Hoạt động của Ngành
Thứ Sáu, 9/8/2024 10:46'(GMT+7)

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Hội nghị DGICM lần thứ 27

Với chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam có bốn kỳ vọng lớn. Trong đó, Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình DGICM, làm cho hợp tác DGICM thực chất và hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen phát triển, DGICM cần tìm kiếm động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực.

Diễn đàn trao đổi thông tin

Theo thông lệ của DGICM, nước đăng cai sẽ tổ chức các cuộc họp trong quá trình diễn ra hội nghị bao gồm: Diễn đàn Những người đứng đầu cửa khẩu chính ASEAN, cuộc họp Những người đứng đầu đơn vị phòng, chống đưa người di cư trái phép lần thứ 3; diễn đàn trao đổi thông tin xuất nhập cảnh ASEAN; hội Những người đứng đầu cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN; cuộc họp Tham vấn DGICM - Úc; Cuộc họp Tham vấn DGICM +3 (Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Các đơn vị liên quan họp bàn triển khai công tác phối hợp đảm bảo ANTT Hội nghị DGICM lần thứ 27.

Các đơn vị liên quan họp bàn triển khai công tác phối hợp đảm bảo ANTT Hội nghị DGICM lần thứ 27.

Theo đó, vấn đề nhập cư là nội dung xuyên suốt được bàn bạc qua các kỳ hội nghị, DGICM lần thứ 4 năm 2000 đã phê chuẩn thông qua khuôn khổ thể chế cho hợp tác ASEAN về vấn đề nhập cư, Chương trình, kế hoạch hành động về vấn đề nhập cư với mục đích chung cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực xuất nhập cảnh và lãnh sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước ASEAN đi lại giữa các nước trong khối; chính sách pháp luật xuất nhập cảnh của mỗi nước, cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin về xuất nhập cảnh; hợp tác trong phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm xuyên quốc gia (khủng bố, buôn bán người, đặc biệt là buôn bán trẻ em…) cũng được bàn bạc, thảo luận tại các kỳ Hội nghị DGICM.

Năm 2003, tại DGICM lần thứ 7, đoàn đại biểu Việt Nam đã đưa ra sáng kiến xây dựng “Hiệp định khung ASEAN về miễn thị thực” được hội nghị đánh giá cao và nhất trí báo cáo lên Ủy ban Thường trực ASEAN xem xét trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN. Đây là lần đầu tiên một sáng kiến đưa ra được Hội nghị thông qua ngay, sáng kiến này được các đoàn đại biểu hưởng ứng, từ đây về sau nhiều nước có bước tiến cụ thể về việc miễn thị thực cho công dân của nhau. Ứng dụng công nghệ sinh trắc học, cửa kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các biện pháp ngăn chặn từ xa như: dự án thông tin trước về hành khách, nhận dạng mặt người tại các cửa khẩu, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quản lý xuất nhập cảnh đã được bàn bạc, trao đổi tại DGICM 10. Đến nay, xuất nhập cảnh Việt Nam đã và đang triển khai ứng dụng và đạt được kết quả đáng kể: cấp hộ chiếu phổ thông qua dịch vụ công trực tuyến, cấp thị thực điện tử, khai báo tạm trú qua môi trường điện tử internet, cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động (Autogate).

Chủ đề được tập trung nhiều tại các Hội nghị DGICM là vấn đề xem xét các biện pháp nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện Chương trình công tác nhằm thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về vấn đề nhập cư; kinh nghiệm trong nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý nhập cư và tăng cường hợp tác các vấn đề nhập cư giữa các nước thành viên; những khó khăn thách thức và cập nhật những diễn biến quan trọng của quốc gia về vấn đề nhập cư; cơ chế miễn thị thực cho công dân ASEAN có hộ chiếu phổ thông đã được triển khai hầu hết ở các nước thành viên ASEAN vào năm 2011, Hiệp định khung ASEAN về miễn thi thực cho công dân ASEAN đã được phê chuẩn vào ngày 16/11/2015 và ngày 15/5/2014 tại Hội nghị DGICM lần thứ 18 Brunei.

Vấn đề điều phối hợp tác khu vực về các vấn đề nhập cư và lãnh sự nhằm đạt được các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN là nội dung xuyên suốt được thảo luận, bàn bạc thống nhất tại mỗi Hội nghị DGICM. Bên cạnh đó, diễn đàn trao đổi thông tin xuất nhập cảnh (AIIF) đến nay đã diễn ra 18 hội nghị, cơ chế tổ chức hằng năm và nguyên tắc khung trao đổi nghiệp vụ xuất nhập cảnh trong các nước ASEAN. AIIF nhấn mạnh sự hợp tác song phương và khu vực trong lĩnh vực nhập cư, gian lận thị thực, giấy thông hành, quản lý biên giới và phương thức hoạt động của mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia trong hoạt động đưa người di cư trái phép và buôn bán người. Các diễn đàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo về nhập cư giữa các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt trong việc giải quyết vấn đề đưa người trái phép và các tội phạm xuyên quốc gia khác liên quan đến nhập cư.

Qua các cuộc hội đàm, các thành viên AIIF cũng nhận thức thực tế rằng sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi nới lỏng biên giới, khu vực sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN, từ đó AIIF cũng đưa ra các khuyến nghị và các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN, cập nhật việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị định thư về chia sẻ thông tin xuất nhập cảnh. Đáng lưu ý tại DGICM 12, trong phiên họp mở INTERPOL đã khuyến nghị các nước thành viên ASEAN cần sớm tận dụng dữ liệu sẵn có về hộ chiếu, giấy tờ mất để phát hiện đối tượng sử dụng hộ chiếu giả. Tại diễn đàn AIIF đoàn đại biểu Việt Nam đã đề xuất thiết lập đường dây nóng, hoạt động 24/24h, để kịp thời chia sẻ thông tin xuất nhập cảnh giữa các nước trong khối, xử lý thông tin tức thời tại cửa khẩu đối với đối tượng sử dụng hộ chiếu giả xuất phát từ 1 trong 10 nước ASEAN đã được Diễn đàn đồng tình ủng hộ.

Trong diễn đàn Những người đứng đầu cửa khẩu chính ASEAN (AMICF), những kinh nghiệm trong việc quản lý các cửa khẩu lớn ASEAN và các giải pháp tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý cửa khẩu…, nhiều nội dung quan trọng cũng được thành viên họp bàn trao đổi, thảo luận kinh nghiệm kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu lớn trong ASEAN. Nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý cửa khẩu đã được các thành viên vận dụng đạt hiệu quả cao.

Tại cuộc họp Tham vấn DGICM - Úc; Cuộc họp Tham vấn DGICM +3 (Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), các nước chia sẻ thông tin xuất nhập cảnh, trao đổi kinh nghiệm quản lý xuất nhập cảnh, lãnh sự và quản lý biên giới các nước thành viên ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ cuộc họp này đã đặt nền móng cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là trong việc hỗ trợ lẫn nhau nỗ lực chống di cư trái phép và tội phạm xuyên quốc gia.

Ngoài ra, hoạt động chống khủng bố được đề cao trong chương trình nghị sự của Hội nghị DGICM lần thứ 6 năm 2002 tại Thái Lan và các hội nghị gần đây, với trách nhiệm trong việc bảo vệ biên giới trước sự di chuyển của những đối tượng khủng bố; những vấn đề liên quan đến chống tội phạm xuyên quốc gia như: mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em... Nhiều nội dung quan trọng được các thành viên Hội nghị DGICM bàn bạc, thống nhất cho thấy vai trò quan trọng của DGICM không chỉ trong việc ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia mà còn tạo điều kiện và thúc đẩy sự di chuyển của khách du lịch, doanh nhân và những người có chuyên môn trong khu vực.

Bảo hộ các công dân

Về công tác lãnh sự, hiện nay, có khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, gần 1 triệu người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, du học sinh học tập ở nước ngoài; hằng năm có khoảng 10 triệu lượt công dân Việt Nam ra nước ngoài  du lịch, học tập, làm việc… Việt Nam có khoảng 93 cơ quan đại diện tại 71 quốc gia/lãnh thổ.

