Theo ERIC - Trung tâm nguồn lực thông tin giáo dục (Educational resources information center), chương trình đào tạo được hiểu là sự kết hợp của hệ thống các mục tiêu đào tạo và những nội dung học tập tương ứng, được tổ chức thành một chuỗi các môn học. Chuẩn đầu ra của ngành, chuyên ngành đào tạo là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo. Như vậy, có thể hiểu chuẩn đầu ra là các mục tiêu, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học phải đạt được sau khi hoàn thành khóa học. Đây chính là mục tiêu của chương trình đào tạo. Từ mối quan hệ chặt chẽ giữa chuẩn đầu ra với chương trình đào tạo, chúng ta thấy rằng: để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giáo dục, đào tạo nói chung, cũng như công tác giáo dục, đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói riêng thì chương trình, nội dung đào tạo phải được thiết kế, xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra của từng ngành, chuyên ngành đào tạo.
Sự cần thiết của việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra trong CAND
- Bối cảnh thế giới và trong nước
Thế kỷ XXI được đánh dấu bởi cuộc cách mạng khoa học công nghệ, với sự phát triển của công nghệ thông tin; cùng với đó là xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế của các vùng lãnh thổ, quốc gia, khu vực trên thế giới. Đây là những tiền đề quan trọng làm chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Tình hình chính trị, xã hội trên thế giới hiện nay đang diễn biến vô cùng phức tạp: phản ứng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia châu Phi (Ai Cập, LiBi, Siri); sự bất ổn ở một số khu vực trên thế giới (Ucraina, dải Gaza, bán đảo Triều Tiên, tranh chấp trên Biển Đông). Tình hình tội phạm trên thế giới cũng diễn biến ngày càng phức tạp với sự gia tăng về tính chất, quy mô, phương thức phạm tội, trong đó đặc biệt nguy hiểm là tội phạm khủng bố.
Nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang được hình thành, song hàm lượng chất xám trong sản phẩm còn thấp, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp khi hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Trong thị trường hiện đại, với trình độ khoa học và công nghệ của sản xuất ngày càng cao, việc sản xuất các loại sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao có giá trị rất lớn. Như vậy, vai trò của tri thức trong nền kinh tế thị trường ngày càng được khẳng định; yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng hội nhập, thích ứng đa dạng đang đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam. Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, tình hình tội phạm ở Việt Nam đang diễn biến khá phức tạp với sự xuất hiện một số loại tội phạm mới như: tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố...
Tình hình thế giới và trong nước hiện nay đòi hỏi lực lượng CAND ngày càng phải chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Điều này đặt ra yêu cầu đối với công tác giáo dục, đào tạo trong CAND phải cung cấp một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có chất lượng cao, có tri thức về khoa học công nghệ, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt có khả năng thích ứng linh hoạt với tình hình mới.
- Thực trạng nội dung, chương trình đào tạo hiện nay trong CAND
Trên cơ sở định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn của Bộ Công an, các học viện, trường CAND đã và đang tổ chức xây dựng và công bố chuẩn đầu ra các ngành, chuyên ngành đang tổ chức đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Trong quá trình thực hiện, các trường đã tiến hành rà soát, bổ sung, chỉnh lý nội dung, chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng cán bộ của Công an các đơn vị, địa phương; phù hợp với các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Ưu điểm
Các trường đã chủ động triển khai xây dựng chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành theo chương trình khung giáo dục đại học và chương trình khung giáo dục trung cấp chuyên nghiệp đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đến nay, 100% các trường đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành chương trình đào tạo của các ngành, chuyên ngành được giao tổ chức đào tạo. Các học viện, trường đại học đã hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo thời gian 4 năm; các trường cao đẳng đang triển khai hoàn thiện hệ thống đề cương chi tiết học phần; các trường trung cấp đang chỉnh lý, hoàn thiện chương trình đào tạo, chương trình học phần theo chuẩn đầu ra.
Chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần (dùng cho đào tạo trình độ đại học, cao đẳng), chương trình học phần (dùng cho đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, sau đây gọi chung là chương trình) đang từng bước được đổi mới, ngày càng hoàn thiện, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; nhiều nội dung mới về khoa học, công nghệ, nghiệp vụ Công an đã được nghiên cứu đưa vào giảng dạy. Nội dung, chương trình thường xuyên được rà soát, đánh giá, nghiên cứu, biên soạn khoa học, phù hợp với mục tiêu, đối tượng đào tạo; được chú trọng hơn về phương pháp và kỹ năng nghề nghiệp, khả năng nắm bắt, phân tích tình hình, giải quyết vấn đề. Các kiến thức bổ trợ cho ngành, chuyên ngành đào tạo luôn được bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện, đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, đảm bảo tính chất đặc trưng vùng, miền và ngành nghề đào tạo.
Hạn chế
Đến nay, hầu hết các trường đã công bố chuẩn đầu ra song chất lượng không đồng đều, có trường đặt ra yêu cầu quá cao so với điều kiện đảm bảo của nhà trường, khó có khả năng thực hiện chung cho tất cả người học (như lái xe ô tô, kết nạp đảng viên, bắn súng); có trường đặt ra tiêu chí thấp không đáp ứng được nhu cầu của ngành (như về kiến thức chuyên ngành mà xác định chỉ biết thôi thì chưa đủ).
Mục tiêu chương trình đào tạo của các ngành, chuyên ngành chưa xác định rõ ràng, chưa lượng hóa được, thiếu tính linh hoạt và mềm dẻo; sự phù hợp giữa mục tiêu đào tạo với mục tiêu sử dụng đáp ứng nhu cầu của xã hội đến nay vẫn chưa được nghiên cứu cơ bản. Phần lớn các trường mới chỉ tập trung làm rõ mục tiêu về kiến thức, kỹ năng của các học phần đơn giản, dễ lượng hóa như: ngoại ngữ, tin học, lái xe, bắn súng, võ thuật; đối với các học phần chuyên ngành thì xác định chung chung, giống nhau. Nhiều chương trình đào tạo còn hạn chế trong việc xác định cụ thể mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và các năng lực hành vi khác khi xây dựng chuẩn đầu ra. Mục tiêu của một số học phần về kiến thức và kỹ năng thể hiện còn mờ nhạt, khó định lượng, chưa thể hiện rõ tiêu chí chuẩn đầu ra.
Nội dung đào tạo còn dàn trải, gồm nhiều môn học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, chưa thực sự sát hợp trong việc hình thành kỹ năng theo mục tiêu đào tạo; học viên phải tiếp thu kiến thức của nhiều môn học, nhưng lại không sâu về kiến thức nghề nghiệp. Nội dung kiến thức còn bó hẹp ở phạm vi trong nước, chưa có sự mở rộng ra khu vực và quốc tế. Chương trình đào tạo trình độ đại học và trung cấp chuyên nghiệp có tính đến liên thông nhưng chưa thể hiện rõ mối liên hệ giữa các bậc học, còn độc lập tách rời các hệ học, ngành học. Nội dung đào tạo vẫn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng tay nghề. Nội dung, chương trình của một số môn học trong hệ thống các chương trình đào tạo nói chung còn lạc hậu, chưa được cập nhật, bổ sung thường xuyên, chưa đi sâu về kiến thức nghề nghiệp, chưa nghiên cứu, cụ thể hóa theo mục tiêu của từng loại cấu trúc chương trình tương ứng với từng trình độ đào tạo. Tính thiết thực và hiệu quả trong đào tạo của chương trình học phần, nhất là đối với nghiệp vụ chuyên ngành chưa cao.
Cấu trúc của một số chương trình đào tạo cứng nhắc, chưa phù hợp, thiếu sự liên thông giữa các trình độ đào tạo và với hệ thống giáo dục quốc dân, chưa tiếp cận được các chương trình tiên tiến của nước ngoài.
Việc phân định kiến thức giữa các trình độ đào tạo chưa rõ; tỷ lệ giữa khối kiến thức giáo dục đại cương (kiến thức chung) với kiến thức chuyên môn, giữa kiến thức cơ sở của nhóm ngành và của ngành với kiến thức ngành, chuyên ngành còn thiếu cân đối; chưa có sự thống nhất về nội dung chương trình của các loại hình đào tạo (chính quy, liên thông, văn bằng 2, vừa làm vừa học...). Sự phân chia tỷ lệ khối lượng kiến thức giữa khâu giảng lý thuyết với các khâu khác của một số học phần trong các khối kiến thức còn chưa hợp lý gây bất cập trong quá trình giảng dạy.
