needs a relook in digital era. Retrieved from http://indianexpress.com/article/lifestyle/the-future-classroom-the-role-of-teachers-needs-a-relook-in-digital-era/99/print/

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Phát huy tinh thần chiến đấu, thể dục thể thao trong toàn thể lực lượng

Phát huy tinh thần chiến đấu, thể dục thể thao trong toàn thể lực lượng

(ANTV) - Việc tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thể dục, thể thao và điều lệnh, quân sự, võ thuật là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Đại hội khỏe vì an ninh Tổ quốc lần thứ IX là sự kiện thể thao quan trọng, được tổ chức nhằm phát huy tinh thần thể dục, thể thao trong toàn thể lực lượng. Các chiến sĩ công an tham gia đầy nhiệt huyết, với tinh thần thể thao cao thượng, qua đó góp phần lan tỏa lối sống khỏe mạnh và đoàn kết trong cộng đồng.

Thư viện Ảnh

Mới nhất