Trên cơ sở đó, ngày 13/01/2010, Học viện CSND đã xây dựng Kế hoạch số 81/KH-T32-QLĐT về tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ tại Học viện CSND. Học viện đã tiến hành rà soát, chuyển đổi chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành đang tổ chức đào tạo từ hệ thống niên chế sang hệ thống tín chỉ để áp dụng cho khóa tuyển sinh đại học hệ chính quy từ năm học 2010 - 2011.
Tiếp đó, thực hiện Kế hoạch số 221/KH-BCA-X11 ngày 13/09/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an về thực hiện rút ngắn thời gian đào tạo trình độ đại học trong các học viện, trường đại học CAND từ 5 năm xuống 4 năm, Học viện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 1296/KH-T32-QLĐT ngày 04/10/2012 về thực hiện rút ngắn thời gian đào tạo đại học hệ chính quy từ 5 năm xuống 4 năm.
Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, giáo trình, tài liệu dạy học có vai trò hết sức quan trọng. Đặc điểm cơ bản của việc học tập theo hệ thống tín chỉ là học viên phải tự học nhiều. Giờ tín chỉ được tính ngoài giờ lên lớp, còn có giờ dự kiến làm bài tập và tự học, tự nghiên cứu tài liệu ở nhà. Giờ giảng của giảng viên ít hơn so với cách học truyền thống, giảng viên chủ yếu đóng vai trò là người hướng dẫn, cố vấn, thúc đẩy việc tự học của học viên, giúp học viên hình thành kỹ năng tự học. Học chế tín chỉ đặt ra những yêu cầu về phía người dạy và người học trong thời gian làm việc ngoài giờ trên lớp như sau: Về phía học viên, thời gian tự học tùy vào khả năng học tập của mỗi học viên, nhưng nhìn chung một giờ lên lớp đòi hỏi học viên phải có 2 hoặc 3 giờ nghiên cứu tài liệu, tự học, chuẩn bị bài, làm bài tập… ở nhà, ở thư viện... Về phía giảng viên phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật nội dung, đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá … Số tiết giảng ít hơn nhưng đòi hỏi hiệu quả giảng dạy phải cao hơn. Với điều kiện, phương tiện giảng dạy tốt hơn, giảng viên cần đầu tư thời gian nghiên cứu tài liệu, viết giáo trình, tài liệu tham khảo, hướng dẫn, chấm bài, sửa bài cho học viên. Để đáp ứng dạy và học theo phương thức đào tạo tín chỉ, cần có hệ thống học liệu đầy đủ, phong phú phục vụ cho quá trình tự học, tự nghiên cứu của cả giảng viên và học viên.
Xác định được vai trò của giáo trình, tài liệu dạy học trong đào tạo tín chỉ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, xác định công tác này là khâu đột phá của năm học 2013 - 2014 và năm học 2014 - 2015. Giám đốc Học viện đã thành lập Ban Chỉ đạo và ký Kế hoạch số 1461/KH-T32-NCKH ngày 11/11/2013 tổ chức biên soạn giáo trình dùng cho hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ thời gian 4 năm. Các đơn vị giảng dạy đã tiến hành rà soát lại hệ thống giáo trình, tập bài giảng đang sử dụng giảng dạy cho hệ 5 năm còn sử dụng được cho hệ 4 năm, đồng thời xác định những giáo trình cần chỉnh lý và biên soạn mới. Kết quả rà soát: có 184 giáo trình đang sử dụng cho hệ 5 năm còn sử dụng được cho hệ 4 năm, cần chỉnh lý 35 giáo trình và biên soạn mới 95 giáo trình, 13 tập bài giảng để sử dụng cho đào tạo đại học chính quy theo hệ thống tín chỉ thời gian 4 năm. Đối với các giáo trình biên soạn mới, Ban Giám đốc Học viện đã ký hợp đồng biên soạn từng giáo trình với Ban Biên soạn và lãnh đạo đơn vị biên soạn. Các đơn vị đã triển khai biên soạn và cơ bản hoàn thành vào năm học 2015 - 2016.
Cùng với kế hoạch biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, Học viện đã quan tâm hoàn thiện các quy định về quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đi vào nền nếp. Giám đốc Học viện đã ký Quyết định số 867/QĐ-T32-QLKH ngày 4/6/2014 ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện CSND; Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học cũng đã xây dựng Hướng dẫn số 97/HD-QLKH ngày 15/2/2014 về hướng dẫn biên soạn giáo trình.
Ngoài hệ thống giáo trình, Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo các đơn vị giảng dạy còn quan tâm biên soạn hệ thống tài liệu như sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách hướng dẫn, sưu tập văn bản pháp quy, hồ sơ vụ án, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề, sưu tập và dịch tài liệu nước ngoài... làm tài liệu giảng dạy, học tập. Giám đốc Học viện đã chỉ đạo biên soạn 17 cuốn sách chuyên khảo. Các bộ sách Tội phạm học Việt Nam, Khoa học Hình sự Việt Nam đã biên soạn xong và đưa vào sử dụng, hiện nay đang khẩn trương hoàn thành Bộ sách Khoa học Công an Việt Nam để kịp chào mừng 70 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Đến nay, trừ một số khoa mới được thành lập, và một số môn học mới đưa vào giảng dạy, về cơ bản hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập theo hệ thống tín chỉ. Chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của Học viện CSND cũng còn những tồn tại hạn chế như: Một số đơn vị còn nhiều giáo trình chậm tiến độ biên soạn, chỉnh lý; còn có môn học chưa có giáo trình giảng dạy; một số giáo trình chất lượng chưa cao, còn sơ sài; chưa triển khai biên soạn giáo trình điện tử, còn ít phim giáo khoa, giáo trình thực hành; tiến độ, chất lượng in ấn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ta; hệ thống tài liệu tham khảo chưa phong phú, đa dạng, chất lượng còn hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế trên do một số nguyên nhân cơ bản sau:
Đội ngũ giảng viên của Học viện còn thiếu, chưa đáp ứng quy mô công việc hiện nay, nhiều giảng viên đang vừa làm vừa học, công việc quá tải nên chưa có thời gian thỏa đáng dành cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Do chuyển giao thế hệ nên hiện nay đa số là giảng viên trẻ, trình độ kinh nghiệm biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học còn hạn chế.
Điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, kinh phí dành cho công tác biên soạn giáo trình còn hạn chế, chưa hợp lý, chưa động viên khuyến khích thoả đáng cho công tác này.
Một số đơn vị, cá nhân chưa quan tâm đúng mức, chưa tâm huyết với công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Chưa có những biện pháp quyết liệt để thúc đẩy công tác biên soạn giáo trình, xử lý những đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Để thúc đẩy công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của Học viện CSND trong thời gian tới, Học viện, các đơn vị giảng dạy và đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cần quan tâm thực hiện những nội dung cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, Cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị giảng dạy đối với công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Các đơn vị giảng dạy, các ban Biên soạn cần tập trung thực hiện theo đúng hợp đồng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đã ký với Ban Giám đốc Học viện. Ban Giám đốc Học viện phụ trách các đơn vị giảng dạy, Cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị giảng dạy cần thường xuyên chỉ đạo sát sao công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này, đặc biệt là đảm bảo chất lượng và tiến độ biên soạn. Kế hoạch biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học phải được xây dựng và thực hiện nghiêm túc, kiểm điểm hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, từng kỳ học, năm học.
Hai là, các đơn vị giảng dạy cần quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức, đầu tư đào tạo năng lực viết giáo trình cho đội ngũ giảng viên.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trong công tác biên soạn giáo trình tài liệu dạy học. Xác định rõ giáo trình, tài liệu dạy học là công cụ, phương tiện, nguyên liệu của quá trình dạy học, thể hiện chất lượng, uy tín của Học viện, của khoa, bộ môn cũng như cá nhân người giảng viên. Công tác này cần được quan tâm đầu tư thoả đáng, giảng viên phải là người tâm huyết với việc biên soạn, sưu tầm giáo trình, tài liệu dạy học. Lãnh đạo đơn vị, chủ biên cần làm hết trách nhiệm, quan tâm đào tạo, hướng dẫn các giảng viên trẻ lựa chọn nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu viết giáo trình, tài liệu dạy học; truyền cho họ lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề nghiệp. Từng cán bộ giảng viên cần không ngừng học tập nâng cao trình độ, kỹ năng biên soạn, thu thập, tích luỹ thông tin, tài liệu, nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Khai thác kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học sử dụng cho biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Các đề tài nghiên cứu khoa học của các đơn vị giảng dạy trước hết cần tập trung nghiên cứu những vấn đề mới phục vụ cho công tác giảng dạy và biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Cần huy động đội ngũ giảng viên thỉnh giảng tham gia viết giáo trình để giáo trình đảm bảo tính thực tiễn, tính cập nhật.
Ba là, các đơn vị giảng dạy cần rà soát, bổ sung, cập nhật, làm phong phú hệ thống giáo trình tài liệu cho từng môn học.
Thường xuyên rà soát để cập nhật, chỉnh lý những giáo trình đã lạc hậu. Nghiên cứu triển khai biên soạn giáo trình điện tử; tăng cường biên soạn giáo trình thực hành, phim giáo khoa; sưu tầm và dịch tài liệu nước ngoài, đặc biệt là những tài liệu có tính lý luận cao, những tài liệu về phương pháp, kinh nghiệm đấu tranh với các loại tội phạm phi truyền thống; sưu tập hệ thống các văn bản pháp luật, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề, hồ sơ chuyên đề, hồ sơ vụ án của các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho giảng viên và học viên.
Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, có chế độ chính sách thoả đáng cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Đối với những giáo trình, tài liệu không thuộc danh mục tài liệu mật thì bán cho học viên để có kinh phí đầu tư cho công tác in ấn, trả thù lao biên soạn cho tác giả và hỗ trợ cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Tạo điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho giảng viên thực hiện nhiệm vụ biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thành lập Nhà Xuất bản Học viện CSND. Đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả in ấn giáo trình, khai thác giáo trình, tài liệu dạy học của Học viện; tăng cường số hoá tài liệu, nâng cao hiệu quả tìm kiếm, khai thác tài liệu trong hệ thống mạng Lan của Học viện để phục vụ tốt nhất cho giảng viên và học viên nghiên cứu tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập.
Năm là, tăng cường quản lý công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định, quy trình công tác quản lý giáo trình, tài liệu dạy học, sử dụng công cụ quản lý để thúc đẩy công tác này. Cơ quan quản lý cần tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học; tham mưu cho Ban Giám đốc Học viện lựa chọn được các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết và có điều kiện tham gia biên soạn, hội thảo, thẩm định nghiệm thu giáo trình, tài liệu dạy học.
Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt, có ý nghĩa tham khảo cho các môn học, cần cho phép xuất bản thành tài liệu tham khảo.
Động viên khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân biên soạn được những giáo trình, tài liệu dạy học có chất lượng tốt, đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời cũng có biện pháp kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
TS. PHẠM XUÂN ĐỊNH - Phó trưởng phòng Quản lý NCKH - Học viện CSND
Nguồn: Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 5+6/2015