Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”[1]. Yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đó tất yếu đòi hỏi đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong giáo dục đại học nói chung, các học viện, trường đại học Công an nhân dân nói riêng để thích ứng tốt với thời đại hiện nay. Trên cơ sở đó, trang bị cho học viên tri thức lý luận chính trị mang tính hệ thống, hiện đại, toàn diện, xây dựng và củng cố bản lĩnh chính trị, tình cảm, niềm tin, lý tưởng cộng sản, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, các học viện, trường đại học Công an nhân dân đã có nhiều chủ trương, giải pháp tổ chức hiệu quả công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Trong đó, các nhà trường đã tập trung thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực về giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực trạng công tác giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân còn tồn tại một số hạn chế nhất định, dẫn đến việc học tập lý luận chính trị vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy của một số giảng viên lý luận chính trị còn hạn chế; “phương pháp giảng dạy của không ít giảng viên lý luận chính trị… còn chậm được đổi mới”[2], vẫn còn nặng về lý thuyết, đổi mới phương pháp chưa gắn sát với đổi mới nội dung, hình thức trong giảng dạy các môn lý luận chính trị; ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào giảng dạy chưa thực sự hiệu quả dẫn đến kết quả giảng dạy của giảng viên lý luận chính trị chưa cao; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật bảo đảm cho giảng dạy lý luận chính trị cũng còn thiếu thốn so với yêu cầu thực tiễn, “chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, thiếu tính liên kế, việc xây dựng nhà trường thông minh chưa được quan tâm đúng mức”[3],...
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức đan xen, tác động tổng hợp cho sự phát triển đất nước. Các tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ nét và gay gắt. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc, tìm cách thâm nhập, tác động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn ra gây bức xúc trong xã hội. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao,... có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Thực tiễn đó cho thấy, nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị trở nên ngày càng quan trọng đối với các trường đại học nói chung, các học viện, trường đại học Công an nhân dân nói riêng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị trong truyền bá lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao năng lực và phẩm chất chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Để đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cần thực hiện một số nội dung cơ bản sau:
Một là, nhận thức yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh thế giới hiện nay và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác giảng dạy lý luận chính trị.
Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã nêu ra từ Đại hội VII (năm 1994) vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, trong đó các biểu hiện của không đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa là rất đáng lo ngại. Đó là: “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”. Tất cả những điều này đang tác động không nhỏ đến công tác giáo dục lý luận chính trị ở nước ta hiện nay, đặt ra yêu cầu cần đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên một cách cấp thiết hơn lúc nào hết.
Từ nay đến giữ thế kỷ XXI, toàn Đảng và toàn dân đang hướng đến những mục tiêu hết sức to lớn. Đó là: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đến năm 2025 phải trở thành quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại và vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 phải trở thành quốc gia đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và đạt mức thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để có thể thực hiện thành công các mục tiêu đó, cần phải chú trọng việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, trong đó có đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.
Trước sự phát triển với tốc độ cấp số nhân của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và công tác lãnh đạo quản trị quốc gia; Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng 5G phủ sóng toàn quốc. Mọi người dân được truy cập Interrnet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm 30% GDP, hoàn thành xây dựng chính phủ số. Hình thành số chuỗi đô thị thông minh trong cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu châu Á.
Về nhận thức công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng. Lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức, giác ngộ lý tưởng cách mạng, thống nhất ý chí và hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng mỗi thời kỳ. Vì vậy, Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”[4]. Đây là một yêu cầu khách quan, xác đáng đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị ở nước ta. Bởi vậy, việc nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở các Học viện, trường đại học của Việt Nam hiện nay có một vai trò hết sức quan trọng, cần phải được quan tâm và thực sự được chú trọng.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viênlý luận chính trị
Giảng viên lý luận chính trị ở các Học viện, trường đại học là người trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và tổ chức, ứng dụng khoa học và công nghệ trong giáo dục lý luận chính trị. Họ có vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục và đào tạo, thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị. Trình độ, năng lực tư duy lý luận và thực tiễn; phẩm chất, nhân cách đạo đức, nhất là phương pháp giảng dạy của giảng viên sẽ quyết định đến khả năng tiếp nhận kiến thức lý luận chính trị của người học. V.I.Lênin đã khẳng định: “Trong bất kỳ một trường học nào, điều quan trọng nhất là phương hướng chính trị và tư tưởng của các bài giảng. Cái gì quyết định phương hướng đó? Hoàn toàn và chỉ là thành phần các giảng viên thôi”[5]. Do đó, các nhà trường Công an cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị về phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần quán triệt và chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ “đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị; kiện toàn đội ngũ giảng viên lý luận chính trị,..”[6]. Tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp, hình thức nghiên cứu, giảng dạy trên cơ sở làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm trong tham gia giảng dạy lý luận chính trị. Tổ chức bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị một cách toàn diện, chú trọng đến những vấn đề về lý luận chính trị, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng, phương pháp giảng dạy và đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị. Bồi dưỡng năng lực tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức thực tiễn cho đội ngũ này để chủ động đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý luận chính trị. Các nhà trường cần tạo điều kiện để giảng viên lý luận chính trị được tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; tổ chức tập huấn vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại vào giảng dạy. Điều này sẽ giúp họ có kiến thức công nghệ thông tin, cách thức sử dụng những trang thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại, khai thác, xử lý, chọn lọc thông tin phong phú, phức tạp và đa chiều trên Internet, mạng xã hội hiện nay. Cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin chính trị - xã hội thế giới, khu vực, trong nước; những vấn đề về kinh tế, quân sự, quốc phòng, an ninh; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ,…
Đồng thời, các nhà trường Công an cần có chính sách phù hợp, khuyến khích động viên, tạo động lực cho giảng viên phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Có cơ chế khen thưởng cho giảng viên tham gia nghiên cứu sáng tạo, viết phần mềm, thiết kế giáo án điện tử để chia sẻ, trao đổi thông tin đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy lý luận chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số.
Đối với mỗi giảng viên cần phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nắm vững kiến thức các môn lý luận chính trị, giảng dạy có hệ thống, lôgíc và thuyết phục. Nâng cao năng lực toàn diện, chú ý đến trình độ công nghệ thông tin, khả năng ứng dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại vào giảng dạy lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ba là, kết hợp và vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại
Việc kết hợp, vận dụng các phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt giúp giảng viên lý luận chính trị nâng cao chất lượng bài giảng, làm cho nó trở nên sinh động, phong phú, hấp dẫn và hiệu quả hơn. Thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị hiện nay, một số giảng viên vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình nhằm truyền đạt được một khối lượng kiến thức lớn, mang tính hệ thống, lôgíc chặt chẽ. Song, phương pháp thuyết trình không phải là “độc nhất vô nhị”, hay mang tính vạn năng, nếu lạm dụng nó, biến nó thành phương pháp độc tôn sẽ khiến cho quá trình giảng dạy trở nên một chiều, thiếu tính phản biện, kìm hãm tư duy chủ động, sáng tạo và khả năng lĩnh hội kiến thức của người học. Do đó, giảng viên cần kết hợp linh hoạt giữa việc phát huy ưu thế của các phương pháp giảng dạy truyền thống với tăng tính hiệu quả của các phương pháp dạy học hiện đại. Trong đó, phương pháp giảng dạy nêu vấn đề là một phương pháp tích cực, hiện đại nhằm giúp người học có vị trí trung tâm, giảm tình trạng giảng viên độc thoại, đồng thời tăng cường đối thoại giữa giảng viên và sinh viên, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Đồng thời, sử dụng phương pháp này tạo ra động lực để khơi dậy tính năng động, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, cuốn hút người học vào các tình huống có vấn đề, kích thích sự tự nhận thức, tìm đến những tri thức đúng thông qua việc thảo luận, trao đổi với nhau và với giảng viên.
Mỗi giảng viên cần chủ động nghiên cứu nội dung, chuẩn bị những tình huống có vấn đề phù hợp với đặc điểm, trình độ nhận thức của người học. Quá trình giảng dạy, giảng viên cần xây dựng các tình huống đòi hỏi sự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, phát triển và mở rộng kiến thức của người học; khéo léo dẫn dắt người học vào tình huống đó để họ tham gia tranh luận hướng đến các vấn đề cần “tháo gỡ”, thực hiện mục đích, yêu cầu bài giảng. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại khác như: phương pháp động não, phương pháp sơ đồ tư duy,... để bảo đảm sức lôi cuốn, hấp dẫn người học. Tuy nhiên, các phương pháp giảng dạy đó cần phải theo tôn chỉ đặc thù của giảng dạy lý luận chính trị về tính định hướng chính trị trong dạy và học, sự thống nhất giữa tính đảng và tính khoa học, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, hướng tới phát triển tư duy lý luận, phương pháp luận khoa học và tư duy biện chứng, sáng tạo cho người học.
Đồng thời, giảng viên cần nghiên cứu và áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, như sử dụng công nghệ thông tin, các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, công cụ “thông minh” trong dạy và học lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường sử dụng các phương tiện, dữ liệu trên Internet khai thác, cập nhật thông tin vào bài giảng, ứng dụng các phần mềm tin học để tạo ra các mô hình, sơ đồ hóa kiến thức, sưu tầm phim, hình ảnh liên quan đến từng nội dung lý luận chính trị,...
Đa dạng hóa các hình thức học tập tích cực và chủ động như: thảo luận, trao đổi nhóm, các bài tập tình huống,... nhằm giúp mỗi học viên chủ động, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy, phát huy tính sáng tạo, năng động, cách trình bày một vấn đề khoa học, rèn luyện cách thuyết trình, biện luận và trả lời câu hỏi,... đặc biệt, kỹ năng phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn ngừa nhận thức mơ hồ, sai lầm, lệch lạc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong người học. Để thực hiện tốt điều đó, giảng viên phải có phương pháp, kỹ năng trong tổ chức và điều khiển hoạt động thảo luận; có khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và định hướng nghiên cứu, gợi mở vấn đề trong các buổi thảo luận.
Các Học viện, trường Công an cần thường xuyên tổ chức hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh các cấp; tổ chức câu lạc bộ học tập các môn lý luận chính trị; tổ chức tham quan thực tế,… từ đó, mỗi giảng viên bám nắm thực chất khả năng học tập và chuyển biến kiến thức lý luận chính trị thông qua hoạt động thực tiễn của người học. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hội thi dạy giỏi các cấp, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập các môn lý luận chính trị để xác định phương hướng, biện pháp đổi mới phương pháp giảng dạy một cách hiệu quả.
Bốn là, tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại
Hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân không chỉ quyết định bởi lực lượng giảng viên, học viên mà còn phụ thuộc điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Do vậy, các nhà trường cần đầu tư, củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, trang bị hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại theo hướng mô hình đại học thông minh.
Để hỗ trợ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị, ngoài giáo trình, tài liệu bắt buộc, các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần chú trọng đầu tư nguồn tài liệu phong phú, tăng các đầu sách tham khảo, chuyên khảo, số hóa tài liệu học tập lý luận chính trị, xây dựng thư viện điện tử để góp phần tạo ra môi trường sư phạm tích cực, thuận lợi cho quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên lý luận chính trị. Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm bổ sung thường xuyên hệ thống giáo trình, tài liệu đảm bảo cập nhật những vấn đề thực tiễn mới, nhất là những vấn đề từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển và ứng dụng các nền tảng học tập trực tuyến (E-learning), hệ thống quản lý học tập và ứng dụng để cung cấp tài liệu học tập, nguồn tài nguyên trực tuyến, tài nguyên nội bộ, phần mềm,... để phục vụ nhu cầu truy cập, tra cứu thông tin của người học. Tập trung vào các thiết bị kỹ thuật có khả năng kết nối vạn vật (IOT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud computing),... phục vụ tốt cho việc dạy và học các môn lý luận chính trị.
Bên cạnh đó, các Học viện, nhà trường cần tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng số, nhất là hệ thống phòng học chuyên dụng, lớp học thông minh, phòng họp, hội thảo trực tuyến,... Tất cả đều phải được xây dựng, quản lý, khai thác và phối hợp một cách đồng bộ và phát huy hiệu quả, tính ưu việt của phương pháp dạy học tích cực trong quá trình đổi mới. Tổ chức các khóa học công nghệ thông tin, hướng dẫn sử dụng và ứng dụng các tài liệu giáo trình điện tử để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học. Tăng cường tích hợp công nghệ vào quá trình đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị như: sử dụng các công cụ đánh giá, xây dựng các bài kiểm tra qua mạng nội bộ để theo dõi tiến độ học tập của người học, cung cấp phản hồi nhanh chóng, chính xác.
Giảng viên lý luận chính trị cần sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả cơ sở vật chất, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại. Họ cần làm chủ các phương tiện dạy học hiện đại, phát huy hiệu quả của việc “ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo”[7]. Đồng thời, chủ động, nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt công nghệ, kỹ thuật mới, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với nội dung và đối tượng người học.
Để đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi sự thích ứng về trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp của mỗi giảng viên. Ngoài ra, giảng viên cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo “theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại” trong bối cảnh hiện nay./.
Thượng tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Thành*
Đại tá, PGS.TS Cao Văn Trọng**
* Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương
** Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr 136.
[2] Phan Xuân Tuy (2022), Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các trường công an nhân dân, Đề tài cấp Bộ, Hà Nội.
[3] Bộ Công an (2021), Thông báo số 371/TB-V01-P4 ngày 10/11/2021 về Kết luận của đồng chí Trung tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị Tổng kết giáo dục, đào tạo năm 2021 và triển khai công tác giáo dục, đào tạo năm 2022 trong Công an nhân dân.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 182-183
[5] V.I. Lênin (2006), Toàn tập, tập 47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 248.
[6] Đảng ủy Công an Trung ương (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, Hà Nội, tr.65-66.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 129.