Đại học 4.0
Thứ Năm, 14/11/2019 10:41'(GMT+7)

Chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 của Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

Ảnh minh họa (Nguồn: https://laodong.vn).

Ảnh minh họa (Nguồn: https://laodong.vn).

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã triển khai Dự án 211 và Dự án 985 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao, tập trung đổi mới công nghệ, bồi dưỡng nhân tài có khả năng sáng tạo và nâng cao năng lực tự đổi mới của các cơ sở giáo dục. Trong đó, Dự án 211 hướng tới xây dựng 100 trường đại học chất lượng cao, còn Dự án 985 đặt mục tiêu phát triển 10 - 12 trường đại học đẳng cấp thế giới.

Trong hai dự án, các trường đại học có thế mạnh về lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN) được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Tính đến năm 2014, đã có 112 trường đại học, cao đẳng tham gia vào Dự án 211, trong khi con số các trường và viện nghiên cứu tham gia Dự án 985 là 39. Các trường đại học thuộc Dự án 211 hiện nắm giữ 96% các phòng thí nghiệm trọng yếu và tiêu thụ 70% nghiên cứu khoa học của Trung Quốc mỗi năm. Trong giai đoạn đầu của Dự án 211 (1996 - 2000), gần 2,2 tỷ USD  đã được phân bổ cho các trường đại học[1].

Đến tháng 9/2017, Dự án 211 và Dự án 985 đã được thay thế bằng Dự án “Double First-class University” (tăng gấp đôi số lượng các trường đại học hàng đầu). Mục tiêu là đến năm 2050 có thể đưa nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo giáo dục bậc cao của Trung Quốc lên ngang tầm các trường đứng đầu thế giới. Hiện nay, có 42 trường đại học và 465 cơ sở đào tạo được tài trợ từ chương trình này. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giảng dạy, từ năm 2005, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn triển khai Dự án 111 nhằm hỗ trợ 100 trường đại học Trung Quốc thu hút 1.000 giảng viên nước ngoài vào giảng dạy. Dự án kéo dài 5 năm, với tổng kinh phí ban đầu là 600 triệu NDT[2].

Thu hút nhân tài từ nước ngoài

Vào cuối năm 2008, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra chương trình “1.000 talents” (1.000 nhân tài) với mục đích thu hút và hỗ trợ các nhân tài từ nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt, như dịch vụ và công nghệ cao, các phòng thí nghiệm khoa học trọng điểm, các dự án đổi mới thuộc mục tiêu phát triển quốc gia… Chính phủ Trung Quốc đưa ra mức thưởng lên tới 1 triệu NDT, cùng với nguồn vốn tài trợ nghiên cứu lên tới 5 triệu NDT. Ngoài ra, các đối tượng này còn được hưởng nhiều quyền lợi về chăm sóc sức khỏe, nhà ở và hỗ trợ pháp lý. Mức tài trợ ở các tỉnh và các trường đại học thậm chí cao gấp đôi so với ưu đãi ở cấp trung ương.

Cuối năm 2012, Trung Quốc còn triển khai chương trình “10.000 talents” (10.000 nhân tài) với mục tiêu là trong vòng 10 năm có thể thu hút được 10.000 nhân tài sáng giá nhất trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội đến Trung Quốc làm việc. Thông qua chương trình này, Trung Quốc hy vọng có thể đặt nền móng cho sự phát triển của ngành KHCN nước nhà và tập trung phát triển một nhóm các nhà khoa học có tiềm năng mang về các giải thưởng khoa học danh giá cho đất nước.

Đào tạo lao động tay nghề cao

Trung Quốc cũng đẩy mạnh các dự án đào tạo nhân tài trong nước. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc coi việc phát triển nguồn nhân lực gồm những tài năng trẻ và những người có khả năng sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực chủ chốt là KHCN - một trong những ưu tiên lớn để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế dựa vào đổi mới và sáng tạo.

