Nhìn ra thế giới
Thứ Năm, 30/11/2017 10:24'(GMT+7)

Cảnh sát Internet giúp giảm mạnh số vụ tội phạm mạng

Sĩ quan cảnh sát Internet Sergeant Marko Forss.

Sĩ quan cảnh sát Internet Sergeant Marko Forss.

Ngoài thiệt hại kinh tế lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm, các loại hình tội phạm trên mạng cũng nở rộ, muôn hình muôn vẻ như loại hình tội phạm truyền thống như đe dọa, tống tiền, khiêu dâm, đồi trụy… cho tới cả khủng bố. 

Các quốc gia trên thế giới vì thế đang khẩn trương tìm cách ứng phó với tội phạm mạng, trong đó lực lượng cảnh sát Internet ở Phần Lan là một minh chứng sống động. Hiệu quả trông thấy của lực lượng cảnh sát mới ở Phần Lan - cảnh sát Internet - đã giúp giảm rõ rệt số vụ tội phạm mạng tại quốc gia Bắc Âu này. 

Phát biểu với báo chí mới đây, ông Sergeant Marko Forss, người được xem là cảnh sát Internet đầu tiên của Phần Lan, cho rằng chỉ riêng sự hiện diện của lực lượng cảnh sát trên Internet đã có thể giúp giảm mạnh số vụ tội phạm mạng. 

Nhận định này được ông Forss đưa ra trên cơ sở thực tiễn và hiệu quả hoạt động trong các năm qua của cảnh sát Internet, một lực lượng cảnh sát mới ở Phần Lan. Có thể nói ông Forss ngẫu nhiên trở thành cảnh sát Internet từ tháng 9-2008 khi được giao trách nhiệm điều tra chủ yếu nhóm đối tượng dưới 18 tuổi. 

Do đối tượng điều tra dưới 18 tuổi trong thời buổi bùng nổ Internet nên thông tin ông Forss nhận được hàng ngày qua Internet, tin nhắn rất lớn mà một người không thể xử lý. Tính ra, trong 15 tháng đầu tiên sau khi nhận nhiệm vụ, ông Forss phải xử lý tới 35.000 tin nhắn, thư điện tử. 

Vì không thể giải quyết được khối lượng tin nhắn quá lớn này, sau 6 tháng, người sĩ quan cảnh sát này có thêm 2 đồng nghiệp hỗ trợ và do có hiệu quả rõ rệt nên số lượng cảnh sát Internet hiện nay ở Phần Lan, một quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp trên thế giới, đã lên tới 40 người.

Ông Forss cho biết, mỗi khi nhận được tin nhắn của ai đó về việc họ bị một kẻ côn đồ nào đó đe dọa, cảnh sát Internet sẽ hỏi thêm thông tin và nhắn tin cảnh báo kẻ côn đồ có hành vi đe dọa. Theo ông Forss, trong 95% trường hợp mà đa số là dưới 18 tuổi, chỉ cần một tin nhắn của cảnh sát là đủ để ngăn chặn hành động đe dọa. 

Theo thống kê, trong năm 2015, cảnh sát Internet Phần Lan đặt trụ sở tại Thủ đô Helsinki đã trả lời tổng cộng 3.200 thư điện tử và 5.700 tin nhắn qua mạng xã hội Facebook, trong đó hơn một nửa là trẻ vị thành niên. Cảnh sát Internet đã phải có các hành động với 300 trường hợp và xử lý 142 trường hợp có hành vi đe dọa thực sự.

Ở Phần Lan, cảnh sát Internet phải hoạt động dựa trên các quy định của luật pháp như các lực lượng cảnh sát khác. Ngoài ra, họ cũng phải duy trì trang cá nhân và phải đăng những thông báo liên quan các vấn đề mạng xã hội để giáo dục cư dân mạng về cách hành xử trên Internet. 

Hoạt động hiệu quả của cảnh sát mạng ở Phần Lan là một bài học kinh nghiệm quý với lực lượng cảnh sát quốc tế cũng như các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh tội phạm mạng phát triển tỷ lệ thuận với sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet cũng như mạng xã hội trên toàn cầu.

Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Ronald Noble cho biết, một trung tâm mới của Interpol đi vào hoạt động từ tháng 4-2015 tại Singapore nhằm tăng cường nỗ lực toàn cầu chống tội phạm Internet. 

Ông Noble nhấn mạnh, việc đào tạo lực lượng cảnh sát các nước thành viên đối phó với hình thức tội phạm trong thời đại mới là một phần quan trọng của trung tâm mới này. 

Australia sẽ đưa vào giảng dạy một chương trình đại học đầu tiên trên thế giới về phân tích tình báo trong cuộc chiến chống lại tội phạm mạng. Khóa học này được đưa ra sau khi xuất hiện các phương thức chuyển tiền tiên tiến mà các nhóm vũ trang và tội phạm có tổ chức đã sử dụng trong thời gian qua. Việc đưa ra chương trình đào tạo trên cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong việc siết chặt kiểm soát các phương thức chuyển tiền trong bối cảnh có những quan ngại rằng, các nhóm vũ trang và tội phạm có tổ chức đang sử dụng công nghệ như "trang web đen" và mã hóa tiền tệ để che giấu các khoản giao dịch.

Năm ngoái, Thủ tướng Turnbull đã tăng cường vai trò của cơ quan kiểm soát tiền tệ có tên là Trung tâm Phân tích và Báo cáo Giao dịch Australia (AUSTRAC) và nhất trí chia sẻ với Trung Quốc thông tin tình báo về tội phạm tài chính.

Vân Trường
Nguồn: Báo CAND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

(ANTV) - Trong thời đại số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến vì theo tác đơn giản và thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cũng không ngừng gia tăng. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng gần đây là cài đặt các dụng ứng dụng ngân hàng giả mạo để lừa đảo chuyển tiền.

Thư viện Ảnh

Mới nhất