Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Ba, 17/1/2017 23:40'(GMT+7)

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên nữ có trình độ cao của Học viện CSND

Từ lúc mới ra đời ngày 15/05/1968, nhà trường chỉ có 5 khoa, 3 phòng chức năng với 43 cán bộ, đến nay, Học viện đã có 37 đơn vị khoa, phòng, bộ môn, trung tâm với một đội ngũ gồm 865 cán bộ, giảng viên, trong đó có 06 Giáo sư, 24 Phó giáo sư, 117 Tiến sĩ, gần 300 Thạc sĩ, hơn 150 giảng viên chính là vốn quý để xây dựng Học viện ngày càng phát triển và có những bước trưởng thành nhanh chóng. 46 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện đã đào tạo được 40 khóa đại học chính quy, 28 khóa đại học vừa làm vừa học, 29 khóa đại học liên thông với hơn 3 vạn Cử nhân, hơn 2500 Thạc sĩ, hơn 200 Tiến sĩ Luật học, hàng nghìn cán bộ lãnh đạo chỉ huy của lực lượng CSND toàn quốc và các nước bạn. Học viện đã tiến hành nghiên cứu thành công hàng nghìn đề tài khoa học các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc. Học viện đã nhiều năm được tặng Cờ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý của Chính phủ, Bộ Công an. 

Thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi người cán bộ Công an, Cảnh sát ngoài tinh thông võ thuật, giỏi bắn súng và sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ, còn phải giỏi ngoại ngữ, thạo tin học, giỏi nghiệp vụ, luật pháp quốc tế, biết tổ chức vận động quần chúng và nắm bắt kịp thời các vấn đề chính trị, kinh tế- xã hội trong nước và quốc tế mới xuất hiện. Để thực hiện được điều đó, Học viện CSND đã và đang đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo cán bộ, trong đó đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định là một trong những biện pháp có tính đột phá.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ XV, Đảng ủy Học viện đã ban hành Nghị quyết về công tác cán bộ nhiệm kỳ 2011-2015, trong đó đặt vấn đề chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện. Việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ giáo dục vừa bảo đảm chuẩn Nhà nước vừa bảo đảm chuẩn của Bộ Công an, do đó có lộ trình chuẩn hóa ngắn hạn, dài hạn, theo năm học và theo giai đoạn, theo các tiêu chí về học vấn, trình độ sư phạm, ngoại ngữ, tin học, bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng vào giảng dạy, huấn luyện. Nhà giáo Công an nhân dân còn phải bảo đảm chuẩn hóa theo chức vụ, thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ Công an đồng thời giành thời gian cho nhà giáo nghiên cứu, đi thực tế tại các đơn vị địa phương tạo điều kiện cho từng cá nhân nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tự học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu để nâng cao trình độ.

 

Trong đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà trường tiến hành 3 nhiệm vụ song song: đào tạo giảng viên đầu đàn, đào tạo giảng viên nữ, đào tạo giảng viên trẻ. Công tác đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục nữ, trong đó giảng viên nữ có trình độ cao của Học viện được tiến hành đồng bộ trên 4 mặt: đạo đức nhà giáo, kỹ năng sư phạm và chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành và kỹ năng nghiên cứu khoa học. 

 

Đào tạo đội ngũ giảng viên nữ có đạo đức nhà giáo

Khi nói về nghề thầy giáo, nhà giáo dục học vĩ đại Cô-men-xki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Các tư tưởng trên đã cụ thể hóa điều mà cha ông ta đã nói về nghề thầy giáo (nghề sư phạm): “sư giả thiên nhân chi mô phạm”, nghĩa là thầy giáo là người cao quý nhất trong trời và người. 

Trong sự nghiệp trồng người, đội ngũ nữ giảng viên nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giáo viên phải có đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nhấn mạnh: “các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo”, “phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Tấm gương của thầy cô giáo đối với học sinh là vô cùng quan trọng, Người nói: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ, vì vậy sự học tập ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà”, do đó “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Người có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đối với đội ngũ nhà giáo, tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn của người thầy, đức là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy đối với nghề, với học sinh… Chính vì thế, Người nhắc các nhà giáo: Dạy cũng như học đều phải biết chú trọng cả tài và đức.

