Trong chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 ban hành theo Quyết định số 111/QĐ-TTg ngày 13/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế. Trong hệ thống các giải pháp, đáng chú ý giải pháp tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục, tăng cường gắn đào tạo với sử dụng; xây dựng cơ chế phối hợp trong xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng và đánh giá chương trình tuyển sinh, tuyển dụng.
Sau 50 năm xây dựng và trưởng thành, công tác giáo dục - đào tạo của Học viện Cảnh sát nhân dân phát triển không ngừng, từng bước hòa nhập với tiến trình đổi mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân mà còn mở rộng đáp ứng yêu cầu của xã hội. Cơ cấu hệ thống các ngành và chuyên ngành đào tạo có sự mở rộng, kịp thời mở và tổ chức đào tạo các ngành và chuyên ngành mới đáp ứng yêu cầu của công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tổ chức hoạt động đào tạo bước đầu chuyển đổi từ tổ chức đào tạo theo niên chế sang tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ. Nội dung, chương trình đào tạo các ngành và chuyên ngành đã được xây dựng mới, đồng bộ, có hệ thống, hợp lý và khoa học hơn ở tất cả các hệ học trên cơ sở phân định kiến thức hợp lý giữa các trình độ đào tạo. Phương pháp giảng dạy trong đào tạo theo học chế tín chỉ được vận dụng theo hướng nâng cao tính chủ động và bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu của học viên để đạt được trình độ đào tạo và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đã có bước phát triển từ khi Nhà trường được thành lập cho đến nay, nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, phát triển lý luận nghiệp vụ của ngành trong từng thời kỳ. Trong những năm gần đây, đã chú trọng thực hiện có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học. Tăng cường quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo thông qua tổ chức xây dựng và thực hiện đào tạo theo chuẩn đầu ra đối với từng ngành và chuyên ngành đào tạo, triển khai công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo.
Trong các hoạt động nêu trên, việc gắn đào tạo với hoạt động thực tiễn của lực lượng Công an nhân dân là một nguyên tắc, triết lý của công tác giáo dục, đào tạo, là điều kiện tiên quyết đảm bảo chất lượng của công tác giáo dục đào tạo thường xuyên được quan tâm thực hiện. Ngay từ khi tổ chức đào tạo khóa Đ1 (niên khóa 1975 - 1980) của Học viện Cảnh sát nhân dân, Nhà trường đã rất quan tâm đảm bảo gắn kết giữa công tác giáo dục, đào tạo với hoạt động thực tiễn của lực lượng Công an nhân dân từ khâu: xây dựng nội dung, chương trình đào tạo các chuyên ngành theo hướng thiết thực, hiệu quả; quan tâm tuyển chọn những cán bộ có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong đào tạo đội ngũ giảng viên; chú trọng khai thác sử dụng những tài liệu thực tiễn, nhất là các quy trình công tác nghiệp vụ của các lực lượng nghiệp vụ trực tiếp chiến đấu thành các giáo trình, tài liệu dạy học; chú trọng nêu các ví dụ điển hình, tăng cường báo cáo thực tế và thực hành trong quá trình giảng dạy các bài học, nhất là các bài học thuộc các môn học chuyên ngành; tăng cường thảo luận theo nhóm dưới dạng tiểu đội, trung đội; tổ chức thực hành chính trị - xã hội, thực tập giai đoạn 1 trong thời gian 2 tháng và thực tập tốt nghiệp 6 tháng trước khi thi tốt nghiệp ra trường. Những giải pháp có tính truyền thống này được lưu giữ, phát triển, có sự đổi mới trong tổ chức thực hiện xuyên suốt trong quá trình đào tạo các khóa học, hệ học tại Học viện Cảnh sát nhân dân cho đến ngày nay.
Đặc biệt chú ý, trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, sự phối hợp giúp đỡ của các tổng cục, các vụ, cục trực thuộc Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, các học viện, trường Công an nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân đã chủ động nghiên cứu, tổng kết, có nhiều kế hoạch, biện pháp, mô hình nhằm đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo gắn đào tạo với thực tiễn chiến đấu của ngành.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc gắn đào tạo với thực tiễn chiến đấu của ngành vẫn còn có những hạn chế nhất định ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo và cuối cùng thể hiện trong nhận thức, phương pháp tư duy, kỹ năng tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, kỹ năng thích ứng và kỹ năng thực hành các hoạt động nghiệp vụ của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường ở các trình độ đào tạo.
Trong báo cáo của diễn đàn kinh tế thế giới gần đây, Việt Nam chỉ đứng thứ 70/100 về nguồn nhân lực, 81/100 về lao động có chuyên môn cao, xếp hạng 75/100 về chất lượng đào tạo đại học, 90/100 về đổi mới khoa học công nghệ, 70/100 về năng lực sáng tạo. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, gắn lý luận với thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội là một quy luật tất yếu trong công tác giáo dục, đào tạo, là một trong các giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 của nước nhà. Trong giải pháp này, nhấn mạnh cơ chế phối hợp trong xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng và đánh giá chương trình, công tác tuyển sinh, tuyển dụng. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn chặt với nhu cầu của ngành, địa phương và toàn xã hội.
Trong lực lượng Công an nhân dân, để gắn công tác đào tạo với sử dụng, gắn lý luận với thực tiễn chiến đấu của ngành, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh phải đổi mới chương trình đào tạo của các trình độ đào tạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới ngành nghề, phương thức tổ chức đào tạo và nội dung chương trình đào tạo. Xác định hệ thống các cấp học và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hướng bố trí từng lực lượng ở từng cấp Công an. Hoàn thiện hệ thống ngành, nghề đào tạo, phân định rõ mục tiêu đào tạo, nội dung kiến thức giữa các ngành và trình độ đào tạo. Xác định phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện thiết thực, phù hợp với mỗi cấp trình độ, loại hình và đối tượng đào tạo. Đổi mới công tác tuyển sinh, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung chuẩn đầu ra đối với từng chuyên ngành, chương trình đào tạo cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của lực lượng Công an nhân dân. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, có cơ chế huy động, tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo. Tất cả các quan điểm, chủ trương, giải pháp nêu trên đều nhằm một mục tiêu là từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân, gắn công tác đào tạo với sử dụng và thực tiễn chiến đấu của ngành.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo nêu trên, phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, để đảm bảo gắn công tác đào tạo với sử dụng, gắn lý luận với thực tiễn chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của Học viện Cảnh sát nhân dân trong những năm tới, theo quan điểm của chúng tôi, cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, cần thống nhất quan điểm đảm bảo gắn công tác giáo dục, đào tạo với thực tiễn là một quy luật tất yếu trong công tác giáo dục, đào tạo nói chung, trong công tác giáo dục, đào tạo trong các học viện, trường Công an nhân dân nói riêng. Quy luật này không nên hiểu đơn thuần theo nghĩa hẹp là tăng cường thực hành, thực tập trong quá trình đào tạo là đảm bảo sự gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn. Ngược lại, quy luật này cần quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, từ xác định ngành, nghề đào tạo, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, công tác đào tạo đội ngũ giảng viên, công tác tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, nhất là phương pháp đào tạo, phân công công tác cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Tất cả những khâu này của công tác giáo dục, đào tạo khi thực hiện đều phải căn cứ vào những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và nhằm mục đích đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Hay nói theo cách khác, hoạt động thực tiễn, trong đó có thực tiễn sử dụng học viên sau khi tốt nghiệp ra trường là tiêu chuẩn chân lý để đánh giá tính hợp lý, khoa học và hiệu quả của công tác giáo dục, đào tạo nói chung, từng khâu của công tác giáo dục, đào tạo nói riêng. Công tác giáo dục, đào tạo không xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, áp đặt chủ quan sẽ dẫn đến không đảm bảo chất lượng, không có triển vọng phát triển, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực của nhà trường, của xã hội và người học.
