Trải qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những kết quả và thắng lợi to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, ấm no, hạnh phúc...
Tuy nhiên, bên cạnh đó nền giáo dục cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại và bất cập trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục đào tạo là một trong những nhiệm vụ, đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội”.
Những nội dung đổi mới toàn diện và cơ bản giáo dục đào tạo hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi cụ thể đối với tất cả các cơ sở đào tạo đại học nói chung cũng như giáo dục trong Công an nhân dân trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục, thực hiện kiểm định và đánh giá chất lượng đào tạo… trong đó việc triển khai các mô hình đào tạo lớp chất lượng cao, đào tạo tài năng, đào tạo theo chuẩn quốc tế là những giải pháp cụ thể, cách tiếp cận đi tắt đón đầu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo.
Quá trình hình thành lớp đào tạo cử nhân chất lượng cao tại Học viện Cảnh sát nhân dân
Đào tạo cán bộ trình độ cao cho lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành. Qua 46 năm xây dựng và phát triển, Học viện Cảnh sát nhân dân là một trong những cơ sở đào tạo cán bộ Cảnh sát chất lượng cao cho ngành Công an, Quân đội, các cơ quan thuộc khối nội chính và Cảnh sát các nước bạn Lào, Campuchia anh em.
Trong các thời kỳ, giai đoạn phát triển khác nhau của Học viện luôn đặt ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công an có trình độ đại học, sau đại học phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đất nước. Ngày 02/10/2001 Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 696/2001/QĐ-BCA(X13) chuyển trường Đại học CSND (trực thuộc Tổng cục III - Bộ Công an) thành Học viện CSND trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công an và Phân hiệu Đại học CSND được chuyển thành Phân viện của Học viện. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi, phát triển của Học viện ở giai đoạn mới trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ An ninh chính trị và giữ gìn TTATXH trong tình hình mới, xứng đáng là trung tâm đào tạo chất lượng cao của lực lượng CSND.
Việc chuyển trường Đại học CSND thành Học viện CSND là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đến công tác giáo dục của lực lượng CAND nói chung và Trường Đại học CSND nói riêng. Tinh thần này đã được thể hiện trong Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về nhiệm vụ công tác công an năm 2001 cũng đã xác định: “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND... Tập trung khâu đột phá là công tác cán bộ... tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đào tạo cán bộ”.
Nhận thức về tầm quan trọng phải nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện, xứng đáng với vai trò, vị trí là cơ sở đào tạo đầu ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học của Bộ Công an, Học viện phải tích cực tăng cường mọi biện pháp, đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán, nhân tài cho lực lượng CSND nói riêng.
Trước tình hình trên, nhằm có những giải pháp cụ thể và học tập kinh nghiệp của các trường đại học trong cả nước có tiếp thu chọn lọc, vận dụng kinh nghiệm và với sự quyết tâm cao của tập thể Ban Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị, sự nỗ lực của cán bộ giảng viên của Học viện, ngày 30/10/2002 Hội đồng giáo dục của Học viện đã thông qua Nghị quyết Hội đồng giáo dục số 214/T32 về việc đào tạo lớp cử nhân chất lượng cao tại Học viện, triển khai từ năm học 2002 - 2003 với 50 sinh viên được tuyển chọn từ khóa đào tạo hệ chính quy D28.
Như vậy có thể thấy mô hình đào tạo cử nhân chất lượng cao lần đầu tiên được tổ chức trong các trường CAND đã được Học viện nghiên cứu, triển khai từ năm học 2002-2003 đã mở ra hướng đi với tư duy mới, đúng đắn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và định hướng phát triển của Học viện sau này.
Quá trình tổ chức đào tạo và một số kết quả đạt được trong tổ chức đào tạo cử nhân chất lượng cao
Từ năm học 2002-2003 trong đào tạo đại học hệ chính quy tại Học viện CSND bắt đầu có lớp đào tạo cử nhân chất lượng cao theo Nghị quyết của Hội đồng giáo dục Học viện. Lớp gồm 51 sinh viên tuyển chọn từ khóa D28, đào tạo chuyên ngành Điều tra tội phạm (nay là Điều tra tội phạm xâm phạm TTATXH).
Để triển khai, tổ chức tốt quá trình đào tạo lớp cử nhân chất lượng cao theo đúng mục đích của Nghị quyết số 214/T32(ĐT), Học viện đã có sự chuẩn bị và tập trung đầu tư, tạo mọi điều kiện đảm bảo về: Chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, đội ngũ giảng viên, trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập và có một số chính sách đãi ngộ cụ thể cho học viên... Qua 1 năm thực hiện thí điểm của lớp cử nhân chất lượng cao D28, kết quả chung cho thấy: 70,6% (36/51 học viên) đạt loại Khá, 29,4% (15/51 học viên) đạt loại Trung bình khá, không có loại Trung bình và Yếu, 2 học viên được chọn đi học nước ngoài. Kết quả này so với các lớp đại trà khác, tỷ lệ học viên đạt loại khá, giỏi cao hơn nhiều và không có học viên trung bình. Đây là tín hiệu và kết quả bước đầu rất khả quan và tích cực.
Nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả quá trình tổ chức đào tạo lớp cử nhân chất lượng cao tại Học viện; đồng thời chuẩn bị đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm đối với lớp cử nhân chất lượng cao thí điểm đầu tiên khóa D28, ngày 27/11/2007 Học viện đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Nâng cao chất lượng dạy và học các lớp chất lượng cao tại Học viện CSND”. Buổi tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của Bộ Công an, các nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên và học viên trong Học viện. Kết quả hội thảo đã thống nhất đi đến kết luận: Học viện vẫn tiếp tục duy trì đào tạo cử nhân chất lượng cao nhưng đồng thời cần tập trung giải quyết một số tồn tại, khó khăn sau 5 năm tổ chức đào tạo cho lớp thí điểm đầu tiên.
Từ lớp cử nhân chất lượng cao thí điểm đầu tiên áp dụng cho khóa tuyển sinh D28 từ năm học 2002 - 2003 đến nay Học viên đã và đang tổ chức đào tạo 12 lớp cử nhân chất lượng cao, trong đó có 8 lớp cử nhân chất lượng cao được đào tạo theo chương trình học niên chế từ khóa D28 đến D35, trong đó: 07 lớp đã tốt nghiệp, 01 lớp hiện đang đi thực tập tại đơn vị địa phương; 4 lớp đào tạo theo chương trình học chế tín chỉ từ khóa D36 đến D39 và 04 lớp này đang trong quá trình đào tạo. Tất cả các lớp chất lượng cao đều được đào tạo chuyên ngành Điều tra tội phạm (nay là Điều tra tội phạm xâm phạm TTATXH). Qua thống kê kết quả học tập của các lớp từ năm học 2002 - 2003 đến nay cho thấy: Số sinh viên lớp chất lượng cao có tỷ lệ sinh viên đạt loại xuất sắc, giỏi, khá chiếm tỷ lệ cao trong toàn khóa học, đặc biệt tỷ lệ khá, giỏi tăng lên trong những năm cuối khóa. Trong 02 năm đầu số sinh viên có kết quả học tập đạt loại trung bình khá thường chiếm khoảng 20% - 30%, nhưng đến năm thứ 3, thứ 4 thì tỷ lệ sinh viên đạt loại trung bình khá, trung bình hầu như giảm. Từ năm học thứ 3, sinh viên các khóa đào tạo chính quy bắt đầu học các môn cơ sở ngành, nhóm ngành và chuyên ngành. Đây là giai đoạn sinh viên đã nhận thức và tìm ra phương pháp học tập đúng đắn, đã xác định được động cơ, mục đích phấn đấu trong học tập và rèn luyện, do đó sinh viên luôn có ý thức và nỗ lực để đạt được kết quả cao trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu.
Qua thống kê về kết quả rèn luyện và xếp hạng thi đua của sinh viên và tập thể các lớp cử nhân chất lượng cao trong 12 năm qua cho thấy sinh viên các lớp cử nhân chất lượng cao đa số có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, chấp hành nghiêm túc mọi nội quy, quy chế về rèn luyện và quản lý, giáo dục học viên của Bộ Công an, Tổng cục III và của Học viện CSND. Kết quả thi đua hàng năm của cá nhân và tập thể đạt loại xuất sắc, tốt chiếm tỷ lệ cao trên 95%. Đặc biệt, 12 năm qua chưa có trường hợp sinh viên nào của các lớp chất cử nhân lượng cao vi phạm kỉ luật và bị xử lý bằng hình thức khiển trách trở lên.
Những kết quả cơ bản đạt được trong tổ chức đào tạo cử nhân chất lượng cao trên đây của Học viện đáng ghi nhận và cần được nhân rộng. Đây cũng là minh chứng cụ thể, sống động khẳng định chủ trương đúng đắn của Học viện khi thực hiện mô hình đào tạo này và cần phải được duy trì và phát triển ở trình độ, yêu cầu cao hơn trong thời gian tới.
Một số giải pháp nhằm nâng cao đào tạo cử nhân chất lượng cao thời gian tới tại Học viện CSND
Có thể khẳng định: Đào tạo cử nhân chất lượng cao là giải pháp cần thiết, tất yếu của các cơ sở đào tạo để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực có trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, là giải pháp tích cực, quan trọng nâng cao tính hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm tránh lãnh phí trong đào tạo. Do vậy, đối với Học viện CSND để tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo loại hình này, cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Một là, trên cơ sở tổng kết 12 năm đào tạo cử nhân chất lượng cao, tham khảo mô hình đào tạo này của các trường đại học trong nước và bám sát chủ trương, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện cần nghiên cứu xây dựng các quy định cụ thể về chương trình đào tạo chất lượng cao gắn liền với các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo các nội dung cụ thể:
- Về mục tiêu chương trình đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình chất lượng cao (CTCLC) có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, chủ động trong giải quyết vấn đề thực tiễn nghề nghiệp và thích ứng với sự thay đổi của môi trường làm việc; sử dụng thành thạo công cụ tin học; có trình độ ngoại ngữ tối thiểu đạt chuẩn tương đương cấp độ B2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu.
- Về chương trình và phương phương pháp đào tạo: Áp dụng đào tạo theo học chế tín chỉ, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tăng cường rèn luyện kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại và các phần mềm chuyên dụng để giải quyết các nội dung chuyên môn; đặc biệt cần tập trung thực hiện mục tiêu cụ thể trong giáo dục đại học là: Phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học thay bằng việc chỉ cung cấp tri thức thụ động, một chiều, không phát huy được tính chủ động của người học.
- Về tổ chức quy mô lớp học: Dạy lí thuyết không quá 50 sinh viên/lớp; thảo luận không quá 25 sinh viên/lớp; thực hành không quá 15 sinh viên/lớp; thực tập tại phòng thí nghiệm không quá 5 sinh viên/nhóm.
- Về đội ngũ giảng viên tham gia dạy chương trình này phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên, riêng giảng viên dạy lí thuyết các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành phải có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư đúng ngành hoặc ngành gần; có kinh nghiệm giảng dạy liên quan đến ngành CTCLC từ 5 năm trở lên; có phương pháp giảng dạy hiện đại; sử dụng tốt các trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy.
- Về học phí: Học viện là một trường công lập, thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí giáo dục, đào tạo nên học viên không phải đóng học phí. Tuy nhiên để đáp ứng được đúng, đầy đủ các mục tiêu, yêu cầu đối với loại hình đào tạo chất lượng cao cần có cơ chế thu kinh phí hỗ trợ giáo dục và đào tạo. Họ viện cần nghiên cứu dự thảo mức thu kinh phí bổ sung trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo và công khai mức thu của cả khoá học trước mỗi kì tuyển sinh; Trong quá trình thu kinh phí hỗ trợ có tính đến chính sách giảm thu với những sinh viên CTCLC học giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện chính sách.
Hai là, đi đôi với việc nghiên cứu xây dựng về chương trình đào tạo chất lượng cao, Học viện cũng cần xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể trong đó có xác định thời gian, lộ trình để đạt được các yêu cầu, mục đích đào tạo chương trình chất lượng cao đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến tới hòa nhập với quốc tế; các điều kiện đảm bảo về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu học tập, tổ chức quản lý và đặc biệt là phân công cụ thể đối với các đơn vị giảng dạy, phòng, ban chức năng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ba là, bên cạnh việc tổ chức đào tạo cử nhân chất lượng cao đối với chuyên ngành Điều tra tội phạm xâm phạm TTATXH, Học viên cần nghiên cứu mở rộng đối với các chuyên ngành ngành khác có thế mạnh của Học viện, dễ tiếp thu từ các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giói, gắn với khoa học kỹ thuật, mang tính đặc thù của khoa học An ninh và TTXH như: Kỹ thuật hình sự; Luật Tố tụng hình sự, Tư pháp hình sự… nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Bốn là, Học viện cần báo cáo Bộ Công an về mô hình đào tạo cử nhân chất lượng cao trên cơ sở đó Bộ Công an cần có quy định cụ thể về tính pháp lý của chương trình đào tạo chất lượng cao, các chế độ chính sách đối với giảng viên giảng dạy, học viên khi tốt nghiệp ra trường. Bên cạnh đó, Học viện cần phối kết hợp với công an các đơn vị, địa phương để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về mô hình đào tạo này để công an các đơn vị địa phương khi sử dụng học viên tốt nghiệp ra trường cần có sự quan tâm, phát huy được tối đa trình độ của học viên đã được đào tạo.
Trung tá, TS. Trần Hồng Quang - Trưởng phòng QLĐT
Nguồn: Kỷ yếu “Hội nghị Tổng kết 12 năm đào tạo đại học chính quy theo mô hình chất lượng cao - Học viện CSND năm 2014