Với kinh nghiệm và hoạt động trong lĩnh vực đào tạo Cảnh sát quốc tế và thông qua kênh hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn khoa học đào tạo Cảnh sát của Interpol, Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã nghiên cứu và đề xuất sáng kiến thành lập Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế nhằm mục tiêu tối ưu hóa hoạt động hợp tác giữa các cơ sở đào tạo cảnh sát và huy động, chia sẻ một cách tối ưu các hoạt động lý luận và thực tiễn trong công tác cảnh sát. Sau khi được nhiều quốc gia hưởng ứng, cùng sự đồng thuận của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/7/2011, Hiệp hội Học viện cảnh sát quốc tế (International Association of Police Academies, viết tắt là INTERPA) đã chính thức được thành lập tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với với 24 Học viện Cảnh sát hoặc cơ sở đào tạo cảnh sát tương đương đến từ 22 quốc gia là nhóm thành viên sáng lập.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các tổ chức quốc tế tương tự đã được thành lập trước đây, Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan sáng lập INTERPA đã xây dựng, phát triển tổ chức này theo hướng khắc phục những nhược điểm và phát huy các ưu điểm rút ra từ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế khác. Theo đó, INTERPA hoạt động theo chiến lược “Đại dương xanh” (Blue Ocean Strategy) với mục tiêu kết nối các Học viện đào tạo cảnh sát hoặc các cơ sở đào tạo cảnh sát tương đương của các nước trên thế giới, cùng trao đổi, chia sẻ, bàn bạc để cùng giúp nhau tiến bộ, tránh đối đầu, xung đột, với phương châm: Khuyến khích sự tham gia của các thành viên trên toàn thế giới; Hoạt động trên cơ sở có thể chế thành viên; Không tạo gánh nặng tài chính; Cơ cấu tổ chức linh hoạt; Cơ chế hoạt động linh hoạt.
Theo Văn kiện chính thức của INTERPA, tổ chức này được thành lập với ba mục tiêu chính là: Phát huy tối đa sự liên kết và hợp tác giữa các Học viện cảnh sát trong lĩnh vực đào tạo cảnh sát bằng việc sử dụng các nguồn lực sẵn có, chia sẻ những kinh nghiệm và những nghiên cứu tốt nhất trong lĩnh vực này; thực hiện các chương trình trao đổi đoàn các lãnh đạo, giáo viên, học viên giữa các Học viện cảnh sát thành viên; nâng cao năng lực quản lý của các thành viên cấp cao bằng các chương trình liên kết đào tạo. Hàng năm, INTERPA tổ chức các hoạt động lớn bao như: tổ chức các Hội nghị thường niên với sự tham gia của các thành viên và khách mời; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề; tổ chức các chuyến thăm hữu nghị giữa các thành viên; xuất bản tạp chí quốc tế về hoạt động đào tạo cảnh sát.
Cơ cấu tổ chức của INTERPA gồm: 01 Chủ tịch; 3 Phó Chủ tịch; Ban Thư ký; Ban điều hành Đại Hội đồng. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch được Đại hội đồng bầu ra theo nhiệm kỳ 2 năm. Trụ sở của INTERPA đặt tại Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ngôn ngữ chính thức của INTERPA là tiếng Anh. Các nước thành viên không phải đóng góp lệ phí thường niên mà chỉ đóng góp một cách tự nguyện trên cơ sở các hoạt động mình tham dự, để trở thành thành viên phải có nhất trí thông qua của Đại hội đồng. Hiện nay INTERPA có 22 tổ chức thành viên. Chủ tịch đương nhiệm của INTERPA là GS.TS. Remzi Findikli, Chủ tịch Đại học Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ba Phó Chủ tịch là: Abdellatif Ashmig Khaleifa, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Ribat, Su-đăng; Ngài Dato’s Shahbudin Bin Abdul Wahab, Giám đốc Đại học Cảnh sát Hoàng gia Malaysia; TS. Gheorghe Popa, Giám đốc Học viện Cảnh sát Alexandru loan Cuza Rumania.
|
Đại biểu của Học viện CSND tham luận tại Hội nghị thường niên lần thứ nhất của INTERPA tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 4 năm 2012 |
Tháng 4 năm 2012, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam đã cử đoàn đại biểu cấp cao do đồng chí Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Huy Thuật, Phó Giám đốc làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị thường niên lần thứ nhất của INTERPA. Tại Hội nghị này Học viện CSND đã tìm hiểu và trao đổi cụ thể về các nội dung hợp tác, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động và các nội dung khác về INTERPA. Sau đó, tại báo cáo kết quả tham dự Hội nghị của Học viện CSND, lãnh đạo Bộ Công an đã đồng ý cho Học viện tham gia làm thành viên chính thức của INTERPA. Tháng 3/2013, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan, theo đề nghị của Vụ Hợp tác quốc tế, Lãnh đạo Bộ Công an đã chính thức cho phép Học viện CSND nộp đơn đăng ký làm thành viên chính thức của INTERPA. Dự kiến, vào tháng 4/2013, Giám đốc Học viện CSND Việt Nam sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội nghị thường niên lần thứ II của INTERPA và ký kết Văn kiện tham gia thành viên chính thức của Hiệp hội này.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc Học viện CSND tham gia thành viên của INTERPA sẽ góp phần tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo cảnh sát, giúp nâng cao hiệu quả tham gia của lực lượng Cảnh sát Việt Nam vào các diễn đàn quốc tế nói chung và nâng cao vị thế của Học viện Cảnh sát Việt Nam với các cơ sở đào tạo cảnh sát quốc gia khác. Trên cơ sở tham gia các hoạt động của INTERPA, Học viện có cơ hội xúc tiến các hoạt động hợp tác với các cơ sở đào tạo của các nước thành viên trên tinh thần tranh thủ, tận dụng được sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm, bài học trong công tác đào tạo cảnh sát.
Cao Hoàng Long