Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các trang giả mạo lực lượng Công an. Đặc biệt, trong tháng 3 và tháng 4/2024, số lượng trang giả mạo xuất hiện nhiều bất thường và chạy quảng cáo ồ ạt để tiếp cận người dùng.
Phương thức, thủ đoạn chung của các page giả mạo
1. Đổi tên từ các page cũ có sẵn lượt theo dõi cao hoặc lập mới hoàn toàn theo tên gọi của các đơn vị Công an như: Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ; Cục A05 tiếp nhận trình báo - hỗ trợ thu hồi vốn treo; Cục An ninh mạng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến; Học viện Cảnh sát nhân dân; Trại hè kỹ năng - Trại hè CAND,…
2. Ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị Công an, dẫn link đến các trang web chính thống của lực lượng Công an.
3. Đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng Công an.
Đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an để đăng tải trong các bài viết quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo.
Từ các bước 1, 2, 3, các trang giả mạo tạo niềm tin cho người dân và chạy quảng cáo, đăng tải các bài viết liên quan đến các nhu cầu của người dân để thôi thúc họ liên hệ, nhắn tin cho page giả mạo như: Trình báo các vụ việc, lấy lại tiền bị lừa đảo, tham gia các khoá huấn luyện…. Khi người dân có nhu cầu, đối tượng dẫn dụ nạn nhân cho số điện thoại và chuyển sang các app nhắn tin như zalo, telegram để che giấu hành tung, đồng thời tạo nhiều tài khoản giả mạo tham gia cùng để tạo hiệu ứng đám đông, tạo niềm tin cho nạn nhân. Tiếp đến, đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, không mất phí nhưng được trả số tiền nhỏ 20.000đ, 30.000đ, tiếp đến là các nhiệm vụ cần chuyển tiền để được hoàn tiền cao hơn và nạn nhân thực sự được hoàn tiền. Nhưng khi số tiền tăng dần thì chúng bắt đầu tìm các lí do để trì hoãn, yêu cầu nạn nhân chuyển thêm để được hoàn tiền nhiều hơn nếu không sẽ mất trắng. Do tin tưởng, nhiều người dân đã chuyển tiền và khi nhận ra lừa đảo thì lập tức bị chặn liên lạc.
Người dân sau khi bị lừa đảo lần 1, thậm chí còn tiếp tục bị lừa lần 2 khi tìm kiếm sự trợ giúp trên mạng và trình báo thông qua các page giả như Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ; Cục A05 tiếp nhận trình báo - hỗ trợ thu hồi vốn treo; Cục An ninh mạng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến…
Một trong những nguyên nhân khiến người dân dễ mắc bẫy lừa đảo là do không ngờ các đối tượng lừa đảo có thể ngang nhiên, công khai giả mạo các đơn vị Công an trên mạng xã hội. Số lượng người dân bị lừa đảo ngày càng nhiều với số tiền lớn, diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Để tránh bị lừa đảo, người dân cần cảnh giác trước các hình thức mạo danh các đơn vị của lực lượng CAND. Khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung tương tự như trên, cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp, yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Học viện CSND xin thông báo và đề nghị cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tích cực chia sẻ các thông tin cảnh báo giả mạo trên trang cá nhân, các hội nhóm đông thành viên ở các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để tham gia công tác tuyên truyền, lan toả thông tin, nâng cao cảnh giác đến đông đảo người dân, phòng, tránh nguy cơ mắc lừa bởi các trang giả mạo lực lượng CAND nói chung, giả mạo Học viện CSND và trại hè “Học làm chiến sĩ Công an” do Học viện tổ chức nói riêng.
Đến thời điểm hiện nay, Học viện Cảnh sát nhân dân có kênh thông tin chính thức là website: https://hvcsnd.edu.vn/ và chưa có fanpage trên Facebook.
Link facebook chính thức của Trại hè “Học làm chiến sĩ Công an” do Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tổ chức: https://www.facebook.com/hockycongant02