Công nghệ số hóa và tự động hóa ngày càng phổ biến trong đời sống đã tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong giáo dục, nhưng đây là thách thức của chính ngành này trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp với nhu cầu của cuộc sống.
Nếu nói công nghệ thông tin hay kỷ nguyên số là một cuộc cách mạng, có lẽ đúng nhất với lĩnh vực giáo dục. Chúng ta cứ hình dung thế này, ở khía cạnh đơn thuần nhất là thông tin tri thức, trước đây, nếu muốn tìm một cuốn sách, một thông tin ở nước ngoài chúng ta phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để đến tận nơi hoặc nhờ người tìm kiếm. Nhưng khi có công nghệ số và mạng Internet, những kiến thức, thông tin cơ bản ở hầu khắp các lĩnh vực từ xưa đến nay hầu như có thể tìm trên Internet. Sự xuất hiện của mạng xã hội cùng những không gian tương tác mà nó tạo ra khiến cho việc học tập nói riêng và giáo dục nói chung vượt qua sự giới hạn về không gian, thời gian. Ví dụ, một học sinh, một sinh viên bây giờ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng dễ dàng tìm được những tư liệu quý, hoặc bài giảng hay, một cách đọc từ nước ngoài chuẩn của một thầy giáo trong nước hoặc giáo sư nước ngoài. Hơn thế nữa, người học có thể trao đổi trực tiếp với người giảng bài. Dù chỉ ở khía cạnh đơn giản nhất là thông tin tri thức nhưng đã tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong cách dạy và học của cả thầy và trò hiện nay.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một khía cạnh nhỏ mà công nghệ số mang lại cho giáo dục. Ở nhiều nước phát triển, có hạ tầng công nghệ thông tin hoàn thiện, người ta đã tiến hành đồng bộ hóa giảng dạy và đào tạo bằng sách giáo khoa số và hệ thống máy tính. Có nghĩa là học sinh đến trường chỉ cần một chiếc máy tính bảng, có thể học đủ các môn và cả hệ thống tư liệu tham khảo phong phú chứ không phải lỉnh kỉnh cặp sách, bút mực như trước. Hơn thế nữa, trên thế giới đã bắt đầu xuất hiện các trường đại học trực tuyến. Sinh viên từ đăng ký, học, thi, trả bài, thảo luận hầu hết qua mạng. Điều này đặc biệt thuận lợi cho việc xây dựng một xã hội học tập cũng như hỗ trợ những người tàn tật có thể học tập và hòa nhập cộng đồng.
Tất nhiên, để làm được điều đó cần thời gian, nguồn lực và kinh phí. Ví dụ, ngoài hạ tầng thông tin, ngành giáo dục cần phải có hệ thống máy chủ khổng lồ để chứa dữ liệu là những sách giáo khoa số cũng như tư liệu tham khảo. Mạng không dây được phổ cập. Hơn nữa, học sinh phải được trang bị đầy đủ và đồng bộ máy tính để có thể học và thực hành. Chưa kể, hàng vạn phần mềm cần được soạn thảo và ứng dụng trong từng môn, từng cấp học cũng như kết nối giữa học sinh với thầy cô và nhà trường.
Trong những lợi ích của công nghệ số kể trên, Việt Nam mình mới ứng dụng được yếu tố đầu tiên, tức là thông tin tri thức qua Internet. Có nghĩa là, ngoài sách giáo khoa, học trò được tiếp cận nhiều thông tin tri thức trong nước và quốc tế do các thầy cô tham khảo trên mạng. Một bộ phận học sinh đã được tham gia vào các chương trình giáo dục qua Internet như thi toán Violimpic và một số môn học khác. Những nội dung còn lại mỗi phần áp dụng được một ít do hạ tầng viễn thông, độ phủi sóng wifi, hệ thống phần mềm, máy chủ phục vụ cho giáo dục ở cấp độ thấp và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể mua phương tiện máy tính phổ cập cho con em sử dụng. Năm 2014, Thành phố Hồ Chí Minh đã định áp dụng một phần mô hình học qua máy tính bảng nhưng chưa thực hiện đại trà được cũng chính vì một trong số những lý do đó.
Nhưng số hóa trong giáo dục đã trở thành xu hướng và khai thác thông tin trên mạng internet trở thành một kỹ năng cơ bản như đọc, viết của học sinh trước đây thì việc Việt Nam từng bước áp dụng công nghệ số trong giáo dục là việc làm mang tính cấp bách. Trước mắt, là sử dụng các phương tiện này như một công cụ phụ trợ cho bài giảng, tiết giảng cũng như tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục. Tiếp đó là từng bước số hóa sách giáo khoa, tài liệu tham khảo song hành với sách giáo khoa in giấy để khu vực nào đó điều kiện hơn, có thể sử dụng sách giáo khoa số trước, những cấp học cao có thể áp dụng trước, cấp học thấp áp dụng sau. Phần cơ bản hơn và quan trọng nhất đó là xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý học tập qua mạng. Tất nhiên, để chuyển đổi từ phương thức đào tạo truyền thống sang áp dụng công nghệ số là việc không dễ dàng và cần phải có thời gian.
Giáo dục công nghệ số cũng đồng nghĩa với việc người học tương tác với máy tính nhiều hơn. Học sinh tiếp cận rất nhanh với công nghệ trong việc học và thực hành, nhưng việc phân bố thời gian làm việc giữa các thiết bị điện tử, không gian ảo với việc giao tiếp thực tế với thầy cô và xã hội để học sinh không bị lệ thuộc quá nhiều vào máy tính, sống ảo, cũng như thiếu sự hiểu biết và kỹ năng giao tiếp xã hội, mà nguy cơ hàng đầu là nghiện các trò chơi điện tử cũng như những thông tin không mong muốn từ mạng Internet. Bởi thế, cách mạng công nghiệp 4.0 hay cách mạng công nghệ số mang lại thuận lợi vô cùng lớn nhưng cũng đầy thách thức trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Hoàng Hướng
Nguồn: VOV5.VN