TÓM TẮT
Sau mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, xã hội biến chuyển sâu sắc. Từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp, đến xã hội tri thức và sang xã hội sáng tạo, những điều kiện học tập liên tục suốt đời ngày càng rộng mở. Trên nền tảng tài nguyên giáo dục mở, việc tự học của người lớn nếu được rèn luyện bền bỉ sẽ trở thành nguồn năng lượng cơ bản để người học có thể tự học suốt đời và có khả năng thích ứng cao trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Từ khóa: giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở, giáo dục cho người lớn, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), giáo dục 4.0 (GD 4.0).
ABSTRACT
After every industrial revolution, the society has changed profoundly. From agricultural to industrial society, to knowledge society and to creative society, conditions for continuous lifelong learning are increasingly open. On the basis of open educational resources, the self-study ability of adults if trained persistently becomes a basic source of energy so that learners can self-learn for life and be highly adaptable to all circumstances life.
Keywords: open education, open educational resources, adult education, industrial revolution 4.0, education 4.0.
I. MỞ DẦU
Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab khẳng định rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai. Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ tăng theo hàm lũy thừa, lan tỏa rộng khắp bằng sự kết hợp nhiều công nghệ dẫn đến những thay đổi chưa có tiền lệ và tác động đến các quốc gia và toàn xã hội [1]. Loài người đang đứng trước thềm một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi căn bản cách suy nghĩ, sống, làm việc của mỗi người.
Khả năng hàng tỷ người được kết nối thông qua các thiết bị di động với những tính năng chưa từng có trong tốc độ xử lý, dung lượng lưu trữ. Những đột phá công nghệ mới nổi, như trí thông minh nhân tạo, rô bốt, mạng lưới vạn vật kết nối internet, các phương tiện không người lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và máy tính lượng tử,.. đã và sẽ tạo nên những biến đổi sâu sắc trong hệ thống giáo dục, y tế, giao thông vận tải và tất cả các ngành công nghiệp.
Những biến đổi này đang định hình lại các bối cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa. Nó mang tính lịch sử cả về quy mô, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của nó, thay đổi cách giao tiếp thông tin, cũng như cách con người suy nghĩ và thể hiện mình. Bối cảnh này tạo nên một nguồn tài nguyên giáo dục mở rộng lớn, tạo điều kiện để mọi người có quyền học tập liên tục suốt đời và việc tiếp cận với các tri thức là không giới hạn.
CMCN 4.0 dẫn đến GD 4.0. Việc học tập của người lớn có nhiều thách thức và cơ hội. Niềm vui tri thức trong quá trình đi tìm tri thức mang con người đến cái đẹp của niềm vui học tập suốt đời. Công nghệ đã mang đến những điều kiện rất thuận lợi cho việc học tập. Trong bài báo, chúng tôi muốn cùng nhau chia sẻ về “GD 4.0 – tài nguyên giáo dục mở và nhu cầu học tập của người lớn”.
Bài viết gồm bốn phần. Phần thứ nhất bàn đến vai trò của CMCN 4.0 và cơ hội học tập của người lớn. Phần thứ hai giới thiệu về Cuộc CMCN 4.0 và GD 4.0. Phần thứ ba đưa ra những góc nhìn về giáo dục mở, nhu cầu học tập của người lớn, vài số liệu về nguồn tài nguyên giáo dục mở tài trường đại học Đà Lạt. Phần thứ tư trình bày về việc học tập bền bỉ của người lớn. Một vài suy nghĩ và nhận định trong việc khai thác tiềm năng học tập của người lớn được đưa ra trong Phần kết luận.
II. CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ GIÁO DỤC 4.0
Mỗi một cuộc CMCN là một lần thay đổi căn bản. Cuộc CMCN 1.0 gắn với sự ra đời của động cơ hơi nước và cơ giới hóa giải phóng sức người. Cuộc CMCN 2.0 với sự xuất hiện của điện và sản xuất hàng loạt. Cuộc CMCN 3.0 gắn với công nghệ thông tin và tự động hóa sản xuất. Cuộc CMCN 4.0 là sự lên ngôi của trí thông minh nhân tạo, rô bốt, mạng lưới vạn vật kết nối internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học.
Trong báo cáo “Leapfrogging to Education 4.0” [3], Ernts & Young đã “gắn chấm” đối với giáo dục đại học ở phương Tây. Theo đó, GD 1.0 được đánh dấu cùng với CMCN 1.0, dẫn đến lượng người đi học tăng lên, nhà nước chính thức tham gia vào công cuộc giáo dục quốc dân. GD 2.0 đánh dấu số lượng lớn trường đại học ra đời, chủ yếu giảng dạy và nghiên cứu, gắn với việc phát triển vượt bậc của công nghệ in ấn và xuất bản; Trong GD 3.0, lớp học đã đa dạng hóa công nghệ, giáo dục trở nên phổ cập. Nhiều lớp học không còn bảng phấn, thay vào đó là máy tính cá nhân, phương tiện giảng dạy tương tác. Người học đã chủ động nhiều hơn, tương tác nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn. Tuy nhiên, lớp học vẫn theo dạng một thầy nhiều trò và chung một chương trình; GD 4.0 hướng đến cá nhân hóa việc học triệt để hơn. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp thông tin học tập được tổng hợp, phân tích và đưa ra các gợi ý hữu ích cho người học và người dạy. Nhà giáo chuyển từ người thuyết giảng sang nhiệm vụ hỗ trợ và huấn luyện, giúp người học phát triển năng lực hữu ích. Trong tương lai, nền GD 4.0 sẽ hướng tới mỗi người một chương trình, giáo dục cho một người (Education of One).
Ở Việt Nam quá nửa dân số đã có Internet, điều kiện để tiếp cận GD 4.0 nhanh hơn. Tác động của CMCN 4.0 và GD 4.0 nhanh và trực tiếp. Các hệ thống học tập số hóa giúp đánh giá, phản hồi về hiệu quả học tập với các gợi ý hữu ích cho các nội dung học tập. Các công nghệ thực tế ảo sẽ giúp người học được trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng. Người lớn lớn lên từng ngày. Tài nguyên giáo dục mở phong phú và đa dạng giàu lên hàng giờ. Việc lựa chọn thái độ tiếp cận với GD 4.0 của người học sẽ tạo ra sự khác biệt.
III. GIÁO DỤC MỞ VÀ NHU CẦU HỌC TẬP CỦA NGƯỜI LỚN
Wikipedia đã định nghĩa: “Giáo dục mở là một khái niệm tổng hợp mô tả các thực hành và các sáng kiến với các chương trình của các cơ sở giáo dục mà mở rộng sự truy cập tới việc học tập và huấn luyện theo truyền thống qua các hệ thống giáo dục chính quy” [8]. Tính “mở” của giáo dục loại bỏ các rào cản và tạo ra các cơ hội để ai cũng tham gia vào việc học tập. Một khía cạnh của tính mở trong giáo dục là sự phát triển và áp dụng các tài nguyên giáo dục mở.
Theo UNESCO, tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER) là “các tư liệu học, dạy và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào, dù là số hay không, nằm trong miền công cộng hoặc từng được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác truy cập, sử dụng, tùy biến thích nghi và phân phối lại không mất chi phí, dù có hay không những hạn chế có giới hạn” [8]. OER có thể là giáo trình, khung chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng, bài luận, các bài kiểm tra, các kết quả dự án, video và hình ảnh động. Tính “mở” của tài nguyên giáo dục mở có thể hiểu là: Tự do sử dụng và truy cập nguồn tài liệu chất lượng; Tự do đóng góp các tư liệu học tập, dịch, sửa đổi tài liệu, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi đối tượng; Tự do chia sẻ tài liệu với những người khác ở bất cứ đâu [6, 7].
Giáo dục cho người lớn (Adult Education) là một thuật ngữ chỉ toàn bộ những quá trình giáo dục có tổ chức, bất kể nội dung, trình độ và phương pháp, chính quy hay không chính quy, ngắn hạn hay dài hạn, thay thế giáo dục ban đầu ở trường phổ thông và đại học mà nhờ đó, những ai được coi là người lớn, sẽ phát triển được khả năng, làm giàu thêm tri thức, nâng cao chất lượng chuyên môn hay tay nghề [5]. Từ đó, sự phát triển kỹ năng hay sáng tạo của cá nhân đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng.
Học viên người lớn tiến hành việc học tập có hệ thống sau khi đã học qua hệ giáo dục liên tục ban đầu. Những người lớn thường đã trải qua giai đoạn làm việc tập trung trước khi trở lại học tập. Như vậy, việc sử dụng OER sẽ hỗ trợ người học, đặc biệt là học viên người lớn trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên nhanh hơn, cập nhật hơn. Người học có cơ hội được tham gia vào quá trình giáo dục hiệu quả hơn; được tương tác, trao đổi với người dạy nhiều hơn.
Trường đại học Đà Lạt là trường đại học đa ngành với 20 khoa, 31 ngành. Thư viện nhà trường hiện có nguồn tài nguyên học liệu mở gồm các tài liệu tiếng Anh và tiếng Việt thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, kinh tế, nghệ thuật. Thư viện hiện có 168 344 bản sách, 3 272 bản luận án, 3 331 bản CD-ROM và DVD, 3 hệ Cơ sở dữ liệu. Hiện nay, thư viện có tổng số 44 575 tài liệu điện tử bao gồm: báo; tạp chí; kết quả nghiên cứu khoa học; kỷ yếu hội nghị hội thảo; luận văn, luận án; phần mềm; sách, giáo trình; tài liệu đa phương tiện. Trong đó, có 665 giáo trình điện tử; 18 257 sách điện tử; sách trực tuyến với 617 ebook toàn văn của nhà xuất bản Tổng hợp. Thư viện có giới thiệu các nguồn tài nguyên mở, các cơ sở dữ liệu dùng thử trên trang Thư viện của trường.
Nguồn học liệu mở gồm các bài trình chiếu, các tài liệu tham khảo, bài hướng dẫn thí nghiệm, hướng dẫn làm báo cáo thực tập, các bài thí nghiệm ảo, các bản thảo viết tay của giảng viên. Trung tâm Thông tin – Thư viện trường Đại học Đà Lạt cũng đã ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động thư viện.
Tuy nhiên, việc xây dựng OER để đáp ứng nhu cầu của đối tượng người học người lớn còn nhiều khó khăn. Để có thể xây dựng OER, cần thiết lập kế hoạch cụ thể, cần có cơ chế hoạt động hướng đến cộng đồng theo triết lý giáo dục hiện hành.
IV. SỰ BỀN BỈ TRONG HỌC TẬP CỦA NGƯỜI LỚN
Trong bài viết “Tự học lập trình trong 10 năm” [2], Peter Norvig, Giám đốc trung tâm nghiên cứu của Google đã viết: “Dù cho đó là Mozart, thiên tài âm nhạc nảy nở từ năm lên 4 tuổi, cũng phải mất 13 năm để cho ra đời tác phẩm nhạc cổ điển đầu tiên. Dù cho đó là Beatles, trước khi cho ra lò những bản hit đầu tiên vào năm 1964, họ cũng đã phải cặm cụi trong những câu lạc bộ nhỏ tại Liverpool hay Hamburg từ năm 1957”. Norvig đã ghi lại cách thức học tập quan trọng nhất trong 10 năm học nghề của mình: “Phương pháp thực hành không chỉ là việc lặp đi lặp lại đơn thuần, mà còn thử thách chính mình bằng những nhiệm vụ vượt qua khả năng hiện tại của bản thân”.
Bắt nguồn từ những nghiên cứu tâm lý học, Anders Ericsson, với quy tắc 10.000 giờ là số giờ “luyện tập có chủ đích” (deliberate practices) mà một người cần phải trải qua để trở nên xuất sắc trong nghề. Howard Gardner, cha đẻ của lý thuyết trí thông minh đa dạng (Multiple Intelligences), dẫn lại con số tương đương 10 năm để một người từ chỗ là người học việc đến chỗ tinh thông lĩnh vực của mình.
Chặng đường đi đến tinh thông, bắt đầu bằng bắt chước, lặp đi lặp lại việc học từng kĩ năng thành phần, phát triển dần các kiến thức và kĩ năng mới, rồi tích hợp chúng với mức độ thuần thục tăng dần. Barbara Oakley và Terence Sejnowski [4] cho rằng, não người phải xây dựng các khối kiến thức từ từ, kết nối và gia cố chúng để xây dựng những khối mới, dần dần rồi mới có được kiến thức và kĩ năng đáng kể. Trong quá trình xây dựng kiến thức và kĩ năng, cấu trúc vật lý của não bộ cũng sẽ thay đổi. Doyle cho rằng các myelin bao bọc kết nối thần kinh sẽ dày lên khi luyện tập sâu và việc truyền dẫn tín hiệu giữa các tế bào thần kinh sẽ có tốc độ cao hơn.
Từ các chuyên gia tâm lý học đến các nhà thần kinh học đều cho rằng việc luyện tập kĩ năng
phải bền bỉ, có chủ đích và đúng cách thì mới có kết quả. Con số 10 năm dường như vượt xa thời gian một sinh viên học tập ở trường. Từ đó, có thể thấy rằng tài năng phải được nuôi dưỡng chứ không thể “từ trên trời rơi xuống”. Trong quá trình tạo dựng một xã hội học tập, con người không chỉ cần được tạo điều kiện mà chính mỗi người còn phải chủ động tạo điều kiện học tập liên tục, bền bỉ. Việc tạo ra tài nguyên GD mở sẽ giúp cho người lớn có điều kiện làm việc có chất lượng, đủ sức chinh phục những mục tiêu cao mà trong trụ cột thứ tư của giáo dục thế kỷ XXI đã đề cập: Học để tự khẳng định mình [9].
V. KẾT LUẬN
Với những thời cơ và thách thức mà cuộc CMCN 4.0 đem lại, thì nhân tố con người được nhấn mạnh hơn, đặc biệt là đối với người lớn – nguồn lực có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và phồn vinh của xã hội. Vì vậy, cần thay đổi việc “đào tạo một lần cho mỗi người” thành “đào tạo liên tục trong suốt cuộc đời”, từ “một thầy nhiều trò một chương trình” đến “mỗi người một chương trình”. Mỗi cá nhân đều coi việc học tập là suốt đời, học tập ở mọi không gian và thời gian với bản lĩnh tự học vượt lên chính mình.
Khi mà giáo dục đại học tạo ra môi trường gắn kết với giáo dục người lớn với các hình thức học tập đa dạng, sẽ tạo cơ hội và điều kiện để người lao động có được tài nguyên học liệu mở đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng công việc và phát triển cá nhân trong cộng đồng. Đó chính là một trong các yêu cầu cơ bản của việc dạy và học trong nền GD 4.0.
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution (Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư) , World Economic Forum. (https://youtu.be/SCGV1tNBoeU)
- Peter Norvig, “Teach Yourself Programming in Ten Years” (http://norvig.com/21-days.html )
- Ernts & Young, Leapfrogging to Education 4.0: Student at the core, November 2017. (https://tinyurl.com/y48aszrz )
- Barbara Oakley và Terence Sejnowski, Learning How to Learn: Powerful mental tools to help you master tough subjects, McMaster University. (https://tinyurl.com/y5w3o7rf )
- Trần Xuân Đình, Giáo dục người lớn để góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời cần được quan tâm ở Đại hội 12 của Đảng, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số 12, 2015.
- Nguyễn Danh Minh, Vai trò của tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở trong việc nâng cao chất lượng giáo dục Đại học Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Số 1 (68), 2017, tr 48-53.
- Nguyễn Hồng Sinh, Yếu tố tác động và hướng giải quyết cho khả năng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin điện tử, Tạp chí Thông tin và tư liệu, số 2, 2016, tr 3-10.
- https://letrungnghia.mangvn.org
- Ủy Ban Quốc tế về Giáo dục thế kỷ XXI thuộc tổ chức Unesco, “Học tập: Của Cải Nội Sinh”, Paris, 1996.
- Dương Trọng Tấn, Cuộc tiến công của công nghệ giáo dục, tạp chí Tia sáng, 7/9/2015.