Tham dự Hội thảo có Đại tá, TS Nguyễn Văn Trầm - Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ); Đại tá, TS Đỗ Tiến Thùy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang; đại diện lãnh đạo Phòng CSCĐ, Phòng Tổ chức cán bộ Công an các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo
Báo cáo đề dẫn Hội thảo nhấn mạnh: xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại luôn là một trong những chủ trương, mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tối đa sức mạnh của biện pháp vũ trang kết hợp với tính cơ động, tính chiến thuật, sự hiệp đồng tác chiến trong đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, như: khủng bố, bạo loạn; bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức; tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự...
Ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, lực lượng Công an nhân dân cơ bản tinh, gọn, mạnh; các lực lượng tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao tiến thẳng lên hiện đại”.
Đại tá Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa Cảnh sát vũ trang trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo
Tuy nhiên, công tác xây dựng lực lượng CSCĐ vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định, trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng này còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSCĐ.
Dự báo thời gian tới, các thế lực vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích động, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Tình hình an ninh xã hội, tranh chấp khiếu kiện và an ninh tại các khu vực, địa bàn chiến lược còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự, tình hình phạm pháp hình sự diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi lực lượng CAND nói chung, nhất là lực lượng CSCĐ phải nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy, hiện đại hóa về lực lượng và vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện nghiêp vụ nhằm chủ động phòng, chống các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, đấu tranh trấn áp các loại tội pham, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.
Đồng thời, đòi hỏi lực lượng CSCĐ phải được đào tạo, huấn luyện các chiến thuật đặc biệt một cách bài bản với đa dạng hình thức. Trong đó, cần phải chú trọng đào tạo dài hạn tại các trường Công an nhân dân, đặc biệt là đào tạo ở trình độ đại học nhằm phát triển một cách toàn diện về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp bảo đảm mỗi cán bộ được đào tạo “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hộị.
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn hiện nay, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo góp phần xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Học viện CSND tổ chức Hội thảo khoa học: “Định hướng đào tạo trình độ đại học đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động”.
Thông qua Hội thảo nhằm quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đồng thời, bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng lực lượng CSCĐ; khảo sát, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của lực lượng CSCĐ ở các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, từ đó, làm rõ những định hướng trong đào tạo, bồi dưỡng lực lượng CSCĐ nói chung và định hướng trong đào tạo trình độ đại học nói riêng, nhằm góp phần xây dựng lực lượng CSCĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Căn cứ mục đích và ý nghĩa Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xác định vị trí, vai trò công tác đào tạo, bồi dưỡng trong xây dựng lực lượng CSCĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay; những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và đào tạo trình độ đại học góp phần xây dựng lực lượng CSCĐ.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh giải pháp tiếp tục đào tạo lực lượng CSCĐ có trình độ đại học đúng ngành, chuyên ngành là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng CSCĐ ở các hệ học, khóa học; chú trọng xây dựng hệ thống bài tập tình huống gắn với các vụ việc, tình huống phức tạp về ANTT xảy ra trong thực tiễn nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên trong quá trình thực hành; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết công tác nghiên cứu, giảng dạy, huấn luyện lực lượng CSCĐ, tập trung vào những vấn đề vướng mắc khi triển khai công tác, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong tác chiến của CSCĐ… để giúp giảng viên, học viên từng bước tích lũy kinh nghiệm, phát triển tư duy về phương pháp, chiến thuật đấu tranh, trấn áp tội phạm theo chức năng của lực lượng CSCĐ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thiếu tướng, GS. TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện đánh giá cao sự tham dự và đóng góp ý kiến tham luận của các đại biểu tại buổi hội thảo. Căn cứ những nội dung thảo luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, nghiên cứu và tham mưu lãnh đạo Bộ Công an những giải pháp cụ thể trong đào tạo trình độ đại học đối với lực lượng CSCĐ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.