Thời gian gần đây, Việt Nam thường xuyên, tích cực phối hợp với các quốc gia trong khu vực về công tác bảo hộ công dân. Đối mặt với vấn nạn lừa đảo cưỡng bức lao động, “việc nhẹ lương cao” xảy ra trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã giải cứu, bảo hộ các nạn nhân là công dân Việt Nam cũng như công dân một số nước trong khu vực. Hiện Chính phủ Việt Nam có Quỹ Bảo hộ công dân sử dụng trong trường hợp đặc biệt. Lãnh sự Việt Nam cũng luôn quan tâm, kịp thời thông báo cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về các trường hợp công dân nước ngoài bị bắt giữ, bị nạn, bị chết tại Việt Nam.

Chú trọng trao đổi với các nước để thiết lập cơ chế tạo điều kiện đi lại cho công dân của nhau. Đến nay, lãnh sự Việt Nam đã ký kết điều ước song phương với hơn 90 nước về miễn thị thực, đại đa số là miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; đã ký kết Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với 15 nước. Đối với các nước trong khu vực thời gian gần đây Việt Nam đã đàm phán, sửa đổi Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với Myanmar (2013,2019), Hiệp định miễn thị thực với Brunei (2023).

Tham gia và đóng góp tích cực trong các tiến trình quốc tế, khu vực về di cư, trong đó đặc biệt ngày càng phát huy vai trò tại Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm quốc gia có liên quan, lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị quan chức cấp cao Nhóm Công tác Tiến trình Bali vào năm 2019. Thường xuyên thắt chặt hợp tác quốc tế về lãnh sự, tạo điều kiện nhất cho cán bộ ngoại giao, cán bộ lãnh sự và cán bộ Nhà nước của các nước trong khu vực công tác thuận lợi tại Việt Nam. Duy trì cơ chế tham vấn về lãnh sự với Bộ Ngoại giao nhiều nước trên thế giới như: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công tác lãnh sự, bảo hộ công dân là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ.

Vinh dự được tham gia phục vụ hội nghị

“Được tham gia Hội nghị DGICM lần thứ 27, với vai trò là cán bộ lễ tân phục vụ hội nghị, tôi cảm thấy vinh dự và tự hào, khi được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình cho chương trình mang tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực ASEAN về lĩnh vực xuất nhập cảnh. Thông qua hội nghị, tôi tin tưởng rằng sẽ góp phần nâng cao vai trò tích cực của nước chủ nhà trong xây dựng một ASEAN thống nhất, đoàn kết, phát triển bền chặt và toàn diện trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự; nâng cao hình ảnh của Cục Quản lý xuất nhập cảnh nói riêng và CAND Việt Nam nói chung”- Đại uý Phạm Phương Thảo, cán bộ Phòng Tham mưu Tổng hợp, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết.

Đại uý Phạm Phương Thảo, cán bộ Phòng Tham mưu Tổng hợp, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (giữa).

Đại uý Phạm Phương Thảo, cán bộ Phòng Tham mưu Tổng hợp, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (giữa).

Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Đại uý Phạm Phương Thảo đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tổ chức Hội nghị DGICM thành công. Là cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, trước đó, chị đã cố gắng tập trung tìm hiểu thông tin xung quanh hội nghị, nâng cao kiến thức về lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh cũng như tìm hiểu về các nước ASEAN tham dự hội nghị. Đại uý Phạm Phương Thảo cho biết: “Với nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ là cầu nối với nước bạn, không chỉ trao đổi các kiến thức liên quan đến xuất nhập cảnh mà còn là kênh thông tin trực tiếp giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước qua những chương trình như thế này thật sự là cơ hội cho những thanh niên trẻ chúng tôi”.

Bên cạnh kiến thức chuyên ngành thì tiếng Anh cũng là một điều kiện cần thiết. Vì thế, chị Thảo đã tập trung ôn tập mỗi ngày qua các bộ phim hay kênh youtube bằng tiếng Anh để ngữ điệu phát âm đạt chuẩn hơn, đề tài giao tiếp cũng trở nên phong phú hơn. Đại uý Phạm Phương Thảo nhớ lại: “Khi biết mình có tên trong danh sách phỏng vấn, tôi vừa vui mừng vừa có chút lo lắng… Buổi phỏng vấn hôm đó gồm các câu hỏi bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ban giám khảo là những đồng chí lãnh đạo kì cựu của đơn vị. Với sự cố gắng của bản thân, tôi đã có tên trong danh sách 50 cán bộ lễ tân, sĩ quan liên lạc của Hội nghị DGICM lần thứ 27”.

