“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được dự báo là sẽ thay đổi bộ mặt các nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này đã và đang ảnh hưởng sâu sắc tới xu hướng đào tạo và lựa chọn ngành nghề.
Cách mạng về cơ cấu nghề nghiệp
Với sự hỗ trợ đắc lực từ Internet, trí tuệ nhân tạo thì trong tương lai gần, con người có thể tự mình điều khiển quy trình sản xuất ngay tại nhà. Qua đó, giúp các doanh nghiệp giảm các chi phí giao dịch, vận chuyển, tạo ra các bước đột phá trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, mặt trái của cách mạng 4.0 là nó sẽ thay đổi cấu trúc thị trường lao động. Khi mà máy móc, robot dần thay thế con người thì một số ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến một lượng lớn lực lượng lao động trình độ thấp sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, gây ra những tác động tiêu cực tới an ninh, xã hội, môi trường, văn hóa…
Theo một số dự báo, trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên sẽ giảm còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.
Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh Quốc đưa ra một dự báo: sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới chỉ riêng tại Mỹ và Anh - tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này và ở các quốc gia khác cũng sẽ có tình trạng tương tự.
Trên thế giới, chuỗi cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng McDonald công bố sẽ xây thêm 25.000 nhà hàng mới, hoạt động hầu như bằng robots và tự động hóa nên có thể cắt giảm hàng trăm ngàn người lao động. Hay mới đây thông tin Foxconn Technology Group, công ty cung cấp linh kiện cho Hãng Apple và Samsung, cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robots.
Như vậy, hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những nghề nghiệp mới. Thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới nổi ở châu Mỹ Latinh và châu Á.
Đại học phải tự “thay máu”
Đối với Việt Nam, cuộc cách mạng 4.0 không còn là điều quá lạ lẫm. Bởi ngay từ năm 2017 đã có sự xuất hiện của những robot thông minh trong các ngành nghề như dây chuyền bằng robot, robot NAO hỗ trợ dạy tiếng Anh tại trường tiểu học, robot phục vụ tại quán cà phê ở Hà Nội và TP HCM, robot tham gia phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân… Bên cạnh đó là các công cụ, phần mềm học tiếng Anh trên mạng thông minh đến mức tự hoàn thiện để hỗ trợ người học, giúp họ không cần phải đến trung tâm.
Phân tích về tính cấp bách và quan trọng của vấn đề này, TS Nguyễn Đắc Hưng - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, muốn hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Chúng ta cần cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo để tạo ra công dân toàn cầu. Do đó, nền giáo dục Việt Nam nói chung và các trường đại học, nơi cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực, lao động sẽ phải đào tạo theo chuẩn giáo dục 4.0 theo hướng bảo đảm khối kiến thức nền tảng vững chắc cho học sinh.
Trước những thách thức của nền công nghiệp 4.0 yếu tố đổi mới sáng tạo trong mô hình của đại học đổi mới sáng tạo chính là việc các cơ sở giáo dục giờ đây không chỉ dừng lại ở việc đào tạo truyền thống mà phải theo định hướng khởi nghiệp.
Tại hội thảo “Hệ sinh thái Đại học đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức vào cuối năm 2017, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng từ những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu phát triển của nền kinh tế hiện nay, các trường đại học đang có xu hướng phát triển thành trường đại học thông minh theo định hướng đổi mới sáng tạo. Đồng thời, nhà trường cần phải tạo ra hệ sinh thái, trong đó mối quan hệ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường có mối quan hệ khăng khít hỗ trợ nhau trong sự phát triển chung.
Đặc biệt, một trường đại học đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà với xu hướng hội nhập hiện nay, các trường đại học phải gia tăng mức độ quốc tế hóa. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, cần phải nhận thức quốc tế hóa không chỉ dừng lại ở việc trường có bao nhiêu sinh viên, giảng viên quốc tế mà còn phải mở rộng ra hợp tác nghiên cứu với ai? Sở hữu trí tuệ chia sẻ với ai và sản phẩm có vào được thị trường quốc tế không?...
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, TS Nguyễn Đắc Hưng cũng cho rằng, để có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường, các trường đại học cần giảng dạy những kiến thức tích hợp giữa nhiều kiến thức, đồng thời rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tự học, biết cách tìm hiểu và tra cứu tài liệu, biết cách xử lý thông tin để trở thành tri thức của mình.
Cách tốt nhất là các trường đại học nên liên danh với doanh nghiệp lớn để hình thành mô hình đại học mới - đại học doanh nghiệp. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.
Về mặt quản lý, các cơ sở giáo dục cần chuyển hướng dần sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Có thể nói, đã đến lúc, thời đại đòi hỏi những con người có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu chứ không chỉ đơn thuần là nghe, nói, đọc viết để có thể tồn tại và phát triển trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những nghề nghiệp mới. Thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới nổi ở châu Mỹ Latinh và châu Á.
|
K.An
Nguồn: Báo điện tử Petrotimes