Trong nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt các kế hoạch trao giải thưởng và trợ giúp thế hệ trẻ nhằm tạo điều kiện phát triển nhân tài. Chính phủ đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các sinh viên Trung Quốc đi du học nước ngoài, nhấn mạnh đến những ích lợi của nguồn nhân lực trí thức ưu tú và kêu gọi kinh phí hỗ trợ cho các sinh viên có nguyện vọng đi du học. Trung Quốc hiện nay là quốc gia đứng đầu trong số các nước có số lượng du học sinh nhiều nhất trên thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn thành lập các giải thưởng dành cho các học giả và nhà nghiên cứu tài năng như Giải thưởng Yangtze-River (hay Giải thưởng Trường Giang) dành cho các học giả; giải thưởng dành cho các giảng viên trẻ tài năng trong các trường đại học… Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13, Trung Quốc đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo được 1 triệu lao động có năng lực và kỹ thuật cao. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang trong quá trình thực hiện kế hoạch xây dựng 1.200 trung tâm đào tạo cho lao động có tay nghề trên khắp đất nước để đạt mục tiêu đào tạo 10 triệu nhân công lành nghề đến năm 2020.

Trung Quốc cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo được 10.000 nhà quản lý, có chiến lược và khả năng sáng tạo, có nhận thức ở phạm vi quốc tế, trong các lĩnh vực như lập kế hoạch chiến lược, triển khai nguồn vốn, kiểm soát chất lượng, quản lý nguồn nhân lực, tài chính, kế toán và luật pháp.

Phân bổ nguồn nhân lực giữa các vùng miền và chính sách thu hút nhân tài của chính quyền địa phương

Trung Quốc hiện nay phải đối mặt với tình trạng phát triển mất cân đối giữa các vùng miền. Trong khi khu vực duyên hải phía Đông, đặc biệt là vùng đồng bằng Châu Giang có trình độ phát triển cao, các tỉnh phía Tây và Tây Nam lại kém phát triển và có mức độ đô thị hóa tương đối thấp. Để giải quyết tình trạng này, Trung Quốc đã triển khai các chương trình trao đổi nhân lực giữa khu vực duyên hải phía Đông với các tỉnh miền Trung, miền Tây. Việc hỗ trợ thu hút nhân tài đến khu vực miền Tây và biên giới được coi là một trong 3 ưu tiên lớn nhất trong chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 của Trung Quốc.

Các tỉnh miền Trung và miền Tây cũng đang dần chủ động hơn trong việc thu hút nhân tài đến khu vực này. Năm 2015, thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên) đã đưa ra Kế hoạch hành động Tianfu giai đoạn 2015 - 2025 với một loạt chính sách hỗ trợ về vốn, dịch vụ công và thủ tục hành chính. Tỉnh Vân Nam cũng đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ để thu hút nhân tài từ năm 2014. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ thu hút nhân tài đến các tỉnh thành kém phát triển hơn của Trung Quốc, từ đó giải quyết tình trạng mất cân xứng về khả năng cạnh tranh và trình độ phát triển giữa các vùng miền.

Đến nay, các chính sách thu hút nhân tài, cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực KHCN đã tạo ra những thay đổi kinh tế - xã hội tích cực tại Trung Quốc. Một số trường đại học Trung Quốc hiện đã nắm giữ các thứ hạng tương đối cao trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu châu Á, như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Năm 2016, Trung Quốc có tổng cộng 545.000 sinh viên học tập tại nước ngoài, và 433.000 người trong số họ đã trở về quê hương sau khi tốt nghiệp, tăng 58,6% so với năm 2012. Số lượng du học sinh về nước gia tăng giúp Trung Quốc giải quyết tình trạng chảy máu chất xám vốn rất trầm trọng trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI[3].

Những thành tựu mà Trung Quốc đạt được có sự đóng góp rất lớn nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao mà nước này thu hút được trong thời gian gần đây. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018, Trung Quốc xếp thứ 28 trên thế giới về đổi mới và sáng tạo. Trong Báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2017, Trung Quốc đứng thứ 22/127 và là quốc gia có thu nhập trung bình duy nhất trong số 25 quốc gia có thứ hạng cao nhất.

Tính đến năm 2016, Trung Quốc đã có hơn 1 triệu bằng sáng chế, mang lại nguồn thu hơn 1 nghìn tỷ NDT. Trong năm 2017, đóng góp của các tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế đạt 57,5%. Hiện nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới trong các ngành như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ tài chính và đang tập trung đẩy mạnh các ngành công nghệ cao khác như trí tuệ nhân tạo và hàng không vũ trụ[4].

