Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang trở thành cuộc chạy đua đầy quyết liệt giữa các quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới. Những kế hoạch phát triển đầy tham vọng đã được nhiều nước triển khai để hỗ trợ CMCN 4.0.
Trong khi đó, do vẫn còn “lơ mơ”, chưa đánh giá được những tác động sâu sắc đến từng ngành kinh tế, cho nên Việt Nam vẫn chưa định hình rõ ràng để thúc đẩy CMCN 4.0 hay sản xuất tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối. Đã đến lúc cần có chiến lược cụ thể, bài bản ở tầm quốc gia, triển khai hành động thiết thực trước khi quá muộn, bởi chậm chân lúc này đồng nghĩa là chết.
Thực tế khác dự báo
Khi nói về CMCN 4.0, nhiều chuyên gia thường lấy ngành dệt may làm dẫn chứng miêu tả về tính tác động và gây biến đổi nhanh, mạnh mẽ của “cơn bão” công nghệ mới này. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên lớn nhất khi chúng tôi tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) dệt may là mặc dù nhận thấy nguy cơ, nhưng nhiều DN đều cho rằng thách thức sẽ không nặng nề như những gì đang cảnh báo. Nhận định về ý kiến cho rằng CMCN 4.0 sẽ khiến DN dệt may trong nước lao đao vì phải đầu tư quá lớn vào thay đổi thiết bị, công nghệ; hàng loạt người lao động sẽ mất việc làm do bị máy móc thay thế; các đơn hàng sẽ bị cắt giảm...
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Kịch bản của CMCN 4.0 đối với ngành dệt may Việt Nam sẽ không hoàn toàn như vậy. Thực tế, để đối phó với khó khăn thường xuyên của ngành dệt may là “khát” nhân lực, Hugaco luôn hướng tới mục tiêu tự động hóa được càng nhiều khâu sản xuất càng tốt. Đến nay, tỷ lệ tự động hóa của công ty mới đạt khoảng 10% và sắp tới cao nhất cũng chỉ 20%.
Nguyên nhân, do đặc thù của sản phẩm may mặc là chạy theo thời trang, mẫu mã thay đổi liên tục cho nên nhiều khâu trong quá trình sản xuất phải cần đến bàn tay khéo léo của con người; máy móc và quy trình tự động hóa không thể thay thế hoàn toàn được. Đơn cử, máy móc tự động hóa chỉ có thể thực hiện những động tác lặp lại, cứng nhắc, thích hợp sản xuất theo lô lớn những loại quần áo đơn giản, ít chi tiết như áo thun, sơ-mi không họa tiết,... Ở một số khâu như cắt vải hiện có thể tự động hóa, nhưng theo tính toán, việc đầu tư vẫn chưa đem lại hiệu quả cao hơn so với sử dụng nhân công cho nên DN vẫn phải cân nhắc. Bên cạnh đó, nếu xu hướng tiêu dùng sắp tới tập trung nhiều vào cá thể hóa thì càng khó có khả năng sử dụng dây chuyền tự động vốn chỉ thích hợp với sản xuất theo lô hàng lớn.
Lập luận của ông Dương có thể trái ngược với ý kiến của nhiều chuyên gia, nhưng đây cũng là những đúc kết có được từ chính thực tiễn sản xuất của DN. Báo cáo tổng hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ về tác động của CMCN 4.0 đối với Việt Nam cũng chỉ ra rằng, đối với ngành dệt may, có nhiều thông tin cho rằng rất khó thay thế lao động bằng rô-bốt trong nhiều công đoạn, vì thế cần có sự đánh giá thật sự khoa học về mức độ tác động từ các nguy cơ để đưa ra kế hoạch ứng phó thích hợp nhất. Ngoài ra, một số ngành kinh tế khác cũng sẽ chịu tác động biến đổi thực tế khác so với dự báo.
Thí dụ, trong lĩnh vực cơ khí, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn cho biết: Ở những nước có nền công nghiệp cơ khí phát triển như Đức thì khả năng áp dụng công nghệ của CMCN 4.0 sẽ rất hiệu quả vì máy móc đã được sản xuất hàng loạt, thích ứng áp dụng dây chuyền tự động. Riêng những hàng lẻ hoặc chi tiết phi tiêu chuẩn, khó có khả năng tự động hóa thì từ trước đến nay hầu hết đều được đẩy sang những nước thứ ba như Việt Nam sản xuất. Do đó, dù nắm được xu hướng của các công nghệ mới, nhưng do đặc thù chuyên sản xuất hàng phi tiêu chuẩn cho nên để ngành cơ khí trong nước áp dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất là rất khó.
“Không phải là không thể đầu tư công nghệ vào ngành cơ khí, nhưng khả năng đuổi kịp các nước phát triển là rất thấp, cộng thêm chi phí quá cao, nhất là trong bối cảnh hệ thống chấp hành (máy móc, thiết bị) của chúng ta còn rất lạc hậu, chủ yếu vẫn dừng ở giai đoạn 2.0. Bên cạnh đó, nếu CMCN 4.0 càng phát triển, máy móc được sản xuất càng nhiều, đồng nghĩa với việc nhu cầu các linh kiện phi tiêu chuẩn cũng càng lớn. Do đó, không lo ngành cơ khí trong nước sẽ hết việc” - ông Tuấn tự tin khẳng định.
Chiến lược phát triển tổng thể
Trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, không phải ngành kinh tế nào cũng sẽ chịu tác động nhanh và mạnh mẽ như những gì đã được dự báo. Do đó, mặc dù đầu tư và ứng dụng công nghệ sẽ là yếu tố tiên quyết mang đến thành công trong CMCN 4.0, song trong làn sóng rô-bốt hóa, ngoài việc cẩn trọng chọn lựa đầu tư, DN còn phải hiểu và nhận thức rõ thế mạnh riêng để có quyết định đúng đắn nhất, chứ không phải chạy theo xu hướng. Từ thực tế nêu trên, cần sớm có những nghiên cứu khoa học chi tiết hơn nhằm đánh giá lại cụ thể, chính xác về tác động của làn sóng CMCN 4.0 đến từng ngành và lĩnh vực riêng biệt để lấy đó làm căn cứ xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể cho cả quốc gia với mục tiêu hợp lý, hiệu quả và ít lãng phí nguồn lực. Không thể tiếp tục hô hào phát triển ồ ạt các mũi nhọn kiểu “gai mít” mà phải biết “liệu cơm gắp mắm”, chọn những ngành thật sự có tiềm lực và thế mạnh để đầu tư có trọng điểm.
Với sức lan tỏa của “làn sóng” công nghệ đang ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, cuộc đua giữa các quốc gia để chiếm lĩnh lợi thế cũng sẽ càng trở nên gay cấn. Điều đáng nói là rất nhiều nước từ lâu đã bắt đầu triển khai các giải pháp trong thực tế để hỗ trợ cho CMCN 4.0. Thí dụ, ngân sách liên bang của Mỹ hằng năm đang cung cấp khoảng ba tỷ USD để mở rộng nghiên cứu và phát triển (R&D) về quy trình sản xuất tiên tiến, vật liệu công nghiệp mới hay khoa học người máy. Nước Đức đang theo đuổi chiến lược “Industrie 4.0” (công nghiệp 4.0), là tầm nhìn tương lai của ngành công nghiệp, nơi các nhà máy thông minh sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để số hóa toàn bộ quy trình sản xuất.
Nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ hay Trung Quốc cũng đang hối hả thực hiện những kế hoạch táo bạo nhằm bứt phá cuộc cách mạng công nghệ lần này. Trong khi đó, ở nước ta, ngoài Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0, vẫn chưa có một chiến lược cụ thể nào để triển khai các giải pháp trong thực tế. Đâu đó, trong từng lĩnh vực cũng có thể tìm thấy một vài chính sách liên quan CMCN 4.0, nhưng hoàn toàn không trực diện và đồng bộ.
Các chuyên gia lo ngại, nếu các động thái của Chính phủ vẫn chậm chạp, thiếu tính quyết đoán trong việc đưa ra được một chiến lược phát triển khoa học thì sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để Việt Nam có thể thành công “vượt sóng” CMCN 4.0. Vụ trưởng Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đàm Bạch Dương nhấn mạnh: Trước xu thế mạnh mẽ của CMCN 4.0, Việt Nam cần chủ động tiếp cận ngay bằng những hành động cụ thể, với những thay đổi mang tính cách mạng. Trước hết, cần sớm kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trở thành cơ quan đầu não thực hiện nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo và giám sát các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT, tạo thuận lợi cho triển khai CMCN 4.0 ở Việt Nam. Chúng ta phải có sự bứt phá thật sự về CNTT và để làm được, cần phát huy tốt hơn vai trò tiên phong, dẫn dắt của các DN trong lĩnh vực này trong việc hỗ trợ DN ở các lĩnh vực khác chuyển đổi nhanh chóng, bắt kịp làn sóng công nghệ mới.
Ngoài việc cung cấp các giải pháp tổng thể, DN mảng CNTT cần tập trung nhiều hơn trong đầu tư nghiên cứu ứng dụng mới theo xu thế tất yếu của công nghệ như IoT, Cloud, AI, Big Data,... với mục tiêu cao nhất là duy trì và phát triển sức cạnh tranh của các DN, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơn. Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) Nguyễn Phú Cường nhận định, nếu không bắt kịp CMCN 4.0, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực lớn chưa từng có như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, dư thừa lao động, gây ảnh hưởng xấu, lan nhanh đến toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội đất nước,... Do đó, chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ mà cần nhanh chóng đi vào hành động.
Cơ quan quản lý cũng cần nhận diện những thế mạnh sẵn có để có đối sách hợp lý. Đó là trong CMCN 4.0, Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp thiết bị, linh kiện kỹ thuật số phục vụ cho sự kết hợp kỹ thuật số vào các ngành công nghiệp, cho phép Việt Nam trực tiếp tham gia. Nó có thể làm chuyển dịch xuất khẩu của Việt Nam thông qua phát triển sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, góp phần tăng khả năng xuất khẩu sang thị trường quốc tế với giá trị gia tăng cao hơn,... Trước sự lan tỏa ngày càng mạnh của CMCN 4.0, Việt Nam bắt buộc phải chủ động cùng tham gia “cuộc chơi” công nghệ toàn cầu nếu không muốn bị tụt hậu. Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức to lớn do cuộc cách mạng này mang lại, chúng ta phải ngay lập tức hành động, với những bước đi được tính toán chặt chẽ và khoa học. Nếu làm được điều đó, đất nước mới nắm bắt được cơ hội để chuyển mình thành một quốc gia hùng cường. Quan trọng nhất là phải xây dựng được cơ chế đột phá, tầm nhìn vượt trội, thậm chí phải hơi khác thường và rất cần những con người phi thường.
Việt Nam đã mất nhiều năm để theo đuổi các tiêu chí CMCN 2.0 và phải mất thêm nhiều thời gian nữa để đuổi kịp CMCN 3.0, nhằm hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước yêu cầu của CMCN 4.0, việc nhận diện đầy đủ các cơ hội và thách thức nhằm có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Việt Nam có được cơ hội bắt kịp tiến bộ của nhân loại, hòa nhịp theo làn sóng CMCN 4.0.
ThS TRẦN VIỆT HÒA
Phó Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương)
|
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Nguồn: Báo Nhân dân