Lực lượng Cảnh sát Ấn Độ (IPS) trực thuộc Bộ Nội vụ, có nhiều đơn vị và lực lượng khác nhau. Trong đó:
Cơ quan Tổng hành dinh: Bao gồm văn phòng của các chỉ huy cảnh sát quốc gia và các cơ quan hỗ trợ như: Văn phòng Tổng hành dinh, Uỷ ban nghiên cứu và phát triển, Cục thống kê tội phạm quốc gia, Viện khoa học hình sự quốc gia...
Lực lượng an ninh biên giới (BSF): Chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới trên bộ của đất nước trong thời bình và phòng chống tội phạm xuyên biên giới. Đây là lực lượng được thành lập ngay sau cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1965. Bên cạnh nhiệm vụ chính, BSF được giao thêm nhiệm vụ hỗ trợ quân đội Ấn Độ trong một số trường hợp khẩn cấp và chống khủng bố.
Cục điều tra trung tâm (CBI): Đước thành lập vào ngày 1/4/1963, đây là cơ quan điều tra tối cao của Cảnh sát Ấn Độ, chịu trách nhiệm điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, những hành vi tội phạm có dính dáng đến các quan chức cấp cao và các nhân vật quan trọng trong xã hội. CBI cũng bao gồm Văn phòng Interpol quốc gia của nước này. CBI có quyền tuyển lựa nhân sự từ những điều tra viên tốt nhất thuộc lực lượng cảnh sát toàn quốc.
Lực lượng an ninh công nghiệp trung tâm (CISF): Đây là lực lượng chịu trách nhiệm bảo vệ các cơ sở công nghiệp lớn của chính phủ trên toàn quốc cũng như bảo vệ các cảng biển và sân bay quốc tế. Gần đây, CISF được phép cung cấp một số dịch vụ công ích dân sự có thu phí như bảo vệ các cơ sở công nghiệp của các tổ chức phi chính phủ, tư nhân...
Lực lượng cảnh sát dự bị (CRPF): Đây là một trong những lực lượng bán vũ trang lớn nhất trên thế giới. Nhiệm vụ chính của CRPF là trợ giúp chính quyền các bang và các cơ quan hành pháp gìn giữ an ninh trật tự, đồng thời có thể được huy động vào nhiệm vụ chống khủng bố tại một số khu vực.
Lực lượng cảnh sát Tây Tạng (ITBP): Chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh suốt dọc 2115km biên giới của Ấn Độ với vùng Tây Tạng. Sỹ quan ITBP được đào tạo, huấn luyện kỹ càng về các kỹ năng hoạt động trên vùng núi, trong điều kiện xảy ra lở tuyết, thiên tai...Các chiến sỹ của ITBP cũng đã được huy động hoạt động ở nước ngoài trong lực lượng giữ gìn hoà bình của Liên Hợp Quốc tại Bosnia và một số nơi khác trên thế giới.
Cơ quan điều tra khủng bố quốc gia (NIA): Là cơ quan chống khủng bố trung ương của Ấn Độ, chịu trách nhiệm phòng chống các hành vi phạm tội liên quan đến khủng bố, có quyền lực cao và có thể tiến hành một số quyền năng đặc biệt theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu” trong trường hợp đặc biệt. Hiện nay, NIA cũng được giao nhiệm vụ phối hợp phòng chống ma tuý và tiền giả.
Lực lượng biệt động (NSG) được thành lập từ năm 1986 với nhiệm vụ chống khủng bố và giải cứu con tin. Nổi danh với biệt hiệu “Mèo đen”, các chiến sỹ NSG luôn sử dụng đồng phục đen khi thi hành nhiệm vụ. NSG tuyển lựa nhân viên từ quân đội và các đơn vị cảnh sát trực tiếp chiến đấu, huấn luyện với những kỹ năng đặc biệt để có thể tác chiến thực thi những nhiệm vụ mà các đơn vị cảnh sát thông thường không làm được. Tại sân bay Palam ở thủ đô New Dehli luôn có một đội tác chiến của NSG thường trực với máy bay vận tải để có thể tác chiến ngay khi có yêu cầu tới bất kỳ nơi đâu của đất nước. Gần đây, NSG có thêm nhiệm vụ phối hợp bảo vệ các nhân vật trọng yếu.
Lực lượng cảnh sát đường sắt (RPF): Chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh trên các tuyến đường sắt và trên các đoàn tàu, đồng thời chịu trách nhiệm điều tra các vụ án liên quan đến đường sắt.
Lực lượng bảo vệ đặc biệt (SPG): Là cơ quan bảo vệ yếu nhân hết sức trọng yếu, chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống, Thủ tướng, các quan chức cấp cao và gia đình họ. Lực lượng này được thành lập năm 1985, sau vụ ám sát cố Thủ tướng Indira Gandhi.
Lực lượng chống ma tuý (NCB): Chịu trách nhiệm phòng chống ma tuý trên toàn quốc và phối hợp quốc tế trong PCMT.
Lực lượng cảnh sát giao thông (TP): Cảnh sát đường cao tốc và cảnh sát giao thông tại các thành phố nhỏ trực thuộc cảnh sát bang đó nhưng cảnh sát giao thông ở các thành phố lớn lại trực thuộc cảnh sát đô thị, chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách và điều tra các vụ án liên quan đến giao thông.
Mỗi bang của Ấn Độ có lực lượng cảnh sát cấp bang, đứng đầu là Chỉ huy trưởng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thống đốc bang và bộ trưởng nội vụ của bang đó. Hầu hết các thành phố lớn cũng có lực lượng cảnh sát đô thị chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền thành phố, trừ tại thủ đô New Dehli, lực lượng cảnh sát của thủ đô trực thuộc Bộ Nội vụ. Để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ huy thông suốt, Cảnh sát Ấn Độ có những quy định mang tính pháp lý cụ thể về cơ chế chỉ huy, phối hợp giữa các cấp và các lực lượng cảnh sát từ trung ương đến địa phương.
Tuyển chọn và đào tạo: Vấn đề này tuỳ thuộc vào từng cấp, từng vị trí và việc tuyển trực tiếp (người được tueyenr không phải bắt đầu từ cấp thấp nhất) cũng được áp dụng. Yêu cầu về đào tạo càng tăng lên khi ở vị trí cao hơn. Thanh tra cấp cao trước khi được bổ nhiệm phải được yêu cầu phải được đào tạo qua một tại trường đào tạo cấp cao của cảnh sát quốc gia lớp học kéo dài 44 tuần với nhiều kỳ sát hạch nghiêm khắc. Ở những vị trí không phải giữ chức chỉ huy, người được tuyển lựa phải được đào tạo ở một trường cảnh sát, thường là một năm hoặc 9 tháng. Một số bang như Tamil Nadu và Maharashtra đã có những bước đi tiến bộ lớn khi thành lập học viện cảnh sát riêng của bang và gửi nhiều cán bộ sang đào tạo tại các trường đại học cảnh sát danh tiếng của Mỹ, Canada...
Trang bị cho chiến sỹ cảnh sát Ấn Độ thông thường là gậy batoong cao su hoặc nhựa bịt đầu sắt bởi cảnh sát Ấn Độ thường không theo súng khi thực thi những nhiệm vụ bình thường. Tuy nhiên, khi cần thiết, họ có thể dùng súng trường 303 hoặc tiểu liên 7.62. Một số đơn vị cảnh sát đặc biệt được trang bị tiểu liên AK47 và súng lục Bren. Các sỹ quan chỉ huy được trang bị súng lục Browning hoặc Glock 17 cỡ nòng 9mm.
Nguyễn Hoàng Đoàn
Trang thông tin điện tử của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an