Đại học 4.0
Thứ Bảy, 9/12/2017 10:4'(GMT+7)

Cuộc cách mạng hoạt động Thông tin - Thư viện dưới tác động của Công nghiệp 4.0

Sinh viên Đại học Duy Tân đăng nhập, khai thác tài nguyên số tại Thư viện của Trường - Ảnh: Quốc Bảo.

Sinh viên Đại học Duy Tân đăng nhập, khai thác tài nguyên số tại Thư viện của Trường - Ảnh: Quốc Bảo.

Nhận diện đặc trưng để có hướng tiếp cận cả thách thức lẫn cơ hội mới

Hôm nay 7/12, đã diễn ra hội thảo “Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến hoạt động thông tin - thư viện” do Trường học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đăng cai tổ chức.

Đây là hội thảo có quy mô lớn, và hội thảo chuyên đề đầu tiên liên quan đến tác động và đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0 đối với hoạt động thông tin - thư viện, nhất là thông tin - thư viện học đường và giảng đường.

"Với tầm nhìn được xác định là “Trung tâm thông tin, học tập, văn hóa hữu ích, thân thiện và bình đẳng tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của người dân địa phương”, hệ thống thư viện công cộng đang đứng trước những thách thức cần đổi mới để hiện thực hóa nhiệm vụ này; trở thành địa chỉ tin cậy của cộng đồng người sử dụng tin, của xã hội học tập.

Các yêu cầu đặt ra đòi hỏi hoạt động thông tin – thư viện cần phải tiếp tục kế thừa, củng cố hoạt động truyền thống; vừa phải tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới để ứng dụng và phát triển thành những thành tựu khoa học công nghệ thông tin và truyền thông mới. 

Công cuộc đổi mới này cần phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, phát huy thế mạnh hiện có nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về chất lượng hiệu quả phục vụ; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực có trình độ cao, được phát triển phẩm chất năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự làm giàu tri thức và sáng tạo; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thật sự đặt giáo dục đại học trước những thách thức mới diễn ra nhanh. Các trường đại học có thể chưa dự đoán hết được các kỹ năng mà thị trường lao động cần. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp.

Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học khả năng tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng. Đây là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền giáo dục đại học của Việt Nam đã và đang bộc lộ những hạn chế nhất định” - TS. Lê Phước Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Học liệu và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.

Ban Tổ chức kỳ vọng rằng, hội thảo sẽ tập hợp được các nghiên cứu, ý kiến trao đổi từ các nhà quản lý, giới khoa học, các chuyên gia và cán bộ thông tin-thư viện về các tác động đến hoạt động thư viện trước xu thế phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV. 

Nhất là những đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này, cùng những thách thức và cơ hội mà hệ thống thông tin-thư viện Việt Nam sẽ gặp phải, cùng như cần tranh thủ trong quá trình tương tác và nâng cao chất lượng, vừa phục vụ độc giả, vừa hội nhập xu thế chung.

Những tiếp cận từ Hội thảo, giúp các Trung tâm thông tin tư liệu, hệ thống thư viện chủ động hơn trong tổ chức mọi hoạt động thông tin-thư viện của đơn vị mình; quan trọng nhất là chuyển đổi, ứng dụng đa dạng giải pháp theo xu thế công nghệ, tận dụng tối đa các tiện ích công nghệ thông tin – truyền thông để tăng cường tiếp cận độc giả và phúc đáp những đòi hỏi từ phía người đọc, người dùng.

Nếu bắt kịp và bắt nhịp với xu thế chung, có giải pháp đổi mới nhanh chóng và phù hợp, hoạt động thông tin-thư viện trong bối cảnh mới sẽ thích ứng với sự phát triển phong phú, đa dạng của nguồn tin (hệ cơ sở dữ liệu, tài nguyên) cũng như nhu cầu sử dụng, khai thác tài đó.

Tổ chức khai thác tài nguyên thông tin số và phát triển “đa dịch vụ tiếp cận, khai thác”

Ban Tổ chức đã nhận được 40 tham luận khoa học của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, cán bộ thư viện làm công tác thông tin thư viện đến từ các Thư viện khoa học tổng hợp, các Trung tâm thông tin-tư liệu và Thư viện trường học trên cả nước.

Trong các phiên làm việc theo chuyên đề, hội thảo đã nghe và trao đổi sâu về quản lý, điều hành hoạt động thông tin thư viện trường cao đẳng, đại học; công tác bổ sung, phát triển nguồn học liệu và tài nguyên thông tin số của thư viện; công tác xử lý nghiệp vụ, tổ chức thông tin; phát triển sản phẩm và dịch vụ thông tin trong thư viện; các giải pháp, tiện ích công nghệ ứng dụng vào hoạt động thông tin – thư viện; khai thác nguồn lực thông tin địa phương và tổ chức phục vụ cộng đồng.

Nhân dịp này, một kỷ yếu của hội thảo đã được phát hành, giới thiệu đầy đủ các báo cáo, tham luận khoa học đầy tâm huyết, có hàm lượng nghiên cứu cao, nội dung phong phú chặt chẽ nêu trên.

Ngoài chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kết quả nghiên cứu của mình, các tác giả cũng đề xuất những giải pháp vừa sáng tạo vừa rất cụ thể nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của hoạt động thông tin – thư viện trước sự tác động mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật; cũng như những yêu cầu thích nghi, đổi mới trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần IV.

“Thế giới đang chuyển mình để hòa vào dòng chảy của cuộc CMCN 4.0. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Để tận dụng được những lợi thế đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ mới, ngành thông tin thư viện phục vụ công tác giảng dạy tại Nhà trường cần phải nhận thức rõ các đặc điểm của cuộc cách mạng công nghệ này, từ đó tìm ra các biện pháp và xây dựng các chính sách phát triển thích hợp.

Hội thảo được tổ chức với một mục mục tiêu rất tập trung. Đó là đáp ứng các yêu cầu đổi mới trước xu thế phát triển của khoa học công nghệ và kỹ thuật; nâng cao rõ rệt chất lượng hoạt động trong lĩnh vực thông tin–thư viện để thích ứng với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và kỹ thuật; đồng thời, điều rất quan trọng là tăng cường hiệu quả phục vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động đào tạo. Chúng ta phải sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao cho những đòi hỏi của thị trường lao động 4.0.

Các báo cáo, tham luận khoa học gửi đóng góp cho Hội thảo, đã mang lại những định hướng đúng đắn về các bước đi thích hợp trong thời gian sắp đến; góp phần vào sự phát triển chung của công tác thông tin, thư viện trong nhà trường nói riêng, đặc biệt là hệ thống thư viện khu vực Miền Trung-Tay Nguyên nói chung, và cả nước” – Phó Giáo sư.Tiến sỹ Trương Hoài Chính, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh.

Không gian mới – Những phương thức tiếp cận và chia sẻ tài nguyên mới

Chia sẻ về xu thế phát triển sản phẩm và dịch vụ thư viện, Thạc sỹ Nguyễn Lê Phương Hoài (Viện Thông tin Khoa học Xã hội) phân tích:

Sự bùng nổ và gia tăng nhanh chóng nội dung số đã dẫn tới xu thế ngày càng phát triển mạnh mẽ các tài liệu ở dạng điện tử. Tài liệu chuyển dịch từ in sang định dạng số, theo nhiều cách: 

Một là, Xuất bản điện tử: Hiện nay, hầu hết các tạp chí khoa học và nghiên cứu, ấn phẩm nhiều kỳ, sách, âm nhạc và phim ảnh, tất cả những nội dung điện tử đều có xu hướng xuất bản chung này. Đặc biệt, những ấn phẩm nhiều kỳ là dạng tài liệu hướng tới phân phối dưới dạng số sớm nhất. Nhiều thư viện đại học và thư viện cơ quan nghiên cứu đã và đang trải qua sự dịch chuyển tạp chí khoa học và nghiên cứu từ dạng in sang dạng xuất bản điện tử. 

Nhiều trường đại học và cơ quan nghiên cứu trên thế giới đã thay vì mở rộng các ấn phẩm nhiều kỳ đóng tập bằng các sản phẩm hay cơ sở dữ liệu tạp chí điện tử. Trong lĩnh vực xuất bản tài liệu nghiên cứu và học thuật, xuất bản truy cập mở (Open Access Publishing), cho phép tác giả chi trả phí xuất bản để hỗ trợ sự truy cập miễn phí vĩnh viễn tới tài liệu hay ấn phẩm nhiều kỳ xuất bản theo mô hình này.