Hai là, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo theo hướng gắn đào tạo với bố trí, sử dụng cán bộ, gắn lý luận với thực tiễn chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, đảm bảo tính chính xác, khoa học giữa mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo với ngành và chuyên ngành đào tạo trong danh mục ngành và chuyên ngành đào tạo trình độ đại học và sau đại học của nước ta cũng như của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Đây là công việc rất quan trọng, bởi vì xây dựng danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo hợp lý, khoa học theo hướng gắn đào tạo với bố trí, sử dụng cán bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, nhất là các môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành. Từ đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo, đảm bảo cho công tác giáo dục, đào tạo gắn với việc sử dụng cán bộ. Mặt khác, xây dựng ngành và chuyên ngành đào tạo đảm bảo tính chính xác, khoa học giữa mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo với danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo của nước ta và các nước khác trong khu vực và trên thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, nhất là hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.
Ba là, cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo theo hướng thiết thực và hiệu quả, có sự phân định kiến thức rõ ràng ở các trình độ đào tạo. Đặc biệt, cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của từng chương trình đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo… Trong mục tiêu, yêu cầu cần phân biệt rõ về kiến thức và kỹ năng. Để xác định chính xác mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp giảng dạy của từng chương trình đào tạo, tương ứng với từng ngành, chuyên ngành đào tạo ở từng trình độ đào tạo cần phải bám vào vị trí và yêu cầu công tác của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường trong thực tiễn chiến đấu của ngành. Xác định chính xác mục tiêu, yêu cầu đào tạo sẽ là cơ sở xác định chính xác nội dung, phương pháp đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo nói riêng, gắn công tác đào tạo với sử dụng cán bộ, thực tiễn chiến đấu của ngành nói chung. Trong xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, cần hạn chế tới mức thấp nhất các môn học để biết, cần xác định chính xác các môn học cần phải học để làm. Việc mô tả các môn học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục đào tạo nói riêng, gắn công tác giáo dục, đào tạo với thực tiễn chiến đấu của ngành nói chung. Ví dụ, đối với môn học về công tác khám nghiệm hiện trường sau nổ bao gồm các bài: nhận thức về chất nổ và sự nổ (thuyết trình, hội thoại và trực quan hình ảnh); cấu trúc và đặc điểm của các loại mìn tự tạo (thuyết trình, hội thoại và cho học viên quan sát các loại chất nổ và mìn tự tạo của các tổ chức khủng bố hiện hành); phương pháp xác định cấu trúc các loại mìn tự tạo từ các dấu vết vật chất của vụ nổ đã xẩy ra( thuyết trình, hội thoại và bài tập thực hành từ các dấu vết của vụ nổ có thật xác định loại mìn và sơ đồ cấu trúc của mìn); tổ chức lực lượng, phương pháp và chiến thuật khám nghiệm hiện trường sau nổ (thuyết trình, trực quan hình ảnh, phim, hội thoại, thực hành cho nổ mìn thật và khám nghiệm hiện trường thật theo các nhóm); xác lập hồ sơ khám nghiệm và các nhóm báo cáo kết quả khám nghiệm, các nhóm nhận xét chéo nhau và giảng viên kết luận. Để đạt được điều này, trong quá trình mô tả từng môn học cần phải bám sát vào hoạt động thực tiễn tương ứng để xác định mục tiêu cần đạt được về kiến thức và kỹ năng, nội dung môn học và phương pháp dạy học. Làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn giữa lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng.
Bốn là, cần ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, quán triệt phương châm gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo, gắn công tác giáo dục, đào tạo với bố trí sử dụng cán bộ cũng như thực tiễn chiến đấu của ngành. Trong quá trình biên soạn các giáo trình, tài liệu dạy học cần đặc biệt chú ý khai thác sử dụng các tài liệu thu thập được từ hoạt động thực tiễn, các báo cáo sơ kết, tổng kết hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, cần chú ý đưa vào giáo trình các tình huống đặc trưng của từng dạng hoạt động thực tiễn và phương án xử lý. Cần huy động các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn có năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm, kỹ năng viết giáo trình tham gia biên soạn, hội thảo, nghiệm thu giáo trình, tài liệu dạy học. Đồng thời, các giáo trình, tài liệu dạy học cần thường xuyên, kịp thời chỉnh lý, bổ sung để cập nhật hoạt động thực tiễn.
