Trong thời kỳ hội nhập, chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành yếu tố quan trọng nhất bên cạnh các nguồn lực khác. Do đó, các quốc gia buộc phải đầu tư, khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước để tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm đổi mới và hiện đại hóa hệ thống giáo dục, tạo ra nguồn nhân lực cao có tính cạnh tranh.
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, có từ 20-30% lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực, điều kiện làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường quốc tế”. Để thực hiện mục tiêu trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan Công an đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ làm việc trong môi trường quốc tế có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng.
Bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế
Vào ngày 21/8/2022, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND đã đặt chân đến trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, trở thành sĩ quan đầu tiên của lực lượng CAND dự thi và trúng tuyển vào vị trí Chuyên gia Phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình, Ban Thư ký LHQ.
Gần 2 tháng sau đó, vào ngày 13/10/2022, 3 sĩ quan CAND Việt Nam cũng lên đường bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mới của lực lượng CAND ở một nơi xa Tổ quốc: Gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ tại Nam Sudan. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, cả 3 sĩ quan đã được tham gia khóa đào tạo tiền triển khai tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ cũng phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về thủ tục, chế độ chính sách, trang cấp quân tư trang, thiết bị y tế, thuốc men cho 3 sĩ quan lên đường nhận nhiệm vụ. Cả 3 sĩ quan Công an Việt Nam đều được phân công làm việc trong một môi trường đa quốc gia khi Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan có đến hơn 80 quốc gia cùng cử nhân viên đến hoạt động GGHB LHQ, riêng trong lĩnh vực cảnh sát có sự tham gia của 50 nước.
Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Ngọc Hải, sỹ quan đầu tiên của lực lượng CAND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ, việc triển khai cán bộ tại trụ sở LHQ là thuận lợi rất lớn để triển khai lực lượng ở các địa bàn khác, là tiền đề để các sĩ quan CAND khác có cơ sở chuẩn bị để tiếp nối trong các nhiệm kỳ sau và quan trọng nhất là từ đây sẽ có sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng trong hội nhập quốc tế thời gian qua như tham gia lực lượng GGHB LHQ, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn lực lượng CAND tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan CAND nói chung, sĩ quan Cảnh sát nói riêng làm việc trong môi trường quốc tế để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Toàn cầu hoá và hội nhập đã trở thành xu thế nói chung, là vấn đề tất yếu khách quan đối với mọi quốc gia, dân tộc trong việc phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Yêu cầu đảm bảo TTATXH, phòng chống tội phạm trong tình hình mới đã và đang đặt ra cho lực lượng CAND cả những cơ hội và thách thức mới.
Trong đó, yêu cầu cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế với những phẩm chất, tiêu chí, kỹ năng cụ thể là một nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng lực lượng CAND, góp phần đảm đương những trọng trách lớn, cả về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANQG và duy trì trách nhiệm cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, các thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển khu vực và thế giới.
Nhiệm vụ trên cũng đặt ra cho công tác đào tạo cán bộ sĩ quan CAND nói chung, sĩ quan CSND nói riêng những yêu cầu, nội dung mới. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, có từ 20-30% lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực, điều kiện làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường quốc tế”.
Đây thực sự mở ra cơ hội, đồng thời đòi hỏi các học viện, trường CAND và các đơn vị có liên quan phải khẩn trương xây dựng tổng thể, chi tiết về chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với mục tiêu, lộ trình cụ thể.
Nhiệm vụ cấp thiết trước mắt và mang tính lâu dài
Những trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó cho lực lượng Công an trong bối cảnh hiện nay đã đặt ra yêu cầu phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có yêu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhằm tiếp cận với tinh hoa tri thức nhân loại, đưa lực lượng Công an “đi tắt, đón đầu”, nhanh chóng bắt kịp trình độ phát triển của lực lượng Công an, Cảnh sát các nước trong khu vực và trên thế giới.
Số liệu thống kê tính đến tháng 6/2022, số cán bộ, chiến sĩ có trình độ ngoại ngữ trong CAND chiếm khoảng 44,96%. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay, số cán bộ có trình độ ngoại ngữ hiện vẫn còn mỏng so với mục tiêu đặt ra trong các Nghị quyết, chương trình, đề án của Bộ Công an, đặc biệt là mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, có 20-30% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.
Theo Thượng tá, TS Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ, Học viện ANND, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ CAND, trước hết, Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng năng lực, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong từng giai đoạn, phù hợp với địa bàn, lĩnh vực, nhiệm vụ công tác của đơn vị.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ trong thực thi công vụ; xây dựng, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng CAND và sớm ban hành quy định thống nhất về áp dụng chuẩn chương trình ứng với các chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đảm bảo phù hợp, liên thông, đồng bộ. Quan tâm xây dựng và nâng cao trình độ, năng lực sư phạm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo ngoại ngữ, tạo lập môi trường học tập ngoại ngữ hiệu quả trong CAND.
Thượng tá, TS Nguyễn Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, Học viện Chính trị CAND cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng những nhà giáo ưu tú, những trí thức, nhà khoa học tạo nguồn giảng viên cho các học viện, trường CAND; có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ Công an tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực làm việc tốt trong môi trường quốc tế, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực cho công tác đối ngoại CAND và phát triển đất nước.
Xây dựng lộ trình đào tạo sau đại học phù hợp đối với đội ngũ cán bộ Công an, trong đó phải bao quát toàn diện các năng lực hội nhập cho cán bộ Công an từ năng lực, trình độ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ công tác chuyên môn, năng lực hiểu biết, vận dụng có hiệu quả luật pháp quốc tế và các năng lực, kỹ năng cần thiết khác. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các ngành trong CAND, trong đó chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, pháp luật quốc tế cũng phương pháp, phong cách làm việc; nâng cao kỹ năng giao tiếp quốc tế; sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Để hiện thực hoá mục tiêu đào tạo cán bộ Công an làm việc trong môi trường quốc tế đòi hỏi các cơ sở đào tạo trong CAND phải chủ động xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng năng lực cốt lõi để cán bộ chiến sĩ CSND có thể làm việc trong môi trường quốc tế như kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật, kiến thức kinh tế chính trị, văn hoá xã hội, lịch sử, khoa học công nghệ; kiến thức về lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh đó, cần đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo nhằm chuyển từ giáo dục kiến thức sang kỹ năng; chuyển từ dạy những gì giới học thuật có sang dạy cái thị trường cần, sẽ cần; gắn kết cơ sở đào tạo với thực tiễn; chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong môi trường quốc tế.