Giáo dục - Đào tạo
Thứ Hai, 7/5/2018 15:12'(GMT+7)

Công tác nghiên cứu, phát triển lý luận Cảnh sát tại Học viện CSND - Thành tựu và phương hướng phát triển

Lý luận Cảnh sát là những tri thức đã được khái quát, tạo ra một quan niệm hoàn chỉnh, có hệ thống về bản chất, quy luật của các sự vật, hiện tượng, quá trình trong công tác Cảnh sát. Lý luận Cảnh sát gồm các khái niệm, phạm trù, quy luật được nghiên cứu, khái quát hóa từ thực tiễn công tác Cảnh sát.

Lý luận Cảnh sát có tính chất liên ngành, giao thoa với nhiều ngành khoa học, nhất là khoa học xã hội như triết học, xã hội học, tâm lý học, dân tộc học… Lý luận Cảnh sát là một bộ phận của Lý luận CAND, có phạm vi hẹp hơn, bao gồm: (1) Những vấn đề thuộc về nhiệm vụ của công tác Cảnh sát là đảm bảo trật tự an toàn xã hội như: Khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò, yêu cầu, chủ thể, nội dung, biện pháp… bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; (2) Những sự vật, hiện tượng, quá trình thuộc đối tượng đấu tranh của lực lượng Cảnh sát nhằm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội như: hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (phương thức thủ đoạn thực hiện, nguyên nhân điều kiện, nhân thân, đặc điểm tâm lý của người thực hiện hành vi…); tình trạng phạm tội, vi phạm pháp luật… (3) Những sự vật, hiện tượng, quá trình thuộc phương pháp, chiến thuật, kỹ thuật công tác của lực lượng Cảnh sát, như: hoạt động nghiệp vụ trinh sát, điều tra hình sự, quản lý nhà nước về an ninh trật tự, các công tác nghiệp vụ cơ bản, nghiệp vụ chuyên ngành Cảnh sát; (4) Các điều kiện đảm bảo cho công tác Cảnh sát như xây dựng lực lượng Cảnh sát, công tác Hậu cần - Kỹ thuật Cảnh sát, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực công tác Cảnh sát.

Học viện CSND là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đầu ngành của Bộ Công an, với nhiều loại hình đào tạo, ngành học khác nhau. Ngày 12/08/2015, Học viện đã vinh dự đón nhận Quyết định công nhận Học viện CSND là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an, phấn đấu đến 2019 sẽ trở thành trường trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia.

Học viện có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ; bồi dưỡng chức danh cán bộ lãnh đạo Cảnh sát các cấp; thực hiện nhiệm vụ quốc tế: đào tạo cán bộ Cảnh sát có trình độ đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, bồi dưỡng chức danh cho Bộ An ninh nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia và một số nước khác.

Với vị trí, vai trò, nhiệm vụ là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đầu ngành của CSND Việt Nam. Học viện CSND đã tập trung nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát nhằm phục vụ chính cho quá trình đào tạo, trang bị trình độ lý luận cho giảng viên, học viên, đồng thời góp phần chỉ dẫn cho hoạt động thực tiễn công tác Cảnh sát.

Về nhận thức và công tác chỉ đạo: ngay từ đầu thành lập và trong suốt quá trình phát triển, nhất là trong những năm gần đây, lãnh đạo Học viện luôn quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà trường.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ Công an về công tác nghiên cứu lý luận. Giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên Học viện CSND trong học tập nâng cao trình độ lý luận, nghiên cứu, công bố các công trình lý luận, giảng dạy lý luận cho học viên. Đây là nhiệm vụ chính được đánh giá trong các đợt thi đua cũng như thành tích trong từng năm học.

Từng giai đoạn Học viện đều tổ chức các hội nghị để tổng kết công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng, chiến lược cho giai đoạn tiếp theo. Trong tổng kết công tác năm học hàng năm đều có nội dung quan trọng đánh giá về công tác nghiên cứu khoa học.

Tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận

Ngay từ đầu thành lập Nhà trường đã có bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ tổ chức, quản lý công tác nghiên cứu khoa học. Đến năm 1976 thành lập Phòng Giáo vụ, Nghiên cứu khoa học, sau đó bộ phận quản lý nghiên cứu khoa học tách ra thành Phòng quản lý Nghiên cứu khoa học như hiện nay, giúp Nhà trường tổ chức, quản lý, phát triển công tác nghiên cứu lý luận Cảnh sát.

Học viện CSND là đơn vị luôn quan tâm xây dựng bộ máy tổ chức chuyên trách nghiên cứu khoa học. Là đơn vị đầu tiên trong các nhà trường CAND thành lập các đơn vị nghiên cứu khoa học chuyên trách như Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học, Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông. Theo đề xuất của Học viện CSND, trên cơ sở các trung tâm nghiên cứu của Học viện, năm 2015 Bộ Công an đã thành lập Viện Khoa học Cảnh sát thuộc Học viện CSND, Viện gồm 5 đơn vị: Văn phòng Viện, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học (nay đổi tên là Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm); Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông; Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát và Tạp chí CSND. Viện Khoa học Cảnh sát có chức năng, nhiệm vụ chuyên trách nghiên cứu, phổ biến lý luận Cảnh sát.

Hiện nay, Tạp chí CSND của Học viện có 04 ấn phẩm tiếng Việt, 01 ấn phẩm tiếng Anh và 01 ấn phẩm điện tử thường xuyên xuất bản, thông tin, giới thiệu tới cán bộ chiến sĩ các hoạt động nghiên cứu và kết quả nghiên cứu lý luận Cảnh sát.

Trung tâm Lưu trữ và Thư viện của Học viện hiện nay gồm thư viện truyền thống và thư viện điện tử thuộc nhóm các thư viện hàng đầu trong các trường đại học ở Việt Nam. Thư viện luôn thường xuyên cập nhật các tài liệu mới về lý luận CAND tới các bạn đọc, các học viên thông qua các buổi tọa đàm, các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi giới thiệu sách. Đây cũng là hoạt động rất hiệu quả để phổ biến hệ thống lý luận CAND nói chung, lý luận Cảnh sát nói riêng tới toàn thể cán bộ, học viên Học viện.

Lãnh đạo Học viện các thời kỳ đều tham gia Hội đồng khoa học của Bộ Công an. Năm 2012, Bộ Công an thành lập Hội đồng Lý luận Bộ Công an do đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang làm Chủ tịch Hội đồng, gồm 5 tiểu ban: Tiểu ban Lý luận chung về CAND; Tiểu ban Lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia; Tiểu ban Lý luận về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Tiểu ban Lý luận về xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật CAND và Tiểu ban Xây dựng pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp. Năm 2015, Tiểu ban Lý luận về lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật được tách ra, do đó Hội đồng có 6 tiểu ban. Hiện nay, sau lần kiện toàn theo Quyết định số 2780/QĐ-BCA ngày 11/7/2018, Chủ tịch Hội đồng lý luận Bộ Công an là đồng chí Thượng tướng, GS.TS. Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an. Giám đốc Học viện CSND - Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm làm Trưởng Tiểu ban, nhiều lãnh đạo của học viện là thành viên Tiểu ban và Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND là đơn vị thường trực Tiểu ban Lý luận về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Học viện còn cử Đại tá, PGS.TS. Phạm Xuân Định - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát, Viện Khoa học Cảnh sát tham gia làm thành viên Hội đồng Lý luận Công an thành phố Hà Nội.

Học viện luôn quan tâm đào tạo và thu hút đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học. Cử cán bộ đi đào tạo các bậc học Tiến sĩ, Thạc sĩ tại Học viện cũng như các cơ sở đào tạo khác ở trong nước và nước ngoài, các lớp cử nhân, cao cấp chính trị. Hiện nay của Học viện có số lượng cán bộ có học hàm, học vị đứng đầu trong các trường CAND.

Công tác nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện và phát triển lý luận Cảnh sát

Hàng năm, trên cơ sở định hướng của Bộ Công an, yêu cầu nghiên cứu, phát triển lý luận phục vụ đào tạo và thực tiễn công tác Cảnh sát, Học viện đều có kế hoạch yêu cầu các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu đăng ký các nhiệm vụ nghiên cứu lý luận dưới các hình thức như: tổ chức hội thảo khoa học, nghiên cứu đề tài khoa học; viết giáo trình, sách, tài liệu dạy học; các bài báo, báo cáo khoa học. Các nhiệm vụ khoa học được đăng ký và phê duyệt trong chỉ tiêu công tác năm học. Đối với bậc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, trước khi kết thúc học tập các chuyên đề, học phần, học viên cao học và nghiên cứu sinh được tư vấn chọn và đăng ký luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Các đề tài được phê duyệt đều có mục tiêu, yêu cầu xây dựng, phát triển và hoàn thiện lý luận, trong đó có lý luận Cảnh sát.

