Hội nghị thường niên lần này có sự tham gia của 19 đoàn đại biểu đại diện cho cơ sở đào tạo cảnh sát của các quốc gia: Nhật Bản, Mỹ, Đức, Phần Lan, Hà Lan, Pháp, Canada, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Buryatia, Đan Mạch, Ba Lan, Ý, Malaysia, Nga, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện của tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE. Ngài Kh.Temuujin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mông Cổ đã chủ trì phiên khai mạc và có bài phát biểu chào mừng .
Hội nghị được tổ chức với chủ đề “Đổi mới công tác thực thi pháp luật” trong đó tập trung thảo luận về công tác đổi mới, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật của các nước, xây dựng và nâng cao hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo cảnh sát trên thế giới từ đó đưa ra những chiến lược và giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thực thi pháp luật phù hợp với tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh hiện nay và tương lai.
Các nội dung thảo luận chính của Hội nghị bao gồm:
- Cải cách công tác thực thi pháp luật
- Đổi mới trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào công tác thực thi pháp luật
- Vai trò quan trọng của hoạt động Hợp tác quốc tế trong công tác thực thi pháp luật
Đoàn đại biểu Học viện CSND Việt Nam tham dự Hội nghị
Ngoài ra, một số diễn giả được mời tham dự cũng đã có bài tham luận chia sẻ những nghiên cứu, phân tích và xu thế liên kết, hợp tác giữa lực lượng cảnh sát các nước nói chung và giữa các cơ sở đào tạo cảnh sát nói riêng, qua đó cho thấy những thay đổi trong khái niệm hiện nay về thực thi pháp luật; Xu hướng tổ chức các cơ quan thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo vệ pháp luật đối với người dân và kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý điện tử các tổ chức thực thi pháp luật.
Bên lề Hội nghị, Đại học Hành pháp Mông Cổ đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác với 3 cơ sở đào tạo trên thế giới là: Trường Đại học Cảnh sát Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Trường Đại học Kyonggi của Hàn Quốc và Học viện Hỗ trợ Tư pháp và Hình sự Liên bang Nga.
Cũng nhân dịp này, Đại học Hành pháp Mông Cổ đã trao bằng tiến sỹ danh dự cho Ngài Kim Kiun, Chủ tịch Trường Đại học Kyonggi, Hàn Quốc.
Tiếp theo Hội nghị thường niên, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Trường Đại học Hành pháp Mông Cổ. Lễ kỷ niệm được tổ chức long trọng với chương trình duyệt binh tại Quảng trường Thành Cát Tư Hãn,Thủ đô U-lan-ba-to và Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Tại Lễ kỷ niệm, Ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mông Cổ Te-mu-jin Kh đã trao tặng huân chương và những phần thưởng cao quý cho Thiếu tướng R.Chingis, Hiệu trưởng Đại học Hành pháp Mông Cổ. Các đoàn đại biểu và tổ chức quốc tế cũng trao các tặng phẩm lưu niệm chúc mừng Trường.
Sau Lễ kỷ niệm, Ngài Thiếu tướng R.Chingis, Hiệu trưởng trường Đại học Hành pháp Mông Cổ đã có buổi tiếp xã giao Đoàn đại biểu Việt Nam. Tại buổi tiếp, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đồng chí Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm nhiệt liệt chúc mừng Ngài Hiệu trưởng Đại học Hành pháp Mông Cổ về những thành tựu mà Nhà trường đã đạt được qua 80 năm xây dựng và trưởng thành. Hai bên cũng trao đổi về những điểm chung trong công tác và mục tiêu đào tạo cảnh sát của hai nước và qua đó Lãnh đạo hai bên nhất trí với quan điểm tănzg cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo cảnh sát và nghiên cứu khoa học giữa hai Nhà trường và báo cáo hai Lãnh đạo Bộ chủ quản cho phép ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác trong tới.
*Trường Đại học Hành pháp Mông Cổ được thành lập vào năm 1934. Ban đầu, trường là một Trung tâm huấn luyện trực thuộc Bộ Bảo vệ nội địa, tiếp đó mang tên “Học viện Cảnh sát” và sau đổi tên là “Trường Đại học Nội vụ”. Tháng 10 năm 2012, theo Nghị quyết của Quốc hội Mông Cổ, trường được đổi tên như hiện nay là “Đại học Hành pháp Mông Cổ”. Đại học Hành pháp Mông Cổ trước đây trực thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia, sau đó mở rộng phạm vi hoạt động là một cơ quan độc lập thuộc Bộ Tư pháp Mông Cổ, với chức năng đào tạo các nhân viên thực thi pháp luật như Cảnh sát, biên phòng, an ninh, hỗ trợ tư pháp, kỹ thuật hình sự và ứng phó tình huống khẩn cấp.
Đại học Hành pháp Mông Cổ có đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm. 99.8 % cán bộ, giảng viên có bằng Thạc sỹ, 23% có bằng Tiến sỹ. Trong chương trình đào tạo của mình, Đại học Hành pháp Mông Cổ đào tạo các hệ cử nhân,Thạc sỹ và Tiến sỹ với các chuyên ngành: Điều tra tội phạm, kỹ thuật hình sự, phòng chống thảm họa thiên tai, hỗ trợ tư pháp, biên phòng và ứng phó tình huống khẩn cấp…Hiện nay, nhà trường đang tiến hành xây dựng thêm các cơ sở vật chất, các phòng học mới với sức chứa hơn 3000 sinh viên, thư viện 500 chỗ ngồi, phòng hội thảo khoa học có sức chứa 680 khách, các phòng thí nghiệm, khu tập thể lực có thể tiếp nhận từ 90 tới 120 người tập luyện…
*Tại Mông Cổ, cộng đồng người Việt có khoảng 700 người, đa số đều tập trung sinh sống và làm việc tại thủ đô U-lan-ba-to. Người Việt Nam tại Mông Cổ mỗi năm gửi về đóng góp cho quê nhà khoảng từ 2 - 3 triệu USD kiều hối. Đa số những người Việt sang đây chủ yếu từ hai đối tượng: sinh viên sang Mông Cổ du học, sau đó ở lại làm và lập gia đình hoặc công nhân cơ khí sang đây làm việc. Thu nhập bình quân của họ khoảng 1.000 đến 1.500 USD/tháng. Do cơ chế quản lý người nước ngoài tại Mông Cổ khá chặt chẽ, phí tạm trú cao, hộ chiếu chỉ có giá trị sử dụng trên 1 năm và nhiều điều kiện ngặt nghèo trong kinh doanh (có 100 nghìn USD mới có quyền mở công ty). Bên cạnh đó, Mông Cổ đất rộng, người thưa nên tiềm lực kinh doanh của người Việt còn khiêm tốn, chủ yếu theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát, không có sự liên kết với nhau. Nhưng từ khi Hội người Việt Nam tại Mông Cổ được thành lập, có Giấy phép hoạt động và con dấu của Hội do Nhà nước Mông Cổ cấp. cộng đồng đã có tiếng nói chung trong làm ăn nhằm phát huy khả năng, hiểu biết, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau làm ăn có lợi và hướng về xây dựng Tổ quốc. |
Xuân Bình