Trải qua 1 khoá học tiếng Anh chuyên ngành, tiếp theo chị và đồng đội sẽ tham dự đợt tập huấn dành cho đội ngũ lễ tân, sĩ quan liên lạc để tăng cường kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc nhóm. Nhiệm vụ của chị trong Hội nghị DGICM lần thứ 27 là hỗ trợ khu vực báo chí, hỗ trợ sắp xếp tài liệu, tham gia các đoàn đón tiễn và tuyên truyền về hội nghị trên các kênh thông tin truyền thông trong và ngoài ngành. Việc tham gia DGICM lần thứ 27 thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh nói riêng và CAND nói chung; đồng thời là cơ hội nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự. Bởi vậy, dù là lễ tân hay sĩ quan liên lạc, 50 cán bộ được lựa chọn vẫn luôn tập trung cao độ, nỗ lực hết mình để đạt được hiệu quả cao nhất.

“Tôi và đồng đội mong rằng Hội nghị DGICM lần thứ 27 sẽ thành công rực rỡ, đúng với mục đích của hội nghị là tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm để áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác xuất nhập cảnh và lãnh sự của mỗi quốc gia"- Đại uý Thảo chia sẻ.

Trương Lan Ngọc, sinh viên năm 2, Học viện An ninh nhân dân cho biết, ngay khi có thông báo về việc tuyển chọn đội ngũ sĩ quan liên lạc phục vụ Hội nghị DGICM của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Học viện An ninh nhân dân đã lựa chọn những sinh viên ưu tú của các khoá thuộc hệ trinh sát chất lượng cao để tham gia phỏng vấn tại vòng tuyển chọn của Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Đây là hội nghị lớn mang tầm quốc tế và đội ngũ sĩ quan liên lạc - lễ tân ngoại giao chính là bộ mặt của Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, chính vì vậy mà việc tuyển lựa ứng cử viên sẽ càng khắt khe hơn. Ứng cử viên không chỉ có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt mà còn phải được trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng thiết yếu khác để có thể giải quyết kịp thời, linh hoạt những tình huống có thể sẽ xảy ra trong suốt quá trình diễn ra hội nghị và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Khi biết mình được Cục Quản lý xuất nhập cảnh lựa chọn làm sĩ quan liên lạc trong số rất nhiều ứng cử viên sáng giá khác, Lan Ngọc cảm thấy tự hào… Bên cạnh đó, Lan Ngọc cũng cảm thấy có đôi chút lo lắng và áp lực về việc mình có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà lãnh đạo Cục giao cho ngay trong lần đầu tiên làm sĩ quan liên lạc hay không. Biết rõ điểm mạnh cũng như những khía cạnh mà mình còn hạn chế nên trong suốt quá trình tập huấn tại Cục, Lan Ngọc đã tích cực học hỏi những kinh nghiệm và kiến thức từ các anh chị đi trước. Đồng thời, Lan Ngọc cũng tự nghiên cứu các tài liệu, sách báo có liên quan để am hiểu sâu sắc và toàn diện hơn nữa về hội nghị lần này. Bên cạnh đó, trong quãng thời gian được nghỉ hè, Lan Ngọc cũng tích cực tham gia các chương trình tình nguyện để nâng cao hơn nữa khả năng thích ứng và kỹ năng giải quyết vấn đề của mình.

“Với tôi đây là một trong những trải nghiệm đáng giá của cuộc đời mình và cũng là niềm tự hào to lớn khi có được cơ hội quý giá đến như vậy. Tôi tin rằng, với những kiến thức, kinh nghiệm đã học hỏi được, cùng với lòng nhiệt huyết, sức trẻ, tôi và các bạn cũng như các anh chị cán bộ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và có nhiều kỷ niệm thật đẹp tại hội nghị”- học viên Lan Ngọc cho biết.

 

Nguồn Báo Công an nhân dân điện tử

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất