Theo đề nghị của Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, ngày 14/06/2013, Học viện CSND đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia khảo sát dự án do Ông Jang Yun Sik, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm mạng quốc tế, Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (KNPU) làm trưởng đoàn...
Tham dự đoàn còn có ông Joshua Isaac James, Chuyên gia của Trung tâm An ninh mạng và điều tra tội phạm mạng, Đại học Dublin, Ireland, thành viên đoàn khảo sát và ông Yoon Hee Seog, Bí thư thứ 2, Tùy viên cảnh sát, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Cùng tham gia buổi làm việc còn có cán bộ của Văn phòng KOICA Việt Nam và cán bộ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.
Về phía Học viện CSND có đồng chí Đại tá, TS. Đặng Xuân Khang, Phó Giám
đốc Học viện chủ trì buổi làm việc; đại diện Lãnh đạo
Phòng Đào tạo, Khoa Nghiệp vụ cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Khoa
Sau đại học và BNDC, Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và PNTP, Phòng Hành
chính tổng hợp và các cán bộ Tổ hợp tác quốc tế.
Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Giám đốc Học viện CSND, đồng chí Đặng
Xuân Khang đã phát biểu chào mừng đoàn chuyên gia khảo sát đến thăm và làm việc
tại Học viện; đồng thời khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đã được xây dựng
từ trước đến nay giữa lực lượng cảnh sát hai nước Việt Nam và Hàn Quốc nói
chung cũng như giữa Học viện CSND Việt Nam và Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc
nói riêng. Đồng chí Phó Giám đốc Học viện cũng đã hoan nghênh ý tưởng xây dựng
dự án xây dựng năng lực về phòng chống tội phạm mạng cho các quốc gia trong khu
vực của Chính phủ Hàn Quốc và mong muốn đoàn chuyên gia sẽ góp phần tích cực để
sớm triển khai được dự án này trong tương lai.
Đồng
chí Đại tá, TS. Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện CSND tặng
quà lưu niệm cho Đoàn chuyên gia khảo sát dự án của Hàn Quốc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Jang Yun Sik, Giám đốc Trung tâm
nghiên cứu tội phạm mạng quốc tế, Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã bày tỏ
lòng cảm ơn chân thành tới Học viện CSND đã bố trí đón tiếp và làm việc với
đoàn, đặc biệt là cảm ơn Lãnh đạo và cán bộ của Học viện đã nhiệt tình giúp đỡ,
hỗ trợ các học viên của Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc trong thời gian học
tập tại Học viện. Tiếp đó ông Jang Yun Sik đã có bài thuyết trình với hai phần:
giới thiệu về hoạt động phòng chống tội phạm mạng của lực lượng cảnh sát quốc
gia Hàn Quốc và giới thiệu về dự kiến dự án xây dựng năng lực phòng chống tội
phạm mạng cho các quốc gia trong khu vực.
Qua bài giới thiệu của ông Jang, có thể thấy, lực lượng cảnh sát phòng
chống tội phạm mạng của Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc tuy mới được thành lập từ
năm 1997 với tư cách là Đội điều tra tội phạm máy tính, đến năm 2000 lực lượng
này đã được nâng cấp trở thành Trung tâm ứng phó tội phạm mạng (CTRC) trực thuộc
Cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc. Đến nay, CTRC đã và đang có những bước phát
triển vượt bậc, trở thành một trong những đơn vị mũi nhọn của cơ quan cảnh sát
quốc gia Hàn Quốc. Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, CTRC đã chia sẻ một số
kinh nghiệm trong việc xây dựng lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm mạng
như:
- Kết hợp giữa việc đào tạo chính quy trong
trường cảnh sát và việc tuyển dụng các chuyên gia về công nghệ thông tin từ
khối dân sự với các chính sách hỗ trợ phù hợp, từ đó tăng cường được hiệu quả,
chất lượng chuyên môn trong phòng chống tội phạm mạng, đồng thời, giảm gánh
nặng về tài chính và thời gian cho công tác đào tạo của cơ quan cảnh sát quốc
gia. Hiện nay, khoảng 30% trong tổng số nhân sự của CTRC là các chuyên gia về
công nghệ thông tin được tuyển từ khối dân sự.
