Chủ trương đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học cùng với những đòi hỏi từ xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục đại học. Đồng thời, việc đổi mới quản lý giáo dục nói chung và đẩy mạnh cơ chế tự chủ nói riêng ở Việt Nam dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn trong bối cảnh cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0, vì vậy, cần có giải pháp phù hợp đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của hệ thống giáo dục nước ta.
Đổi mới quản lý giáo dục ở Việt Nam
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục đại học (GDĐH) theo hướng nâng cao chất lượng, trao quyền tự chủ, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Luật Giáo dục được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 14/6/2005 (Luật số 38/2005/QH11), ghi nhận cụ thể về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH Việt Nam. Cùng thời điểm đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Trong đó, khẳng định đổi mới toàn diện công tác quản lý giáo dục, đào tạo theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và GDĐH; Tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường ngoài công lập...
Ngày 18/6/2012, Quốc hội ban hành Luật GDĐH sửa đổi tiếp tục khẳng định quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH tại Việt Nam. Nhằm cụ thể hoá các nội dung về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học trong khung khổ pháp lý hiện hành, đồng thời để thúc đẩy hoạt động tự chủ đại học tại Việt Nam, ngày 24/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017 cho 23 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành Trung ương.
Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, báo cáo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã có sự điều chỉnh về cơ cấu nhân lực giữa giảng viên và chuyên viên, theo hướng gia tăng lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên), giảm đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên), trong đó chú trọng sử dụng công nghệ thông tin hoặc thuê ngoài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Tính đến tháng 7/2017, số lượng giảng viên chiếm 64,52% tổng số lực lượng lao động của các trường, lao động gián tiếp chiếm 25,48%. Một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động trong tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với những giảng viên có trình độ cao. Cơ chế tự chủ cho phép các trường đẩy mạnh công tác tuyển dụng nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng...
Số liệu báo cáo của 10 trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ trên 24 tháng cho thấy, tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 của các trường là 8.262 tỷ đồng tăng 19,9% so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.890 tỷ đồng.
Trong đó, thu từ NSNN cấp chi thường xuyên, không thường xuyên và vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 29,8%; Thu hoạt động sự nghiệp từ thu học phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác tăng 23,5%; Thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ giảm 0,2%. Trong khi đó, tổng chi của các trường tự chủ tăng thêm 13,7% (tương đương với 713 tỷ đồng) trong năm 2015-2016 so với năm 2013-2014 trước tự chủ.
Nhờ tỷ lệ tăng thu chênh lệch 6% so với tỷ lệ tăng chi, các trường tự chủ đã có nguồn tài chính đảm bảo được toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học, miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích lập Quỹ Đầu tư phát triển sự nghiệp, quỹ khen thưởng...
Kể từ khi tự chủ, số ngành/chương trình đào tạo mới được mở ở nhiều bậc học. Các trường mở nhiều ngành mới đa phần là các trường có thời gian tự chủ trên 1 năm. Số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt từ 2013-2016 đã tăng lên. Tổng số đề tài trung bình hàng năm là trên 500 đề tài, trong đó chủ yếu là đề tài cấp trường và cấp bộ, tỉnh.
Giai đoạn 2013-2016, số lượng các hội thảo được các trường tổ chức cũng tăng mạnh, từ khoảng hơn 40 hội thảo năm 2013 đã lên đến 120 hội thảo vào năm 2016. Điều đáng nói là số lượng hội thảo quốc tế nhiều hơn so với số hội thảo quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế thí điểm cho thấy, còn thiếu quy định cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường; Nhiều quy định, văn bản pháp lý chưa thay đổi theo kịp thực tiễn cuộc sống để hỗ trợ các trường đại học tự chủ…
Một số giải pháp đề xuất
Việc đổi mới quản lý giáo dục nói chung và đẩy mạnh cơ chế tự chủ nói riêng ở nước ta hiện nay cần đặt trong bối cảnh Cách mạnh công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục, để từ đó có giải pháp phù hợp cho phát triển.
Bùi Trung Hải, Nguyễn Lê Đình Quý (2018) cho rằng, giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhanh hơn cả bởi chính giáo dục cũng sẽ tạo ra những phiên bản mới của các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
Công nghiệp 4.0 hứa hẹn những bước đột phá mới trong hoạt động đào tạo, thay đổi mục tiêu đào tạo, mô hình đào tạo truyền thống bằng cách chuyển tải và đào tạo kiến thức hoàn toàn mới về nội dung lẫn phương thức, đặc biệt tác động lớn đến việc quản trị trường đại học.
Có thể nói, đứng trước những cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở GDĐH muốn đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế 4.0 cần phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra nguồn lao động có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Thời gian tới, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Đối với Nhà nước:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát các văn bản quy định hoạt động của các cơ sở GDĐH, từ đó rà soát các văn bản chưa thực sự phù hợp với điều kiện tự chủ mới để cùng với các bộ, ngành điều chỉnh nhằm đảm bảo sự thống nhất trong chính sách.
Đặc biệt, tập trung vào việc rà soát, sửa đổi các quy định về trách nhiệm vai trò hội đồng trường cũng như khẳng định vai trò của hội đồng trường, trong quản trị trường đại học trong xu hướng tự chủ hóa và hội nhập quốc tế; Hướng dẫn và tăng cường giám sát trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH tự chủ trong việc xây dựng các hệ thống chỉ tiêu bắt buộc và chỉ tiêu khuyến khích mà các cơ sở GDĐH cần phải công bố, công khai…
- Có cơ chế chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, tạo khung pháp lý cho mối quan hệ giữa cơ sở GDĐH và DN, giữa đào tạo nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với sản xuất kinh doanh, trong đó cần quan tâm đến chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, tạo động lực cho việc liên kết bền vững; Có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ, gắn kết chặt chẽ giữa các vươn ươm khởi nghiệp với trường đại học và DN...
- Cho phép cơ sở giáo dục được sử dụng nguồn kinh phí do NSNN cấp một cách chủ động, hiệu quả nhất và Nhà nước tăng cường giám sát tính minh bạch và hiệu quả việc của sử dụng kinh phí của cơ sở giáo dục. Cho phép các trường được chủ động hoàn toàn trong việc mua sắm đối với các gói mua sắm từ nguồn thu hợp pháp nhằm tăng tính tự chủ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Các cơ sở GDĐH cũng được phép tự chủ thuê hoặc tự thực hiện (nếu có đủ năng lực theo luật định) các công đoạn thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định vốn, thẩm tra thiết kế, thẩm tra vốn, phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý nhà nước về tính hợp pháp và hợp lý trong các quyết định của cơ sở giáo dục.
Đối với cơ sở giáo dục đại học:
- Cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi trong hoạt động giảng dạy, học tập, giảm thời gian giảng dạy, tăng thời gian thảo luận, đối thoại, xử lý tình huống, để học viên có cơ hội bộc lộ tri thức, các phẩm chất tâm lý xã hội và vốn sống của mình.
- Tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất liên quan đến công nghệ dạy, học và nghiên cứu, các phòng học đa năng, phòng trực tuyến để thực nghiệm các tình huống liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học. Xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp với xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế số.
Chú trọng tận dụng lợi thế các công nghệ nổi trội trong cuộc cách mạng này có thể ứng dụng trong quản trị trường đại học như: Dữ liệu lớn, Tài nguyên giáo dục mở là cơ sở cho sự thay đổi trong quản trị đại học để đạt các mục tiêu phát triển trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tăng cường liên kết với các DN, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công tư. Các phòng thí nghiệm này không chỉ là nơi để sinh viên thực hành mà còn là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của DN nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao.
Tùy thuộc vào khả năng và điều kiện cụ thể mà lựa chọn nội dung và hình thức liên kết phù hợp: liên kết nghiên cứu phát triển dưới dạng hợp đồng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo, DN với tư cách là khách hàng thường xuyên của các trường đại học.
- Tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ nghiên cứu, thu hút cán bộ giỏi các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác với nhà trường; đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó xây dựng đội ngũ giáo viên là khâu then chốt.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản trị đại học tiếp cận với chuẩn mực quốc tế. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện chiến lược phát triển trường giai đoạn 2017 - 2022 và tầm nhìn tới 2030; Xây dựng cơ chế kiểm soát các hoạt động độc lập, tự chủ, thực hiện trách nhiệm của các đơn vị trong nhà trường, đặt ra những tiêu chuẩn, tiêu chí chặt chẽ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đối tượng trên các lĩnh vực như tài chính, cơ sở vật chất, thực hiện nguyên tắc và chế độ trong quản lý, trong công việc, trong đào tạo… Tăng cường công bố thông tin về quá trình và kết quả hoạt động của nhà trường.
Đối với giảng viên:
- Đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận phương pháp giảng dạy, trong đó cần nhận diện mô hình tri thức trong thời đại số hóa (nội dung cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0) liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Để tiếp cận và sử dụng nguồn tri thức này, giảng viên cần nâng cao trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, am tường về phương pháp dạy học, sẵn sàng tiếp cận các mô hình đào tạo mới, đại học sáng tạo, đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng.
Trong bối cảnh đối diện với khối lượng tri thức khổng lồ của thời đại số hóa, để sử dụng và chuyển hóa thành tri thức của mình cần phải xử lý, lựa chọn, định vị được hệ tri thức chuẩn gắn với yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.
- Vận dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin, những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác giảng dạy. Chủ động nghiên cứu, phân tích đặc điểm của cuộc cách mạng này để từ đó đề xuất, kiến nghị đổi mới trên tất cả các mặt, đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo. Cần ứng dụng mô hình thực tế ảo vừa mang tính mô phỏng, vừa mang tính kỹ năng để sinh viên rèn luyện.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS., TS. Nguyễn Cúc (2017), Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở GDĐH ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam - Học viện Chính trị khu vực I;
2. GS Phan Văn Trường (2017), Ngành Giáo dục “đón đầu” cuộc Cách mạng 4.0 ra sao? Báo điện tử Quốc tế;
3. Bùi Trung Hải, Nguyễn Lê Đình Quý (2018), Quản trị trường đại học ở Việt Nam trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0;
4. TS. Nguyễn Chí Trường (2018), Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0: Cơ hội, thách thức và giải pháp hai tốc độ cho giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội);
5. ThS. Chung Thị Vân Anh (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 với GDĐH nói chung và Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.
Ths. Đỗ Thị Tuyết Mai, Đoàn Thị Lâm - Đại học Tài chính quản trị kinh doanh
Nguồn: Tạp chí điện tử Tài chính