Đối với Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo và các điều kiện đảm bảo thực hiện đào tạo theo tín chỉ, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học của nhà trường, từng bước đưa chất lượng đào tạo ở Học viên CSND ngày càng phát triển. Nhìn lại hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo cho thấy:
- Kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo
Đây là khâu có liên quan đến chất lượng đào tạo, do vậy, nội dung kiểm tra, đánh giá chủ yếu tập trung vào cơ sở vật chất phục vụ dạy - học; các phòng học chuyên dùng; đồ dùng dạy học của các khoa, bộ môn, phòng, trung tâm; giáo trình, tài liệu phục vụ học tập; điều kiện sân bãi, thao trường, bể bơi… Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy các điều kiện đảm bảo ở Học viện đã được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các điều kiện đảm bảo hiện nay đang được đầu tư theo hướng gắn với thực tiễn chiến đấu và công tác thực tế của lực lượng CSND.
- Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy - học
Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy - học là nội dung quan trọng. Trong đó, đối tượng là hoạt động của giảng viên và học viên. Đối với giảng viên lên lớp cần chấp hành quy định của Học viện như: chuyển đề cương môn học cho học viên; việc trang bị giáo trình, tài liệu giảng dạy; các phương tiện đồ dùng dạy học… Đối với học viên phải chấp hành quy chế học tập như: công tác chuẩn bị bài tập ở nhà, vở ghi, tài liệu, giáo trình, sách tham khảo mang theo, ý thức học tập… Việc chấp hành quy chế, chế độ, nội quy hoạt động dạy học trong giai đoạn hiện nay của giảng viên đã đi sâu cải tiến phương pháp dạy học mới theo hệ thống tín chỉ; đã tập trung vào chọn các chủ đề khoa học, hướng dẫn tài liệu cho học viên; học viên tự thảo luận, giảng viên giải đáp. Học viên đã dần đổi mới cách học cho phù hợp với phương pháp mới.
- Về công tác thanh tra, giám sát, đánh giá thi kết thúc học phần
Đây là khâu quan trọng được thực hiện trong suốt quá trình giảng dạy, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy - học, giúp đỡ học viên đạt mục tiêu đề ra đối với từng môn học. Để đảm bảo kiểm tra, đánh giá thi được chính xác, khách quan, ở Học viện CSND đã sử dụng một số nhóm phương pháp đánh giá sau:
+ Kiểm tra, đánh giá bằng bài viết mở rộng (tự luận)
Đối với phương pháp này, học viên phải viết đoạn văn đủ dài để trình bày ý kiến trả lời. Học viên có thể trả lời một hoặc nhiều câu hỏi hoặc có thể trình bày cho một vấn đề, một quan điểm, một tình huống phức tạp của nội dung môn học. Trên cơ sở các câu trả lời, giảng viên chấm để kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của từng học viên. Thời gian qua, Học viện đã tập trung thanh tra, giám sát các điều kiện thi: cơ sở vật chất, điểm điều kiện, đề thi, tình hình chấp hành nội quy, quy chế thi, thời gian các môn thi của các lớp trong và ngoài Học viện… Quá trình tổ chức thực hiện, cho thấy nhìn chung các lớp trong Học viện đã chấp hành tốt các điều kiện đảm bảo thi kết thúc học phần; các lớp ở ngoài Học viện về cơ sở vật chất phục vụ thi; điều kiện học viên chấp hành quy chế còn hạn chế.
+ Công tác kiểm tra, đánh giá qua giao tiếp
Kiểm tra, đánh giá qua giao tiếp có nội hàm rất rộng được thực hiện dựa vào học viên trả lời câu hỏi nêu lên trong quá trình giảng dạy, dựa vào đối thoại, thảo luận rồi đánh giá trình độ, kiến thức của người học. Tại Học viện CSND, phương pháp này chủ yếu được tiến hành bằng hình thức thi vấn đáp - một nội dung của phương pháp đánh giá qua giao tiếp. Việc thực hiện phương pháp này có tác dụng tránh học viên học theo chế tín chỉ học lệch, học tủ; đồng thời nắm được nội dung môn học một cách toàn diện và có khả năng giao tiếp tốt. Trong đó, điểm điều kiện học phần chỉ chiếm 30% số điểm toàn môn học. Theo cách này, có nhiều ưu điểm, người học có điều kiện đạt được điểm cao hơn. Hiện nay, các khoa, phòng, bộ môn, trung tâm đang có xu hướng tăng cường hình thức đánh giá chất lượng này.
+ Kiểm tra, đánh giá chất lượng bằng hình thức thực hành
Phương pháp kiểm tra, đánh giá thực hành là chủ trương, biện pháp đang được tăng cường trong hoạt động dạy học ở Học viện CSND. Nhất là, trong các môn nghiệp vụ chuyên ngành (đánh giá thực hành thông qua làm văn bản tham mưu, hồ sơ quản lý hành chính, hồ sơ tố tụng, thực hành các chiến thuật hỏi cung bị can, chiến thuật bắt, khám xét...) và các môn học ngoại ngữ, tin học, các môn thi chuẩn đầu ra. Điều đó, đảm bảo khi học viên tốt nghiệp ra trường sẽ nhanh chóng tiếp cận công việc được giao và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
+ Kiểm tra, đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan
Trong kiểm tra, đánh giá khách quan câu hỏi thường có nhiều phương án trả lời, trong đó, chỉ có một phương án đúng, còn lại các phương án khác gọi là phương án nhiễu. Ở Học viện CSND, tiến hành phương pháp này, được áp dụng chủ yếu đối với các môn học ngoại ngữ, tin học, các môn pháp luật, tâm lý, các nghiệp vụ chuyên ngành khi giải quyết các tình huống nghiệp vụ, kỹ thuật... Phương pháp trên đã được tiến hành đúng quy định, đảm bảo tính khách quan, trung thực, chống được những tiêu cực trong quá trình đánh giá chất lượng.
Trong năm học 2014 - 2015, kết quả của công tác thanh tra, giám sát thi kết thúc học phần của các lớp trong và ngoài Học viện cho thấy: Tổng số lượt lớp quản lý: 129; tổng số bài thi: 47.571; tổng số môn thi: 646; tổng số môn làm điểm: 530. Số bài thi đạt: 45.875 chiếm (96.4 %); số bài không đạt: 1.696 chiếm (3.6 %); trong đó số bài thi đạt trung bình: 18.593 chiếm 39.1%; khá: 20.807 chiếm (43.7 %) và giỏi: 8.171 chiếm (17.2 %).
Nhìn chung, kết quả công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở Học viện số học viên đạt tỷ lệ khá đã từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như: Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập lớp chất lượng cao chủ yếu áp dụng đối với từng học viên, chưa quan tâm nhiều đến đánh giá chất lượng của các nhóm tập thể trong học tập; các tiêu chuẩn, tiêu chí để kiểm tra, đánh giá trong học tập chưa phong phú, đa dạng và chặt chẽ, kịp thời; hệ thống ngân hàng đề thi dùng trong kiểm tra, đánh giá chưa đầy đủ, toàn diện, chất lượng đề thi chưa cao; việc thực hiện các quy trình kiểm tra, đánh giá chưa đồng bộ, thống nhất, chưa tạo điều kiện cho việc kiểm tra, đánh giá tổng kết chung trong Học viện CSND.
- Về công tác kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo chuẩn đầu ra
Ở Học viện CSND, việc thực hiện chuẩn đầu ra đã được áp dụng đối với hầu hết các lớp học, các hệ học trong và ngoài Học viện. Mục đích nhằm trang bị cho học viên, học viên những kỹ năng mềm để sau này ra công tác, có khả năng thích ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Căn cứ Quy định số 1220 ngày 04/10/2012 và Quyết định số 418 ngày 26/3/2014 của Giám đốc Học viện ban hành danh mục chuẩn đầu ra đối với học viên, các nội dung thực hiện chuẩn đầu ra bao gồm: chính trị, tin học, lái xe ô tô hạng A2, bắn súng, ngoại ngữ (không áp dụng đối với hệ vừa làm vừa học, liên thông ở địa phương), nghiệp vụ. Theo quy định, học viên phải đạt tất cả các chuẩn trên mới được thi tốt nghiệp). Hiện nay, Học viện đang xây dựng tiêu chí chuẩn về lãnh đạo, chỉ huy để áp dụng cho các hệ học, lớp học. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy:
Chưa xây dựng được đầy đủ Chương trình môn học chuẩn đầu ra đối với các lớp, các hệ học trình Giám đốc phê duyệt; chưa xây dựng đầy đủ hồ sơ quản lý lớp học theo quy định về việc lập, quản lý hồ sơ của Học viện;
Hệ thống giáo trình, tài liệu của các khoa, bộ môn, trung tâm còn cũ, chưa đầy đủ, chưa được bổ sung, chỉnh lý mới; hệ thống câu hỏi, bài tập nghiên cứu chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ;
Đội ngũ giảng viên chưa đồng đều, sự phân lớp đối với giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy còn nhiều bất cập.
Ý thức học tập, chuẩn bị bài của học viên trong thời gian tự nghiên cứu chưa tự giác; tinh thần học tập của học viên trong lớp còn hạn chế, chưa tạo được động lực và hứng thú học tập cho học viên.
Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ thi chuẩn đầu ra, thực hành nghiệp vụ còn hạn chế, nhất là các lớp đơn vị, địa phương, nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo theo tín chỉ.
Nhằm góp phần nâng cao công tác kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở Học viện CSND hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Ban Giám đốc Học viện cần chỉ đạo các khoa, phòng, bộ môn, trung tâm xây dựng các chương trình học tập, tiêu chí đánh giá trong học tập và việc thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phù hợp.
Thứ hai, đổi mới các hình thức đánh giá trong học tập theo hướng đánh giá từng học viên gắn với đánh giá theo nhóm, đánh giá tập thể lớp để nâng cao hiệu quả phương pháp làm việc tập thể, phối hợp các lực lượng trong giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự sau khi ra trường.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đề thi trong đánh giá chất lượng học tập phù hợp với chương trình đào tạo theo tín chỉ và phương pháp dạy học tích cực... câu hỏi, đề thi phải đảm bảo các tiêu chí: độ khó, độ phân loại, độ tin cậy và độ giá trị; đồng thời phải đạt các tiêu chí về nhận thức: biết, hiểu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, suy luận, vận dụng, liên hệ kiến thức vào thực tiễn công tác Công an.
Thứ tư, tập trung cách đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng đánh giá trực tiếp, đánh giá thực. Trong đó, hạn chế đánh giá chất lượng học tập của học viên thông qua đề thi phân tích, trình bày, làm rõ quan điểm thuộc về lý luận mà cần thay đổi cấu trúc đề thi yêu cầu học viên vận dụng kiến thức đã học để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể về thực tiễn thuộc lĩnh vực của môn học.
Thứ năm, cần tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên vừa có khả năng đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học hiện tại vừa phải chọn lọc, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên sâu, giảng viên đầu ngành ở từng lĩnh vực chuyên môn, có khả năng làm chuyên gia giỏi cấp quốc tế và trong nước.
Thứ sáu, đề nghị Bộ Công an, Học viện CSND trang bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, phương tiện dạy học để phục vụ cho công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo và các điều kiện đảm bảo thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Thứ bảy, Học viện cần yêu cầu với Công an các đơn vị địa phương có lớp học của Học viện chỉ đạo các trung tâm huấn luyện chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Đại tá, PGS,TS. CHU THẾ LONG - Trưởng phòng KT&ĐBCLĐT - Học viện CSND
Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 5+6/2015