Với chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; tình hình trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông dần được kiềm chế.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập (21/02/1946), trong bối cảnh đất nước mới dành chính quyền phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, nhiệm vụ nhanh chóng ổn định và thiết lập trật tự xã hội mới trong phạm vi cả nước sau giải phóng là một nhiệm vụ rất quan trọng. Lực lượng CSGT Việt nam đã chủ động thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống âm mưu phát hoại của kẻ địch đối với các công trình giao thông và phương tiện giao thông, đồng thời tổ chức hướng dẫn điều khiển hoạt động giao thông ở các thành phố, thị xã, nơi công cộng tập trung đông người. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Cảnh sát giao thông đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông phục vụ vận chuyển quân, hàng hóa, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm thuộc men phục vụ trong các chiến dich và nhu cầu đời sống của cán bộ và nhân dân trong các vùng căn cứ địa cách mạng trước đây và đặc biệt trong công cuộc xây dựng bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thời kỳ (1964 -1975). Nhiều đồng chí CSGT hy sinh dưới làn bom đạn của giặc Mỹ khi chỉ huy giao thông trên các tuyến đường máu lửa. Họ là những tấm gương sáng tô thắm cho truyền thống vẻ vang của lực lượng CSGT Việt Nam.
Đất nước được hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với sự phát triển toàn diện đất nước về mọi mặt, lực lượng CSGT cũng không ngừng lớn mạnh về tổ chức, biên chế, trình độ năng lực pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, về trang thiết bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ… để đáp ứng yêu cầu của hoạt động đảm bảo TTATGT trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Với những nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an đối với hoạt động của lực lượng CSGT, kết quả các mặt công tác của lực lượng CSGT trong những năm qua luôn được đánh giá cao góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Trong chặng đường lịch sử 70 năm qua, với những kết quả đạt được, lực lượng CSGT đã có hàng chục lượt tập thể, cá nhân lập thành tích cao được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; hàng trăm đồng chí hy sinh, bị thương khi làm nhiệm vụ, hàng vạn cán bộ chiến sĩ lập thành tích xuất sắc được khen thưởng.
Đóng góp vào những thành tích chung của lực lượng CSGT Việt Nam, phải kể đến hoạt động đào tạo chuyên ngành CSGT ở các trường Công an nhân dân nói chung và Học viện CSND nói riêng trong những năm qua. Học viện CSND là một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Bộ Công an tiến tới là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Quốc gia vào năm 2020; sau nhiều năm đào tạo, khoa Cảnh sát giao thông thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân đã và đang đào tạo gần 2000 học viên, trong số đó nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ra trường đang giữ những chức vụ trọng trách, lãnh đạo chỉ huy của lực lượng CSGT các cấp, nhiều đồng chí có học hàm, học vị bậc cao. Qua thực tiễn sử dụng học viên chuyên ngành CSGT sau khi tốt nghiệp ra trường, Công an các địa phương đều đánh giá đa số học viên có tư duy, kỹ năng nghề nghiệp tốt, đáp ứng được yêu cầu công tác của đơn vị địa phương. Kết quả đó đã đóng góp phần quan trọng trong xây dựng lực lượng CSND nói chung, CSGT nói riêng từng bước chính qui, hiện đại. Học viện CSND đã tổ chức nhiều Hội khảo khoa học về hoạt động đào tạo CSGT nhằm đánh giá hoạt động đào tạo và sử dụng học viên sau khi ra trường như Hội thảo: “Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, năm 2008; Hội thảo: “Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo cán bộ Cảnh sát giao thông”, năm 2012, v.v…
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo chuyên ngành CSGT tại Học viện CSND trong những năm qua cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng công tác đào tạo như: Công tác đào tạo CSGT hiện vẫn chưa cập nhật được những vấn đề bức xúc của thực tiễn, mối liên hệ gắn kết giữa Khoa chuyên ngành CSGT với các Phòng thuộc Cục nghiệp vụ chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; việc đầu tư kinh phí xây dựng phòng học chuyên dùng, mô hình sân bãi thực hành, phương tiện thực hành còn thiếu thốn… Công tác biên soạn giáo trình, giáo án, hệ thống tài liệu tham khảo, hệ thống bài tập tình huống nghiệp vụ chưa được đổi mới. Phương pháp giảng dạy còn đơn điệu; tiếp thu, học tập kinh nghiệm đào tạo CSGT của các nước tiên tiến trên thế giới còn hạn chế.Nhằm tiếp tục đào tạo cho lực lượng CSGT Việt Nam những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có kiến thức pháp luật vững vàng, giỏi về trình độ chuyên môn để phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng CSGT sau 70 năm xây dựng và trưởng thành; quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác giáo dục, đào tạo, nhất là Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Học viện CSND sẽ tiếp tục rà soát mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo chuyên ngành CSGT theo hướng: Đào tạo cán bộ CSGT có trình độ đại học chuyên ngành Quản lý TTATGT; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, tin học và ngoại ngữ, có phương pháp duy khoa học, có trình độ, năng lực nghiệp chuyên môn và sức khỏe, sẵn sàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đổi mới phương pháp đào tạo đối với chuyên ngành CSGT theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy, tăng thời gian thực hành đối với các môn học mang tính chuyên sâu của CSGT, tăng cường hoạt động báo cáo chuyên đề, báo cáo thực tế trong các môn học thuộc chuyên ngành CSGT, tăng thời gian đi kiến tập, thực tập. Tiến tới trong Chương trình đào tạo chuyên ngành CSGT sẽ có thêm nội dung thực hành các tác nghiệp của CSGT để học viên sẽ có điều kiện vận dụng lý luận vào thực tiễn và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp. Hiện nay, Học viện CSND đang nghiên cứu thí điểm áp dụng đối với 2 chuyên ngành CSGT và Cảnh sát Kỹ thuật hình sự trong thời gian học nghiệp vụ chuyên ngành; sáng học lý thuyết, chiều ra thực tế tại các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội nhằm nâng cao trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp đối với học viên 2 chuyên ngành này, gắn lý luận với thực tiễn. Đây là hình thức đào tạo mới bước đầu mang lại chất lượng và hiệu quả tốt.
Bên cạnh đó, Học viện CSND sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên ngành CSGT đường bộ - đường sắt và Cảnh sát đường thủy theo hướng ngoài thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học luôn được ưu tiên học tập nâng cao trình độ, khuyến khích giảng học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài. Đồng thời, tạo điều kiện cho giảng viên chuyên ngành đi thực tế tại các đơn vị CSGT để cập nhật tình hình thực tiễn vào hoạt động giảng dạy. Tiếp tục thực hiện Đề án luân chuyển cán bộ của Bộ Công an, thời gian tới Học viện CSND sẽ luân chuyển cán bộ kể cả lãnh đạo, chỉ huy về công tác tại các đơn vị CSGT địa phương để nắm bắt tình hình và thực tiễn hoạt động đảm bảo TTATGT.
Để thực hiện được các nội dung trên với mục tiêu đào tạo ra đội ngũ cán bộ CSGT có kiến thức chuyên môn và giỏi kỹ năng nghiệp vụ, Học viện CSND đề xuất một số vấn đề sau:
1. Đối với Bộ Công an:
- Tiếp tục quan tâm đầu về kinh phí trang bị hệ thống phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng sử dụng trong công tác CSGT với phương châm đi trước thực tiễn một bước như phòng học chuyên dùng, mô hình cắt bổ động cơ, máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn, cân điện tử. Đặc biệt là đầu tư xây dựng khu thực hành cho chuyên ngành CSGT (hệ thống đường giao thông có các nút giao thông, hệ thống đèn tín hiệu, trụ sở đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, hiện trường tai nạn giao thông…) để thực hành nôi dung tuần tra kiểm soát, dẫn đoàn, chỉ huy, điều khiển giao thông, điều tra giải quyết tai nạn giao thông tại cơ sở 2 của Học viên CSND ở Vĩnh Phúc khi dự án mở rộng Học viện chính thức triển khai xây dựng hạ tầng. Với việc được trang bị hệ thống phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng và khu thực hành như điều kiện và môi trường công tác thực tiễn của CSGT, chắc chắn học viên chuyên ngành CSGT sẽ hứng thú hơn khi học tập các môn học chuyên ngành, tránh việc bỡ ngỡ khi ra làm thực tế. Đồng thời, cán bộ giảng viên chuyên ngành cũng có điều kiện để triển khai và áp dụng các phương pháp giảng dạy mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
- Bộ Công an cần ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động luôn chuyển, điều động sử dụng cán bộ không đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp các trường Công an nhân dân nhất là chuyên ngành CSGT được coi là một trong những lĩnh vực công tác nhạy cảm. Việc điều động, phân công cán bộ không đúng chuyên ngành sau khi ra trường còn diễn ra ở nhiều địa phương. Điều này không những gây khó khăn cho học viên sau khi tốt nghiệp ra trường khi tiếp xúc với công việc, đơn vị sử dụng cán bộ lại mất công đào tạo lại từ đầu và hiệu quả công việc sẽ không cao; từ đó, gây lãng phí hoạt động đào tạo tại các trường Công an.
- Đề nghị Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Cục C67 Bộ Công an xác định Học viện CSND và các Trường CSND là một đầu mối như Công an cấp tỉnh trong trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong các Dự án nhằm tăng cường năng lực đào tạo cho Khoa chuyên ngành CSGT ở các trường CAND phục vụ yêu cầu của hoạt động đào tạo cán bộ CSGT. Trước mắt, cần đầu tư phương tiện đào tạo cho lực lượng Cảnh sát đường thủy – đây là một chuyên ngành mới được thành lập của Học viện CSND theo mô hình tổ chức mới của Học viện được lãnh đạo phê duyệt.
2. Đối với Cục Cảnh sát giao thông (C67):
- Phối hợp chặt chẽ với Học viện CSND trong công tác đào tạo chuyên ngành CSGT, chủ động có phản hồi về chất lượng đào tạo, chất lượng cán bộ sau khi ra trường để Học viện CSND có cơ sở điều chỉnh nội dung, phương pháp đào tạo cho phù hợp với thực tiễn hoạt động đảm bảo TTATGT.
- Tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ sử dụng trong công tác CSGT đối với Khoa CSGT đường bộ - đường sắt và nhất là Khoa Cảnh sát đường thủy mới được thành lập còn thiếu thốn về hệ thống phương tiện (tàu, xuồng) và trang thiết bị nghiệp vụ bằng nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT. Coi đây là hoạt động tái đầu tư cho cơ sở đào tạo cán bộ đối với lực lượng CSGT để sát với tình hình thực tiễn hoạt động của lực lượng CSGT.
- Coi Khoa CSGT đường bộ - đường sắt, Khoa Cảnh sát đường thủy của Học viện CSND là một đầu mối như Phòng CSGT các tỉnh để chuyển các văn bản pháp luật, các văn bản chỉ đạo hoạt động, các báo cáo tổng kết công tác của lực lượng CSGT… phục vụ hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ giảng viên Khoa chuyên ngành. Bên cạnh đó, khi tổ chức Tập huấn cho lực lượng CSGT toàn quốc, tổ chức các buổi Hội thảo… luôn mời cán bộ giảng viên của Khoa CSGT đường bộ - đường sắt, Khoa Cảnh sát đường thủy của Học viện CSND tham gia.
- Tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên hai Khoa chuyên ngành CSGT của Học viện CSND được đi thực tế tại các Phòng nghiệp vụ của Cục CSGT với thời gian 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian thực tế, coi như cán bộ của Cục và tham gia các hoạt động nghiệp vụ như cán bộ biên chế tại Cục.
- Với vị trí là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Công an, Học viện đề nghị Cục CSGT cho phép và tạo điều kiện thuận lợi khi cán bộ, giảng viên của Học viện và học viên chuyên ngành CSGT thu thập số liệu, tài liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời thường xuyên phối hợp với Học viện CSND tổ chức các buổi Hội thảo khoa học về các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CSGT trong thời gian tới nhằm tổng kết lý luận và thực tiễn hoạt động đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT. Qua đó, để có những giải pháp hợp ký trong công tác đào tạo cũng như sử dụng cán bộ trong thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất. Học viện CSND ngoài việc xây dựng chương trình đào tạo chính khóa với trình độ cử nhân, cao học sẽ chủ động xây dựng các chương trình đào tạo theo chuyên đề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung để cập nhật những kiến thức mới cho lực lượng CSGT để đáp ứng yêu cầu thực tế công tác chiến đấu như công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát đường thủy bao gồm điều tra cơ bản, sưu tra, xây dựng mạng lưới bí mật, đấu tranh chuyên án phục vụ cho công tác đảm bảo TTATGT đường thủy.
3. Đối với Học viện Canh sát nhân dân:
Tập trung đội ngũ cán bộ có trình độ cao vào 3 đơn vị: Trung tâm nghiên cứu An toàn giao thông thuộc Viện khoa học Cảnh sát; Khoa CSGT đường bộ - đường sắt; Khoa Cảnh sát đường thủy. Tiến hành đồng thời 4 hướng đào tạo: đào tạo đại học hai chuyên ngành CSGT đường bộ - đường sắt và Cảnh sát đường thủy; đào tạo, bồi dưỡng chức danh và lãnh đạo, chỉ huy CSGT; đào tạo giáo viên CSGT của các trường CSND.
Tiến tới thành lập Viện nghiên cứu an toàn giao thông độc lập vào năm 2018 khi Học viện CSND trở thành Trường trọng điểm quốc gia.
Với bề dày truyền thống 70 năm qua, lực lượng CSGT Việt Nam đã và đang phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trên lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Trong thời gian tới trong điều kiện đất nước đang tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển đất nước. Tình hình TTATGT ở Việt Nam sẽ có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng chức năng quản lý TTATGT nói chung và lực lượng CSGT nói riêng phải có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Do đó, trong hoạt động đào tạo CSGT cũng như sử dụng cán bộ CSGT cũng phải có những sự thay đổi phù hợp để hướng tới xây dựng lực lượng CSGT chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân
Nguồn: Tạp chí Cảnh sát nhân dân - Chuyên đề An toàn giao thông - Số 1/2016