Giáo dục - Đào tạo
Thứ Hai, 7/5/2018 13:12'(GMT+7)

Đổi mới nội dung, chương trình và phương thức tổ chức đào tạo đáp ứng yêu cầu trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đạt chuẩn quốc gia

Giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân (CAND) luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an. Ngày 22/07/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1229/QĐ - TTg phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020”. Trong đó, xác định mục tiêu tổng thể của Đề án là: Đổi mới toàn diện hệ thống các trường CAND đáp ứng yêu cầu về quy mô, chất lượng và cơ cấu; đồng thời, đã xác định đầu tư xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đến năm 2020 trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu cơ sở giáo dục trọng điểm của Quốc gia và yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Học viện CSND triển khai thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, chương trình và phương thức tổ chức đào tạo trình độ đại học các hệ học và loại hình đào tạo.

1. Tiêu chí, tiêu chuẩn về hoạt động đào tạo của trường đại học trọng điểm và chuẩn Quốc gia

Các tiêu chí, điều kiện của trường đại học trọng điểm và chuẩn Quốc gia được quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT, ngày 23/09/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một trong tám tiêu chuẩn đặt ra đó là tiêu chuẩn về chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo. Trong đó xác định rõ:

Thứ nhất, cơ sở giáo dục đại học phải có quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo phù hợp với quy định phân tầng các cơ sở giáo dục đại học và đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển nhân lực của địa phương và cả nước ở từng giai đoạn cụ thể.

Thứ hai, chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên; công khai nội dung các chương trình đào tạo và xuất xứ chương trình tham khảo trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Thứ ba, trường phải công khai chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; có công cụ, phương pháp đánh giá đảm bảo lượng hóa được các tiêu chí của chuẩn đầu ra đã cam kết.

Thứ tư, tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với toàn bộ các chương trình đào tạo theo các hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên…

Thứ năm, có ít nhất 10% thời lượng của chương trình đào tạo dành cho hoạt động giảng dạy, báo cáo chuyên đề, tọa đàm chuyên môn, hội thảo với sự tham gia của giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên có uy tín hoặc kinh nghiệm thực tế ở trong nước hoặc nước ngoài.

Thứ sáu, số lượng chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và số chương trình có thỏa thuận công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chiếm ít nhất 10% tổng số chương trình đào tạo (trừ các cơ sở giáo dục đại học đào tạo chủ yếu các ngành đặc thù).

2. Một số nét cơ bản, nổi bật trong tổ chức đào tạo trình độ đại học tại Học viện Cảnh sát nhân dân hiện nay

Ngày 26/6/2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 3999/QĐ-BCA-X11 về việc công nhận Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an, đây là cơ sở rất quan trọng để định hướng tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và chuẩn Quốc gia, hướng tới hòa nhập với khu vực và thế giới.

Hiện nay, trình độ đào tạo đại học của Học viện gồm có 10 ngành, 17 chuyên ngành đào tạo với 17 chương trình đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ thời gian 4 năm; 12 chương trình đào tạo hệ liên thông từ trung cấp lên đại học theo hệ thống tín chỉ; 04 chương trình đào tạo hệ vừa làm vừa học thời gian 4,5 năm; 04 chương trình đào tạo cấp bằng đại học thứ hai theo tín chỉ thời gian 2,5 năm... Về cơ bản các chương trình đào tạo trình độ đại học của Học viện đáp ứng mục tiêu chung là: Đào tạo cán bộ Cảnh sát trình độ đại học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có phương pháp tư duy khoa học, có trình độ, năng lực chuyên môn và sức khỏe tốt, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các chương trình đào tạo được thiết kế có cấu trúc cơ bản hợp lý, có hệ thống giữa các khối kiến thức, đảm bảo tính logic giữa các học phần, có sự phân định kiến thức giữa các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Mỗi học phần quy định cụ thể thời lượng các khâu giảng dạy lý thuyết, bài tập, thảo luận, thực hành, tự học, trong đó: khối kiến thức đại cương 2/3 thời gian giảng lý thuyết và 1/3 thời gian thực hiện các khâu khác; khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 1/2 thời gian giảng lý thuyết và 1/2 thời gian thực hiện các khâu khác nhằm giúp học viên được thực tập, thực hành, nghe báo cáo thực tế nhiều hơn để kết hợp tốt giữa lý luận và thực tiễn trong công tác Công an.

