Đại học 4.0
Thứ Sáu, 15/2/2019 9:52'(GMT+7)

Giải pháp cơ bản xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nhà trường Quân đội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” còn được gọi là “Cách mạng Công nghiệp 4.0” mặc dù mới ra đời, song đã có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cuộc cách mạng này đã dần làm thay đổi căn bản cách thức quản lý, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học. Theo đó, phương pháp quản l‎ý giáo dục và đào tạo truyền thống sẽ dần được chuyển sang “quản lý thông minh”; các hình thức dạy học trực tuyến, trên mạng in-tơ-net, có sử dụng công nghệ cao,… sẽ dần thay thế cho các hình thức, phương pháp dạy học hiện nay. Điều này đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các lực lượng đang tiến hành công tác giáo dục và đào tạo ở các nhà trường Quân đội, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao1. Đây không chỉ là lực lượng có vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng các hoạt động quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn luôn đi đầu trong đấu tranh chống quan điểm thù địch, sai trái hiện nay.

Thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường luôn coi trọng xây dựng và phát huy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, v.v. Song, trên thực tế, việc xây dựng đội ngũ này vẫn còn những hạn chế, bất cập cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Đáng chú ý là, số lượng cán bộ, giảng viên đi đào tạo tiến sĩ và đăng ký xét duyệt phó giáo sư, giáo sư có xu hướng giảm; một số cán bộ, giảng viên sau khi đào tạo về các nhà trường chưa theo kịp với yêu cầu của thực tiễn; sự mất cân đối về cơ cấu nguồn lực có xu hướng ngày càng rõ. Do vậy, xây dựng, phát huy vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra bước đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của các nhà trường Quân đội trong hệ thống giáo dục quốc gia và quốc tế. Điều đó đòi hỏi phải tiến hành tốt một số giải pháp cơ bản sau:

1. Tạo sự chuyển biến về nhận thức của các lực lượng về xây dựng và phát huy vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nhà trường Quân đội trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng then chốt, đi đầu trong nắm bắt và sử dụng thành tựu của cách mạng Công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin vào nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trong nhận thức của một số lực lượng về vấn đề này chưa thực sự đầy đủ, như: đánh giá chưa đúng mức vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc còn có biểu hiện tuyệt đối hóa bằng cấp, chưa chú ý đúng mức đến các yếu tố chức danh đào tạo, năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, vốn sống, kinh nghiệm công tác, v.v. Một số ít cán bộ, giảng viên sau đào tạo, bồi dưỡng, trở về trường chưa coi trọng đúng mức việc tự học tập, tích lũy về mọi mặt, nhất là trình độ ngoại ngữ, tin học; cá biệt, có cán bộ, giảng viên do không được bố trí đúng nguyện vọng đã nảy sinh tư tưởng thiếu tích cực, thậm chí muốn chuyển đơn vị khác, v.v. Vì thế, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường Quân đội cần phải nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của nguồn lực này trong công tác giáo dục và đào tạo cùng sự tác động của cách mạng Công nghiệp 4.0; từ đó, chủ động xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cho phù hợp. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tôn vinh những đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác giáo dục và đào tạo, nhất là các chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý giỏi. Đặc biệt, phải khắc phục nhận thức chỉ coi cán bộ sau khi hoàn thành xong chương trình sau đại học là đã có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó đặt ra ngay những yêu cầu cao đối với họ trong các hoạt động, hoặc chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo về trình độ học vấn với đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, thực tế lãnh đạo, chỉ huy,… làm cho việc bố trí, sử dụng và phát huy nguồn lực này trong thực tiễn còn hạn chế. Mỗi cán bộ, giảng viên cần phải thấy rằng, việc đi học và đạt được học vị cao (tiến sĩ) mới chỉ là điều kiện cần để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề quan trọng là phải vừa vận dụng tốt kiến thức được học vào các hoạt động thực tiễn để từng bước khẳng định mình, vừa phải tiếp tục tự bồi dưỡng, tích lũy điều kiện cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chứ không chỉ dựa vào bằng cấp.

2. Gắn kết chặt chẽ giữa quá trình đào tạo với bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đảng ta khẳng định: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong các nhà trường”2. Điều đó đã và đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự báo, số lượng cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao những năm tới có xu hướng giảm, nên các trường càng phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần phải quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng “thực học”, “thực tài”. Muốn vậy, phải luôn coi trọng quản lý tốt chất lượng “sản phẩm đầu ra” thông qua các hình thức đánh giá năng lực thực hành của học viên trong quá trình đào tạo, phúc tra kết quả đào tạo, kết quả tốt nghiệp,… thay cho cách quản lý “sản phẩm đầu vào” như hiện nay. Bên cạnh đó, cần coi trọng trang bị cho học viên, nghiên cứu sinh các kỹ năng cần thiết, như: kỹ năng giao tiếp, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sự sáng tạo, thích nghi, nắm bắt được xu thế phát triển của xã hội,… nhằm đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng, đáp ứng yêu cầu đang đặt ra. Khi lựa chọn nguồn đi đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải bám sát nhu cầu thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị và từng lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học quân sự. Việc lựa chọn nguồn đi đào tạo, bồi dưỡng không chỉ đặt lên hàng đầu tiêu chí về nhận thức mà còn phải rất coi trọng đến các vấn đề ngoại ngữ, tin học, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị. Cần phải dân chủ, công khai các tiêu chí, hướng đi học và sử dụng cán bộ để làm tăng tính tích cực, chủ động cho cả người học và đơn vị sử dụng nguồn. Có như vậy, nguồn nhân lực này sau khi được đào tạo về mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và khắc phục được tình trạng cán bộ, giảng viên mặc dù có trình độ học vấn cao nhưng vẫn khó bố trí, sử dụng do hạn chế về năng lực lãnh đạo, chỉ huy, v.v. Trong sử dụng, không quá phụ thuộc vào vấn đề bằng cấp mà coi trọng nhiều hơn đến hiệu quả trong công việc. Để đạt được, cần thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ này trong các hoạt động thực tiễn, sau đó mới bố trí, sử dụng theo đúng năng lực, trình độ nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của họ theo chuyên ngành đào tạo; đồng thời, khắc phục được tình trạng lãng phí hoặc chảy máu “chất xám” ở một số nơi hiện nay.

3. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nguồn nhân lực chất lượng cao vươn lên làm chủ thành tựu của cách mạng Công nghiệp 4.0. Môi trường, điều kiện làm việc luôn là “cái nôi” nuôi dưỡng và phát huy tài năng, trí tuệ của con người. Thực tiễn cho thấy, môi trường hoạt động quân sự với những áp lực căng thẳng trong thực hiện các nhiệm vụ đã phần nào tác động, ảnh hưởng đến sự nhiệt tình, sức sáng tạo của không ít cán bộ, giảng viên, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao. Để nguồn nhân lực này có điều kiện vươn lên tiếp thu, làm chủ thành tựu của cách mạng Công nghiệp 4.0, vấn đề quan trọng không chỉ coi trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại mà cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề con người. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường phải quan tâm xây dựng lòng say mê, sự nhiệt tình, trách nhiệm cao của các lực lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đối với công tác giáo dục và đào tạo; bằng nhiều biện pháp tăng cường đưa họ vào các hoạt động thực tiễn ở các môi trường khác nhau để bồi dưỡng, rèn luyện và tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát huy vai trò, khả năng của mình. Luôn quan tâm xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong các hoạt động; coi trọng việc tham khảo ý kiến các chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý giỏi nhằm tôn trọng, khuyến khích và phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của họ trong các hoạt động, nhất là trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, cần quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại theo hướng tăng cường cho cơ sở, ưu tiên việc trang bị cho các khoa giáo viên có các phòng học chuyên dụng, hệ thống thiết bị ảo, mô phỏng, các phần mềm giảng dạy,… để nguồn nhân lực chất lượng cao có điều kiện học tập, vươn lên tiếp thu và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 vào thiết kế nội dung bài giảng và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích họ tự nghiên cứu, sáng tạo ra các phần mềm, thiết kế giáo án điện tử, bài giảng điện tử, tập hợp các kho tư liệu,… để chia sẻ, trao đổi thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở phạm vi từng trường và liên kết giữa các nhà trường.

4. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và đãi ngộ xứng đáng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các nhà trường Quân đội có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu của cách mạng Công nghiệp 4.0, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quân đội cần có những chính sách ưu tiên đặc biệt đối với nguồn lực này. Trong điều kiện hiện nay, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chế độ, chính sách về quân hàm, lương, phụ cấp, nhà ở,… cần động viên họ vượt qua khó khăn, tích cực cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của Quân đội và đất nước. Đối với cấp ủy đảng ở các nhà trường, một mặt phải luôn đặt ra yêu cầu cao đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong các hoạt động để có sự phân biệt rõ với các nguồn nhân lực khác; mặt khác, cần phải có chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục tình trạng “cào bằng” trong đãi ngộ để khuyến khích họ phát huy vai trò, trách nhiệm trong các nhiệm vụ. Cùng với đó, phải kiên quyết loại những cán bộ, giảng viên trong nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Có như vậy, các nhà trường Quân đội mới thực sự là nơi thu hút, sử dụng và phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trước sự tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.

 

Đại tá, TS. VŨ ĐÌNH ĐẮC, Trường Sĩ quan Chính trị

Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân
______________

1 - Đây là lực lượng nòng cốt, tiêu biểu ở các nhà trường Quân đội, bao gồm: những cán bộ, giảng viên có chức danh khoa học phó giáo sư, giáo sư, học vị tiến sĩ, những người có nhiều kinh nghiệm và đóng góp trong công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục và đào tạo.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 116.


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

Đảm bảo an toàn cho học sinh nhìn từ các vụ đi xe vào sân trường

(ANTV) - Mỗi một năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh học sinh lại có vô vàn nỗi lo. Lo các khoản thu chi, học phí, lo con em mình có được môi trường học tập tốt hay không, có an toàn hay không? Và câu chuyện an toàn cho học sinh lại đang nóng lên trong những ngày qua. Khi dư luận vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tông tử vong học sinh trong sân trường ở Đắk Lắk, thì cách đây hơn hai ngày, lại có thêm một phụ huynh khác lái ôtô vào sân trường THCS-THPT Chu Văn An, ở TP Móng Cái, Quảng Ninh rồi tông trúng một học sinh đi xe đạp điện.

Thư viện Ảnh

Mới nhất