Dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giảng viên ngoại ngữ tại các trường Công an nhân dân không chỉ dừng lại ở việc trang bị tri thức, kỹ năng ngoại ngữ cho học viên cần thiết sử dụng trong thời kỳ hội nhập. Giảng viên ngoại ngữ còn phải cần tự trang bị cho mình kiến thức về khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ ngoại ngữ, nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ phục vụ cho quá trình giảng dạy.
Giáo viên ngoại ngữ với những khó khăn, thách thức mới
Đầu tiên là thách thức về năng lực chuyên môn, không thể chỉ có những kiến thức nhất định, giảng hàng năm mà nay với những kiến thức mới, giảng viên cần phải có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài đầy đủ kết hợp với việc cập nhật kiến thức khoa học của cuộc cách mạng 4.0 vào công tác giảng dạy nhất là giảng dạy ngoại ngữ. Giảng viên phải nâng cao khả năng về ngoại ngữ, bên cạnh đó, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cũng ngày phải được nâng cao, giảng viên biết áp dụng nhiều phương pháp mới trong quá trình dạy học để nâng cao vai trò của người giáo viên giảng dạy trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên tri thức trên mạng Internet và các thiết bị dạy học tương tác, người giảng viên phải kết nối và chia sẻ thông tin. Bên cạnh những tiềm năng vô tận thì mạng Internet cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về bảo mật thông tin. Dữ liệu máy tính có thể bị xâm nhập, đánh cắp thông tin, do dó phải nâng cao ý thức bảo mật thông tin, bảo vệ các dữ liệu quan trọng, tài liệu liên quan.
Đặc trưng của ngoại ngữ là có yếu tố nước ngoài, vì thế các tài liệu, học liệu mà giảng viên khi khai thác các thông tin có liên quan tới các vấn đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo, dân tộc... cần phải có sự đảm bảo phù hợp, có sự kiểm định chính xác, đảm bảo với môi trường đào tạo của các trường đại học tránh những luận điệu xuyên tạc, nói xấu của kẻ thù chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động dạy học
Muốn phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động dạy - học ngoại ngữ, giảng viên cần phải phát huy tối đa khả năng của sinh viên, nắm bắt được năng lực, tâm lý của học viên để tổ chức những hoạt động phù hợp nhất. Nguồn tri thức và phương tiện hiện đại không thể phát huy hiệu quả nếu không có sự tổ chức của người giảng viên. Vai trò của người giảng viên thể hiện ở việc định hướng thông tin, tài liệu chính xác và phù hợp với học viên. Mỗi giai đoạn của quá trình học tập đều có những đặc điểm riêng, và mỗi học viên tham gia học tập có khả năng và hứng thú khác nhau, thông tin chính xác, phù hợp không những tăng hiệu quả dạy học mà còn kích thích hứng thú học tập nghiên cứu trong học viên.
Các hoạt động nghiên cứu lý thuyết, thực hành, kiểm tra đánh giá sẽ đạt hiệu quả ngày càng cao, với sự tổ chức sắp xếp hợp lý của giảng viên. Khi làm chủ công nghệ, giảng viên sẽ áp dụng và hướng dẫn sinh viên tự nghiên cứu, chủ động trong việc học tập. Trong cuộc cách mạng 4.0 này, người giảng viên nhất là giảng viên giảng dạy môn học ngoại ngữ càng phải phát huy tính sáng tạo để hoạt động tổ chức dạy - học ngày càng thêm sinh động, thú vị và hiệu quả.
Trong giai đoạn hiện nay, tri thức dù có sẵn, công nghệ dù hiện đại nhưng nếu không có khát khao chinh phục những đỉnh cao trí tuệ, không có ước mơ thì sẽ không thể vận dụng được những thành quả của cuộc cách mạng công nghệ. Điều khiến máy móc không thể thay thế được con người đó là nhiệt huyết, đam mê, những nhiệt thành xuất phát từ trái tim của người thầy sẽ truyền cảm hứng và khơi dậy tính chủ động của học viên.
Để sử dụng được ngoại ngữ trong cuộc sống và công tác thì mỗi sinh viên cần phải có sự đầu tư về thời gian và công sức. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang mở rộng không ngừng và chính giảng viên giảng dạy sẽ là người “truyền lửa” cho những đam mê học tập, nghiên cứu của sinh viên.
Giảng viên giảng dạy ngoại ngữ trong các trường đại học hiện nay có một lợi thế rất lớn đó là được đầu tư về cơ sở vật chất tương đối đồng bộ và hiện đại đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu của học viên. Hầu hết trong các trường đại học đều có phòng học chuyên dùng tin học, có hệ thống máy tính kết nối, giúp học viên truy cứu tìm kiếm thông tin trên Internet một cách dễ dàng, các phòng học đều được trang bị máy chiếu và sử dụng bảng tương tác trong công tác giảng dạy. Do vậy, yêu cầu đặt ra với giảng viên cũng được đặt ra nhiều hơn, giảng viên phải làm chủ công nghệ, làm chủ phương tiện dạy học tiên tiến đồng bộ, đồng thời có những sáng kiến, phương pháp mới để nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ đối với học viên trong cuộc cách mạng 4.0.
Vai trò của người giảng viên giảng dạy ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở trong phạm vi giờ giảng trên lớp mà còn thể hiện trong sự định hướng hoạt động tự học, nghiên cứu của học viên. Giảng viên giảng dạy ngoại ngữ phải chú ý hơn nữa về những kiến thức ngôn ngữ cần gắn với thực tiễn ngành, những thuật ngữ chuyên ngành để học viên có thêm những hành trang hữu ích và định hướng cho nghề nghiệp sau này của mình.
Sáu giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy
Thứ nhất, mỗi giảng viên cần có sự chuẩn bị chu đáo trong xây dựng giáo án, kế hoạch giảng dạy, tích cực sưu tầm, sử dụng kiến thức khai thác trên Internet phù hợp với nội dung bài giảng tạo hứng thú cho học viên học tập.
Thứ hai, giảng viên phải tích cực, chủ động học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhất là nâng cao trình độ về ngoại ngữ.
Thứ ba, giảng viên chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu mới về chuẩn năng lực ngoại ngữ. Tăng cường việc tự bồi dưỡng của giảng viên để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Thứ tư, đối với lãnh đạo nhà trường nên quan tâm tổ chức các hình thức hoạt động ngoại khóa như: câu lạc bộ ngoại ngữ, đố vui, kể chuyện bằng tiếng Anh, làm báo tường bằng tiếng Anh... Qua đó vừa tạo điều kiện cho học viên có cơ hội giao tiếp ngoại ngữ vừa gây hứng thú học ngoại ngữ cho các em học viên.
Thứ năm, các trường công an nhân dân cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy học môn ngoại ngữ theo hướng hiện đại. Đầu tư xây dựng phòng học bộ môn ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.
Thứ sáu, Bộ GD-ĐT cần xem xét các giải pháp đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đổi mới phương thức bồi dưỡng giáo viên bằng công nghệ, tăng cường xã hội hóa, tạo động lực cho giảng viên tự học để nâng cao kiến thức.
Tất cả các giải pháp đặt ra đều hướng đến mục đích cuối cùng là tạo môi trường tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả. Nếu thế hệ trẻ có được kỹ năng tiếng Anh cùng kiến thức công nghệ thông tin vững chắc thì chắc chắn sẽ thực hiện hóa được rất nhiều khát vọng. Chúng ta sẽ làm được nếu thực hiện tốt ngay từ bây giờ. Để trong 20 năm tới, khi tiếng Anh tốt, công nghệ thông tin mạnh thì chắc chắn nền giáo dục sẽ thay đổi. Đó cũng là mong muốn của ngành giáo dục và đào tạo.
Báo Điện tử An ninh Thủ đô