Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam có rất nhiều
các bộ phận, lĩnh vực hiện đang hoạt động trong không gian của cách mạng công nghiệp 4.0 như:
Viễn thông, hệ thống mạng, camera tự động… thậm chí một số doanh nghiệp cũng
đang áp dụng công nghệ in 3D hay như mới đây nhất công ty FPT cho biết chuẩn bị
ra mắt xe ô tô tự vận hành…Việt Nam đang có sự tiếp cận rất nhanh chóng về cách
mạng công nghiệp 4.0 khi hàng loạt các cuộc thảo luận, nghiên cứu cho nội dung
này đã được thực hiện. Trên các phương tiện truyền thông thì tràn ngập thông
tin về cuộc cách mạng này. Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ mang lại
những lợi ích rất lớn. Tuy nhiên, với những quốc gia có nền kinh tế dựa vào
khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ như Việt Nam, tác động của cuộc cách mạng
này trong giai đoạn đầu có thể sẽ là rất tiêu cực. Cụ thể, những công nghệ năng
lượng hay vật liệu mới, in 3D sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và sử dụng
tài nguyên, khi thế giới không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động
khai thác tài nguyên thiên nhiên. Các con số thống kê cho thấy, 20 năm tới đây,
70-75% những công việc đơn giản, thủ công trong các ngành nghề này có thể sẽ bị
thay thế. Điều này có thể khiến vài chục triệu lao động truyền thống bị mất
việc.
Với tác động như vậy, trong thời đại công nghiệp này đòi
hỏi cần phải đào tạo ra những con người có năng lực tư duy, sáng tạo, đổi mới,
có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra
quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng
cứ và dữ liệu. Đây cũng là những kỹ năng mà sinh viên Việt Nam đang thiếu nhiều
nhất.
Trường đại học là nơi dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho
sinh. Cần định vị cụ thể cách thức, phương pháp của đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo. Theo đó, sự thay đổi về quan niệm, tư duy của quá trình
dạy và học là một trong những yếu tố then chốt để tiến tới đổi mới căn bản và
toàn diện nền giáo nói chung và đổi mới theo hướng giáo dục 4.0 nói riêng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đã
đem lại việc giảng dạy đại học ở Việt Nam những thách thức mới, đòi hỏi những nỗ
lực hết mình để theo kịp thời đại và để có thể cùng tham gia vào quá trình
“kinh tế tri thức”. Khái niệm “biết đọc” cũng đã được định nghĩa lại để bao gồm
“biết đọc công nghệ”. Điều đó đã tạo ra một nhu cầu rất lớn của xã hội đối với
ngành giáo dục mà trong đó giáo viên là đối tượng cần phải “biết đọc công nghệ”
để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong việc truyền tải kiến thức đến
người học. “Những mô hình đại học truyền thống đang bị thách thức. Cuộc cách mạng
sẽ làm thay đổi bản chất của trường đại học truyền thống, tạo
điều kiện cho đại chúng hóa giáo dục đại học phát triển”.
Đứng trước xu thế của sự phát triển, đối với quá trình
dạy, cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển
năng lực người học hay là tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp;
chuyển phát triển giáo dục đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả
số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách
nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá
nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến
thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực.
Còn với việc học, cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang
hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập.
Không chỉ học trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều hình thức khác
như qua trò chơi, liên hệ tương tác, cung ứng đám đông, học bằng dự án. Đặc
biệt, với sinh viên là người lao động trong tương lai cần thay đổi suy nghĩ học
một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.
Như vậy, nền giáo dục cần chuyển đổi cách thức giáo dục từ
truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của sinh viên. Trên
cơ sở đó chương trình giáo dục đại học mới cần xác định các chuẩn năng lực
chung và năng lực chuyên môn; các hình thức tích hợp hoặc phân hóa trong chương
trình dạy học tùy theo cấp học.
Tức là phương pháp giảng dạy cũng phải đổi mới mạnh mẽ
hơn nữa trong việc tổ chức giáo dục. Qua đó, hình thức giáo dục sẽ linh
hoạt về thời gian, không gian, phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân phát
triển E- learning hay sử dụng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép
người dạy có thể cung cấp tài liệu học tập cho người học và thu thập lại các kết quả của quá trình dạy học từ
phía người học một cách liên tục và linh hoạt.
Việc tìm kiếm một phương pháp giảng dạy mới để nâng cao
chất lượng giáo dục đại học trước sự đột phá của cách mạng 4.0 là một điều trăn
trở của những con người quan tâm tới sự nghiệp giáo dục. Để góp phần nâng cao
chất lượng đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy đại học trước tác động của
cuộc cách mạng 4.0, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số phương hướng cần thiết
được áp dụng trong quá trình đào tạo đại học, như sau:
Thứ nhất, Ứng dụng công
nghệ thông tin trong dạy học giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên
linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình.
Cụ thể, các thầy cô không chỉ bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà
còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học và học hỏi các kỹ
năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng. Ngoài ra, ứng
dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn giúp giáo viên có thể chia sẻ bài
giảng với đồng nghiệp, cùng nhau thảo luận và nâng cao chất lượng giáo án của
mình. Các em được tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn hẳn phương pháp
đọc - chép truyền thống. Ngoài ra, sự tương tác giữa thầy cô và học trò cũng
được cải thiện đáng kể, học sinh có nhiều cơ hội được thể hiện quan điểm cũng
như chính kiến riêng của mình. Điều này không chỉ giúp các em ngày thêm tự tin
mà còn để cho giáo viên hiểu thêm về năng lực, tính cách và mức độ tiếp thu
kiến thức của học trò, từ đó có những điều chỉnh phù hợp và khoa học.
Hơn thế nữa, việc được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin trong lớp học
còn mang đến cho sinh viên những kỹ năng tin học cần thiết ngay từ khi còn ngồi
trên ghế nhà trường. Đây sẽ là nền tảng và sự trợ giúp đắc lực giúp học sinh đa
dạng và sáng tạo các buổi thuyết trình trước lớp, đồng thời tăng cường khả năng
tìm kiếm thông tin cho bài học của sinh viên.
Thứ hai, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp giảng dạy
hiện đại.
Phương pháp giảng dạy truyền
thống là phương pháp mà trong đó chủ yếu là thầy nói, trò nghe. Hiện nay, chưa
có một phương pháp giảng dạy hiện đại nào có thể thay thế hoàn toàn phương pháp
giảng dạy truyền thống, mặc dù các phương pháp giảng dạy truyền thống cụ thể
như thuyết trình còn tồn tại nhiều hạn chế như: không khuyến khích được tính
chủ động của người học, người học muốn học tốt phải lắng nghe, cố ghi chép, cố
nhớ kiến thức thay vì sáng tạo trong quá trình học tập. Để khắc phục những mặt
hạn chế nêu trên, cần thiết phải có sự kết hợp giữa các phương pháp truyền
thống và hiện đại với nhau, cụ thể như: kết hợp giữa phương pháp thuyết trình
với phương pháp làm việc nhóm, giữa phương pháp thuyết trình với phương pháp sử
dụng tình huống, giữa phương pháp thuyết trình với phương pháp thực tập,…
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng
hội nhập quốc tế.
Nội dung, chương trình dạy học
cần được triển khai theo hướng mở, cho phép cập nhật thường xuyên về kiến thức
trong và ngoài nước, cần thiết sử dụng giáo trình, học liệu nước ngoài một cách
linh hoạt để mở mang sự hiểu biết cho người dạy và người học, nội dung giảng
dạy phải gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học
đang theo đuổi. Cho phép sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học theo nguyên
tắc “lấy người học là trung tâm”, giảm tải tối đa giờ giảng trên lớp để người
học có thời gian tự học và tự nghiên cứu.
Thứ tư, đổi mới vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức giáo dục
đại học trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0
Hoàn thiện các quy định về pháp
luật đối với các hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện bùng nổ phát triển
tri thức, ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào công tác giáo dục. Các tổ chức giáo
dục thay vì quản lý toàn diện đối với các cơ sở giáo dục đại học thì nên đóng
vai trò là cơ quan “tài phán”, định hướng các hoạt động theo pháp luật, đồng
thời tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục được độc lập, tự chủ hơn trong các
hoạt động. Cần tránh tư duy quản lý theo cách áp đặt, hoặc bao cấp đối với các
hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, tiến tới quốc tế hóa các
tiêu chuẩn đánh giá khoa học và các hoạt động chuyên môn tại các cơ sở giáo dục
đại học.
Cách
mạng công nghiệp 4.0 tác động toàn cầu, đối với công tác giáo dục thì ứng dụng
công nghệ khoa học là một tất yếu khách quan, hoạt động nghiên cứu khoa học
luôn là một trong hai nhiệm vụ hàng đầu của bất kỳ một trường đại học nào. Kết
hợp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong giảng dạy luôn là một giải pháp
tất yếu, một nội dung quan trọng trong tiến trình đào tạo đại học. Đối với mỗi
trường đại học, cần đặt ra lộ trình tiến tới quốc tế hóa các tiêu chuẩn đánh
giá các hoạt động khoa học và các hoạt động về chuyên môn trong tất cả các cơ
sở giáo dục đại học.
Từ lâu, việc ứng dụng thành tựu công nghệ trong dạy học đã được thực hiện ở
rất nhiều nước phát triển trên thế giới. Nay là ở Việt Nam, tuy khoảng thời
gian ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tại các trường học còn khá ngắn, nhưng
những lợi ích của điều đó đã được thể hiện rõ nét. Đứng trước yêu cầu của sự
tác động mạnh mẽ, sâu rộng của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chất lượng
giáo viên phải được nâng cao, các phương pháp giảng dạy phải được thay đổi theo
chiều hướng tích cực hơn. Đây có thể là cơ hội, thách thức đối với sự nghiệp
giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng vào một ngày không xa, nền giáo dục
Việt Nam sẽ theo kịp được sự phát triển của các nước có nền giáo dục hàng đầu
trên thế giới.
Thượng úy, ThS. Nguyễn Xuân Tùng
Phòng Quản lý Học viên - Học viện Cảnh sát nhân dân
Trung úy Lê Đình Thịnh
Trung tâm NCPTLLCS,Viện KHCS - Học viện Cảnh sát nhân dân
Trích kỷ yếu Hội thảo “Cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân”