1. Phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ ngành Công Thương: Đối mặt thách thức
Năm học 2016 - 2017, hệ thống giáo dục và đào tạo cả nước nói chung và các cơ sở đào tạo Bộ Công Thương nói riêng, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, mọi khâu, mọi mặt nhằm hiện thực hóa quyết sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được quán triệt trong nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Các cơ sở đào tạo ngành Công Thương đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, hệ thống hóa các giải pháp, vượt qua khó khăn, thách thức, tìm hướng đi đặc thù riêng cho từng đơn vị.
Với 48 cơ sở đào tạo, hoạt động trên cả hai lĩnh vực: đào tạo và bồi dưỡng thuộc nhóm giáo dục đại học, triển khai đào tạo từ trình độ trung cấp, cao đẳng (nhóm giáo dục nghề nghiệp) và trình độ đại học, sau đại học (nhóm giáo dục bậc cao), các cơ sở đào tạo ngành Công Thương tự hào là nòng cốt trong phát triển nhân lực kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ, phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước qua các thời kỳ, đồng thời ở một số ngành, nghề, lĩnh vực không những bắt kịp mà còn chủ động, tiên phong dẫn dắt xu hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cả nước. Nhiều cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã trở thành địa chỉ đào tạo uy tín đối với xã hội, được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng nhân lực đào tạo, tạo ra cú hích đột phá trong phát triển nhân lực của Ngành và của cả nước thông qua số lượng, chất lượng và sự khả tín. Thành quả đó là sự hội tụ của truyền thống tốt đẹp, trách nhiệm, nhiệt huyết và sức sáng tạo của đội ngũ 17.000 nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học đang công tác tại 11 trường đại học 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 01 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Mặc dù vậy, trong năm học 2016 - 2017, khó khăn, thách thức của hệ thống giáo dục - đào tạo quốc dân nói chung, của các cơ sở đào tạo ngành Công Thương nói riêng còn rất nặng nề và dự đoán sẽ tác động đến chiều hướng phát triển của từng đơn vị và của cả hệ thống, bao gồm cả khách quan và chủ quan, cụ thể như sau:
(i) Tác động của hội nhập quốc tế và việc điều chỉnh chính sách vĩ mô
- Mô hình phát triển kinh tế chuyển hướng từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu kéo theo cơ cấu, chất lượng nhân lực của nền kinh tế quốc dân cũng thay đổi, đòi hỏi năng lực đào tạo các cơ sở giáo dục và đào tạo bậc cao của cả nước, trong đó có hệ thống các trường thuộc Bộ Công Thương phải nâng cao và bền vững trong thời gian ngắn, có cơ cấu đào tạo phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, của đất nước trong khi đó việc chuyển đổi, thích ứng của các cơ sở giáo dục còn chậm;
- Sự thay đổi công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ diễn ra nhanh chóng, đặc biệt cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tác động đến cấu trúc việc làm. Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (vào tháng 7/2016) trong thập niên tới, máy móc tự động sẽ thay thế khoảng 85% lao động ngành Dệt may, như vậy có thể sẽ có khoảng 85% lao động ngành Dệt may phải chuyển đổi hoặc thất nghiệp. Những yêu cầu trên đòi hỏi hệ thống giáo dục bậc cao, giáo dục nghề nghiệp phải linh hoạt, mở và sẵn sàng các năng lực cần thiết để cập nhật và theo kịp thị trường lao động;
- Việt Nam ký kết và gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới, bên cạnh những vận hội mới, còn đặt ra nhiều thách thức về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quan hệ lao động và yêu cầu chất lượng cao về kỹ năng, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của nhân lực kỹ thuật công nghệ;
- Khó khăn trong ngân sách nhà nước tác động đến khả năng, phạm vi đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với chiến lược phát triển của từng cơ sở đào tạo.
(ii) Quan niệm xã hội và thực thi chính sách vĩ mô:
- Hệ thống giải pháp để cụ thể hóa mục tiêu hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học nghề theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị là "đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề" còn kém đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Thực tế, chỉ có khoảng 2,5 - 3,5% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề;
- Quan niệm xã hội về vai trò, tầm quan trọng của lao động kỹ thuật, công nghệ trình độ trung cấp, cao đẳng trong nền sản xuất còn chưa đầy đủ. Địa vị xã hội của cá nhân được xác lập thông qua hệ quy chiếu bằng cấp, chứng chỉ xác nhận trình độ là tâm lý chung. Chính vì vậy, quan điểm hướng nghiệp của học sinh phổ thông trung học và của các bậc phụ huynh đa phần xác lập ưu tiên mục tiêu học đại học, việc theo đuổi giáo dục nghề nghiệp chỉ là lựa chọn cuối cùng;
- Cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong phát triển nguồn nhân lực chưa mang tính đột phá trên quan điểm cung - cầu của thị trường lao động; vai trò của hợp phần cấu trúc xã hội liên quan đến hoạt động đào tạo nhân lực (phụ huynh, nhà trường, hiệp hội nghề nghiệp, người sử dụng lao động) trong kiểm định và giám sát chất lượng đào tạo phần nhiều mang tính hình thức;
- Thông tin xu thế thị trường lao động phục vụ hướng nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến phân luồng người học, cung cấp dịch vụ đào tạo của nhà trường và gây thụ động trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
(iii) Chất lượng lao động kỹ thuật công nghệ trực tiếp sản xuất:
- Kỹ năng chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam còn thấp và có khoảng cách lớn đối với các nước trong khu vực. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo, từ trình độ sơ cấp trở lên trong khi Tổng cục Thống kê sử dụng khái niệm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là lao động có chuyên môn và sở hữu chứng chỉ. Với cách tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2015 cả nước có 28,05 triệu người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chiếm 51,64% tổng lực lượng lao động, trong khi với cách tính của Tổng cục Thông kê, thì số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ có 10,56 triệu người, chiếm tỷ lệ thấp trong tổng lực lượng lao động (20,78%). Sự khác biệt trong khái niệm khiến số lượng lao động Việt Nam được coi có trình độ chuyên môn kỹ thuật vênh nhau rất lớn, gây ảnh hưởng đến hoạch định chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Hơn nữa, cả hai cách tiếp cận trên chưa phản ánh đầy đủ chất lượng nhân lực lao động kỹ thuật công nghệ, từ đó có thể gây ra hệ lụy bằng cấp, chứng chỉ không chứng nhận trình độ kỹ thuật chuyên môn của lao động.
- Năng suất lao động thấp: Theo Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% cua Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phillippines và 48,8% của Indonesia.
- Nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp về kỹ năng nghề nghiệp. Điều này được phản ánh trong số liệu thống kê tình trạng thất nghiệp của nhóm lao động qua đào tạo. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội[1], tính đến quý III/2016, cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó số lao động qua đào tạo là: 202.300 người qua đào tạo đại học trở lên; 122.400 người được cấp bằng cao đẳng chuyên nghiệp và 73.800 người trung cấp chuyên nghiệp. Cho dù nguyên nhân có phần của cơ cấu cung - cầu của thị trường lao động thiếu hợp lý, nhưng chủ yếu là do kỹ năng chuyên môn của lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động sản xuất trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử nhỏ gọn, may mặc, giầy da.... Hiện tượng chung là ứng viên thì nhiều, nhưng số lượng đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng lại hạn chế. Theo thống kê năm 2014 của Tổ chức thực hiện thi IELTS (Hệ thống kiểm tra sự thành thạo tiếng Anh quốc tế theo thang điểm 0-9), thí sinh Việt Nam có điểm trung bình là 5,78 thuộc vào nhóm các nước có điểm trung bình thấp, đứng sau Indonesia (5,97), Philippines (6,53), Malaysia (6,64). Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra bảng xếp hạng chỉ số năng suất sáng tạo năm 2014 của lao động ở 24 nước châu Á, trong đó Việt Nam xếp thứ 16/24, thậm chí thấp hơn cả Lào và Indonesia. Thực trạng này cần phải xem xét khi chúng ta luôn tự đánh giá, lao động Việt Nam cần cù, thông minh.
2. Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao
(i) Mô hình đào tạo kép của Đức
Với tư duy, đích đến của người học là doanh nghiệp nên người Đức đã phát triển mô hình đào tạo kép, theo đó, xây dựng môi trường học tập hài hòa giữa đặc thù thực tế doanh nghiệp và tính hàn lâm của nhà trường cho người học. Các công ty tập trung vào việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng phù hợp với công nghệ sản xuấtcủa doanh nghiệp, còn nhà trường cung cấp khối kiến thức lý thuyết về cơ bản và mang tính học thuật. Một số đặc điểm nổi bật của mô hình này được khái quát như sau:
- Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông bắt buộc, theo quy định của Chính phủ, học sinh có thể tham gia vào học nghề. Tham gia vào hệ thống đào tạo nghề, người học có thể lựa chọn hình thức đào tạo toàn bộ tại trường hoặc hệ thống đào tạo nghề kép. Đến nay, hơn 65% học sinh trong nhóm độ tuổi này đã chọn hình thức đào tạo nghề kép.
- Các học sinh tham gia mô hình đào tạo kép được dạy các kỹ năng cơ bản cho ngành nghề đã chọn và sau đó được đào tạo chuyên sâu. Trong 1 tuần, học sinh có thể theo học ngành của mình 3 ngày hoặc nhiều hơn tại công ty, những ngày còn lại học tại trường hoặc cũng có thể tham gia học ngoài giờ tại trường nghề. Thống kê cho thấy, phân bố thời lượng trung bình đối với học sinh trong chương trình học theo hệ thống đào tạo nghề kép cho các môn chuyên ngành là 60% và cho các môn phổ thông là 40%.
- Chi phí đào tạo cho phần học tại trường thường do chính quyền địa phương trả thông qua chương trình học bổng với mức học bồng bằng khoảng 42% thu nhập của lao động phổ thông. Các công ty đóng góp phần chi phí trực tiếp cho việc đào tạo thực hành tại công ty.
- Hệ thống đào tạo nghề kép được điều chỉnh bởi khả năng cung cấp nhân sự đào tạo của doanh nghiệp trên cơ sở đáp ứng những quy định của Chính phủ về điều kiện và tiêu chuẩn đối với người được tham gia đào tạo cho học sinh.
Thông qua chương trình đào tạo kép, quá trình trao đổi giữa doanh nghiệp và nhà trường diễn ra thường xuyên, chặt chẽ. Nhờ vậy, ngành nghề đào tọa và định hướng nghề nghiệp cho học sinh bám sát thị trường lao động. Một yếu tố chủ chốt tạo ra hiệu quả cao của hệ thống đào tạo nghề kép ở Đức là chế độ đãi ngộ tạo động lực tinh thần làm việc đối với giáo viên tại trường nghề và tại công ty. Giáo viên đào tạo đến từ doanh nghiệp phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc, có đủ năng lực sư phạm và chuyên môn để tham gia giảng dạy, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quy định khác như có kỹ năng sư phạm, trình độ sâu về chuyên môn v.v.
(ii) Mô hình Kosen của Nhật Bản trong đào tạo nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất
Viện Cao đẳng Kỹ thuật Quốc gia “KOSEN” (Viện Cao đẳng Kỹ thuật) được thành lập từ năm 1961 nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Nhật Bản. Mục đích của Viện là đào tạo những kỹ sư phục vụ cho sự phát triển nhanh nền sản xuất công nghiệp của Nhật Bản những năm 60 của thế kỷ trước. KOSEN được thành lập với 12 trường đầu tiên vào năm 1962, tăng nhanh đến con số 43 vào năm 1965. Hai trường Đại học Kỹ thuật quốc gia (Technology Nagaoka và Toyohashi) được thành lập vào năm 1976 để phục vụ những sinh viên tốt nghiệp KOSEN có mong muốn tiếp tục học tiếp ở các trình độ cao hơn. Hiện nay, số cơ sở đào tạo Kosen là 57 cơ sở với khoảng 300,000 sinh viên tốt nghiệp Kosen đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm trên khắp Nhật Bản
Kosen có đội ngũ giảng viên chất lượng rất cao (hơn 80% giảng viên chuyên ngành có học vị tiến sỹ). Quy mô lớp học nhỏ (tối đa 14 học viên/lớp), đảm bảo việc tăng sự tương tác với sinh viên trong quá trình giảng dạy. Trong hệ thống Kosen, nhiều cuộc thi của sinh viên được tổ chức như: cuộc thi chế tạo robot, thi lập trình, thi thiết kế v.v. nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Chất lượng sinh viên đào tại các trường Kosen được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, phản ánh thông qua chỉ số đề xuất vị trí việc làm từ phía nhà tuyển dụng, trung bình từ 15 – 20 vị trí việc làm cho một sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.
Chương trình đào tạo kỹ sư của Kosen kéo dài 5 năm cho học viên có độ tuổi từ 15 tuổi với văn bằng được JABEE (Tổ chức cấp phép đào tạo kỹ sư của Nhật) cấp phép. Việc nhận học viên sau khi kết thúc trung học cơ sở (ở độ tuổi 15) kết hợp với nội dung đào tạo khoa học, định hướng thực hành, mở rộng nghiên cứu và bắt buộc tham dự môi trường sinh sống tập trung trong ký túc xá đã giúp học sinh có kỹ năng nghề nghiệp rất tốt, tinh thần làm việc cộng đồng cao và trách nhiệm xã hội. Sự khác biệt của mô hình Kosen với mô hình đào tạo truyền thống của Nhật Bảo được thể hiện trong hình dưới:
(iii) Kinh nghiệm của Malaysia trong định danh chất lượng lao động kỹ thuật thông qua Khung kỹ năng lao động nhân lực kỹ thuật
Trên quan điểm Kỹ năng lao động của nhân lực kỹ thuật (Engineering Employability Skills - EES) là năng lực thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật thông qua kỹ năng, tri thức và thái độ cá nhân của người lao động phục vụ việc tìm kiếm, duy trì và thành công trong vị trí việc làm thuộc lĩnh vực kỹ thuật, Malaysia đã xây dựng Khung kỹ năng nhân lực kỹ thuật để phục vụ cho việc hướng dẫn đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ. Khung kỹ năng nhân lực kỹ thuật được xây dựng dựa trên kinh nghiệm đánh giá nhân lực kỹ thuật của các tổ chức uy tín quốc tế và thực tế đào tạo và phát triển nhân lực kỹ thuật của Malaysia. Khung năng lực nhân lực kỹ thuật gồm 10 tiêu chí được chia thành 3 nhóm kỹ năng chính, cụ thể:
(i) Nhóm tiêu chí thể hiện thái độ và hành vi cá nhân; (ii) Nhóm tiêu chí về kỹ năng xã hội và hành vi; và (iii) Nhóm tiêu chí về trí tuệ.
(iv) Khung kỹ năng nhân lực kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đề xuất khung tiêu chí về nhân lực kỹ thuật công nghệ phục vụ việc chấn hưng giáo dục, phát triển và sử dụng nhân lực kỹ thuật công nghệ trong thời kỳ mới[2]. Theo khung tiêu chí này, nhân lực kỹ thuật công nghệ tại Nhật Bản được chia thành 3 nhóm sau:
- Nhóm nhân lực chiến lược: là nhóm có thể tạo ra giá trị gia tăng thông qua quản trị và có thể xác lập chiến lược trong giải quyết các vấn đề kỹ thuật và công nghệ;
- Nhóm nhân lực giải quyết các vấn đề kỹ thuật: là nhóm nhân lực có thể triển khai, vận hành hệ thống, dây chuyền với độ tin cậy cao, làm gia tăng năng suất lao động cũng như có thể thiết kế, phát triển hệ thống, dây chuyền, sản phẩm và kiểm soát hoạt động đó với độ tin cậy cao. Nhân lực thuộc nhóm này là các chuyên gia kỹ thuật, các nhà quản lý dự án, các công trình sư;
- Nhóm nhân lực phát triển công nghệ và ứng dụng kỹ thuật: Là những lao động trực tiếp phát triển, chế tác các sản phẩm kỹ thuật, công nghệ, tiên phong trong phát minh, sáng chế và là nhóm khai phá sự phát triển kinh tế đất nước thông qua công nghệ lõi mới.
Với cách phân chia như vậy, cấp độ lao động kỹ thuật công nghệ được người Nhật chia thành 7 cấp độ từ cao đến thấp.
3. Hướng giải pháp trong phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất ngành Công Thương
Trên cơ sở những thách thức đang và sẽ đối mặt, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ phải lấy tiêu chí chất lượng cao làm định hướng xuyên suốt. Tuy nhiên, việc định nghĩa lực lượng lao động kỹ thuật công nghệ chất lượng cao, trực tiếp sản xuất cẩn phải được xác lập một cách khoa học, cụ thể đến từng ngành, nghề. Trên cơ sở đó, việc đào tạo, phát triển nhân lực có định hướng rõ ràng trong xây dựng chương trình, tổ chức và quản lý đào tạo, đồng thời doanh nghiệp có phương án sắp xếp, bố trí và đãi ngộ lao động hợp lý. Một số nguyên tắc sau có thể được xem xét trong định danh và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất:
- Nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ/quản lý sản xuất là lao động có năng lực cạnh tranh ở cấp độ quốc tế về ngành/nghề được đào tạo;
- Nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ/quản lý sản xuất là tài sản và tài nguyên của quốc gia;
- Là lực lượng cốt lõi và có tác động sâu rộng trong cải thiện lực lượng sản xuất Việt Nam, phục vụ chiến lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn mới;
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất dựa trên nhu cầu và đòi hỏi của ngành công nghiệp trọng điểm phát triển trong Chiến phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2035.
Để có thể trở thành phần cốt lõi, có tác động sâu rộng đến số lượng và chất lượng lao động kỹ thuật, công nghệ trực tiếp phục vụ sản xuất, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, một số chỉ hướng sau có thể được xem xét:
(i) Số lượng nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất: Tổng lao động ngành khu vực công nghiệp vào năm 2020 là 10,8 triệu người. Đến năm 2025 số lượng nhân lực khu vực công nghiệp khoảng 14,0 triệu người, trong đó số lao động kỹ thuật công nghệ chất lượng cao trực tiếp tham gia, phục vụ sản xuất sẽ 480.000 người, chiếm 3,8% lực lượng lao động kỹ thuật công nghệ phục vụ quản lý/trực tiếp sản xuất.
(ii) Tiêu chí chung về nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao:
Về thể lực: Nhanh nhẹn, hoạt bát, dẻo dai trong công việc; Chống chọi cao với bệnh tật; Chịu đựng tốt, bền bỉ trước những tác động bất lợi của môi trường; Có nền tảng sức khỏe ổn định đáp ứng những yêu cầu đột xuất trong công việc.
Về trí lực: Nắm vững kiến thức về cơ sở và chuyên ngành; Thành thạo tin học phục vụ công việc; Sử dụng thành thạo tiếng Anh trong chuyên môn, đạt trình độ năng lực tiếng Nhật N3 và tiếng Hàn cấp độ 3; Có năng lực cải tiến, sáng tạo; Đủ năng lực để học tập ở trình độ, kỹ năng năng cao hơn.
Về nhân cách: Ý thức nghề nghiệp cao; trách nhiệm trong chuyên môn, nghiệp vụ; tác phong làm việc nghiêm túc; chấp hành mệnh lệnh, nội quy đơn vị và tuân thủ pháp luật.
Về năng lực hành vi và xã hội: Vận dụng tốt kiến thức chung trong công việc; Hiệu quả trong làm việc độc lập và làm việc nhóm; Có năng lực phân tích, đánh giá và điều chỉnh hành vi khi môi trường thay đổi.
Về năng suất lao động: Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động khu vực công nghiệp là 2,4%/năm. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng năng suất lao động ngành khu vực công nghiệp ước khoảng 2,8%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động của nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất sẽ gấp 3 – 5 lần tốc độ tăng năng suất chung của khu vực công nghiệp.
(ii) Khung phân hạng nhân lực kỹ thuật công nghệ phục vụ quản lý/trực tiếp sản xuất:
Cấp độ
|
Mô tả
|
|
Đẳng cấp quốc gia, vai trò quan trọng về tri thức và kỹ năng tiên tiến
|
Cấp độ 6
|
Là nhân lực có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong và ngoài đơn vị, tổ chức, nắm giữ những kinh nghiệm chuyên môn/nghiệp vụ, có thành công không chỉ ở trong tổ chức, đơn vị mà có sức ảnh hưởng trong ngành/lĩnh vực.
|
|
Đẳng cấp đơn vị, tổ chức với vai trò đầu tầu, dẫn dắt trong tri thức và kỹ năng
|
Cấp độ 5
|
Là những chuyên gia, người có kinh nghiệm phong phú, gặt hái được nhiều thành quả trong tổ chức, đơn vị công tác
|
Cấp độ 4
|
Những người thuộc cấp độ này là những chuyên gia có tri thức va kỹ năng với khả năng thực hiện những nhiệm vụ và truyền tải nội dung công việc dựa trên thành công và kinh nghiệm chuyên môn. Họ có năng lực đúc kết kinh nghiệm, truyền tải những kỹ năng, tri thức đúc rút bản thân để hướng dẫn, đào tạo thế hệ sau.
|
Cấp độ 3
|
Là nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Họ có thể thực hiện tất cả mọi yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ.
|
Cấp độ 2
|
Là nhân lực có tri thức và kỹ năng cơ bản. Họ có năng lực thực hiện những nhiệm vụ với mức độ khó khăn nhất định hoặc từng phần yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ.
|
Cấp độ 1
|
Là nhân lực có kiến thức và kỹ năng tối thiểu yêu cầu đối với nhân lực của ngành. Họ có khả năng thực hiện nhiệm vụ dưới sự hướng dẫn, giám sát..
|
Một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để xây dựng lực lượng lao động kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất:
2.1. Đối với nhóm cung ứng nhân lực kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất:
- Đẩy mạnh mục tiêu hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học nghề theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị là "đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề";
- Chuẩn hóa và hội nhập toàn diện, đồng bộ từ mục tiêu đến nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, phương pháp đánh giá kết quả học tập và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo khác; thực hiện liên thông giữa các trình độ đào tạo trong đào tạo và giữa đào tạo nghề với với các phân hệ giáo dục khác;
- Xây dựng Bộ khung đánh giá chuẩn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao trực tiếp phục vụ sản xuất cho 6 nhóm ngành/lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên cơ sở kế thừa khung trình độ quốc gia, đảm bảo chuẩn hóa theo khung chất lượng nhân lực kỹ thuật công nghệ của các nước tiên tiến;
- Xây dựng mô hình hiệu quả trong phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao dựa trên nền tảng các chương trình thực tập sinh, tu nghiệp sinh và xuất khẩu lao động tại các nước có trình độ kỹ thuật công nghệ tiên tiến thông qua chu trình: Đào tạo - Kiếm tiền - Học tập - Trở về làm việc (Training - Earnning - Learning - Return)
- Cải tiến và triển khai mô hình KOSEN (Nhật Bản) trong đào tạo kỹ sư thực hành tại 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương, tiến tới mở rộng mô hình tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đào tạo các ngành nghề/nghề ưu tiên: Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật điện - điện tử; Kỹ thuật hệ thống và điều khiển, thông tin và viễn thông; Hóa chất và sinh - hóa chất, kỹ thuật vật liệu; Thiết kế kiến trúc, công nghệ môi trường; Kỹ thuật đóng tàu;
2.2. Đối với nhóm sử dụng nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao
- Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao chuyên biệt cho nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển;
- Triển khai thí điểm đào tạo nâng cao/bổ sung các chương trình nâng cao, chuyên biệt cho nhân lực kỹ thuật công nghệ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển;
- Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên tham gia phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất. Nhà nước bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học tập thường xuyên và suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập;
- Thực hiện việc kết nối doanh nghiệp - nhà trường hiệu quả, thực chất thông qua chính sách đối ưu đãi về thuế, về đầu tư đối với doanh nghiệp, nhà máy công nghiệp và các cơ sở đào tạo tham gia thực hiện Đề án.
2.3. Đối với cơ quan quản lý
- Chuẩn hóa và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, ưu tiên các chuẩn của Nhật Bản trong đào tạo nhân lực kỹ thuật công nghệ trực tiếp sản xuất;
- Xây dựng Bộ tiêu chuẩn trình độ nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất trên cơ sở khung năng lực trình độ quốc gia và bám sát khung năng lực trình độ nhân lực kỹ thuật công nghệ của các nước tiên tiến;
- Xây dựng đơn giá dịch vụ đào tạo nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao cho từng hệ/bậc đào tạo;
- Xây dựng, đề xuất các chính sách, chế tài đối với cơ sở đào tạo, với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề thuộc nhóm ngành nghề ưu tiên phát triển trong liên kết phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao.
- Thống nhất trong nghiên cứu và dự báo quốc gia về nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao, phấn đấu hình thành thị trường lao động kỹ thuật công nghệ chất lượng cao trước năm 2025; Xây dựng trung tâm nghiên cứu, hợp tác quốc tế và dự báo nhân lực lao động kỹ thuật công nghệ chất lượng cao tại Bộ Công Thương.
- Xây dựng mô hình kết hợp Nhà trường - Cơ quan quản lý - Doanh nghiệp trong phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao.
Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia/vùng lãnh thổ có đặc điểm văn hóa, giáo dục tương đồng đã chỉ ra rằng, nguồn nhân lực đóng vai trò tối quan trọng trong phát triển bền vững, hưng thịnh của quốc gia. Với chính sách lấy công nghiệp làm động lực then chốt để phát triển đất nước, Việt Nam cần có những biện pháp mang tính tổng thể, hệ thống quy mô toàn quốc trong phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ trực tiếp sản xuất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2016). Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, số 11, quý 111/2016.
2. Common Carrier/Skills Framework.
TS. Đinh Văn Châu (Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công Thương)
Nguồn: Tạp chí Công thương