Một số kinh nghiệm đối với Việt Nam trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thứ nhất, cải thiện trình độ chuyên môn và kỹ thuật cho lao động Việt Nam thông qua đổi mới hệ thống giáo dục.

Để cải thiện chất lượng cho lao động Việt Nam, ngành giáo dục - đào tạo cần phải có những đổi mới sâu rộng trên nhiều cấp học. Với giáo dục phổ thông, cần cải cách nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tăng thời gian thực hành, nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ cho học sinh.

Ngoài ra, cần thành lập các trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật cao tại các tỉnh, thành phố trên cả nước để đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành kỹ thuật trong tương lai. Bên cạnh đó, đào tạo đại học và sau đại học cũng cần được cải thiện theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Cần đổi mới phương thức giảng dạy theo hướng thực hành nhiều hơn, tạo điều kiện cho các chương trình trao đổi quốc tế, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với các môi trường nghiên cứu tiên tiến và hiện đại.

Tăng cường thu hút các giảng viên, nhà nghiên cứu uy tín nước ngoài đến giảng dạy và làm việc tại các trường đại học trong cả nước. Chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực KHCN, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của một nền kinh tế tri thức trong tương lai.

Thứ hai, đẩy mạnh thu hút nhân tài từ nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Hiện nay, trình độ công nghệ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới, vì vậy, việc thu hút các học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài và các du học sinh Việt Nam từng học tập tại các cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới trở về Việt Nam làm việc sẽ có ý nghĩa rất lớn trong quá trình học hỏi và phát huy thành tựu của các công nghệ tiên tiến tại Việt Nam. Để làm được điều này, chúng ta cần cải thiện môi trường làm việc tại Việt Nam theo hướng năng động và sáng tạo hơn.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần triển khai các chính sách riêng nhằm thu hút các nhân tài từ nước ngoài đến làm việc tại địa phương mình, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh vùng của từng tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thứ ba, tăng cường khả năng quản lý cho các doanh nhân và nhà điều hành doanh nghiệp trên cả nước. Tập trung phát triển khả năng sáng tạo và tầm nhìn quốc tế của những người chủ doanh nghiệp, giúp họ phát triển các chiến lược kinh doanh có hiệu quả dài hạn, có thể vươn tầm đến phạm vi quốc tế. Ngoài ra, phương thức quản lý cũng có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường làm việc và mức độ cống hiến của nhân viên.

Để làm được điều này, Chính phủ và chính quyền địa phương cần triển khai các chương trình nâng cao kỹ năng cho các doanh nhân và nhà quản lý doanh nghiệp, khuyến khích họ xây dựng một môi trường làm việc sáng tạo nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh doanh tích cực.

Thứ tư, tăng cường kết nối giữa các trường đại học và cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều trường đại học ở Việt Nam còn đối mặt với tình trạng đào tạo tràn lan, số lượng sinh viên tốt nghiệp rất nhiều nhưng không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tập trung sang các ngành công nghệ và kỹ thuật cao, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng.

Các trường đại học và doanh nghiệp có thể tiếp tục liên kết, phối hợp xây dựng chương trình giảng dạy, thực hiện các công trình nghiên cứu, triển khai các chương trình thực tập và giới thiệu việc làm cho sinh viên. Điều này không chỉ giúp đổi mới nội dung giảng dạy và tạo ra nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà còn giúp nâng cao chất lượng nhân lực theo hướng phù hợp với bối cảnh thực tế hơn./.

 

Chú thích:
1. Li Lixu. “China’s Higher Education Reform 1998-2003: A Summary,” Asia Pacific Education Review 5, No. 1, 2004, 14-22.
2. Phạm Thái Quốc. Đổi mới mô hình đào tạo đại học và xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Trung Quốc. Viện Nghiên cứu Trung Quốc, http://vnics.org.vn.
3. Bộ Giáo dục Trung Quốc, “2016
年度我国出国留学人员情况统计” (Thống kê số lượng du học sinh Trung Quốc năm 2016), http://www.moe.gov.cn, ngày 01/3/2017.
4. Wang Tao (2017), “2017
年中国科技进步对经济增长贡献率或达57.5%” (Năm 2017, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể đạt 57,5%), http://news.cri.cn, ngày 26/12/2017.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất