Phát biểu thảo luận tại hội trường trong phiên làm việc của Quốc hội chiều ngày 2/11, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đồng Tháp - đề xuất giải pháp để triển khai Nghị quyết 88 trong thời gian tới đó là, cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề đổi mới giáo dục trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có sự chuẩn bị tốt nhất và phù hợp nhất.
Cần có những chữ TỰ
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – trao đổi: Chúng ta đang đứng trước những khó khăn của vấn đề toàn cầu hóa, của vấn đề quốc tế hóa và cách mạng số. Phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong quá trình chuẩn bị nhân lực phù hợp cách mạng công nghiệp 4.0 thì giáo dục chính là khâu then chốt nhất. Do vậy, cần tư duy theo hướng giáo dục gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ở đó, công nghệ thực tế ảo sẽ giúp cho thầy trò từ khắp các châu lục vẫn có thể tương tác được với nhau như đang ngồi trong cùng một nơi.
Như vậy, khoảng cách về địa lý, về không gian và thời gian đã bị xóa nhòa. Việc dạy học không còn theo cách truyền thống với phấn, bảng, giấy bút mà có thể thực hiện trên các thiết bị điện tử. Theo đó, tư duy giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ bị phá vỡ và có thể sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới.
Theo, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, cuộc các mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự đóng góp của những cá nhân năng động, tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu và tự sáng tạo. Những TỰ này, rất khó có thể được tạo nên nếu như chúng ta vẫn giữ cơ chế quản lý theo phương thức chỉ thị và tuân thủ.
“Một chương trình giáo dục cứng nhắc cũng sẽ không thể cho ra được những sản phẩm theo yêu cầu này. Thay vào đó sản phẩm này chỉ có thể tạo ra bởi 1 nền giáo dục khai phóng” - Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề.
Giáo viên cũng phải khai phóng, linh hoạt
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, giáo viên tương lai, cũng phải khai phóng linh hoạt, năng động để có thể dạy trẻ tự học, tự tiến bộ và tự tư duy. Thành quả mà giáo dục đóng góp cho xã hội không phải là bằng cấp mà là giá trị của mỗi người tạo ra cho xã hội. Đây là cách mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đang làm.
Lấy ví dụ từ nền giáo dục của Newzealand, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – phân tích: Với phương châm chuẩn bị cho tương lai, giáo dục Newzealand đã chuẩn bị kỹ năng cho người trẻ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng chiến lược giáo dục mang tên: Quốc gia của những bộ óc tò mò.
Dự kiến từ năm 2018, bộ môn công nghệ thông tin sẽ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ lớp một để chuẩn bị cho thế hệ trẻ thông thạo công nghệ. Như vậy, để hội nhập với thế giới và khu vực, đây là thời điểm mà Giáo dục Việt Nam cần phải thể hiện được tinh thần khai phóng.
Theo đó cần có một chương trình giáo dục phổ thông khai phóng thay thế cho cách giáo dục truyền thống vốn vẫn đang bị đánh giá là đúc khuôn như dư luận xã hội băn khoăn. Cần số hóa sách giáo khoa và tài liệu tham khảo song song với sách giáo khoa truyền thống.
“Muốn vậy phải có đội ngũ những người thầy với khả năng truyền cảm hứng cho người học để có thể học tập suốt đời thích nghi với mọi biến động của cuộc sống sau khi rời nhà trường” - Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Phải có những mô hình giáo dục mới, phương pháp đào tạo áp dụng công nghệ số với những trang thiết bị dạy học tiên tiến bên cạnh nhà trường truyền thống và phương pháp truyền thống. Đó là những điều mà Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu, tính toán để chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thành công, đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Minh Phong (ghi)
Nguồn: Báo điện tử Dân trí