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu trong chương trình đào tạo, Học viện xác định vấn đề đầu tiên cần tăng cường giáo dục, đào tạo, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND và tăng cường thể lực cho học viên ngay từ khi vào trường. Do vậy, Học viện đã và đang đổi mới, thực hiện chương trình Huấn luyện đầu khóa đối với tất cả các học viên đào tạo đại học ngay sau khi nhập trường. Chương trình huấn luyện đầu khóa có thời gian 6 tháng đối với hệ chính quy và 1,5 tháng đối với các hệ liên thông, hệ vừa làm vừa học, hệ văn bằng hai. Mục tiêu của chương trình nhằm: Xây dựng, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND cho học viên ngay từ khi nhập trường làm cơ sở để học viên rèn luyện, duy trì kỷ luật và bước đầu hình thành nền tảng thể lực tốt đáp ứng yêu cầu học tập, rèn luyện trong thời gian học tập tại Học viện cũng như phục vụ công tác, chiến đấu tại Công an các đơn vị, địa phương sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, đối với học viên hệ đào tạo chính quy, hệ liên thông hình thức chính quy học tập trung tại Học viện còn tham gia kiểm tra định kỳ thể lực theo một số tiêu chuẩn kiểm tra chiến sĩ công an khỏe vào học kỳ 2 của năm học nhằm rèn luyện và duy trì nền tảng thể lực cho học viên.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng CAND phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự. Bên cạnh, không ngừng đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, Học viện luôn luôn quan tâm, tập trung đổi mới phương pháp đào tạo. Trong đó, nổi bật là việc chú trọng và tăng cường nguyên tắc trong giảng dạy đại học: Học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn trong quy trình đào tạo. Trong đó, nổi bật nhất là đào tạo đại học hệ chính quy, thời gian 4 năm được thiết kế có ba đợt thực hành, thực tập đó là: Đợt 1, tổ chức hoạt động thực hành chính trị - xã hội, thời gian 3 tuần, được tiến hành sau khi kết thúc khối kiến thức đại cương, các học phần về lý luận chính trị, học viên tham gia vào hoạt động lao động, sản xuất, giúp đỡ nhân dân; thâm nhập làm quen với các mặt về đời sống xã hội; liên hệ, so sánh giữa lý luận và thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm về công tác chuyên môn…; đợt 2, thực tập nghiệp vụ cơ bản, thời gian 08 tuần, được tiến hành sau khi kết thúc phần kiến thức cơ sở của nhóm ngành, các học phần về nghiệp vụ cơ bản với nhiệm vụ chính là: trực tiếp tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm; đợt 3, thực tập tốt nghiệp, thời gian 16 tuần, sau khi kết thúc phần kiến thức chuyên ngành với nhiệm vụ chính là: Thực hành các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát theo chuyên ngành đào tạo tại Công an các địa phương từ cấp quận, huyện trở lên.

Tiếp tục đi vào chiều sâu việc gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn chiến đấu của ngành Công an theo mô hình “Nhà trường - Bệnh viện” của ngành Y, Học viện triển khai thực tập môn học đối với các chuyên ngành đào tạo theo hướng: Tổ chức sắp xếp lịch trình phần học lý thuyết trên lớp tại Học viện, phần thực hành sẽ tổ chức cho lớp học đi kiến tập tại các đơn vị nghiệp vụ. Mặt khác, để tăng cường gắn đào tạo với thực tiễn, Học viện đã có ký kết hợp tác, trao đổi trong giáo dục và đào tạo với công an các đơn vị, địa phương để tăng cường báo cáo thực tế, tổ chức thực tập, thực hành cho giảng viên và học viên.

Thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời khẳng định sự cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện với Công an các đơn vị, địa phương; là tiêu chí để kiểm định chất lượng đào tạo của Học viện và vấn đề sử dụng học viên sau khi ra trường, Học viện đã ban hành và thực hiện chuẩn đầu ra đối với học viên tất cả các loại hình đào tạo, bậc học, hệ học bao gồm: Chuẩn về chính trị, chuẩn nghiệp vụ, chuẩn kỹ năng mềm (ngoại ngữ, tin học, bắn súng, võ thuật, lái xe, kỹ năng lãnh đạo, chỉ huy và âm nhạc).

Cùng với phương châm đào tạo gắn liền với thực tiễn và nhu cầu xã hội, công tác thực tiễn chiến đấu của ngành Công an, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Học viện ngày càng chú trọng tới công tác tổ chức hoạt động dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính sáng tạo, tự chủ của giảng viên và học viên, đặc biệt là vai trò tự chủ của người học. Với phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đang được thực hiện đối với tất cả các loại hình, hệ đào tạo, các đơn vị giảng dạy của Học viện đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, khai thác ngày hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ thông tin vào trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức các buổi kiến tập, các giờ báo cáo thực tế giúp cho học viên có được những kiến thức thực tế sinh động minh họa cho bài học. Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng hiện đại hóa; đáp ứng các yêu cầu trong tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ như: Tài liệu học tập phong phú, học viên chủ động, tích cực trong học tập, giảng viên phải theo dõi được tiến độ học tập; quá trình học tập phải được thực hiện ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào, Học viện đã xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning).

Nhằm tăng cường năng lực tiếng Anh cho học viên và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, hợp tác với các trường Cảnh sát trong khu vực và thế giới. Bên cạnh các học phần ngoại ngữ trong chương trình đào tạo, chương trình chuẩn đầu ra, Học viện đã tiến hành giảng dạy một số học phần bằng ngôn ngữ tiếng Anh cho học viên các lớp Chất lượng cao, tiến tới có một số chương trình đào tạo đại học dạy và học bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

3. Một số đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo trình độ đại học của Học viện Cảnh sát nhân dân thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu xây dựng Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và chuẩn Quốc gia, theo hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong thời gian tới, đòi hỏi Học viện CSND phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố của hoạt động giáo dục và đào tạo, trong đó trọng tâm là đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết về đổi mới giáo dục, đào tạo của Đảng, của ngành Công an, trong đó tập trung các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự học của người học, nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên. Gắn kết các đơn vị nghiệp vụ với Nhà trường, cập nhật thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát nhân dân; tiếp tục và thường xuyên phối hợp, tổ chức hội thảo khoa học với các đơn vị nghiệp vụ về đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo các học phần nghiệp vụ chuyên ngành đi vào chiều sâu thông qua việc gắn đào tạo của Nhà trường với thực tiễn chiến đấu của Ngành theo mô hình “Nhà trường - Bệnh viện” với quy định mỗi chuyên ngành tổ chức tối thiểu thực tập từ 02 học phần trở lên tại Công an các đơn vị, địa phương.

Học viện tăng cường đầu tư, phát triển hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning), khai thác thế mạnh thư viện điện tử, học liệu số… tiến tới xây dựng đại học 4.0. nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào của học viên; đồng thời góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng trong tiếp cận, tiếp thu tri thức trong xã hội hiện nay. Với phương pháp này giúp tiết kiệm phòng học, giảng viên, chi phí, tăng tính chủ động, tích cực của học viên, đáp ứng nhu cầu tiếp thu tri thức ngày càng cao hiện nay.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mô phỏng “tạo ra những mô hình, thiết bị mô phỏng hoạt động giống hoặc gần giống như những sự vật, hiện tượng, quá trình” xảy ra trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm như: hoạt động hỏi cung, bắt, khám xét, thực nghiệm điều tra; chụp ảnh; lái ôtô, xuồng máy; bắn súng,… Việc nghiên cứu, thao tác trên thiết bị mô phỏng góp phần tiết kiệm kinh phí, cho phép rút ra những kết luận và hình thành kỹ năng thực hành cho học viên.

Thứ hai, trong chương trình đào tạo cần mở rộng trang bị kiến thức pháp luật quốc tế, nghiệp vụ điều tra các loại tội phạm mới, tội phạm có tổ chức; đồng thời tập trung trang bị các kiến thức, kỹ năng mềm về tin học, Internet, tiếng Anh. Những kiến thức này giúp cho học viên sau khi tốt nghiệp chủ động phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia cũng như giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp. Trong đó, cần chú ý là kiến thức về ngoại ngữ với tiếng Anh là căn bản cần đảm bảo thông thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết về các vốn từ giao tiếp phổ thông cũng như các vốn từ vựng nghiệp vụ chuyên môn và hoạt động tư pháp cần thiết.

Đối với các chuẩn đầu ra các chuyên ngành đảm bảo các quy định chung sẽ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số quy định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác của chuyên ngành đó như: dạy tiếng Dân tộc đối với chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm về ma túy; tăng cường ngoại ngữ tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Khmer cho học viên công tác tại các vùng tiếp giáp biên giới…

Thứ ba, cần huy động sự tham gia nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn đang công tác, làm việc tại Công an các đơn vị, địa phương vào hoạt động xây dựng chương trình đào tạo. Sự gắn kết này sẽ giúp quá trình xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo được tính cập nhật, tính thực tiễn và phù hợp với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đáp ứng nguyên lý trong giáo dục đại học: Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn và đào tạo phải xuất phát và gắn với thực tiễn xã hội. Bên cạnh đó, cần triển khai việc đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo với sự tham gia của các nhà khoa học. Đánh giá chương trình đào tạo là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo. Đây là quá trình đơn vị thực hiện chương trình đào tạo xem xét, đánh giá trên cơ sở tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của Nhà nước để báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan khác thuộc chương trình đào tạo làm cơ sở để Học viện tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra và hoàn thành sứ mạng của Học viện trong công tác giáo dục, đào tạo.

Thứ tư, chuyển đổi và đẩy mạnh phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho các loại hình đào tạo trình độ đại học. Đây là một trong những giải pháp quan trọng của giáo dục đại học hiện nay, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Từ những kết quả ban đầu đã đạt được trong đào tạo đại học chính quy theo hệ thống tín chỉ tại Học viện có thể khẳng định: Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ là chủ trương đúng đắn của Bộ Công an, phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học trong nước và giáo dục đại học thế giới. Đây là một phương thức đào tạo có hiệu quả, phù hợp với giáo dục hiện đại, giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, thời gian tới Học viện sẽ chuyển đổi tổ chức đào tạo theo phương thức tín chỉ cho tất cả các loại hình đào tạo khác như: liên thông từ trung cấp lên đại học; vừa làm vừa học; văn bằng hai theo hình thức vừa làm vừa học mở tại Học viện và mở tại Công an các đơn vị, địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện triệt để các quy định trong quy chế tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ như: lựa chọn giảng viên, cố vấn học tập, cảnh báo học tập, tăng cường tự học của học viên...

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ người học và Công an các đơn vị, địa phương về nội dung, chương trình đào tạo của Nhà trường. Đây là là chủ trương, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở đào tạo đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

            Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học và Công an các đơn vị, địa phương về nội dung, chương trình đào tạo, để đề ra các giải pháp đổi mới về nội dung chương trình đào tạo, nhằm đảm bảo lợi ích của người học và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của lực lượng CAND.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tham khảo hoạt động lấy ý kiến phản hồi của người học từ các cơ sở giáo dục đại học khác, trong thời gian tới Học viện CSND cần căn cứ cụ thể vào đặc điểm của từng hệ học, khóa học, hình thức đào tạo để đưa ra các hình thức lấy ý kiến phản hồi từ người học cho phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, có kế hoạch và lộ trình khoảng 2 năm tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các chuyên gia, các cán bộ thực tiễn tại Công an các đơn vị, địa phương để đánh giá và bổ sung, cập nhật mới các học phần đáp ứng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Thượng tá, PGS.TS Trần Hồng Quang

Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất