Hiệu ứng lan tỏa từ những mô hình bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở
Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở có vai trò quan trọng trong giữ gìn bình yên và cuộc sống của Nhân dân. Chính vì vậy, Công an các địa phương trên toàn quốc đã không ngừng sáng tạo, triển khai có hiệu quả hoạt động của các mô hình đảm bảo an ninh, trật tự. Xác định tầm quan trọng của nội dung trên, lực lượng Công an xã, thị trấn đã làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo, tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh kịp thời với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, trở thành “điểm sáng” trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quy tụ được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Theo thống kê của Bộ Công an, đến nay, trên toàn quốc có 4.316 mô hình, trong đó có 3.341 mô hình ở địa bàn xã, phường, thị trấn. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải tại cơ sở như: “Địa bàn không ma túy”, “Xứ, họ đạo bình yên - chùa tinh tiến về an ninh, trật tự”, “Camera phòng, chống tội phạm”, “Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh, trật tự”, “Cụm liên kết an toàn về an ninh, trật tự khu vực giáp ranh”, “Tổ tàu thuyền, bến, bãi an toàn”, “Nhà trọ tự quản, an toàn về an ninh, trật tự”, “Phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội”…. Thông qua các mô hình, hàng năm, quần chúng Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an xã hàng nghìn tin có giá trị về an ninh, trật tự. Nhờ đó, các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự và những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân cơ bản đã được phát hiện và giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng” và các mâu thuẫn kéo dài. Việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình được thực hiện một cách thực chất, từng bước củng cố kiện toàn và phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, góp phần hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương.
Phát huy hiệu quả tích cực của những “cánh tay” nối dài
Trong số hàng nghìn mô hình tiêu biểu trên phải kể đến mô hình “Camera với an ninh trật tự” của Công an tỉnh Thanh Hoá, địa phương đã huy động gần 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và sự đóng góp của Nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để xây dựng 332 mô hình “Camera với an ninh trật tự” ở 26/27 huyện, thị xã, thành phố. Ghi nhận thực tế cho thấy, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành và toàn thể Nhân dân về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua trích xuất camera an ninh, lực lượng Công an đã tiến hành trích xuất hơn 12.200 lượt hình ảnh, dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phá án và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; xác minh, làm rõ 2.160 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. “Mô hình “Camera với an ninh, trật tự” được xem như là “tai mắt” của lực lượng Công an xã, thị trấn.
Tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Camera với an ninh trật tự” trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2023, đánh giá về mô hình, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an nhận định: “Việc triển khai sâu rộng mô hình với hơn 122.000 mắt camera được lắp đặt, kết nối và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với lực lượng Công an, đã chứng tỏ sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa được huy động, phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”.
Thực tế tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, mô hình “Camera với an ninh trật tự” được triển khai trên địa bàn huyện thực sự đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Đến nay, 30/30 xã, thị trấn đã tiến hành khảo sát, lắp đặt camera giám sát tại các vị trí phức tạp về anh ninh trật tự trên địa bàn như ngã ba, ngã tư, bãi cát; thực hiện lắp đặt hàng trăm mắt camera. Trước đây, khi chưa có camera, lực lượng Công an còn hạn chế về số lượng, lại phải phụ trách nhiều địa bàn rộng, dân số đông, vì vậy công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm gặp nhiều khó khăn. Từ khi hệ thống camera được đưa vào hoạt động, từ trụ sở làm việc, lực lượng Công an xã, thị trấn có thể theo dõi được địa bàn rộng, những điểm nóng, kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. Đặc biệt, trong năm 2023, mô hình “Camera với an ninh trật tự” trên địa bàn toàn huyện đã góp phần quan trọng vào việc chuyển hóa thành công các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Cùng với các mô hình bảo đảm an ninh, trật tự khác trên cả nước, mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy” được Công an tỉnh Ðiện Biên triển khai thực hiện tại 08 xã thuộc 04 huyện biên giới (Nậm Pồ, Mường Nhé, Ðiện Biên và Mường Chà). Ban Chỉ đạo xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” các huyện, xã đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Đồng thời, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng hộ gia đình, khu dân cư đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự. Qua đó, vận động quần chúng Nhân dân tham gia tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục con em không tham gia vào tệ nạn cũng như phạm tội về ma túy, góp phần to lớn vào việc xây dựng vùng biên giới bình yên, lành mạnh, phát triển bền vững.
Mục tiêu, yêu cầu của việc xây dựng mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy” chính là lấy phòng ngừa là chính, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân ở các xã biên giới trong phòng, chống ma túy. Cùng với đó, kết hợp triển khai quyết liệt việc “chặn cung, giảm cầu”, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, tạo lập “vành đai biên giới” sạch ma túy, vững chắc để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy, quyết tâm không để khu vực biên giới tỉnh Điện Biên trở thành địa bàn trung chuyển ma túy. Chính vì thế, để tạo lập “vành đai biên giới” vững chắc, Công an tỉnh Điện Biên đã tiếp tục lựa chọn 13 xã biên giới để nhân rộng thực hiện mô hình gồm: Thanh Nưa, Pa Thơm, Na Ư, Mường Lói, Phu Luông (huyện Ðiện Biên); Na Sang (huyện Mường Chà); Nà Hỳ, Vàng Ðán, Nà Bủng, Na Cô Sa, Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) và xã Mường Nhé, Chung Chải (huyện Mường Nhé). Tại 13 xã này hiện có 717 người nghiện ma túy; 09 xã là địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết thêm.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi theo chân cán bộ tuyên truyền Công an tỉnh Ninh Bình trở về với xã Cồn Thoi. Đây là xã nằm ở phía Đông Nam của huyện Kim Sơn, có diện tích 830,47 ha với 10 xóm; dân số 2.806 hộ/10.412 khẩu. Xã có 02 tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo chiếm 90,4% với 02 giáo xứ, 11 giáo họ. Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, Đảng ủy, UBND xã Cồn Thoi luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào các tôn giáo. Trong đó, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đặc biệt quan tâm chỉ đạo với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Một trong những mô hình nổi bật đã và đang phát huy hiệu quả tốt đó là mô hình phong trào “Xứ họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về an ninh trật tự”. Mô hình đã thu hút toàn thể người dân cũng như giáo dân tham gia nhiệt tình, cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị, từ đó điều tra khám phá nhiều vụ án, giải quyết ngay từ đầu những mâu thuẫn, không để phát sinh, trở thành điểm nóng, phức tạp về an ninh, trật tự. Thông qua mô hình này đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và quần chúng Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Trên đây chỉ là một số trong số hàng nghìn mô hình tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mà lực lượng Công an đang triển khai và nhân rộng trên phạm vi cả nước. Những mô hình này cơ bản đã phát huy tính hiệu quả, bảo đảm giải quyết tốt các vụ việc phát sinh. Nhờ đó, các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự và những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân đã được phát hiện và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh điểm nóng và các mâu thuẫn kéo dài, góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương và đã thực sự trở thành “bệ đỡ”, “điểm tựa” vững chắc trong xây dựng “thế trận an ninh nhân dân” tại địa bàn cơ sở.
(Còn nữa)