 

Để làm cơ sở cho đổi mới công tác giáo dục, đào tạo cán bộ Cảnh sát, Nhà trường đã tập trung xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh thực hiện các cuộc vận động lớn của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tập trung chấn chỉnh trật tự, kỷ cương, thực hiện nghiêm Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, phòng, chống các tiêu cực trong dạy và học. Học viện đã tập trung giáo dục lý tưởng và đạo đức nghề nghiệp Công an nhân dân cho cán bộ, giảng viên, trong đó có nữ giảng viên, phát động các phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, xây dựng “Nhà trường văn hóa, thầy giáo mẫu mực, sinh viên thanh lịch”, “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Công an nhân dân thực hiện nghiêm Điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Nhà trường đã phát động và tổ chức vinh danh các thầy cô giáo được phong tặng các danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, được công nhận các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ, tổ chức cho các giảng viên trẻ học tập các tấm gương các thế hệ thầy cô giáo đi trước, giao cho các khoa, bộ môn tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ các giảng viên trẻ. Đồng thời, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Đào tạo giảng viên về kỹ năng và trình độ sư phạm, chuyên môn nghiệp vụ

Kỹ năng và trình độ sư phạm là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá về người giảng viên. Vì vậy, Học viện đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Trong những năm gần đây, Học viện mở mỗi năm 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các giảng viên trẻ, mời các giảng viên có kinh nghiệm của trường Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội giảng dạy về các kỹ năng xây dựng và thiết kế bài giảng, các kỹ năng thuyết trình, sử dụng các phương tiện kỹ thuật và công nghệ thông tin trong dạy học. Cho đến cuối năm 2013, hơn 500 giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường, trong đó có hơn 200 cán bộ, giảng viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Học viện có nhiều hình thức để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm như quy định rút ngắn thời gian duyệt giảng xuống từ 6 tháng đến 1 năm sau khi được tuyển dụng làm giảng viên, tổ chức các buổi dạy tốt, dạy giỏi cấp Học viện, cấp Bộ Công an, tổ chức các bài học tốt cho học viên các hệ học, chỉ đạo Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tổ chức các Hội thi giảng viên trẻ tài năng, Hội thi giảng viên nữ trẻ tài năng, tham quan học hỏi kinh nghiệm sư phạm các trường bạn. Các khoa, bộ môn của nhà trường đều phân công các thầy cô giáo có kinh nghiệm bồi dưỡng, kèm cặp các giảng viên trẻ. Câu lạc bộ giảng viên trẻ của Nhà trường đã và đang phát huy có hiệu quả, tạo diễn đàn để các giảng viên trẻ học hỏi thêm về kỹ năng và trình độ sư phạm.

Học viện đã tập trung quan tâm, tạo điều kiện cho nữ cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ. Chỉ riêng năm học 2012 - 2013 đã có 350 cán bộ, học viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và hiện nay, nhà trường có 45 nữ cán bộ đang học nghiên cứu sinh, gần 100 cán bộ nữ học cao học, các lớp ngoại ngữ, tin học trong và ngoài nước. Cho đến nay, Học viện có 2 nữ Phó giáo sư, 15 nữ Tiến sĩ, 14 nữ lãnh đạo cấp khoa, phòng, bộ môn góp phần đưa Học viện trở thành nhà trường có đội ngũ giảng viên trình độ cao đứng đầu các học viện, nhà trường Công an nhân dân.

Nhà trường đã tăng cường học tập ngoại ngữ và tin học cho cán bộ, học viên và coi đây là một trong những chìa khóa để đổi mới công tác dạy và học trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Học viện đã mở được 15 lớp gồm hơn 400 cán bộ, học viên học đại học tiếng Anh tại chức. Nhiều biện pháp học tập ngoại ngữ được triển khai như: học trên lớp, tổ chức Câu lạc bộ tiếng Anh, dạ hội ngoại ngữ, ra Nội san sinh viên bằng các ngoại ngữ, tổ chức các diễn đàn khoa học bằng ngoại ngữ có mời giảng viên nước ngoài, diễn thuyết bằng ngoại ngữ, cử các cán bộ trẻ biết ngoại ngữ đi công tác nước ngoài... nên đã tạo được phong trào học tập ngoại ngữ trong cán bộ và học viên, trong đó có nữ giảng viên. 

Học viện được Bộ Công an cho phép tổ chức ký kết hợp tác với 10 học viện, trường Đại học Cảnh sát trong khu vực và thế giới, tiến hành trao đổi cán bộ, học viên với các nhà trường bạn. Mời các Giáo sư, chuyên gia, giáo viên nước ngoài, các tùy viên An ninh, Cảnh sát, nhà khoa học nước ngoài vào báo cáo, giảng dạy tại Học viện vừa góp phần tăng cường các kiến thức mới cho học viên đồng thời giúp giảng viên Học viện có điều kiện học tập các phương pháp giảng dạy tiên tiến. Cùng với việc cử giảng viên ra nước ngoài học Thạc sĩ, Tiến sĩ, bắt đầu từ năm học 2010 - 2011, học viện đã khai giảng khóa liên kết đào tạo Thạc sĩ dạy và học bằng tiếng Anh với trường Đại học tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ. Đã có 30 giảng viên Học viện đang theo học lớp Thạc sĩ liên kết này và lớp ngoại ngữ tạo nguồn khóa 2. 

Học viện đã và đang phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng các dự án hợp tác đào tạo quốc tế về phòng, chống tội phạm, phối hợp viết giáo trình đào tạo về Cảnh sát giao thông... Nhiều học viện, trường Cảnh sát quốc tế đã tặng sách báo nghiệp vụ phục vụ công tác giáo dục, đào tạo cho Học viện CSND.

Đào tạo kỹ năng thực hành cho nữ giảng viên 

Học viện CSND là nhà trường đi đầu trong các nhà trường Công an nhân dân có nhiều cơ chế và hình thức gắn công tác giáo dục và đào tạo với thực tiễn chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân như tổ chức ký kết hợp tác giữa Học viện với Công an thành phố Hà Nội. Mỗi khoa, bộ môn, đơn vị của Học viện tổ chức kết nghĩa với 01 phòng Nghiệp vụ và 01 Công an quận, huyện của Hà Nội. Vào các dịp Tết Nguyên đán, kỳ thi đại học, Học viện thường xuyên cử giảng viên, học viên chi viện cho Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Cán bộ, học viên của Học viện thường xuyên xuống cơ sở để kiến tập, tham quan, nghiên cứu tại các địa bàn kết nghĩa và ngược lại, các cán bộ của Công an thành phố Hà Nội thường xuyên vào báo cáo, hướng dẫn học viên học tập, nghiên cứu thực tiễn.

Học viện ký kết hợp tác với các Tổng cục, Bộ Tư lệnh Cảnh sát theo hướng mỗi khoa, bộ môn kết nghĩa và được sự đỡ đầu của 01 Cục nghiệp vụ của các tổng cục Cảnh sát và mỗi khoa, bộ môn của Học viện kết nghĩa với 01 Trại giam của Bộ Công an. Với cơ chế hợp tác trên, công tác giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo giảng viên nói riêng của Học viện đã có chuyển biến mới về chất, gắn với thực tiễn. Ngoài ra, tùy tình hình cụ thể, Học viện còn phối hợp với các địa phương khác về gắn giáo dục, đào tạo với thực tiễn.

Ngoài việc thường xuyên cử giảng viên đi thực tế tại Công an các đơn vị, địa phương, từ năm học 2010 - 2011, Học viện đã báo cáo Bộ Công an luân chuyển giảng viên trẻ, trong đó có nữ giảng viên trẻ xuống biên chế làm công tác thực tiễn tại Công an các phường của thành phố Hà Nội trong 2 năm. Sau 2 năm sẽ rút về Học viện duyệt giảng và phân về các khoa, bộ môn. Sau đó, giảng viên trẻ sẽ tiếp tục đi thực tế 1 năm tại các phòng Nghiệp vụ của CATP hoặc các đội Nghiệp vụ của Công an các quận, huyện của CATP Hà Nội. Mô hình đào tạo giảng viên này sẽ giúp giảng viên nắm bắt thực tế tốt hơn. Đồng thời, sẽ lựa chọn nguồn giảng viên từ học viên các lớp cao học, nghiên cứu sinh đang đào tạo để bổ sung cho đội ngũ giảng viên Học viện. Đã có hơn 40 nữ giảng viên trẻ của Học viện đi luân chuyển thực tế tại CATP Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.

Đào tạo về kỹ năng và khả năng nghiên cứu khoa học cho nữ giảng viên

Hoạt động nghiên cứu khoa học là một phần quan trọng trong công tác của giảng viên đại học viện nay. Học viện thường xuyên phối hợp với các Tổng cục, Bộ Tư lệnh Cảnh sát, các Cục nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, nghiên cứu nhiều đề tài khoa học về an ninh, trật tự, đã, đang và sẽ xuất hiện trong thời kỳ mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. 