 

Hai là, Số hóa tài liệu: Các bản thảo, hình ảnh, và nhiều tài liệu nghiên cứu có tính lịch sử đang được số hóa. 

Các công nghệ số mở ra khả năng tiếp cận dễ dàng đến những kho tài liệu này hơn khi mà những tài liệu này bị bó hẹp bởi khả năng tiếp cận theo cách truyền thống. 

Sách cũng sẽ thay đổi hoàn toàn.

Tất cả sách đã được xuất bản sẽ được số hóa. Nhiều dự án số hóa khối lượng lớn đang diễn ra.

Dự đoán, trong 20 năm nữa, tất cả sách mới sẽ được xuất bản dưới dạng số, các bộ sưu tập thư viện hiện nay sẽ chuyển dịch ra khỏi các bộ sưu tập in truyền thống. 

Tỷ lệ tài liệu điện tử/tài liệu truyền thống trong các thư viện thay đổi theo hướng nghiêng về phát triển tài liệu điện tử. Các thư viện phát triển tài liệu điện tử theo 3 cách: 1) Tự tiến hành số hóa nguồn tư liệu in của thư viện, 2) Bổ sung /tích hợp nguồn tin điện tử thông qua việc mua, trao đổi tài liệu điện tử đang được xuất bản và 3) Xây dựng các liên kết (tạo khả năng truy cập) đến các nguồn tài liệu trực tuyến trên Internet.

Nguồn tài liệu trực tuyến và cùng với nó là các loại hình sản phẩm, dịch vụ thông tin tương ứng được chú trọng phát triển với gia tốc ngày càng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Các thư viện xây dựng dữ liệu (data) bao gồm các sáng kiến mới và cơ hội hợp tác mới giúp thư viện nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm soát dữ liệu. Thư viện chú trọng sự hợp tác, liên kết với giới nghiên cứu, các trung tâm lưu trữ dữ liệu, các nhà xuất bản và các tạp chí khoa học để có thể sử dụng chung nguồn dữ liệu khổng lồ nhằm phục vụ việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy. Thư viện cũng sẽ liên kết với các đối tác khác để tăng khả năng tạo ra hay tái sử dụng các dữ liệu khoa học.

 

Thạc sỹ Nguyễn Lê Phương Hoài đã đưa ra viễn cảnh: Không gian thư viện truyền thống chủ yếu được dành cho việc lưu giữ sách, tạp chí. Khi các thư viện chuyển dịch hoàn toàn vốn tài liệu từ dạng in sang dạng số, các tài liệu truyền thống sẽ được lưu giữ dưới hình thức nén lại, các loại dịch vụ hỗ trợ các hoạt động khoa học khác sẽ được chú trọng chuyển tới các không gian mới mà thư viện có thể sử dụng để phục vụ người dùng tin.

Không gian thư viện thế hệ mới, vì thế, sẽ là nơi cung cấp việc truy cập tới các sách, tạp chí điện tử thay vì các tài liệu in . Không gian thư viện dần hạn chế lưu giữ các nguồn tin truyền thống, dành tối đa không gian cho người dùng tin học tập, nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau. 

Đồng thời, thư viện tạo không gian linh hoạt, có thể chia tách không gian thành các khu vực để thực hiện các chức năng khác nhau khi phục vụ người dùng tin. Phát triển kết nối không dây và truy cập tại các trạm dịch vụ tạo thuận tiện cho người dùng tin khai thác thư viện.

Không gian thư viện thay đổi theo hướng sẵn sàng các khả năng tích hợp với các dịch vụ hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo theo yêu cầu của người dùng tin. Và mở một phần không gian đáp ứng nhu cầu thông thường của người dùng tin như quán cà phê, khu vực phục vụ ăn nhanh, giải trí, trao đổi thông tin cá nhân… Máy in 3D, truyền thông Labs và không gian cộng tác, nơi mọi người có thể cùng nhau làm việc trong các khu vực riêng biệt cho công việc và nghiên cứu yên tĩnh là những cách thức khác khiến cho không gian thư viện thu hút người dùng tin.

Trần Ngọc

Nguồn: Tạp chí Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

(ANTV) - Trong thời đại số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến vì theo tác đơn giản và thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cũng không ngừng gia tăng. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng gần đây là cài đặt các dụng ứng dụng ngân hàng giả mạo để lừa đảo chuyển tiền.

Thư viện Ảnh

Mới nhất