Mặc dù còn nhiều thảo luận, chúng ta có thể hình dung CMCN 4.0 có những đặc thù sau:
Nhu cầu: Qua từng cuộc cách mạng công nghiệp, nhu cầu của con người thay đổi. Tại CMCN 1.0: Nhu cầu của con người gia tăng về đi lại, điều kiện sống; CMCN 2.0: Dân số bùng nổ dẫn tới nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tăng nhanh; CMCN 3.0: Toàn cầu hóa dẫn tới nhu cầu giao lưu và phong phú hóa và gia tăng mạnh nhu cầu thụ hưởng về các lĩnh vực giải trí, du lịch, ẩm thực, giáo dục; và CMCN4.0: Người tiêu dùng thông minh gia tăng do sự phát triển của Internet dẫn tới nhu cầu cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng và yêu cầu về dịch vụ phải được phục vụ nhanh và tối ưu hơn trên toàn cầu.
Các công nghệ chính tạo ra sự thay đổi: Công nghệ Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) và khoa học dữ liệu (data science), mạng kết nối vạn vật (internet of things), người máy, máy in đắp lớp, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ năng lượng và vật liệu...
Các nhân tố tạo ra sự thay đổi: Đội ngũ lao động kỹ nghệ thông minh trong dữ liệu, sinh học, năng lượng và vật liệu; nhà tư bản đầu tư vào phát minh (IP), nhà chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và nghiên cứu KHCN nhắm tới thị trường toàn cầu.
Các đối tượng bị ảnh hưởng: Các công nhân trong nhiều ngành có khả năng cao bị thay thế bởi robot, ngay cả các nhân viên văn phòng với kỹ năng thiếu sáng tạo cũng sẽ bị các chương trình thông minh thay thế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất thế hệ cũ sẽ bị thua trong cạnh tranh với các hệ thống sản xuất và cung cấp dịch vụ thông minh thế hệ mới.
Các đối tượng được hưởng lợi: Người tiêu dùng sẽ nhận được nhiều sản phẩm được cá thể hóa theo nhu cầu của mình; các doanh nghiệp sáng tạo sẽ nhận được các thành quả từ các sản phẩm dịch vụ của mình; các nhà đầu tư vào phát minh sáng tạo cũng sẽ hưởng lợi nhuận cao; các nhà nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực mới sẽ có những phát triển tốt hơn và các dịch vụ chất lượng cao phục vụ con người như du lịch, giải trí, giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Quốc gia hưởng lợi: Các quốc gia trên toàn cầu sở hữu nhiều phát minh sáng tạo về KHCN, những quốc gia có đội ngũ nhân tài sẽ có khả năng hưởng lợi cao trong cuộc cách mạng này.
Mặc dù đi sau và vì thế việc Việt Nam đi chậm hơn so với các nước tiên tiến là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên với một đặc thù mới của CMCN 4.0 khi tài năng, sáng tạo và các tài sản trí tuệ của con người tạo ra đóng vai trò chủ đạo, thì Việt Nam có những cơ hội của mình. Nếu chúng ta có thể một mặt vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa sâu rộng để giữ việc làm, một mặt vừa phát huy được trí tuệ và nhân tài đặc biệt trong việc tạo ra các thành tựu KHCN thì các ngành đều có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, những việc này cần được thực hiện một cách bài bản, quyết liệt, phát huy vai trò của Chính phủ kiến tạo và phục vụ trên một nền tảng nâng cao nồng độ KHCN trong mọi công việc của Chính phủ sẽ là một giải pháp phù hợp. Đáng mừng là một số Bộ, ngành như: Tài chính, Ngân hàng, CNTT viễn thông đã có những chuẩn bị tích cực; các Bộ: Giáo dục & Đào tạo, Bộ VHTTDL sẽ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, cũng như các ngành có tiềm năng như Du lịch, Nông nghiệp, Y tế sẽ cần các mô hình phát triển mới phù hợp với xu hướng của CMCN 4.0.