Trong khuôn khổ
các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Bộ Thực thi Pháp luật và Trật tự Xri-lan-ca tại Việt Nam theo lời mời của Bộ
trưởng Bộ Công an Việt Nam, chiều ngày 21/7/2014, Ngài Thiếu tướng, Quốc vụ
khanh Nanda Mallawaarachchi
đã dẫn đầu đoàn đại biểu tới thăm và làm việc với Học viện CSND.
Đồng chí Trung tướng, GS.TS
Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện đã chủ trì buổi đón tiếp. Cùng dự buổi tiếp
còn có đồng chí Thiếu tướng, TS. Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện và đại
diện Lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị chức năng của Nhà trường.
Học viện CSND long trọng đón tiếp Đoàn đại biểu
Tại buổi làm việc, đồng chí
Giám đốc Học viện phát biểu chào mừng Ngài Thiếu tướng Quốc vụ khanh Bộ Thực
thi Pháp luật và Trật tự đã tới thăm và làm việc với Học viện. Đoàn đại biểu
của Bộ thực thi pháp luật và Trật tự Xri-lan-ca là đoàn
khách cấp cao đầu tiên tới thăm Học viện CSND năm học mới 2014-2015. Đây cũng
là cơ hội để hai bên tìm hiểu về nhau và tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác, nhất
là trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cảnh sát.
Đồng chí Giám đốc đã giới
thiệu với Đoàn bạn về cơ cấu tổ chức, mô hình đào tạo hiện nay của Học viện CSND,
đặc biệt là thành công của Học viện trong việc mở rộng hợp tác đào tạo với các
cơ sở đào tạo cảnh sát khác trên thế giới.
Toàn cảnh buổi làm việc
Thay mặt cho Đoàn, Ngài
Thiếu tướng, Quốc vụ khanh Bộ Thực thi Pháp luật và Trật tự Xri-lan-ca bày tỏ sự vui mừng khi được đến thăm Học viện CSND trong
chuyến thăm tới Việt Nam lần này. Ngài Quốc vụ khanh đặc biệt quan tâm tới mô
hình đào tạo và tổ chức của Học viện CSND Việt Nam và mong muốn trong thời gian
tương lai giữa Học viện và Học viện Cảnh sát Quốc gia Xri-lan-ca sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực
đào tạo và nghiên cứu khoa học cảnh sát.
Ngài Quốc vụ khanh nhấn
mạnh, Học viện Cảnh sát Quốc gia Xri-lan-ca mới được
thành lập năm 2008, nên rất cần sự ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm của Học viện CSND
Việt Nam, đặc biệt là trong công tác xây dựng giáo trình, tài liệu, đào tạo học
viên, giảng viên trên các lĩnh vực phòng chống tội phạm và nghiên cứu khoa học.
Ngài Quốc vụ khanh ủng hộ sự hợp tác giữa hai nhà trường và mong muốn trong
thời gian sớm nhất, hai Học viện sẽ ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác và triển khai
các hoạt động hợp tác cụ thể hơn.
Ngài Thiếu tướng, Quốc vụ khanh Nanda Mallawaarachchi
viết sổ lưu niệm tại Bảo tàng Học viện CSND
Trước khi rời Học viện tiếp
tục chương trình hoạt động tại Việt Nam, Đoàn đại biểu đã thăm quan một số công
trình trong khuôn viên của Nhà trường như Bảo tàng truyền thống, Thư viện
Nghiệp vụ Cảnh sát...
Bộ Thực thi Pháp luật và Trật tự là thành viên Chính phủ Xri-lan-ca, chịu trách nhiệm về quản lý lực lượng Cảnh sát và lực lượng đặc biệt Xri-lan-ca. Trước đây, Bộ Thực thi Pháp luật và Trật tự trực thuộc Bộ Quốc phòng và Phát triển Đô thị. Tháng 8/2013, Bộ Thực thi pháp luật và Trật tự được tách ra thành thành một Bộ độc lập.
Tổng thống Mahinda Rajapaksha
đồng thời là Bộ trưởng Bộ Thực thi Pháp luật và Trật tự. Quốc vụ khanh, Thiếu tướng Nanda
Mallawaarachchi, hàm Bộ trưởng, là người trực tiếp điều hành hoạt động của Bộ.
Trước khi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh, Thiếu tướng Nanda Mallawaarachchi đã
trải qua nhiều vị trí lãnh đạo trong quân đội và ngành ngoại giao (năm 2007 làm
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Xri-lan-ca tại Indonesia). Tháng 8/2013, khi Bộ Thực thi Pháp
luật và Trật tự được tách ra thành một Bộ độc lập, ngài Nanda Mallawaarachchi được Tổng thống Mahinda
Rajapaksha
bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh.
Cơ sở
đào tạo Cảnh sát lớn nhất của Xri-lan-ca là Học viện Cảnh sát quốc gia. Trường nằm cách trung tâm thành phố
Cô-lôm-bô khoảng 11 km về phía Nam. Học viện được thành lập vào năm 2008 trên
cơ sở sát nhập Viện Đào tạo đại học cảnh sát và Cục Đào tạo tại chức. Dưới Học
viện có các cơ sở giáo dục trực thuộc như: Trường Cao đẳng cảnh sát; các cơ sở
đào tạo khu vực; Viện đào tạo cảnh sát giao thông; Viện đào tạo cảnh sát công
nghệ thông tin; Viện đào tạo cảnh sát phòng chống tội phạm; Viện đào tạo cảnh
sát ma túy; Viện đào tạo tại chức.
Học viện Cảnh sát quốc gia Xri-lan-ca chỉ tổ chức các khóa học cấp chứng chỉ về các chuyên ngành nghiệp vụ
cảnh sát như khóa học cho điều tra viên; công tố viên; cảnh sát giao thông; kỹ
thuật hình sự; kỹ thuật thẩm vấn, lấy lời khai; cảnh sát cộng đồng… Khóa học
dài nhất kéo dài 1 năm (theo hình thức vừa làm vừa học) và khóa học ngắn nhất
là 1 tuần. Việc đào tạo cấp bằng đại học và sau đại học (Thạc sỹ) được thực
hiện theo chương trình liên kết giữa Học viện Cảnh sát và các trường đại học
lớn của quốc gia như Đại học Cô-lôm-bô, Học viện phát triển hành chính Xri-lan-ca, đại học Kelaniya, đại học Peradeniya, đại
học Jayewardenepura… với các chuyên ngành luật, quản lý hành chính, quản trị
nhân lực, xã hội học… |
Xuân Bình