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của nữ giảng viên Học viện đã được đánh giá cao trong lực lượng Công an nhân dân như các công trình nghiên cứu về Tâm lý hình sự của PGS, TS. Hoàng Thị Bích Ngọc, các công trình nghiên cứu về chứng khoán và phòng, chống tội phạm kinh tế của PGS, TS. Đặng Thị Cẩm Thúy, các công trình nghiên cứu về quản lý cư trú, quản lý người lao động ngoại tỉnh của TS. Đặng Thị Thanh và TS. Nguyễn Thị Hoan, các công trình nghiên cứu về pháp luật của TS. Trần Thị Quyến...

Trong thời gian tới, đây vẫn là giải pháp mang tính đột phá, nếu làm tốt sẽ tạo sự chuyển biến sâu sắc công tác giáo dục, đào tạo cán bộ Công an, Cảnh sát trong thời kỳ mới. Học viện CSND đang tiếp tục nghiên cứu để có nhiều cơ chế và hình thức hoạt động để giải pháp này có hiệu quả cao theo tiêu chí mỗi giảng viên nói chung, nữ giảng viên nói riêng của Học viện CSND phải đạt được 4 yêu cầu: là một nhà giáo có đạo đức nghề nghiệp, là một nhà sư phạm và nhà chuyên môn có trình độ cao, là một cán bộ nghiên cứu khoa học giỏi, là một nhà hoạt động thực tiễn năng động. Đây là điều kiện quan trọng tiên quyết để xây dựng và phát triển Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng Công an nhân dân và sau năm 2015, trở thành trường trọng điểm quốc gia, đạt chuẩn quốc tế và khu vực.

Nhà trường phấn đấu đến 2015 sẽ có 01 nữ Giáo sư, 2 nữ Phó giáo sư, 20 nữ Tiến sĩ và đến năm 2018 - Học viện CSND kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống sẽ có 3 nữ Giáo sư, 10 nữ Phó giáo sư, 50 - 60 nữ Tiến sĩ. Đến năm 2020 - năm Học viện CSND trở thành trường trọng điểm quốc gia, Học viện sẽ có 5 nữ Giáo sư, 20 nữ Phó giáo sư, 100 Tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ nữ có trình độ cao này đồng thời cũng là các chuyên gia đầu đàn về các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ Cảnh sát và giáo dục, đào tạo Cảnh sát.

Để tăng cường công tác xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên nữ có trình độ cao trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện có chiến lược đào tạo cán bộ nói chung, đào tạo cán bộ nữ nói riêng, trong đó xác định các khâu và lĩnh vực đào tạo cán bộ nữ có trình độ cao là: các khoa chuyên ngành Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát môi trường, Kỹ thuật hình sự, Ngoại ngữ, các bộ môn Pháp luật, Mác - Lênin và Khoa học xã hội nhân văn, Tâm lý, Toán - Tin học...

Thứ hai, tập trung bồi dưỡng, xây dựng các chuyên gia nữ đầu đàn và có các hình thức vinh danh để động viên cán bộ nữ vươn lên và để nữ cán bộ, giảng viên noi gương phấn đấu. 

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên nữ nói chung, giảng viên nữ đầu đàn nói riêng về chế độ cung cấp thông tin, kinh phí nghiên cứu khoa học, điều kiện làm việc... Đối với đội ngũ nữ giảng viên có trình độ cao, đề nghị Bộ Công an cho áp dụng chính sách kéo dài thời gian làm việc như nam giới: Tiến sĩ kéo dài thêm 5 năm, Phó giáo sư kéo dài thêm 7 năm, Giáo sư kéo dài thêm 10 năm làm việc.

Thứ tư, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa nữ giảng viên của Học viện CSND với các trường bạn trong và ngoài lực lượng CAND, các trường quốc tế để đội ngũ nữ giảng viên Học viện có điều kiện nâng cao trình độ, trưởng thành.

Đổi mới công tác giáo dục, đào tạo cán bộ Công an nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Đào tạo giảng viên nói chung, đào tạo giảng viên nữ nói riêng là một biện pháp quan trọng mang tính đột phá và đã đạt được nhiều kết quả khả quan tại Học viện CSND Việt Nam.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện CSND

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

Thủ đoạn dùng app ngân hàng giả để lừa đảo

(ANTV) - Trong thời đại số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến vì theo tác đơn giản và thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cũng không ngừng gia tăng. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng gần đây là cài đặt các dụng ứng dụng ngân hàng giả mạo để lừa đảo chuyển tiền.

Thư viện Ảnh

Mới nhất