Đại học 4.0
Thứ Sáu, 14/12/2018 17:20'(GMT+7)

Cách mạng công nghiệp 4.0 với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Học viện Hải quân

Học viện gặp khó khăn do nhu cầu cán bộ của các đơn vị ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng; vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự mới được trang bị cho Quân chủng ngày càng nhiều và đa dạng, cùng với sự thay đổi công nghệ diễn ra thần tốc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho Học viện thay đổi cách tiếp cận giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng thực hành của học viên; hỗ trợ sự liên kết hợp tác thuận lợi giữa Học viện và các đơn vị huấn luyện chiến đấu, các viện nghiên cứu, xưởng, nhà máy trong và ngoài Quân chủng để có môi trường thực hành cao giúp người học viên sĩ quan tiếp cận các xu thế phát triển, cũng như đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau tốt nghiệp.

Thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lớn, đó là: Cuộc cách mạng cơ khí hóa với động cơ chạy bằng thủy lực và hơi nước (năm 1784); cuộc cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn (năm 1870) và cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử (năm 1969). Ngày nay, thế giới đang trong giai đoạn bản lề của cuộc CMCN lần thứ 4, được mô tả là sự mở rộng của cuộc CMCN lần thứ 3 khi phát triển hợp nhất cả phần cứng và phần mềm, kết nối mạng lưới thông tin rộng lớn… dựa trên nền tảng công nghệ số. CMCN 4.0 là sự hội tụ của các công nghệ mới như internet kết nối vạn vật (IoT – Internet of Things), robot, công nghệ in 3D, điện toán đám mây, công nghệ di động không dây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, khoa học vật liệu tiên tiến, lưu trữ năng lượng, tin học lượng tử… Như vậy điểm khác biệt cơ bản giữa CMCN4.0 với các cuộc cách mạng CN trước ở chỗ: Các cuộc CMCN trước chỉ dựa trên một lĩnh vực, một phát minh ( hơi nước, điện năng, điện tử); cuộc CMCN4.0 tích hợp hài hòa, sâu sắc giữa các công nghệ mới tạo cho phép chúng ta kết nối thực thể vật lí, kết nối không gian, thời gian, kết nối thực tại ảo, thế giới sinh học tạo ra một hệ sinh thái mới, một hệ sinh thái thông minh mà trong đó có sản xuất công nghiệp thông minh, nông nghiệp thông minh, trường học thông minh, Tp. Thông minh và cả quốc gia thông minh. Nói một cách dễ hiểu: CMCN4.0 là kết nối và chia sẻ.

Khái niệm “Công nghiệp 4.0” (Industry 4.0) ra đời khoảng năm 2011, là một nội dung trong “chiến lược hiện đại hóa đến năm 2020” của Chính phủ Đức. Đến năm 2016, "Làm chủ cuộc CMCN lần thứ 4" là chủ đề chính được bàn luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 46 tại thành phố Davos-Klosters, Thụy Sỹ. Từ đó đến nay, thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" được sử dụng rộng rãi trên thế giới.  Nếu 3 cuộc cách mạng trước phát triển theo cấp số cộng thì CMCN 4.0 có tốc độ phát triển theo cấp số nhân. CMCN 4.0 sẽ tác động đến cuộc sống của mọi người, mọi nhà. CMCN 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát, nếu chủ động, chúng ta sẽ sớm tiếp cận với những thành tựu của CMCN 4.0, “đi tắt đón đầu” về giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; nếu dừng lại là tụt lùi.

Cách mạng CN 4.0 tác động đến các trường Đại học Việt Nam như thế nào ?

Có thể  khái quát đầu ra đại học qua các cuộc CMCN như sau: CMCN1.0: Đào tạo ra nguồn nhân lực lành nghề; CMCN2.0: Đào tạo ra nguồn nhân lực có tri thức; CMCN 3.0: Đào tạo ra nguồn nhân lực không chỉ biết mà phải tạo ra được tri thức mới; CMCN 4.0: Đào tạo ra nguồn nhân lực phải là doanh nghiệp, phải là sáng tạo và đổi mới. Cuộc CMCN 4.0 làm cho trường ĐH  không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất hay chủ yếu như xưa nữa, bởi với một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet, chúng ta có thể dạy và học ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tấm bằng ĐH hoàn toàn không đủ để tồn tại trong nền CMCN 4.0, người học cần phải có những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, có óc sáng tạo… Các trường đại học sẽ chuyển dịch từ mô hình giảng dạy và nghiên cứu khoa học truyền thống sang mô hình đại học định hướng doanh nghiệp để đápứng với yêu cầu của CMCN4.0.

Các xu hướng phát triển nhanh mạnh của CMCN 4.0 đã và đang đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp bách cho sự nghiệp đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo và NCKH của HVHQ hiện nay. Trải qua hơn 62 năm chiến đấu, xây dựng, phát triển và trưởng thành, Học viện đã đạt được nhiều thành tích quan trọng giáo dục, đào tạo và NCKH; đã khẳng định rõ là Trung tâm đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học Hải quân có uy tín trong Quân đội. Tuy vậy, Học viện cũng đang gặp không ít khó khăn cần phải khắc phục để hòa nhập vào cuộc CMCN 4.0 :

Thứ nhất, Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại, được trang bị nhiều vũ khí trang thiết bị mới hiện đại. Các ngành vũ khí, thông tin ra đa, khí tài điện tử đang rất cần cán bộ, đặc biệt là cán bộ giỏi, có chuyên môn sâu.

Thứ hai, sự kết nối giữa Học viện với các đơn vị cơ sở, các viện nghiên cứu trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, trong xu thế của CMCN 4.0, công nghệ thay đổi với tốc độ chóng mặt. Bởi vậy, vũ khí trang bị cũng sẽ nhanh lạc hậu; nhà trường chưa theo kịp sự phát triển của đơn vị. Sĩ quan hải quân tốt nghiệp ra trường, năng lực giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi còn hạn chế. Việc học qua Internet  để tự nâng cao trình độ chưa được chú trọng và gặp nhiều trở ngại về qui chế, đây là điểm yếu của hệ thống các nhà trường quân đội nói chung, HVHQ nói riêng.

Từ những vấn đề nêu trên, để góp phần vượt qua thách thức và tận dụng tốt cơ hội từ CMCN 4.0, HVHQ cần xem xét thực hiện những giải pháp sau:

Một là, tập trung nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý

- Có chế độ ưu đãi tuyển chọn, thu hút cán bộ, chuyên gia giỏi trong và ngoài Quân đội, các sinh viên giỏi trong các trường đại học công nghệ lớn hợp tác nghiên cứu,về làm giảng viên;

- Khuyến khích, tạo điều kiện tốt cho các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần tạo lập được môi trường giáo dục, đào tạo NCKH có sáng tạo và tính tự lập cao; chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực tiếng Anh cho học viên và giảng viên để có thể tận dụng được cơ hội do CMCN 4.0 đem lại

Hai là, cần tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng bám sát tiêu chuẩn đầu ra; nhu cầu nhân lực của Quân chủng, của CMCN 4.0

-Xác định vị trí là đơn vị chủ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân chủng, chủ động hợp tác với các vùng, đơn vị để đào tạo theo đơn đặt hàng, giúp cho học viên ra trường có thể bắt nhịp ngay với công việc;

-Chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo (CTĐT) kỹ sư chất lượng cao, để đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ, năng lực hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm, ươm mầm các chuyên gia đầu ngành trong tương lai, đặc biệt là trong các chuyên ngành như: Vũ khí dưới nước, Thông tin – ra đa, tác chiến điện tử, thủy âm... nhằm tạo nền tảng cho việc tiếp thu, xây dựng và phát triển trang bị vũ khí hải quân thông minh

Ba là, tăng cường liên kết với các trường đại học/viện nghiên cứu trong và ngoài nước, để liên kết đào tạo và NCKH; đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện thực hành, thực tập

Đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện thực hành, phát huy vai trò của giảng viên, cán bộ tàu trong huấn luyện thực hành, thực tập cho học viên tại Trung tâm HLTH&HLKT, nhằm nâng cao chất lượng thực hành, thực tập cho các đối tượng đào tạo; đề xuất cấp trên cho phép và bảo đảm để thực hiện hoạt động thực tập đường dài kết hợp đối ngoại quân sự bằng tàu buồm 286 Lê Quý Đôn trở thành hoạt động thường niên

Bốn là, đẩy mạnh việc xây dựng các hạ tầng cơ sở vật chất bảo đảm cho giảng dạy và NCKH của Học viện; đặc biệt, là hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin (CNTT), các trung tâm mô phỏng, các phòng thí nghiệm hiện đại và các phòng học trực tuyến…

Tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả các tổ hợp mô phỏng huấn luyện tại Trung tâm Mô phỏng tác chiến ASTT, Trung tâm Mô phỏng tàu 1241.8 và Gepard 3.9; sử dụng hiệu quả Thư viện điện tử; đang tiếp tục triển khai Dự án “ Nâng cao năng lực đào tạo và NCKH giai đoạn 2016-2017”, trong đó có: đầu tư xây dựng Trung tâm Học liệu Hải quân với các trang bị CNTT hiện đại; xây dựng hạ tầng cở sở CNTT và một số phòng thí nghiệm – thực hành hiện đại cho các khoa chuyên ngành; xây dựng giảng đường có các trang thiết bị dạy học hiện đại…

Năm làđẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục để mọi cán bộ, giảng viên, học viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tham gia vào CMCN 4.0; có ý thức giữ gìn bí mật quân sự, bí mật quốc gia

Vai trò của người Thầy đã và đang tiếp tục thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập.  Muốn cho từng cá nhân tồn tại và phát triển nhanh trong kỷ nguyên số hóa, con người phải được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin.  Do vậy, chúng ta phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ra sức học tập, rèn luyện, tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ để không ngừng phát triển kỹ năng và tri thức của mình bởi mọi lĩnh vực xã hội, khoa học kỹ thuật thay đổi liên tục.

Tiếp tục triển khai những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn thông tin số, an ninh mạng trong toàn Học viện; cần phải tiếp tục quán triệt cho mọi thành viên thực hiện Thông tư số 202/TT-BQP ngày 12/12/2016 của Bộ Quốc phòng qui định về bảo đảm an toàn thông tin trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Quyết định số 99/QĐ-BTL ngày 04/01/2013 của Bộ Tư lệnh Hải quân ban hành Qui chế bảo mật, an toàn, an ninh thông tin trong Quân chủng Hải quân; tiến hành tập huấn cho cán bộ, giảng viên và học viên về phòng, chống vi rút, mã độc, các biện pháp tự bảo mật, an toàn thông tin số…; đồng thời thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác bảo đảm an toàn thông tin của các cá nhân, đơn vị trong Học viện.

CMCN 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho công tác đào tạo và NCKH của HVHQ trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi Học viện cần đổi mới toàn diện, trong đó tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp nêu trên để có thể tạo ra nguồn cán bộ, sĩ quan hải quân có năng lực vượt trội, có năng lực chuyên môn, có khả năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng ngoại ngữ tốt để có thể “đứng trên vai những người khổng lồ” và tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng này để xây dựng HVHQ thành trường trọng điểm của Quân đội, là trung tâm đào tạo và NCKH mạnh của Quân chủng và Quân đội, góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Đại tá Trần Trọng Bảy

Nguồn: Học viện Hải quân

Tài liệu tham khảo

GS TS. Trần Đại Quang (2016). Cuộc CMCN lần thứ 4: thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống (Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ Khai khóa Đại học Quốc gia  TP.HCM), ngày 3/10/2016

Tạ Việt Dũng, Trần Anh Tú. Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo, NCKH trong các cơ sở giáo dục đại học, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 03/2017

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất