Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đi tham dự Hội nghị thường niên lần thứ năm của Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế (INTERPA) tại thành phố Khartoum, Thủ đô Cộng hoà Xu-đăng từ ngày 27/3 đến 01/4/2016.
Hội nghị INTERPA lần thứ 5 do Đại học Quốc gia Ribat - Bộ Nội vụ Xu-đăng đăng cai tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Thư ký INTERPA - Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề chính “Cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu”. Hội nghị có sự tham gia của 61 đại biểu thuộc các cơ sở đào tạo là thành viên của INTERPA từ 18 quốc gia và đại diện của 3 tổ chức quốc tế là Hiệp hội Đại học Cảnh sát Châu Âu (AEPC), Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát ASEAN (ASEANAPOL), Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Hội nghị do Chủ tịch INTERPA (Giám đốc Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ) và Phó Chủ tịch INTERPA (Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Ribat - Bộ Nội vụ Xu-đăng) đồng chủ trì. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Xu-đăng, Đại tướng Issmat Abdel Rahman và Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Xu-đăng - Đại tướng Hashim Osman đến dự và phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị
Hội nghị kéo dài 04 ngày với 05 phiên họp tương ứng với 05 chủ đề là:
(1) Phòng chống buôn bán người và tổ chức di cư trái phép;
(2) Xây dựng chính sách về kiểm soát di cư;
(3) Những ảnh hưởng xã hội của cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu;
(4) Những ảnh hưởng địa phương của cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu;
(5) Những tiếp cận khác nhau về cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu;
Trong 5 phiên họp đã có 14 bài tham luận của các đại biểu phân tích, đánh giá về cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra hiện nay và những phản ứng của các quốc gia nguồn cũng như đích của các cuộc di cư, từ đó đề xuất một số nội dung liên quan. Tổng hợp nội dung của Hội nghị nổi lên một số vấn đề chính như: Vấn đề di cư ồ ạt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như đói nghèo, bất ổn, xung đột sắc tộc, chiến tranh... đã thực sự trở thành nguy cơ đe dọa an ninh, ổn định cho nhiều quốc gia, cần có các giải pháp phù hợp; cuộc khủng hoảng di cư bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau, đan xen giữa an ninh, trật tự với quyền con người và vấn đề nhân đạo, do đó mỗi quốc gia có liên quan cần có những giải pháp tổng hoà các mối quan hệ; công tác hợp tác quốc tế và sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế trở thành yếu tố quan trọng trong giải quyết các vấn đề liên quan.
Đồng chí Trưởng đoàn Việt Nam tại buổi thăm
Học viện Cảnh sát - Bộ Nội vụ Xu-đăng
Hội nghị khẳng định, trong bối cảnh khủng hoảng di cư toàn cầu, lực lượng thực thi pháp luật đứng trước những thách thức mới trong đó có sự gia tăng của buôn bán và tổ chức người di cư trái phép; đồng thời, công tác cảnh sát đảm bảo an ninh, trật tự cũng đứng trước những yêu cầu về thực thi nhiệm vụ đảm bảo quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, tránh phân biệt, kỳ thị đối với người di cư - những người không được coi là tội phạm. Trước thực tế của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay, lực lượng thi hành pháp luật nói chung và lực lượng cảnh sát nói riêng cần có những nhìn nhận, ứng biến phù hợp với triết lý nhân đạo quốc tế; công tác đào tạo, huấn luyện cảnh sát cũng cần được nâng cấp, mở rộng về những vấn đề liên quan như: Nhân quyền, nhân đạo quốc tế và đảm bảo an ninh, trật tự quốc gia, khu vực trong bối cảnh giải quyết vấn đề di cư và phòng ngừa tội phạm liên quan.
Trong quá trình tham dự Hội nghị, đại diện đoàn Việt Nam đã có bài tham luận về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu và ứng phó của Việt Nam trong việc đảm bảo ổn định, hoà bình trong khu vực, được Hội nghị đánh giá cao.
Hiệu trưởng Đại học Cảnh sát Qatar tặng quà lưu niệm
cho đồng chí Trưởng đoàn Việt Nam
Ngoài các phiên họp chính thức, Hội nghị đã tổ chức đi thăm quan thực tế tại Cục Đào tạo, Học viện Cảnh sát, Học viện An ninh thuộc Bộ Nội vụ Xu-đăng, Viện Đào tạo sỹ quan cao cấp Bộ Quốc phòng và Học viện Tình báo thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia.
Có thể nói, sau 6 năm hoạt động, tổ chức INTERPA đã khẳng định được vai trò, vị trí là một diễn đàn quốc tế quan trọng về giáo dục, đào tạo cảnh sát; Tạo cơ hội và điều kiện cho các cơ sở đào tạo cảnh sát của nhiều nước trên thế giới. Sau Hội nghị thường niên năm 2016 này, INTERPA đã thu hút được gần 60 thành viên chính thức là các cơ sở đào tạo đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tham gia INTERPA, Học viện CSND và Học viện ANND, hai thành viên chính thức của Hiệp hội có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến chủ đề Hội nghị với các cơ sở đào tạo cảnh sát của các nước. Thông qua việc tham gia các hoạt động của Hiệp hội, hai Học viện có điều kiện mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế, nghiên cứu về nhiều hình thức, cơ chế đào tạo và nghiên cứu khoa học cảnh sát của các quốc gia thành viên. Điều này sẽ góp phần giúp hai Học viện trong quá trình xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của khu vực và thế giới./.
Phòng Hợp tác quốc tế