- Tạo dựng lòng tin và vị thế của người cảnh sát
nói chung và cảnh sát phòng chống tội phạm mạng nói riêng trong người dân thông
qua một số biện pháp chiến lược như: xây dựng hình ảnh người cảnh sát gần gũi,
thân thiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thiết lập một hệ
thống các cộng tác viên dưới hình thức “cảnh sát mạng danh dự”, từ đó khuyến
khích người dân tham gia tố giác tội phạm mạng và phối hợp với lực lượng cảnh
sát mạng trong quá trình thu thập chứng cứ, điều tra chống tội phạm mạng; tuyên
truyền mạnh mẽ về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng thông qua nhiều
hình thức, đặc biệt là trang web chính thức và cả các trang mạng xã hội như
facebook; và tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống
tội phạm mạng. Hiện nay, cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã ký kết hợp tác về đấu
tranh phòng chống tội phạm mạng với nhiều quốc gia phát triển như: Mỹ, Pháp,
Đức, Anh…
Bàn về dự án “Tăng cường năng lực về phòng chống tội phạm mạng”, ông
Jang Yun Sik cho biết: Trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật giữa chính phủ Hàn Quốc
với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, KOICA dự kiến sẽ hỗ trợ một số quốc
gia trong khu vực trong việc nâng cao năng lực phòng chống tội phạm mạng. Đại học
Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (KNPU) được lựa chọn sẽ là cơ quan chủ trì triển
khai dự án. Theo Đề cương dự án do KNPU xây dựng, dự án này sẽ hỗ trợ cho các
cơ quan liên quan của 4 nước trong khu vực đó là: Việt Nam, Campuchia,
Phillipin và Indonesia trong thời gian 3 năm (2013-2015) với dư kiến ngân sách
là 650.000 đôla Mỹ.
Qua quá trình khảo sát để xây dựng dự án cho thấy, tình hình tội phạm mạng
ở các nước tham gia dự án cũng như tổ chức lực lượng và công tác đào tạo về
phòng chống tội phạm mạng ở các nước luôn có sự khác biệt.
Tuy nhiên, với đặc thù của loại hình tội phạm mạng là luôn hoạt động trên hệ thống
mạng internet, có sự câu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước, sử dụng
các công cụ, phương tiện liên quan đến công nghệ và có kiến thức trong lĩnh vực
công nghệ thông tin. Do đó, dự án mong muốn xây dựng một chương trình đào tạo
nâng cao năng lực về phòng chống tội phạm mạng mang tính thiết thực và có hiệu
quả, có thể áp dụng tại các quốc gia.
Trên cơ sở đó, dự án dự kiến sẽ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng
lực cho từng nhóm đối tượng như: nhóm quản lý, nhóm thực thi, nhóm đào tạo. Địa
điểm đào tạo sẽ là tại Hàn Quốc và tại các nước tham gia dự án cùng với hệ thống
đào tạo trực tuyến nối dài với các chương trình đào tạo quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ phân bổ một nguồn ngân sách nhất định hỗ trợ cho các
trang thiết bị thiết yếu phục vụ đào tạo tại các nước tham gia dự án. Theo kế
hoạch Đại học cảnh sát quốc gia Hàn Quốc sẽ chủ trì triển khai các hoạt động của
dự án và KOICA sẽ cung cấp toàn bộ kinh phí tài trợ cho dự án.
Các đại
biểu chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Về phía Học viện CSND, đồng chí Đại tá TS. Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc
Học viện đã phát biểu đánh giá cao những nỗ lực của KOICA và KNPU trong việc
xây dựng dự án nói trên và khẳng định, đây là dự án rất có ý nghĩa đối với Việt
Nam. Đồng chí Phó Giám đốc nhấn mạnh: trong bối cảnh sự gia tăng của các vụ án
liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam, các cơ quan chức năng,
đặc biệt là lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã và đang có
nhiều nỗ lực, đấu tranh và phá nhiều vụ án lớn. Đối với Học viện CSND, hiện nay
đã thành lập Khoa Nghiệp vụ cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và tiến
hành tuyển sinh, đào tạo khóa thứ ba, tuy nhiên với yêu cầu của tình hình mới
và những diễn biến phức tạp của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện
nay, việc tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của Học viện
trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Do đó Học viện CSND rất mong muốn dự án sớm
được phê duyệt và triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, ông Yoon Hee Seog, Bí thư thứ 2, Tùy viên cảnh sát,
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã phát biểu khẳng định sự hợp tác chặt
chẽ của lực lượng cảnh sát quốc gia Hàn Quốc và lực lượng cảnh sát nhân dân Việt
Nam. Ông Yoon cho biết, trong thời gian vừa qua, với vai trò của mình, ông luôn
luôn theo sát và ủng hộ cho các hoạt động hợp tác giữa Học viện CSND và Đại học
Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, đặc biệt là gần đây, đã phối hợp chặt chẽ với KOICA
trong việc nghiên cứu tiền khả thi dự án “Xây dựng thư viện điện tử tại Học viện
CSND”.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Đại tá, TS. Đặng Xuân Khang đã một lần
nữa thay mặt Ban Giám đốc Học viện CSND cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ của KOICA và
KNPU đối với Học viện và khẳng định, trong thời gian tới Học viện CSND sẽ cố gắng
ở mức cao nhất nhằm thúc đẩy việc xây dựng và tổ chức triển khai dự án nói
trên. Trước mắt, sau buổi làm việc này, Học viện sẽ cử cán bộ làm đầu mối liên
lạc để tiếp tục trao đổi, triển khai các vấn đề cụ thể cần thiết cho việc triển
khai dự án.
Cao Hoàng Long