Hoạt động của Học viện
Thứ Hai, 12/5/2025 16:4'(GMT+7)

Giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đồng chí Trung tướng, GS.TS, NGƯT Trần Minh Hưởng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện CSND và đồng chí PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.

Tới dự Hội thảo có các đồng chí là lãnh đạo thuộc các học viện, trường CAND, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài lực lượng CAND.

Các đồng chí đồng chủ trì Hội thảo

Các đồng chí đồng chủ trì Hội thảo

Quyền con người là giá trị cốt lõi của nhân loại, được khẳng định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người năm 1948 và các công ước quốc tế quan trọng khác. Tại Việt Nam, quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật cụ thể hóa, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, Thông báo số 01/TB-VPCP ngày 01/01/2025 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã nhấn mạnh rằng: “Chương trình giáo dục quyền con người là chương trình chính thức, nằm trong tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng môn học quyền con người là môn học độc lập trong các cơ sở giáo dục, đào tạo”. Đây là định hướng quan trọng, khẳng định vai trò của giáo dục quyền con người trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trung tướng, GS.TS, NGƯT Trần Minh Hưởng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện CSND phát biểu khai mạc Hội thảo

Trung tướng, GS.TS, NGƯT Trần Minh Hưởng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện CSND phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, với sự hội nhập quốc tế sâu rộng và những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục quyền con người không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là nền tảng để đào tạo những thế hệ công dân có ý thức pháp luật, tinh thần nhân văn, và trách nhiệm xã hội. Giáo dục quyền con người giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tôn trọng sự đa dạng, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, và tích cực tham gia xây dựng một xã hội đoàn kết, thượng tôn pháp luật.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội báo cáo đề dẫn Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội báo cáo đề dẫn Hội thảo

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên từ nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục với hơn 170 bài viết. Trong đó có nhiều bài viết rất chất lượng, Ban tổ chức đã lựa chọn được 134 bài để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và được biên tập thành ba phần, gắn với ba nhóm chủ đề chính:

Phần 1: Lý luận về quyền con người, tập trung vào các cơ sở lý thuyết và pháp lý về quyền con người.

Phần 2: Thực trạng giáo dục quyền con người trong nhà trường Việt Nam hiện nay, phân tích những thành tựu, hạn chế và thách thức.

Phần 3: Định hướng, giải pháp, nội dung giảng dạy quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó đề xuất các phương pháp đổi mới và ứng dụng thực tiễn.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Trong 02 phiên thảo luận tại Hội thảo, Ban tổ chức và các đại biểu đã có những trao đổi sâu sắc, những ý tưởng sáng tạo, những giải pháp hiệu quả, góp phần thúc đẩy công tác giáo dục quyền con người trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Các đại biểu đều nhất trí, khẳng định: Giáo dục quyền con người không chỉ là một môn học hay một hoạt động ngoại khóa, mà là một quá trình thấm nhuần các giá trị nhân văn, dân chủ vào nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc đầu tư vào giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục là một đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước. Nó góp phần đào tạo ra những công dân có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có ý thức trách nhiệm cao, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và văn minh.

Các đại biểu tham luận, đóng góp ý kiến

Các đại biểu tham luận, đóng góp ý kiến

Bên cạnh đó, hội thảo đã làm nổi bật một số nội dung, cụ thể:
(1) Về lý luận, các tham luận đều phân tích, nhận định hoạt động giáo dục quyền con người là nền tảng cho xã hội thượng tôn pháp luật. Việc trang bị kiến thức về quyền con người có ý nghĩa quan trọng, giúp học sinh, sinh viên hiểu biết về quyền con người nói chung; từ đó có ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân và tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; có ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội. Bảo vệ và giáo dục quyền con người là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện của cả nước, cũng là vấn đề mang tính toàn cầu.

(2) Về thực trạng, các đại biểu đã đánh giá toàn diện việc triển khai giáo dục quyền con người tại các cấp học ở Việt Nam. Một số thành tựu nổi bật đã đạt được bao gồm việc lồng ghép nội dung quyền con người vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa tại một số trường học. Tuy nhiên, hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn và vướng mắc như: nhận thức về quyền con người còn chưa đồng đều; việc giáo dục quyền con người chưa được triển khai bài bản; hạn chế về nguồn lực gây khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ và đào tạo giáo viên.

(3) Về định hướng và giải pháp, các ý kiến đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục quyền con người trong nhà trường, bao gồm: xây dựng môn học quyền con người độc lập, đưa vào chương trình giáo dục chính thức, thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân; tích hợp nội dung quyền con người vào các môn đồng thời áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, đa dạng như câu lạc bộ, hội thảo, tọa đàm, và hoạt động tình nguyện để học sinh, sinh viên thực hành các giá trị quyền con người; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước để nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng các quan điểm, định hướng và giải pháp để tăng cường hoạt động giáo dục quyền con người trong các nhà trường ở Việt Nam thời gian tới. Đặc biệt sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi Việt Nam đang là Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, giai đoạn 2023 - 2025.

PV

 

Các tin khác

Thư viện Video

CAND đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06

CAND đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06

(ANTV) - Chiều 5/6 tại Hà Nôi, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo của bộ Công an về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06 đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban chỉ đạo của Bộ Công an về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06. Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban chỉ đạo của bộ Công an về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06; các thành viên là Ủy viên Ban chỉ đạo; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Thư viện Ảnh

Mới nhất