Năm là, phải đổi mới, áp dụng phương pháp đào tạo tích cực theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, gắn đào tạo với sử dụng nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng gắn với từng ngành, chuyên ngành đào tạo. Hoạt động thực tiễn nói chung, thực tiễn chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân nói riêng thường xuyên vận động. Do đó, ở phương diện phương pháp đào tạo, cần chú trọng khơi dậy, phát triển sự đam mê trong học tập, nghiên cứu; bồi dưỡng năng lực chủ động, năng động, sáng tạo, mạnh mẽ, táo bạo phát hiện sự khác biệt trong nghiên cứu, học tập; bồi dưỡng năng lực tự học tập, tự nghiên cứu của học viên nhằm kịp thời bổ xung, nâng cao kiến thức, kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn cũng như thay đổi của môi trường công tác. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý đào tạo, bồi dưỡng về nhận thức và kỹ năng phối hợp, kỹ năng tổ chức làm việc theo nhóm cho học viên nhằm đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của hoạt động thực tiễn trong tình hình hiện nay. Điều này có nghĩa là, người học sau khi ra trường phải biết cách tự đào tạo mình để thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn, thay đổi của môi trường công tác.
Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, cần chú ý gắn lý luận với thực tiễn, tăng cường thảo luận, làm bài tập tình huống có sự tham gia, cố vấn của cán bộ thực tiễn có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, chú ý các bài tập tình huống luôn đi đôi với bài tập thực hành. Do đó, các bài học có thực hành cần xây dựng các kịch bản thực hành tương ứng với các tình huống nghiệp vụ phổ biến và cụ thể sát với thực tiễn, mang tính ổn định tương đối. Từ đó, chuẩn bị thao trường, bãi tập có cấu trúc sát với các tình huống thực hành, tổ chức thực hành nghiêm túc, tránh mang tính hình thức để nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành. Để đạt được điều này cần tổ chức các lớp học hợp lý với quan số từ 20, tối đa là 30 học viên thì mới áp dụng có hiệu quả giải pháp này. Đây là biện pháp tích cực nhằm gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân.
Sáu là, thường xuyên đổi mới phương pháp thực tập của học viên, nhất là học viên hệ chính quy từ khâu xây dựng kế hoạch thực tập cho từng chuyên ngành, từng học viên, trong đó đặc biệt chú ý xác định chỉ tiêu, thời gian, địa chỉ thực tập, công tác hướng dẫn thực tập của Công an các đơn vị, địa phương, sự phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị, Công an các địa phương trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực tập của học viên. Thường xuyên tổng kết, nghiên cứu để phát hiện và áp dựng mô hình thực tập tối ưu để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đối với những chuyên ngành đào tạo có tính đặc thù như chuyên ngành Cảnh sát điều tra, chuyên ngành Kỹ thuật hình sự, đào tạo giám định viên kỹ thuật hình sự… cần nghiên cứu áp dụng chế độ thực tập đặc thù nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường theo tiêu chuẩn các chức danh do pháp luật qui định.
Bảy là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn, kỹ năng thực tiễn cho đội ngũ giảng viên. Để nâng cao kiến thức thực tiễn, đội ngũ giảng viên phải tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động tổng kết thực tiễn, thu thập, nghiên cứu các tài liệu của hoạt động thực tiễn và sử dụng trong quá trình dạy học. Đồng thời, để nâng cao kỹ năng thực tiễn cho đội ngũ giảng viên cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương luân chuyển có thời hạn cán bộ, giảng viên trong các học viện, trường Công an nhân dân đến công tác tại Công an các đơn vị, địa phương. Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương mời cán bộ thực tiễn có phẩm chất, năng lực và khả năng sư phạm là giảng viên kiêm nhiệm tham gia giảng dạy trong các học viện, trường Công an nhân dân.
Tám là, tăng cường cơ sở vật chất cho các học viện, trường Công an nhân dân theo hướng gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giáo dục, đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng cán bộ bao gồm hệ thống các thiết bị, đồ dùng dạy học, hệ thống thư viện, nhất là thư viện điện tử, hệ thống giảng đường, phòng thực hành, thao trường, bãi tập.
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Huy Thuật
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân