“Thực tế mô hình đại học truyền thống đang bị thách thức nhưng mô hình đại học 4.0 vẫn đang trong giai đoạn vừa làm vừa mò mẫm học tập nên chưa có một mô hình lý tưởng vì công nghệ thường xuyên thay đổi, nhu cầu học tập của sinh viên cũng luôn thay đổi”.
Đó là chia sẻ của GS. Gottfried Vossen, Đại học Munster, Đức tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình Đại học 4.0 – Nền tảng giáo dục thế kỷ 21” do trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức trong 2 ngày 20 và 21/7.
Tại hội thảo, GS. Gottfried Vossen cho rằng, ngày nay hầu hết các công ty đều số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều hành doanh nghiệp. Trong đó điển hình là Uber đã ứng dụng và phát triển vượt bậc so với các công ty truyền thống. Đây cũng là xu hướng của thời đại khi họ áp dụng các thành tựu khoa học và sự tương tác kết nối để phát triển các mô hình kinh doanh khác xa với trước đây.
GS. Gottfried Vossen ví dụ, ở thập niên 70, các giáo viên đều sử dụng bảng và phấn để giảng dạy. Nhưng ngày nay công năng của hai vật dụng này gần như không còn, thay vào đó là máy chiếu, giáo trình điện tử, video…
Còn sinh viên gần như không viết tay, ít đọc hơn, bởi vậy khi giảng viên hướng dẫn cung cấp tài liệu sinh viên thường than phiền tốn thời gian vì vào lớp họ thường lướt facebook. “Tại Đức không bắt buộc phải đến lớp, chỉ khi nào giảng viên thông báo sắp tới thi môn gì thì sinh viên mới có mặt đông đủ”, GS Gottfried Vossen kể.
GS. Gottfried Vossen cùng cho rằng, mô hình đại học truyền thống đang bị thách thức còn mô hình đại học 4.0 vẫn đang trong giai đoạn vừa làm vừa mò mẫm học tập nên chưa có một mô hình lý tưởng vì công nghệ thường xuyên thay đổi, nhu cầu học tập của sinh viên cũng luôn thay đổi.
“Tuy nhiên các trường đại học không nên bỏ qua lý thuyết, vội vàng xa rời khoa học nền tảng. Cũng không nên quá chiều các đòi hỏi của sinh viên, bỏ qua các nền tảng kiến thức cơ bản để xây dựng cái mới vì các nền tảng ĐH 4.0 chưa có chuẩn cụ thể mà là mục tiêu di động”, GS. Gottfried Vossen khuyến nghị.
Nhận định về sự thay đổi của môi trường giáo dục, GS. Been – ChianChien, khoa Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Thông tin ĐH Quốc gia Đài Loan nói rằng: “Thế giới ngày nay thay đổi rất nhanh, do vậy, việc chia sẻ quan điểm hay lắng nghe kinh nghiệm của quốc gia khác là cần thiết. Nếu muốn có vị trí và có tầm nhìn thì chúng ta cần phải không ngừng thay đổi”.
Trong khi đó, học viên Nguyễn Quang Huy, giảng viên trường Đại hoc Thủ Dầu Một, cho rằng Hội thảo quốc tế Giáo dục 4.0 đã phần nào thấy rõ cơ hội bước đầu về mô hình đại học 4.0 , được những trải nghiệm với các chuyên gia quốc tế từ đó có thể đem về những ứng dụng trong việc xây dựng mô hình GD 4.0.
“Tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình ĐH 4.0 của Malaysia vì đất nước này nằm trong khu vực Đông Nam Á, có sự tương đồng về văn hóa và không chênh lệch nhiều về khoảng cách giáo dục so với các trường ĐH của Việt Nam”.
Hội thảo đã thu hút 150 đại biểu tới từ nhiều quốc gia như: GS. Gottfried Vossen (Đại học Munster, Đức), GS. Kuo-Ming Chao (Đại học Coventry, Anh), GS. Manuel Nunez (Đại học Complutense de Madrid, Tây Ban Nha), GS. Dosam Hwang – (Đại học Yeungnam, Hàn Quốc), GS. Leon Shyue-Liang Wang (Đại học Quốc gia Kaohsiung, Đài Loan), GS. Ali Selamat (Đại học Công nghệ Malaysia), GS. Lê Thị Hoài An (Đại học Lorraine, Pháp), GS. Hoàng Phạm (Đại học Rutger, Mỹ).
NGUYỄN DŨNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