Thực hiện Chương trình năm học 2023 - 2024, ngày 14/3/2024, Khoa Luật - Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Toạ đàm khoa học “Hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và một số vấn đề đặt ra đối với công tác Công an trong tình hình mới”.
Buổi Tọa đàm khoa học có sự tham dự của đồng chí Đại tá Bùi Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an; Trung tá Nguyễn Công Thành - Phó Trưởng Phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Học viện cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Khoa Luật và học viên lớp B1aTC36 và B1bTC36 đang học tập tại Học viện.
Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau gần 10 năm đi vào đời sống, Luật Xử lý VPHC năm 2012 là một trong những công cụ pháp lý quan trọng của các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh, xử lý các hành vi VPHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai áp dụng, Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật, đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn đấu tranh, xử lý VPHC hiện nay. Trên cơ sở đó, ngày 13/11/2020, Luật Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.
Thực tiễn quá trình áp dụng Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cho thấy, công tác xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính của Nhà nước; liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của Nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh; được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng trên và góp phần nâng cao công tác vận dụng quy định pháp luật về Xử lý VPHC vào thực tiễn, Khoa Luật đã tổ chức Tọa đàm “Hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và một số vấn đề đặt ra đối với công tác Công an trong tình hình mới”.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện lãnh đạo, cán bộ thực tiễn Công an các đơn vị ngoài Học viện đã tham luận sôi nổi về những vấn đề có liên quan đến quy định của pháp luật Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) trong việc áp dụng thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính đối với công tác Công an, cụ thể:
- Nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc cho học viên về pháp luật hành chính và áp dụng pháp luật hành chính trong thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính đối với công tác Công an.
- Giúp học viên biết, hiểu về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính.
- Động viên khích lệ tinh thần đam mê nghiên cứu, học tập của học viên, cán bộ giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân.
Ngoài ra, tại buổi Toạ đàm, các thầy cô giáo, học viên các hệ học đã đặt ra các câu hỏi thực tiễn có liên quan đến việc thi hành Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với công tác Công an và được các đại biểu tham dự giải đáp thấu đáo.
Những nội dung này là nguồn kiến thức thực tiễn quý báu, giúp cán bộ, giáo viên và học viên chuyên ngành so sánh, đối chiếu giữa lý luận với thực tiễn triển khai, thi hành Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Đồng thời, trang bị cho học viên các hệ học kỹ năng xử lý tình huống và bản lĩnh nghề nghiệp phục vụ quá trình công tác sau khi ra trường.