Từ năm 2012, sau khi thành lập Tiểu ban Lý luận về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội do Giám đốc Học viện CSND làm Trưởng Tiểu ban - Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và từ năm 2015 Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND là đơn vị Thường trực Tiểu ban hàng năm đều xây dựng kế hoạch báo cáo Hội đồng Lý luận Bộ Công an phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu lý luận dưới các hình thức: hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học; nghiên cứu các chuyên đề lý luận; biên soạn sách; tổng kết các chuyên án, vụ án điển hình.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Học viện CSND đã chủ trì nghiên cứu nhiều công trình khoa học như đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở, các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học. Cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đã nghiên cứu, viết và công bố hàng ngàn bài báo, báo cáo khoa học. Nghiên cứu sinh, học viên cao học của Học viện đã bảo vệ thành công hàng trăm luận án tiến sĩ, hàng ngàn luận văn thạc sĩ. Các nhiệm vụ khoa học trên đã nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện lý luận trên các lĩnh vực công tác Cảnh sát. Kết quả nghiên cứu đã góp phần phát triển hệ thống lý luận CAND. Đặc biệt đề tài cấp Nhà nước “Vi phạm pháp luật về môi trường - giải pháp phòng chống” đã cung cấp cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn cho việc thành lập lực lượng Cảnh sát môi trường; đề tài cấp Nhà nước “Bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” đã cung cấp luận cứ khoa học xây dựng văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII…

Bên cạnh đó, hệ thống lý luận Cảnh sát được Học viện xây dựng, hoàn thiện thông qua việc biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học. Công tác biên soạn và xuất bản giáo trình, tài liệu dạy học tiếp tục được Học viện đặc biệt quan tâm. Đến nay Học viện đã cơ bản hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học bậc đại học và đang tập trung hoàn thiện giáo trình bậc sau đại học. Học viện còn chủ trì, phối hợp với Trường Đại học CSND tổ chức triển khai biên soạn hệ thống giáo trình bậc đại học dùng chung cho 02 Trường. Ngoài giáo trình môn học, Học viện cũng đã chú trọng biên soạn hệ thống tài liệu tham khảo với hàng ngàn đầu tài liệu, trong đó có những bộ sách lớn như: Khoa học trinh sát Việt Nam (03 tập); Tội phạm học Việt Nam (03 tập); Khoa học hình sự Việt Nam (05 tập). Ngoài ra, Học viện còn cử cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm tham gia biên soạn Bách khoa thư CAND do Bộ Công an tổ chức.

Từ khi được thành lập năm 2012, với vai trò là Thường trực của Tiểu ban, Học viện CSND đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lý luận của Tiểu ban. Trong đó, Học viện đã chủ trì thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu như: Chủ trì biên soạn Bộ sách Khoa học Công an Việt Nam (08 tập); sách An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế; các Bộ từ điển: Công an Anh - Việt, Công an Nga - Việt, Công an Pháp - Việt, Công an Trung - Việt và Từ điển Công an Việt - Lào.

Công tác phối hợp trong nghiên cứu lý luận Cảnh sát

Học viện đã phối hợp với công an các đơn vị, địa phương, các bộ, ngành có liên quan thực hiện nhiều đề tài khoa học; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học, các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, tuyên truyền lý luận CAND của Học viện cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Học viện có hàng trăm đoàn cán bộ công tác học tập, nghiên cứu trao đổi ở nước ngoài và đoàn nước ngoài đến học tập và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bảo đảm an ninh trật tự.

Kết quả nghiên cứu lý luận Cảnh sát của Học viện CSND đã góp phần cùng với lý luận CAND cung cấp luận cứ khoa học, cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trong việc đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời cung cấp hệ thống lý luận phục vụ đào tạo trình độ luận cho các bậc học, hệ học của Học viện CSND nói riêng và ngành Công an và các ngành trong Khối Nội chính nói chung. Hệ thống lý luận Cảnh sát còn là “kim chỉ nam” cho hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực công tác Cảnh sát bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, chính trong quá trình nghiên cứu đã nâng cao trình độ lý luận của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ giảng viên Học viện CSND.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đảm nhiệm vai trò là đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu lý luận Cảnh sát, theo tác giả bài viết này, Học viện cần thực hiện tốt những nội dung sau:

- Ban Giám đốc Học viện cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ giảng viên, nhất là thế hệ trẻ về vai trò của lý luận Cảnh sát trong đào tạo lực lượng CSND và thực tiễn công tác Cảnh sát. Xác định công tác nghiên cứu lý luận Cảnh sát có tính cơ bản, chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thường xuyên; là trách nhiệm của cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện. Công tác nghiên cứu lý luận phải bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo trình độ lý luận của các bậc học, phải xuất phát từ thực tiễn và phục vụ các mặt công tác Cảnh sát. Khai thác mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ của toàn thể cán bộ, giảng viên, bảo đảm công tác nghiên cứu lý luận hiệu quả, thiết thực.