Xuất phát từ bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới và trong nước; từ những hạn chế, bất cập về nội dung, chương trình đào tạo trong CAND hiện nay thì việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra nhằm đáp ứng yêu cầu công tác của học viên các trường CAND là hết sức quan trọng và cần thiết, là cơ sở để triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong CAND.
Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra nhằm đáp ứng yêu cầu công tác
Để việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo đạt hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu đặt ra, việc cần làm trước tiên là phải đổi mới quan điểm giáo dục, xác định mô hình phát triển, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp.
Xác định và lựa chọn mô hình phát triển nội dung, chương trình đào tạo phù hợp
Giáo dục là một quá trình truyền thụ kiến thức với vai trò trung tâm của người thầy được áp dụng một thời gian dài trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam cũng như trong lực lượng CAND, đã bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập của nó: đó là sự quá tải về tri thức, kiến thức nặng về tính hàn lâm, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của người học và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, sự thụ động của người học. Từ những hạn chế và bất cập nêu trên, đứng trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, lựa chọn một quan điểm giáo dục mới, hiệu quả, phù hợp. Trong các quan điểm giáo dục đang phổ biến trên thế giới và trong nước hiện nay, quan điểm lấy người học làm trung tâm (đặc biệt hướng tới việc phát triển năng lực của người học) được đánh giá cao và đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Dựa trên quan điểm này, chương trình đào tạo chuyển trọng tâm từ nội dung giáo viên muốn dạy sang nội dung học viên cần học và vai trò của giáo viên thay đổi từ chỗ là nguồn chủ yếu truyền thụ kiến thức sang giúp điều phối quá trình học tập của học viên. Việc tổ chức hoạt động dạy học sao cho thuận lợi nhất đối với người học dù cho việc quản lý có thể phức tạp và tốn kém hơn.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình phát triển chương trình đào tạo, mỗi mô hình có những ưu, nhược điểm riêng; trong đó có 02 mô hình dựa trên quan điểm lấy người học làm trung tâm, đang được nhiều quốc gia nghiên cứu và áp dụng, đó là: mô hình phát triển chương trình đào tạo đảo ngược kiểu truyền thống và mô hình phát triển chương trình đào tạo có sự tham gia của các bên liên quan.
Theo mô hình phát triển chương trình đào tạo đảo ngược kiểu truyền thống của Wiggins và McTighe 1998, các nhà xây dựng chương trình phải bắt đầu đi từ kết quả mong muốn của khóa đào tạo (tiêu chuẩn và mục tiêu) và sau đó phát triển chương trình từ những biểu hiện của hoạt động học tập tương ứng, xác định phương thức giảng dạy, giáo dục cần thiết để trợ giúp cho học viên trong hoạt động học tập. Nội dung các môn học hay module, vì vậy được thiết kế dựa trên việc phân tích mức độ những biểu hiện hành vi, thái độ… cần có của người học khi kết thúc khóa học. Nghĩa là để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Cần đưa những nội dung gì vào chương trình” thì chúng ta phải bắt đầu từ câu hỏi “Khi kết thúc khóa học, người học sẽ phải làm được những công việc cụ thể gì?”. Tiếp tục lật ngược lại “Làm thế nào để biết họ đã làm được những việc đó khi kết thúc khóa học” (nội dung gì sẽ được đưa vào trong các bài kiểm tra?). Và cuối cùng là “Để làm được bài kiểm tra thì người học phải được học những nội dung gì?”. Khác với các cách phát triển chương trình thông thường, mô hình đảo ngược khuyến khích việc chọn mục tiêu và tiêu chuẩn làm bằng chứng để đánh giá ngay từ khi bắt tay vào phát triển chương trình của một khóa học hay một môn học.
Tiếp theo chúng ta bàn đến cách tiếp cận cùng tham gia trong phát triển chương trình. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, cách tiếp cận cùng tham gia trong phát triển chương trình cho rằng công việc phát triển chương trình không nên là công việc của cá nhân mà phải là công việc của tập thể. Việc xây dựng chương trình đào tạo vì vậy sẽ được tiến hành với sự tham gia của tất cả các nhóm có liên quan, tùy theo nguồn lực và mối quan tâm của mỗi nhóm. Các bên liên quan ở đây là những nhóm người hay cá nhân có mối quan tâm về đào tạo hoặc là những người được hưởng lợi từ quá trình đào tạo (ví dụ: giáo viên, học viên, cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng nguồn nhân nhân lực…). Để thiết kế nội dung, chương trình đào tạo đảm bảo theo chuẩn đầu ra thì vai trò tham gia của đơn vị sử dụng nguồn nhân lực - Công an các đơn vị, địa phương và học viên sau khi tốt nghiệp là rất quan trọng, bởi: Công an các đơn vị, địa phương là cơ quan tiếp nhận và phân công công tác, giao nhiệm vụ cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Họ là những người trực tiếp sử dụng nhân lực, nắm rõ các yêu cầu, tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đối với từng chức danh, vị trí công việc. Họ chính là khách hàng của các cơ sở đào tạo, sẽ đặt hàng các yêu cầu cụ thể về mục tiêu đào tạo và tiêu chuẩn của từng vị trí công tác đối với từng ngành, chuyên ngành. Đồng thời, sau một thời gian công tác tại các đơn vị, địa phương, học viên sẽ tự nhìn nhận, đánh giá lại những kiến thức, kỹ năng mình tích lũy được trong nhà trường có đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của công việc chuyên môn đang đảm nhiệm không? bản thân họ sẽ tự rút ra những lý do giải thích cho vấn đề này. Do vậy, đây là kênh thông tin tham khảo quan trọng để các nhà xây dựng chương trình có cơ sở rà soát, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung, chương trình hiện hành.
Một số giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, nội dung đào tạo trong thời gian tới
Một là, căn cứ danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo trong CAND đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Bộ trưởng phê duyệt theo Quyết định số 2050/QĐ-BCA-X11 ngày 18/4/2014, tổ chức xây dựng, ban hành quy định khối lượng, nội dung kiến thức tối thiểu và hoàn thiện mức độ chuẩn đầu ra tối thiểu đối với các trình độ đào tạo: trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ trong CAND.
Hai là, tổ chức phân định rõ kiến thức giữa các trình độ đào tạo (từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp tới trình độ Tiến sĩ); xác định tỷ lệ khoa học, hợp lý giữa khối kiến thức giáo dục đại cương với giáo dục chuyên nghiệp, giữa giảng lý thuyết với các khâu khác nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đào tạo.
Ba là, tiếp tục rà soát, đánh giá chuẩn đầu ra đối với các chuyên ngành đã công bố nhằm xác định chính xác các tiêu chí đã đặt ra; tập trung xác định các tiêu chí về kiến thức và kỹ năng đối với khối kiến thức chuyên ngành nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo cụ thể đối với từng chuyên ngành. Hoàn thiện việc xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra đối với tất cả các ngành đào tạo, nhất là các ngành, chuyên ngành mới mở đào tạo ở các bậc học, đảm bảo tính rõ ràng, định lượng, chính xác, vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của Công ancác đơn vị, đại phương, vừa phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường.
Bốn là, xây dựng mới, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo của các ngành, chuyên ngành thuộc tất cả các trình độ và đề cương chi tiết học phần, chương trình học phần tương ứng theo chuẩn đầu ra; điều chỉnh cấu trúc chương trình phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng trình độ; nghiên cứu, lựa chọn, phê duyệt một số chương trình đào tạo tiên tiến, phù hợp của một số quốc gia trên thế giới để tổ chức liên kết đào tạo trong CAND. Huy động sự ủng hộ, hỗ trợ, tham gia của các bên có liên quan trong việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo ngay từ giai đoạn đầu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ là học viên mới tốt nghiệp ra trường (trong thời gian từ 1 - 3 năm đầu công tác).
Năm là, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị sơ kết việc triển khai thí điểm đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong giáo dục đại học CAND. Trên cơ sở kết luận của hội nghị, Bộ sẽ quyết định việc tổ chức triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở trình độ đại học, cao đẳng trong CAND.
Thiếu tướng, PGS, TS. Bùi Minh Giám - Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an
Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 9/2014