Học trực tuyến sẽ là một xu hướng mới thách thức các mô hình đào tạo truyền thống như hiện nay. Hình thức đại học (ĐH) trực tuyến là một cách tiếp cận mới, lợi dụng tối đa những lợi thế mà Internet mang lại để tạo nên một trường đại học chất lượng với giá thành phù hợp với các nước đang phát triển. Đó là trường ĐH không chỉ dành cho những người có thể suốt ngày đi học mà cả những người chỉ có thể chắt chiu thời gian để đầu tư cho tương lai.
Học ở mọi nơi, mọi lúc
Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giáo dục, nhất là giáo dục ĐH, đang đứng trước những thách thức rất lớn. “Giáo dục 4.0 được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa”, chuyên gia cao cấp Jonhson Ong Chee Bin thuộc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của mạng lưới các trường ĐH ở khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) chia sẻ tại một cuộc hội thảo(*) vừa diễn ra vào ngày 29-9 vừa qua tại Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng.
ĐH FPT Đà Nẵng và FPT Đà Nẵng vừa triển khai mô hình mới trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Theo mô hình này, SV sẽ tham gia học 4 học kỳ theo một chương trình được thiết kế đào tạo đặc thù xuất phát từ những yêu cầu thực tế của công nghiệp phần mềm. Sau 4 học kỳ, SV có thể lựa chọn vừa đi làm vừa đi học theo chương trình học trực tuyến hoặc tiếp tục học tiếp ĐH để lấy bằng kỹ sư công nghệ thông tin. Mô hình mới này nhằm tạo điều kiện cho đông đảo các bạn SV có cơ hội tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Học online - trực tuyến sẽ là một xu hướng mới thách thức các mô hình đào tạo truyền thống như hiện nay. Theo ông Quách Xuân Ngọc, Trưởng ban phát triển chương trình ĐH trực tuyến Funix (ĐH FPT), hình thức ĐH trực tuyến là một cách tiếp cận mới, lợi dụng tối đa những lợi thế mà Internet mang lại để tạo nên một trường ĐH chất lượng như các nước phát triển mà giá thành phù hợp với các nước đang phát triển. Và đó là trường ĐH “không chỉ dành cho những người có thể suốt ngày đi học mà cả những người chỉ có thể chắt chiu thời gian để đầu tư cho tương lai”. Một số trường ĐH ở Việt Nam đã bước đầu tăng cường đầu tư và triển khai E-learning, như Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đầu tư hệ thống quản lý học trực tuyến bao gồm phòng multi-media và phần mềm quản lý học tập/giảng dạy trực tuyến và đã triển khai giảng dạy cho sinh viên Chương trình tiên tiến.
Có thể xem Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng (DNIIT) - kết quả ký kết hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và ĐH Nice Sophia Antipolis là kết quả của mô hình “hợp tác ĐH không tường”. DNIIT bao gồm hai thành phần: một đơn vị nghiên cứu phát minh (MIRE), phụ trách hoạt động hợp tác nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo, trao đổi thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ; một đơn vị đào tạo và thông tin khoa học (NiceCAMPUS), phụ trách hoạt động hợp tác đào tạo, giảng dạy, truyền thông khoa học trong cộng đồng. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá cao sáng kiến hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và ĐH Nice về việc hợp tác khoa học, công nghệ và đào tạo: “Giáo dục và đào tạo Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới giáo dục và đào tạo với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc các trường ĐH phải thay đổi phương thức đào tạo, đây là một thách thức lớn nên các kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng với các trường ĐH Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc thành lập DNIIT với hai thành phần nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo và chuyển giao công nghệ; hợp tác đào tạo là rất phù hợp”.
Đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp
Trong khuôn khổ của hội nghị CDIO 2017(**), các dự án của nhóm SV có đại diện của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) và Trường ĐH Duy Tân đã lần lượt giành huy chương bạc và chức vô địch cuộc thi CDIO Academy 2017 được tổ chức tại Canada. CDIO được xem là một cách tiếp cận để nâng cao chất lượng và chuẩn hóa các chương trình đào tạo ngành kỹ thuật và công nghệ.
SV ĐH Đà Nẵng hiện đang được khuyến khích tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học. Chính các đề tài này góp phần giúp các em giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể, gắn kết với thực tế qua việc vận dụng sự sáng tạo, linh hoạt của bản thân lẫn kiến thức đã được học. Theo GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng: Cách kiểm tra, đánh giá cũng chú trọng đến việc người học phải chứng minh được là đã đáp ứng được các chuẩn đầu ra của môn học sau khi học xong như trình diễn sản phẩm, xây dựng, báo cáo thuyết trình đề án, dự án theo nhóm… Sau khi học xong mỗi môn học, người học sẽ đạt và tích lũy được các kiến thức, kỹ năng cụ thể theo tuyên bố trong chuẩn đầu ra của môn học đó.
Theo TS Phan Quang Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam, với tốc độ thay đổi công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các trường ĐH không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai. Chính vì vậy, các trường ĐH cần có những giải pháp để đổi mới hình thức đào tạo, đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, GS.TS Trần Văn Nam cho rằng, việc các cơ sở giáo dục ĐH hợp tác với doanh nghiệp là điều sống còn trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp đem lại “cơ hội win-win cho cả hai phía trường đại học lẫn doanh nghiệp, chẳng hạn doanh nghiệp giúp nhà trường trong việc thực tập của sinh viên, hướng dẫn sinh viên sớm tiếp cận thực tế, giúp cán bộ giảng viên và sinh viên cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ mới, giúp nhà trường cập nhật điều chỉnh chương trình đào tạo, hỗ trợ học bổng cho sinh viên, hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm… phục vụ đào tạo cho nhà trường, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu. Ngược lại, nhà trường có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp các ý tưởng khoa học công nghệ của sinh viên hoặc giảng viên, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp cần, cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực phù hợp, tiết giảm chi phí đào tạo thêm hoặc đào tạo lại cho nhân lực tuyển mới tại doanh nghiệp… Mô hình gắn kết 4Cs Framework giữa Đại học - Chính quyền - Doanh nghiệp mà chuyên gia Jonhson Ong Chee Bin chia sẻ tại cuộc hội thảo nói trên sẽ là một kênh có thể tham khảo để triển khai đào tạo 4.0.
HÀ TRẦN
Nguồn: Báo Đà Nẵng
(*) Hội thảo “Từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) đến giáo dục 4.0 và mô hình khung 4Cs để chuyển đổi Giáo dục Đại học thành Hệ sinh thái tạo sản phẩm sáng tạo”.
(**) CDIO (Conceive: hình thành ý tưởng; Design: thiết kế; Implement: thực hiện; Operate: vận hành)