- Kiện toàn mô hình tổ chức làm công tác chuyên trách nghiên cứu lý luận. Trong mô hình mới của Bộ Công an không còn cấp tổng cục, mô hình Viện Khoa học Cảnh sát tương đương cấp cục trong Học viện CSND sẽ không còn phù hợp. Vì vậy Học viện cần đề nghị Bộ phát triển các trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Cảnh sát thành các viện độc lập tương đương cấp khoa thuộc Học viện. Tập trung nguồn lực về con người, kinh phí, cơ chế hoạt động, ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức các hoạt động khoa học cho các viện để tăng cường khả năng nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu chuyên trách của Học viện.

- Thường xuyên đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu lý luận thông qua đào tạo các bậc học sau đại học, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Đề xuất Bộ Công an lựa chọn những đồng chí có học hàm, học vị, có năng lực và tâm huyết với công tác nghiên cứu, giảng dạy sau khi hết tuổi công tác tiếp tục được kéo dài thời gian công tác làm chuyên viên, các đồng chí đang công tác ở các đơn vị thực tiễn làm thỉnh giảng của Học viện. Sử dụng hiệu quả đội ngũ nghiên cứu sinh, học viên cao học trong nghiên cứu lý luận của Học viện CSND. Có chiến lược đào tạo đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành trên từng lĩnh vực công tác Cảnh sát.

- Phát huy vai trò của đơn vị quản lý khoa học, các hội đồng khoa học trong công tác tham mưu, tổ chức, quản lý, xét chọn, nghiệm thu công trình nghiên cứu lý luận Cảnh sát.

Trong kế hoạch hàng năm hoặc chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm, Phòng Quản lý khoa học, Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận cảnh sát là các đơn vị có chức năng tổ chức, quản lý khoa học thông báo cho các đơn vị trong Học viện, Công an các đơn vị, địa phương đăng ký nhiệm vụ nghiên cứu để nắm bắt những vấn đề lý luận Cảnh sát cần thiết nghiên cứu xây dựng mới hoặc bổ sung, hoàn thiện, phát triển và thông qua quá trình tổ chức, quản lý nghiên cứu khoa học để tham mưu cho Ban Giám đốc Học viện, các Hội đồng xét chọn trong công tác định hướng nghiên cứu khoa học, lựa chọn được các đề tài thật sự cấp thiết, đáp ứng có hiệu quả yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Đơn vị tổ chức, quản lý khoa học phối hợp với các đơn vị có liên quan như Khoa Đào tạo sau đại học, Phòng Tổ chức cán bộ, các khoa, phòng, bộ môn, trung tâm của Học viện và Công an các đơn vị, địa phương để nắm được đội ngũ các nhà khoa học theo từng chuyên ngành, lĩnh vực công tác Cảnh sát để đề xuất lựa chọn được những người đúng chuyên môn, có năng lực, trách nhiệm khi thành lập các nhóm nghiên cứu, các hội đồng khoa thẩm định công trình nghiên cứu lý luận Cảnh sát.

Đơn vị tổ chức, quản lý khoa học thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra giám sát các nhiệm vụ nghiên cứu để đảm bảo hoạt động nghiên cứu được triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ, thể hiện đầy đủ trong hồ sơ nghiên cứu. Nâng cao trách nhiệm của hội đồng khoa học trong việc thẩm định, nghiệm thu các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận. Tránh tình trạng nể nang, dễ dãi thông qua những sản phẩm kém chất lượng, không tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của hội đồng.

- Đề xuất Bộ Công an kiện toàn Tiểu ban Lý luận bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, hoàn thiện quy định về quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu lý luận. Phát huy vai trò của Học viện CSND thường trực cho Tiểu ban đề xuất, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu lý luận Cảnh sát có tính cấp thiết, phục vụ thiết thực, có hiệu quả cho công tác giáo dục đào tạo và thực tiễn công tác Cảnh sát.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với Công an đơn vị địa phương trong nghiên cứu, phát triển lý luận Cảnh sát.

Hợp tác với các trường Cảnh sát trên thế giới, các tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác với Học viện trong đào tạo cán bộ; học tập, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu lý luận; cung cấp các tài liệu lý luận; phối hợp trong tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu lý luận như tổ chức các tọa đàm, hội thảo quốc tế; công bố quốc tế các công trình lý luận Cảnh sát.

Phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương trong nghiên cứu, phổ biến lý luận Cảnh sát. Trong đó chú trọng đến các hình thức có hiệu quả như tổng kết vụ án, chuyên án; tổng kết các chuyên đề nghiệp vụ Cảnh sát; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học. Qua đó phát triển, hoàn thiện lý luận Cảnh sát.

 - Phát triển Tạp chí CSND lên tầm khu vực và quốc tế, tăng cường công bố quốc tế các công trình nghiên cứu lý luận Cảnh sát.

Đại tá, PGS.TS Phạm Xuân Định

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu PTLLCS - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất