Đại học 4.0
Thứ Bảy, 28/4/2018 16:55'(GMT+7)

Cách mạng công nghiệp 4.0 với giáo dục đại học nói chung và Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng

Bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo - Tổng giám đốc NHG và ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam tại lễ ký kết. Ảnh: NHG.

Bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo - Tổng giám đốc NHG và ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam tại lễ ký kết. Ảnh: NHG.

Cuộc cách mạng này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, xã hội toàn cầu, trong đó có nền giáo dục. Nó đặt ra những vấn đề cấp bách cho nền giáo dục, nếu coi giáo dục (đặc biệt là giáo dục đại học) là bước chuẩn bị hành trang cần thiết cho người học tự tin bước vào cuộc sống, thì nhà trường cần trang bị một cách đầy đủ những kỹ năng cần thiết cho họ, không chỉ cho hiện tại mà còn cả tương lai.

Việc tiếp nhận, thay đổi để đáp ứng và theo kịp tác động của cuộc cách mạng 4.0 đang đặt ra cho ngành giáo dục, trong đó giáo dục đại học nói chung, đại học Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng những vấn đề mang tính tất yếu và cấp thiết.

Cách mạng Công nghiệp 4.0

"Cách mạng Công nghiệp 4.0" - khái niệm được nhắc đến nhiều trên truyền thông và mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Vậy Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì?

Đây là khái niệm lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2013 tại Đức trong một báo cáo của Chính phủ, theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư). Lịch sử đã ghi nhận 3 cuộc cách mạng công nghiệp chính thức, làm thay đổi toàn bộ nền sản xuất và các điều kiện kinh tế - xã hội của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước. Cuộc cách mạng thứ 2 là sự xuất hiện của điện năng, và lần thứ 3 là sự bùng nổ của tin học và tự động hóa. Vậy cách mạng lần thứ 4 được dự đoán sẽ là gì, và còn bao lâu nữa thì thực sự xảy đến?

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,...Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng, Internet vạn vật và điện toán đám mây. Qua đó, người ta tạo ra những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau, tự tổ chức và quản lí. Đây còn được gọi là cuộc cách mạng số, vì chúng ta sẽ được chứng kiến công cuộc "số hóa" thế giới thực thành thế giới ảo.

Điều khác biệt giữa CMCN 4.0 với ba cuộc cách mạng trước đó là CMCN 4.0 không gắn với sự ra đời của một công nghệ nào cụ thể mà là kết quả hội tụ của nhiều công nghệ khác nhau, trong đó trọng tâm là công nghệ nano, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin - truyền thông. Cuộc cách mạng này trực tiếp nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học". Nó sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Cuộc cách mạng 4.0 không còn là dự đoán, hiện nay với sự ra đời liên tiếp của những robot tự động mang trí tuệ nhân tạo, xe hơi tự lái, mạng xã hội… chúng ta đã cảm nhận được sự tác động của kỉ nguyên 4.0 đang rất rõ nét.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiển hiện trước mắt, đang phả vào gáy chúng ta những hơi thở nóng hổi và là vấn đề buộc tất cả mọi người, mọi giới, mọi quốc gia phải quan tâm. Cuộc cách mạng nào cũng mang lại cơ hội và thách thức, riêng đối với Việt Nam, nó sẽ đem lại nhiều kết quả cho những ai sớm ý thức và có sự chuẩn bị.

Tác động rõ rệt nhất của cách mạng 4.0 là sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, với những tính năng có thể thay thế con người, thậm chí còn tối ưu hơn như khả năng tính toán, phân tích, ghi nhớ, cùng sức lao động bền bỉ, năng suất cao. Giờ đây, kiến thức là vô biên, việc học không có điểm dừng.

Cuộc cách mạng 4.0 có thể tạo ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động trên cả thế giới và Việt Nam. Bởi một khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, số lượng người lao động mà máy móc có thể thay thế được sẽ bị dư thừa và các công việc an toàn với thu nhập cao hơn có thể sẽ gia tăng. Chính vì vậy lao động nghề, lao động trình độ thấp phải không ngừng trau dồi để nâng cao tay nghề, làm sao để năng suất tối ưu hơn những dây chuyền sản xuất tự động. Lao động trình độ cao, bác sĩ, kĩ sư, giáo viên… cũng phải không ngừng học hỏi, không ngừng cầu tiến, vì sự phát triển của máy móc đang theo rất sát đằng sau chúng ta. Như vậy, trong một thị trường việc làm vốn đã rất gay gắt bởi những cuộc cạnh tranh giữa người với người, bây giờ người ta còn phải cạnh tranh thêm với cả robot. Có thể hình dung, cách mạng 4.0 sẽ tiến tới loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Nhưng đồng thời, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên.

Xã hội phát triển rất nhanh, nhanh hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó, với sự xuất hiện liên tục những sản phẩm, dịch vụ mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Cái gì còn đúng ngày hôm qua có thể sẽ trở nên lỗi thời ngay ngày hôm nay. Tuổi thọ của các sản phẩm sẽ giảm ít nhất 25% vì sẽ bị nhanh chóng thay thế bởi những sản phẩm mới, ưu việt hơn. Thực tế đã cho thấy, sự lỗi thời và biến mất của điện thoại để bàn, máy tính để bàn, máy ảnh chụp phim v.v. Người ta đang nỗ lực tạo những bộ phận cơ thể con người như quả tim trên cơ sở vận dụng công nghệ cấy mô trên những mô hình chính xác được tạo ra bởi công nghệ in 3D. Ô tô điện tự lái, tàu thủy, máy bay tự lái sẽ thay thế những công nghệ cũ, dịch vụ taxi sẽ không cần nữa, trường dạy lái xe cũng sẽ không còn ai đến học v.v. Hàng may mặc thời trang sẽ được may đo, sản xuất theo sở thích từng người, gửi đến tận nhà v.v. Doanh nghiệp sẽ phải liên tục đổi mới mặt hàng, dịch vụ, cơ cấu kinh tế cũng sẽ phải điều chỉnh phù hợp với tiến bộ KH&CN và biến đổi của thị trường thế giới.

CMCN 4.0 lần này cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn... Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục của Việt Nam cần phải nhận thức được, sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển công - nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hay nguồn nhân lực. Trong tương lai, năng lực sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Điều đó sẽ tạo nên một sự gia tăng trong thị trường việc làm và ngày càng phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao/trả lương cao. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng những mâu thuẫn trong xã hội.

Do áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0, nhiều lĩnh vực công nghiệp được tự động hóa thay thế con người và các yêu cầu về kỹ năng của người lao động sẽ cao. Khi đó nếu người lao động không nâng cao năng lực, kỹ năng để thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất thì bị loại khỏi thị trường lao động.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á, trong đó có tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Quan trọng là nắm bắt được cơ hội. Không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới mà còn là phương thức cung cấp, tổ chức lao động mới".

Tác động của Cuộc Cách mạng 4.0 đối với giáo dục đại học

Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, trong thời đại mới, người ta sẽ không còn quá quan trọng đến một tấm bằng một cách hình thức, đến nguồn gốc xuất thân hay những mối quan hệ, vấn đề là kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng... Trong cuộc CMCN 4.0, cơ hội dành cho tất cả mọi người là như nhau. Ai có năng lực thực sự, có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng và có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, người đó sẽ thành công.

Đối với các trường đại học, CMCN 4.0 đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực có các kỹ năng mới và trình độ giáo dục cao hơn so với 10 năm trước, bởi thị trường đòi hỏi lao động có trình độ giáo dục và đào tạo cao hơn.

Thực tế hiện nay, giáo dục đại học về tổng thể vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Theo một nghiên cứu năm 2013 của Lumina Foundation/Gallup phát hiện rằng chỉ 11 % lãnh đạo kinh doanh cho rằng sinh viên tốt nghiệp Đại học theo ngành nghề họ đang tìm kiếm là làm việc được. Con số này khác xa với 96% cán bộ phụ trách đào tạo ở các Đại học, Cao đẳng lại rất tự tin cho rằng trường của họ đang đào tạo sinh viên cho các nghề nghiệp tương lai.

Quy mô thiếu hụt kỹ năng khác nhau tùy theo lĩnh vực ngành nghề. Khảo sát điều tra của Học viện chế tạo và Hãng Deloitte với 450 giám đốc điều hành sản xuất cho thấy những lĩnh vực mà nhân công thiếu kỹ năng nhất là: Công nghệ và máy tính (70 %), Giải quyêt vấn đề (69%), đào tạo kỹ thuật cơ bản (67%) và kỹ năng tính toán (60 %).

Cuộc CMCN 4.0 có ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất đến giáo dục - nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền công nghiệp mới và đồng thời tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT), nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang đổi mới toàn diện và theo đó Giáo dục 4.0 đang được đánh giá là mô hình phù hợp.

Giáo dục 4.0 nên được hiểu như thế nào?

Giáo dục 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức.

Mô hình này cũng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên; tạo điều kiện cho hợp tác giữa giáo dục đại học và sản xuất công nghiệp; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương… Giáo dục 4.0 giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân.

Bên cạnh đó, Giáo dục 4.0 sẽ giúp thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình đại học. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Trường không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.

Qua nghiên cứu sâu về các đặc điểm của Giáo dục hàn lâm 4.0 các nhà khoa học giáo dục Tây Âu có một số gợi ý đề xuất nhằm đạt thành công trong thử nghiệm đào tạo sinh viên cho tương lai như:

Một là, độ phức tạp của thế giới "bên ngoài" phải được phản ánh trong mọi bình diện công tác đào tạo bằng xây dựng chuẩn hóa, và chuẩn hóa phải đi đôi với đơn giản hóa.

Hai là, để tạo ra sự khác nhau cần thiết của quá trình học đại học, phải dựa trên các năng lực tự tổ chức của cả cá nhân lẫn tập thể sinh viên (tổ, nhóm, lớp); mà điều kiện tiên quyết cho phát triển năng lực đó là sinh viên phải xác định được mục đích học của riêng họ.

Giáo viên có thể hỗ trợ quá trình này bằng cách khuyến khích sinh viên tập trung vào 2 tiêu chí: tài năng và mục đích riêng để họ cam kết và thỏa mãn với việc học.

Ba là, các thách thức tương lai là tính liên môn và xuyên suốt các môn học tăng lên. Phải thấy rằng hàng loạt môn học, ngành học ngày càng trở nên lỗi thời. Cái mà sinh viên cần là cách nhìn cấu trúc tổng quan về việc học để tích hợp kiến thức được thường xuyên tích lũy.

Bốn là, quá trình học cá nhân cần có cách trắc nghiệm cá nhân.

Năm là, thông tin cần cho sinh viên đang có sẵn rất nhiều ở khắp nơi (sách, bài báo, tạp chí, blogs, MOOCS …). Thách thức là làm sao giúp họ sử dụng các khả năng mới này.

Sáu là, đặc biệt, Học (learning) là một hoạt động xã hội. Khái niệm E-learning đang chết và được thay thế bằng "Chúng ta học suốt đời" (Long live WE-learning ).

Phải mở toang khuôn viên nhà trường để mời mọi sinh viên sử dụng không gian này làm chỗ gặp mặt, đọ sức, thảo luận và giao lưu.

Cần tạo ra các bối cảnh xã hội thích hợp và dân chủ hơn để sinh viên tranh luận về các vấn đề có thực trong cuộc sống liên quan đến họ.

Bảy là, việc chuyển giao kiến thức theo cách độc thoại giữa thầy với trò không tạo ra được giá trị gia tăng.

Cách giảng bài truyền thống kém hiệu quả hơn so với các hình thức học tích cực.

Môi trường xung quanh rất quan trọng cho các quá trình nhận thức nên khả năng thiết kế và bố trí các không gian làm việc riêng cho sinh viên sẽ mở ra lối thoát cho phong cách tư duy mới.

Những yêu cầu đặt ra đối với giáo dục đại học

Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ thông tin (CNTT) và Internet kết nối vạn vật (IoT), không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Do đó, các quốc gia muốn tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp này đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng vào thực tiễn sản xuất để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra. Vì thế, ngay từ trên giảng đường đại học, nhà trường, các thầy cô giáo phải giúp cho sinh viên tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào cuộc sống, trang bị ngoại ngữ và các kỹ năng mềm thì các bạn sinh viên khi ra trường mới có cơ hội cạnh tranh việc làm, mở ra cánh cửa để bước vào sân chơi toàn cầu hóa. Giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động này nhanh hơn cả bởi chính giáo dục cũng sẽ tạo ra những phiên bản mới của các cuộc CMCN tiếp theo. Công nghiệp 4.0 hứa hẹn những bước đột phá mới trong hoạt động đào tạo, thay đổi mục tiêu đào tạo, mô hình đào tạo truyền thống bằng cách chuyển tải và đào tạo kiến thức hoàn toàn mới. Sự phát triển công nghệ thông tin, công cụ kỹ thuật số, hệ thống mạng kết nối và siêu dữ liệu sẽ là những công cụ và phương tiện tốt để thay đổi cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy. Các lớp học truyền thống với những nhược điểm như: chi phí tổ chức cao, không gian phục vụ hạn chế, không thuận lợi cho một số đối tượng… sẽ được thay thế bằng các lớp học trực tuyến, lớp học ảo. Chất lượng đào tạo trực tuyến được kiểm soát dễ dàng bằng các công cụ hỗ trợ, như các cảm biến và kết nối không gian mạng. Không gian học tập cũng sẽ đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác trong điều kiện như thật thông qua các phần mềm và hệ thống mạng. Big data sẽ là nguồn dữ liệu vô tận để học tập trải nghiệm về phân tích, nhận dạng xu hướng hay dự báo kinh doanh ở mức chính xác cao. Tài nguyên học tập số trong điều kiện kết nối không gian thật và ảo sẽ vô cùng phong phú, không gian thư viện không còn là địa điểm cụ thể nữa, mà thư viện có thể khai thác ở mọi nơi với một số thao tác đơn giản. Chương trình học cũng được thiết kế đa dạng hơn, cụ thể hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học.

Giáo dục đại học phải làm gì trước cuộc CMCN 4.0:

Thứ nhất, nền tảng của CMCN 4.0 là sự kết nối giữa thế giới thật và ảo thông qua phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật số và kết nối mạng, do vậy kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số có vai trò rất quan trọng đối với nhà trường cũng như người học. Nhiệm vụ của các trường đại học trong giai đoạn tới phải đào tạo đủ chuyên gia công nghệ thông tin; tích cực trang bị cho các em sinh viên các kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng có liên quan để đáp ứng nhu cầu xã hội trong nền công nghiệp 4.0. trang bị trình độ ngoại ngữ đủ để có thể làm việc ở mọi nơi trong tư cách của công dân toàn cầu.

Thứ hai, vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến của quá trình công nghiệp 4.0 và nhất là thời kỳ đầu khi lực lượng lao động chưa thích ứng với điều kiện mới của công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực. Thực tế đã có những thay đổi việc làm trên thị trường lao động, người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người. Người máy với nguồn học liệu vô tận có thể thực hiện tốt các bài giảng ở một số môn học như địa lý, lịch sử... và có thể hoàn toàn thay thế đội ngũ giáo viên hiện nay. Việc làm ở các lĩnh vực như tư vấn pháp luật, kế toán và tư vấn thuế cũng có thể bị thay thế hoàn toàn bởi các rô-bốt thông minh. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với các trường đại học là định hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngành nghề của cuộc CMCN 4.0 và đào tạo lại để thích ứng với ngành nghề mới.

Thứ ba, chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa được linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động CMCN 4.0. Giáo dục và huấn luyện là một trong 9 lĩnh vực có nhiều thay đổi, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động rất mạnh và toàn diện, danh mục nghề đào tạo và chương trình đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh. Các trường đại học thực hiện hoạt động đào tạo theo hai hướng: một mặt phải đáp ứng tính định hướng xã hội, mặt khác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, áp lực đối với các trường đại học càng lớn khi chương trình đào tạo vừa đáp ứng tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nhất định, vừa đáp ứng tính liên ngành (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành) và các kỹ năng khác không thể thiếu, như: khả năng suy nghĩ có hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành… Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo. Như vậy, CMCN 4.0 đã tạo áp lực lớn trong hoạt động đào tạo đối với các trường đại học, từ xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật nội dung chương trình cho đến đào tạo kỹ năng cho người học để đáp ứng yêu cầu công nghiệp.

Thứ tư, một vấn đề khác đặt ra cho các cơ sở đào tạo bậc cao là cách thức tổ chức để chuyển tải nội dung chương trình đào tạo đến người học. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số và hệ thống mạng. Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng… sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có sự chuẩn bị tốt nguồn lực tổ chức giảng dạy, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, xây dựng không gian học tập, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học….

Tóm lại, như vậy với khâu đầu tiên mang tính đột phá là công nghệ thông tin, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động to lớn mạnh mẽ, tạo nên những bước ngoặt lớn lao với nên giáo dục thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Để làm được điều đó thì giáo dục đóng vai trò nòng cốt... Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải thay đổi căn bản, không chỉ đổi mới trên phương diện đào tạo ngành nghề hay giáo dục ở bậc đại học, mà cần thay đổi từ giáo dục bậc phổ thông, mẫu giáo; yêu cầu đặc biệt hiện nay là giáo dục ý thức và kỹ năng của một công dân toàn cầu.  Từ đó, ông đưa ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số (Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số ngày 15/5 /2017 tại Hà Nội)

3.Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng và Trường Đại học Bà rịa - Vũng tàu trước Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) là Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.

Chủ tịch Tập đoàn NHG, ông Hoàng Quốc Việt nhận định: "Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, tôi kỳ vọng Microsoft sẽ đem đến cho NHG giải pháp tổng thể, toàn diện để quản trị giáo dục nhà trường, học sinh, giáo viên, mọi mặt liên quan đến hệ sinh thái trường học, dù học sinh ở trường hay về nhà, trong giờ học hay ngoài giờ học".

Ông Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh: NHG đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. "Việc trường học thiếu hụt năng lực công nghệ là một nguy cơ làm cho quá trình dạy và học bị tụt hậu, cả hệ thống có thể đánh mất tính sáng tạo và sinh viên, học sinh thiếu hụt năng lực công nghệ". Ông Việt cho rằng hiện nay, tại Việt Nam sinh viên khi gia nhập lực lượng lao động vẫn còn thiếu hụt kỹ năng công nghệ, khoa học máy tính, bao gồm cả sinh viên học lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.

"Việc thiếu hụt kỹ năng này đang làm cho sinh viên thiếu khả năng tiếp cận thị trường lao động hoặc tìm được việc làm nhưng yếu khả năng phát triển nghề nghiệp và làm việc kém hiệu quả. Mặt khác việc thiếu hụt năng lực công nghệ cho các trường học là một nguy cơ làm cho quá trình dạy và học bị tụt hậu, cả hệ thống có thể đánh mất tính sáng tạo". Ông Việt cũng nhấn mạnh: "Khái niệm trường học thông minh dựa trên công nghệ đám mây của Microsoft hỗ trợ sứ mệnh nêu trên của Nguyễn Hoàng, điều chúng tôi gọi là giáo dục nhân bản".

Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, ngày 15-6, bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo, tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG), và ông Vũ Minh Trí, tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, đã ký kết bản ghi nhớ có tính chiến lược nhằm triển khai mô hình trường học hiện đại (e-school/university).

Theo đó, Microsoft và NHG hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Chuẩn hóa hệ thống cộng tác bằng Office 365 ProPlus, triển khai học viện Microsoft Imagine, triển khai chương trình Microsoft Imagine, kết nối vào cộng đồng Giáo dục Microsoft (MEC), kết nối vào hệ thống Microsoft Dynamics Academic Alliance (DynAA) và đồng bộ hóa nền tảng công nghệ thông tin để hướng tới mô hình trường học hiện đại (e-School/University).

Ngày 3/11/2017 Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Hệ thống ERP Dynamics 365 On Cloud với Công ty TNHH phần mềm FPT Software.

Đây là dự án CNTT trọng điểm của NHG trong năm 2017-2018, sau bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa NHG và Tập đoàn Microsoft được ký vào tháng 6/2017, nhằm trang bị một hệ thống ERP toàn diện và đơn nhất cho toàn Tập đoàn. Theo đó, Dự án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Triển khai các phân hệ liên quan đến Tài chính Kế toán, dự kiến 8 tháng (go- live trước ngày 30/06/2018). Giai đoạn 2: Triển khai các phân hệ liên quan đến Nhân sự - Tiền lương, Quản lý vay và CRM, dự kiến 6 tháng (go-live trước ngày 31/12/2018).

Việc sử dụng Microsoft Dynamics 365 On Cloud sẽ giúp hạ tầng hệ thống CNTT của NHG bắt kịp xu thế thời đại và tiệm cận những chuẩn mực thực hành tốt nhất để tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình làm việc trong nội bộ Tập đoàn. Đồng thời, giúp Ban lãnh đạo cập nhật kịp thời các số liệu, có cái nhìn sâu sát trên toàn hệ thống, từ đó ra được những quyết định đúng lúc và kịp thời, từ đó đưa ra được những quyết định đúng lúc và kịp thời.

Ngoài ra, việc triển khai dự án ERP còn giúp cho người sử dụng tinh gọn các quy trình, thủ tục, hướng tới một văn phòng E-Office trong tương lai.

Như vậy, có thể nói Tập đoàn NGH không chỉ nhận thức sâu rộng, đánh giá đúng tầm quan trọng và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 để xác định yếu tố mang tính giải pháp là CNTT mà đã có những hoạt động đi trước đón đầu mạnh dạn, hiệu quả.

Đối với Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu (BVU)

Lãnh đạo nhà trường đã nhận thức rất rõ vai trò, tác động của cuộc cách mạng 4.0 và đã tổ chức một số buổi họp, hội thảo để truyền tải thông tin, tư tưởng đến đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường.

Trường đã có những bước đi ban đầu trong việc thay đổi để tiệm cận và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trong tương lai không xa.

Trước hết là thay đổi về cơ cấu tổ chức đơn vị đào tạo theo hướng chuyên sâu đào tạo ngành nghề mũi nhọn, có nhiều tiềm năng thế mạnh trên địa bàn tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía nam như ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, ngành Quản trị Logistics và quản lý Chuỗi cung ứng, ngành Công nghệ thông tin, Điện tử - tự động hóa, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hàn… thông qua việc thành lập các viện đào tạo là Viện Du lịch - Quản lý - Kinh doanh, Viện Kỹ thuật Kinh tế biển, Viện Ngôn ngữ - Văn hóa - Quan hệ quốc tế;

Thành lập Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ trong đó tiếp cận các chuẩn quốc tế mới để nâng cao trình độ, kiến thức về tin học, ngoại ngữ cho sinh viên. Hiện Trung tâm tổ chức đào tạo tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung.

Thành lập Trung tâm Tư vấn việc làm - Khởi nghiệp là đơn vị có chức năng kết nối, liên kết với các doanh nghiệp phục vụ cho việc thực hành, thực tập, giới thiệu việc làm cho sinh viên;

Thành lập Trung tâm Đào tạo đại cương - Phát triển kỹ năng mềm nhằm cung cấp cho cả giảng viên cũng như sinh viên cơ hội nắm bắt, rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp…

Về chương trình đào tạo: Trường thành lập Hội đồng khoa học tại các viện, trong đó mời một số chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp lớn tham gia hội đồng để tư vấn, góp ý xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp; Nhà trường cũng tăng cường đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, giảm tải kiến thức hàn lâm, tăng cường học ngoại khóa, thực hành, thực tập tạo sự hứng thú và rèn luyện các kỹ năng đối với người học.

Nhà trường cũng xây dựng đề án đầu tư trang thiết bị học tập, máy móc thực hành. Hiện tại Trường đã ứng dụng các phần mềm tiến tiến vào trong công tác quản lý, giảng dạy. Triển khai phần mềm Office 365 ProPlus đến tất cả cán bộ, giảng viên và nhân viên của Trường.

Nhiệm vụ sắp tới của Trường là tiến hành thành lập ban nghiên cứu mô hình giáo dục 4.0. Chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng trung tâm phát triển công nghệ, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, cơ sở sản xuất ứng dụng thực nghiệm tạo môi trường hiện đại, thuận lợi cho việc nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm công nghệ mới theo mô hình giáo dục 4.0, gắn kết thành công giữa nhà trường với doanh nghiệp. Trường cũng cần tích cực hoàn tất các thủ tục tiến hành đánh giá ngoài và đạt chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT.

Chúng ta đang đứng ở giai đoạn "bản lề" của CMCN 4.0 vì vậy, mặc dù chưa làm được nhiều, nhưng điều quan trọng là lãnh đạo Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận thức, truyền tải đến toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường ý nghĩa, vai trò và tác động của cuộc Cách mạng 4.0 đến sự nghiệp giáo dục của Nhà trường. Có những bước chuẩn bị tâm thế, kiến thức, kỹ năng…cho cán bộ, giảng viên và sinh viên để sẵn sàng đón nhận và thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.  Với tâm thế sãn sàng, quyết tâm và sự đoàn kết cao độ chúng ta tin vào sự hội nhập CMCN 4.0 tự tin- chiến thắng của tập thể BVU trong thời gian tới./.

ThS. Chung Thị Vân Anh - Trung tâm Đào tạo Đại cương - Phát triển kỹ năng mềm

Nguồn: Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu

___________________

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì? Báo điện tử news.zing.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi-post750267.html

2. Giáo dục Việt Nam trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 - http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Giao-duc-Viet-Nam-truoc-yeu-cau-cua-cach-mang-cong-nghiep-40/308970.vgp.

3. Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam - PGS, TS. Nguyễn Cúc - Học viện Chính trị khu vực I - Báo điện tử baomoi.com, ngày 27/8/2017.

4. Giáo dục đại học phải làm gì trước thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0? TS Phan Quang Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng, Báo điện tử giaoduc.net.vn số ra ngày 22/07/2017.

5. Ngành giáo dục "đón đầu" cuộc Cách mạng 4.0 ra sao? GS Phan Văn Trường, cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế - Báo điện tử baoquocte.vn, ngày 14/4/2017.

6. Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam - Báo điện tử baomoi.com.vn, ngày 27/08/2017.

7. Microsoft và Tập đoàn Nguyễn Hoàng thúc đẩy trường học thông minh - Tg. Kim Huyền, Báo tuổi trẻ, ngày 16/6/2017.

8. NHG triển khai hệ thống ERP Dynamics 365 On Ckoud - Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 04/11/2017.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất