Để trả lời câu hỏi: Công an, Cảnh sát và Cảnh sát giao thông xuất hiện từ bao giờ trên thế giới, chúng ta đi ngược lại lịch sử ra đời và phát triển của Nhà nước. Trong xã hội loài người có thời kỳ không có giai cấp, Nhà nước, pháp luật, và dĩ nhiên không có Công an, Cảnh sát và Cảnh sát giao thông. Chỉ đến khi trong xã hội loài người xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất thì Giai cấp, Nhà nước và cơ quan Công an, Cảnh sát nói chung, Cảnh sát giao thông nói riêng mới xuất hiện.
Lịch sử của ngành Công an, cảnh sát thế giới cho biết vào 1791-1749 trước công nguyên, nhà vua Hammurabi, người trị vì của triều đại thứ nhất của Nhà nước cổ đại Babylon đã thành lập nên một thiết chế mới mà về sau các nhà chính trị gọi là “Nhà nước” gồm 01 ông vua và nhiều quần thần từ trên xuống dưới đảm nhận các chức năng quản lý xã hội. Nhà vua Hammurabi đã thành lập ra một số cơ quan thiết chế mới mà về sau người ta gọi là“công an, toà án, quân đội...”. Cơ quan công an, cảnh sát đầu tiên trên thế giới với tên gọi“Politeia” chỉ gồm 5 người. Nghĩa gốc của từ “Politeia” ban đầu là “Nhà nước” và về sau đã đi vào nhiều ngôn ngữ trên thế giới như “Police” trong tiếng Anh, tiếng Pháp; “Polizei” trong tiếng Đức; “Polizia” trong tiếng Italia.... Trong tác phầm nổi tiếng “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và của Nhà nước”, Ph.Ănghen viết: "Thành lập một đội cảnh binh là cần thiết... nó không phải chỉ gồm những người được vũ trang mà còn gồm những công cụ vật chất phụ thêm nữa, như nhà tù và đủ các loại cơ quan cưỡng bức mà xã hội thị tộc không hề biết đến".
Nhận rõ vai trò của cơ quan Công an, cảnh sát, Ph.Ănghen đánh giá: "Viên cảnh sát tồi nhất của nhà nước văn minh vẫn có "quyền uy" hơn tất cả những cơ quan của xã hội thị tộc cộng lại". Ph.Ănghen còn khẳng định tiếp: "Không có cảnh sát, nhà nước không thể tồn tại được".
Bộ máy các cơ quan Politeia - cảnh sát trên thế giới ban đầu rất đơn giản chỉ gồm 2 bộ phận: các vệ sỹ bảo vệ nhà vua, triều đình, giữ gìn trật tự an ninh và các cai ngục để quản lý kẻ phạm tội.
Nhà nước thành lập và sử dụng cơ quan Công an, cảnh sát làm công cụ để duy trì trật tự nhà nước, trật tự an toàn xã hội. Công an, Cảnh sát là người đại diện công khai của nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Các hình thức cơ quan Công an, cảnh sát cũng rất khác nhau ở các nước. Nhà vua Rameses III (năm 1198-1166 trước công nguyên) lại lập ra một cơ quan cảnh sát vừa bảo vệ nhà vua và triều đình, vừa phòng chống tội phạm, vừa quản lý nhà tù và kiêm luôn xử án. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì Cảnh sát của các triều đại Ai Cập đảm nhận cả hai chức năng hành chính và tư pháp (with both administrative and judicial powers”. Vì vậy vào giai đoạn này cơ quan Politeia có rất nhiều quyền lực và được mọi người nể sợ.
Ở những nước theo đạo Hindu, các nhà sử học cho biết theo đạo Luật Manu (tồn tại từ năm 300 đến 150 trước công nguyên) lực lượng cảnh sát của các nhà nước theo Ấn Độ giáo chủ yếu gồm 4 lực lượng: lực lượng cảnh sát tuần tra và giữ gìn trật tự giao thông, cảnh sát bảo vệ nhà vua, cảnh sát phòng chống tội phạm và cảnh sát quản lý trại giam. Ở Trung Quốc và các nước phương Đông cổ đại, cơ quan cảnh sát ra đời rất sớm, không muộn hơn các nước châu Âu và châu Phi. Theo sự phát triển của lịch sử loài người, tương ứng với các hình thức nhà nước trên thế giới, đã xuất hiện các loại cơ quan Công an, cảnh sát trên thế giới.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều hình thức cơ quan Công an, Cảnh sát:
Phổ biến nhất là Cơ quan Cảnh sát quốc gia làm nhiệm vụ An ninh nội địa, trật tự an toàn xã hội trong đó có nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn giao thông và Cơ quan Tình báo quốc gia làm nhiệm vụ tình báo, phản gián đối ngoại.
Ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, CHDCND Triều Tiên thành lập các Cơ quan Công an, An ninh quốc gia. Tại Liên bang Nga và các nước SNG thành lập các Cơ quan Nội vụ làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội, Cơ quan Tình trạng khẩn cấp làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Có thể thể rõ một điều là nếu như trước đây nhiều hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động hành pháp, tư pháp hoàn toàn do Cơ quan Công an, cảnh sát đảm nhiệm thì ngày nay trong xã hội hiện đại, ở các lĩnh vực này rất phổ biến các hình thức hoạt động dịch vụ, các hoạt động hành chính công.
Nghiên cứu tổ chức, bộ máy Công an, Cảnh sát các nước cho thấy, để đảm bảo, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, cơ quan Công an, cảnh sát các nước đã thành lập ra nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị Cảnh sát giao thông tuỳ theo tình hình thực tế của nước mình.
Nghiên cứu so sánh giữa tổ chức, bộ máy Công an, cảnh sát Việt Nam và các nước cho thấy có một số điểm đáng lưu ý sau về tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông:
Thứ nhất, Tất cả các nước đều thành lập lực lượng Cảnh sát giao thông (Traffic Police) để đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở nước mình.
Thứ hai, Tất cả các nước trên thế giới đều tổ chức ra Cơ quan cảnh sát giao thông đường bộ để đảm nhiệm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Thứ ba, tuỳ theo tình hình, vị trí địa lý tự nhiên mà nhiều nước còn thành lập ra các lực lượng Cảnh sát đường sắt, Cảnh sát đường thuỷ, Cảnh sát hàng không, Cảnh sát biển để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, trật tự an toàn giao thông đường thuỷ, trật tự an toàn giao thông hàng không, trật tự an toàn giao thông trên biển.
Thứ tư, về tổ chức, phần lớn các nước tổ chức cơ quan Cảnh sát giao thông đặt trực thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan Cảnh sát quốc gia cấp Tổng cục (Như Bộ Nội vụ Liên Xô trước đây và Bộ Nội vụ Liên bang Nga hiện nay có 02 Tổng cục Cảnh sát giao thông: Tổng cục Thanh tra giao thông đường bộ (GAI) và Tổng cục Cảnh sát giao thông gồm 3 Cục: Cục Cảnh sát đường sắt, Cục Cảnh sát đường thuỷ, Cục Cảnh sát hàng không; hoặc cấp Cục như các Cục Cảnh sát giao thông ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc,.... Một số nước như Trung Quốc để tạo thuận lợi trong phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đã đặt một số lực lượng Cảnh sát giao thông chịu sự lãnh đạo song trùng của hai ngành Công an, cảnh sát và giao thông vận tải, ví dụ như Trung Quốc đặt Cục cảnh sát đường sắt trực thuộc Bộ Đường sắt, Cục Cảnh sát hàng không trực thuộc Bộ Hàng không. Trước năm 1966 ở Việt Nam, Ty Công an đường sắt cũng đặt trực thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam.
Thứ năm, về thẩm quyền, phần lớn cơ quan Cảnh sát giao thông các nước đảm nhận toàn bộ các công việc: đăng ký và quản lý các phương tiện giao thông, đào tạo và cấp giấy phép lái xe, kiểm định chất lượng phương tiện giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, điều tra và xử lý tai nạn giao thông. Một số lực lượng Cảnh sát đường sắt, Cảnh sát đường thuỷ, Cảnh sát biển, Cảnh sát hàng không còn được giao các nhiệm vụ chống tội phạm, chống buôn lậu, chống cướp biển, chống không tặc, thực hiện một số nhiệm vụ điều tra hình sự. Các chức năng, nhiệm vụ này được quy định trong các Luật giao thông, Luật Công an, Luật cảnh sát.
Thứ sáu, về tổ chức đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông: trong các Học viện, nhà trường cảnh sát đều thành lập các Khoa, Viện đào tạo cán bộ cảnh sát giao thông. Chương trình đào tạo gồm hai phần: phần lý thuyết gồm giảng dạy pháp luật an toàn giao thông và các môn pháp luật liên quan; nghiệp vụ cảnh sát và các môn học bổ trợ khác; phần thực hành dạy các tác nghiệp của Cảnh sát giao thông. Một số trường Cảnh sát như Trường Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã đưa việc học lái máy bay lên thẳng là môn học bắt buộc đối với các sỹ quan Cảnh sát giao thông. Tại các Học viện, nhà trường Cảnh sát đều dạy các chuyên ngành: Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông đường sắt, Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Cảnh sát biển, Cảnh sát hàng không và có các thao trường, sân, bãi thực hành lớn dành cho đào tạo chuyên ngành Cảnh sát giao thông. Tại các cơ sở đào tạo có nhiều phương tiện hỗ trợ chuyên dụng để đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông.
Về các chương trình ngoại khoá, các sinh viên, học viên Cảnh sát giao thông còn được dạy về phòng ngừa các tiêu cực, vi phạm thường xảy ra trong Cảnh sát giao thông, dạy văn hoá ứng xử của Cảnh sát giao thông trước nhân dân, dạy về cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu người bị thương, người chết trong các vụ tai nạn giao thông,...
Về tổ chức, một số Học viện, Nhà trường Cảnh sát bên cạnh các Khoa Cảnh sát giao thông còn thành lập các Viện Khoa học, Trung tâm nghiên cứu về an toàn giao thông. Như trực thuộc Học viện Cảnh sát quốc gia Nhật Bản có Viện nghiên cứu khoa học về an toàn giao thông.
Nghiên cứu thực tiễn kinh nghiệm đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông các nước chúng tôi xin đề xuất Bộ Công an, Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia và các cơ quan chức năng:
Thứ nhất, về tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông, ngoài Cục cảnh sát giao thông hiện nay, đề nghị Bộ Công an thành lập lực lượng Cảnh sát giao thông hàng không để đảm bảo trật tự an toàn giao thông hàng không ở nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong điều kiện lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng hiện nay đặt trực thuộc Bộ Quốc phòng, cần thiết phải xây dựng và ban hành một Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên biển giữa các lực lượng Công an, Hàng hải, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.
Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ.
Thứ hai, đối với Học viện Cảnh sát nhân dân và các nhà trường Cảnh sát nhân dân cần tăng các giờ học thực hành, bổ sung giảng dạy các môn học nghiệp vụ Cảnh sát đường thuỷ, Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt. Mời các báo cáo viên về an toàn giao thông hàng không, Cảnh sát biển để tăng thêm hiểu biết cho học viên. Tiến tới phân các chuyên ngành sâu về các lĩnh vực này.
Cần có các chương trình ngoại khoá về đạo đức nghề nghiệp và chống tiêu cực, dạy về văn hóa ứng xử cho cán bộ Cảnh sát giao thông cho bậc đại học và trung học Cảnh sát giao thông. Chương trình này cần nêu rõ các dạng và hình thức tiêu cực của lực lượng Cảnh sát giao thông cùng các tình huống hay xảy ra các tiêu cực này, đồng thời nêu các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực; các tình huống văn hoá ứng xử của Cảnh sát giao thông thường gặp trong khi thi hành công vụ. Việc chuẩn bị tốt về tư tưởng và ý thức phòng ngừa tiêu cực và dạy cách ứng xử trước nhân dân cho các cán bộ Cảnh sát giao thông tương lai là rất cần thiết trong công tác đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông hiện nay.
Về thực hành đề nghị bổ sung các báo cáo và hướng dẫn ngoại khoá về cứu hộ, cứu nạn, các biện pháp sơ cứu, cấp cứu người bị thương, người chết trong các vụ tai nạn giao thông, về chống đua xe ô tô, xe máy trái phép.
Thứ ba, đề nghị Bộ đầu tư xây dựng các thao trường luyện tập cho học viên chuyên ngành Cảnh sát giao thông tại Học viện CSND và các nhà trường CSND. Xác định Học viện CSND, các Trường CSND là đầu mối như Công an cấp tỉnh trong trang bị phương tiện nghiệp vụ trong các Dự án tăng cường năng lực lượng Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông. Đề nghị Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia hỗ trợ Học viện CSND và các Trường CSND tổ chức các chương trình nghiên cứu, đào tạo cán bộ phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông của Chính phủ và Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia.
Thứ tư, trên thế giới Nhật Bản là nước có rất nhiều kinh nghiệm về đảm bảo an toàn giao thông, về đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông. Vì vậy chúng tôi trân trọng đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại sứ quán, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Học viện Cảnh sát nhân dân về đào tạo cán bộ cảnh sát giao thông.
Thứ năm, triển khai có hiệu quả hoạt động của Viện Khoa học Cảnh sát, trong đó có Trung tâm nghiên cứu an toàn giao thông thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân như kinh nghiệm của Học viện Cảnh sát quốc gia Nhật Bản và một số nhà trường ở nước ta, phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ Cảnh sát giao thông trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND
Nguồn: Tạp chí Cảnh sát nhân dân - Chuyên đề An toàn giao thông - Số 7/2015