Trong khuôn khổ chương trình
liên kết đào tạo thạc sỹ về Tư pháp hình sự giữa Học viện CSND và Đại học Tổng
hợp Maryland, Hoa Kỳ, từ ngày 30/11 - 4/12/2015, Đại học Tổng hợp Maryland đã cử
Giáo sư Lawrence Sherman đến giảng dạy môn Khoa học Cảnh sát tại Học viện CSND.
Theo chương trình môn học, GS.
Lawrence Sherman và học viên sẽ trao đổi về khoa học cảnh sát dựa trên bằng chứng,
các nghiên cứu trên thế giới về công tác cảnh sát, sử dụng các kết quả nghiên cứu
làm căn cứ xây dựng các chính sách phòng ngừa, điều tra tội phạm, làm giảm các
mối nguy hại cho xã hội.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân
Yêm - Giám đốc Học viện CSND
tặng quà lưu niệm cho Giáo sư Lawrence Sherman
Trong thời gian GS. Lawrence
Sherman giảng dạy tại Học viện CSND, đồng chí Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân
Yêm - Giám đốc Học viện đã dành thời gian tiếp xã giao Giáo sư. Tại buổi tiếp,
đồng chí Giám đốc Học viện đã chào mừng Giáo sư đến Việt Nam, đánh giá cao sự
đóng góp của Giáo sư cho chương trình liên kết đào tạo giữa Học viện CSND và Đại
học tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ. Đồng chí Giám đốc cũng đánh giá cao những nghiên
cứu của Giáo sư trong lĩnh vực khoa học cảnh sát dựa trên bằng chứng và bày tỏ
mong muốn tiếp tục được đón tiếp Giáo sư đến giảng dạy cho các khóa học tiếp
theo tại Học viện CSND.
Giáo sư Lawrence Sherman chụp ảnh lưu niệm cũng
các học viên
Giáo sư Lawence Sherman đã trân
trọng cảm ơn đồng chí Giám đốc Học viện; đồng thời, chia sẻ bên cạnh việc giảng
dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ, ông cũng là Giám đốc Trung
tâm Jerry Lee về Nghiên cứu Tội phạm học Thực nghiệm và cũng là Chủ tịch đầu
tiên của Khoa Tội phạm học Trường Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh. Hiện nay,
ông và đồng nghiệp đang xây dựng các video tập huấn về công tác cảnh sát dựa
trên bằng chứng cho lực lượng cảnh sát. Bộ video đã được sử dụng thí điểm cho cảnh
sát một số địa phương của Vương Quốc Anh, Úc và Tây Ban Nha. Giáo sư mong muốn
trong tương lai có thể hỗ trợ chương trình này cho Học viện CSND.
Đồng chí Giám đốc Học viện CSND
đã cảm ơn và bày tỏ mong muốn có thể hợp tác với Giáo sư về chương trình này
trong tương lai gần và chúc Giáo sư chuyến công tác tốt đẹp.
Lawrence W. Sherman được bầu làm Giáo sư Wolfson chuyên
ngành Tội phạm học của Đại học Cambridge năm 2006. Giáo sư Wolfson là chức
gianh Giáo sư cao cấp tại trường Đại học Cambridge và được ghi danh trên toàn
thế giới. Chức danh này được ghi nhận vào năm 1960 bởi Quỹ Wolfson và chỉ
trao cho các nhà khoa học xuất sắc nhất có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa
học xã hội và nhân văn. Và nhà tội phạm học, Giáo sư Lawrence W. Sherman là một
trong bốn vị Giáo sư được trao tặng chức danh Giáo sư Wolfson trên thế giới
hiện nay.
Giáo sư cũng là người được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của
trung tâm Jerry Lee về Nghiên cứu Tội phạm học Thực nghiệm và cũng là Chủ tịch
đầu tiên của Khoa Tội phạm học tại trường Đại học Cambridge. Trước đó, ông đã
được phong hàm Giáo sư ưu tú của Đại học Maryland và là phó Giáo sư của Trường
Albany về Tư pháp hình sự. Những quan tâm và ưu tiên hàng đầu của Giáo sư
Lawrence, đó là tập trung nghiên cứu trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm;
nghiên cứu tội phạm học dựa trên bằng chứng; phục hồi công lý; hoạt động thực
tiễn của cảnh sát và nghiên cứu tội phạm học thực nghiệm. Một trong những
đóng góp đáng kể của Giáo sư trong quá trình nghiên cứu tội phạm thực nghiêm,
đó là ông đã tiến hành thí nghiệm và tìm kiếm những cách hiệu quả hơn để giảm
các loại tội phạm sử dụng vũ khí nóng để giết người, bạo lực gia đình, cướp,
trộm cắp, và vấn đề tội phạm khác.
Với quá trình cống hiến của mình cả về lý luận và thực tiễn,
Giáo sư đã phục vụ trong các cơ quan chuyên môn liên quan về tội phạm, tội phạm
học, và phòng chống tội phạm ở cả cấp độ quốc gia, quốc tế và các vùng lãnh
thổ trên thế giới. Bản thân Giáo sư đã từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Tội
phạm học Hoa Kỳ, Hội Tội phạm học quốc tế, Học viện Khoa học Chính trị và Xã
hội Hoa Kỳ, và Học viện nghiên cứu Tội phạm học thực nghiệm. Ông đã làm việc
cho một số dự án Học viện Khoa học Quốc gia (Mỹ), và là một nhà tư vấn cho
FBI, Bộ Tư pháp Thụy Điển, Viện Tư pháp, Sở Cảnh sát thành phố New York (Mỹ),
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Tội phạm học Hàn Quốc, Bộ
Tư pháp Lower Saxony, và nhiều cơ quan khác. Ông là thành viên của Ban Chỉ đạo
Hợp tác Campbell về phòng chống tội phạm và là thành viên của Ủy ban
Pennsylvania về tội phạm.
|
Hồng Vân (Ảnh: HG)