Nhận lời mời của Tổ chức cảnh sát quốc tế INTERPOL, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, từ 25/6/2018 đến 28/6/2018, Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Phó Giám đốc Học viện đã có chuyến công tác Hàn Quốc, tham dự Hội nghị “Cuộc gặp mặt của lãnh đạo các Học viện Cảnh sát ở khu vực Nam và Đông Nam Á bàn về dự án SCORPIUS” và Hội nghị chuyên đề về đào tạo Cảnh sát lần thứ 21 của INTERPOL với chủ đề “Kiến tạo một hệ thống đào tạo lực lượng thực thi pháp luật toàn cầu”.
Cuộc gặp mặt của lãnh đạo các Học viện Cảnh sát ở khu vực Nam và Đông Nam Á bàn về dự án SCORPIUS được tổ chức tại Viện đào tạo nguồn nhân lực Cảnh sát, thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (KNPA), thuộc thành phố Asan, Hàn Quốc vào ngày 25/6/2018. Tham dự hội nghị này có đại diện lãnh đạo các trường và Học viện Cảnh sát của quốc gia thuộc khu vực Nam và Đông Nam Á bao gồm: Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Brunei Darussalam, Campuchia, Malaysia, Maldives, Myanmar, Nepal, Pakistan, Sri Lanka, Đông Timor và Việt Nam. Đại tá Phạm Công Nguyên đại diện cho lãnh đạo Học viện CSND - Việt Nam đã có phát biểu tham luận tại Hội nghị này.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trong 3 ngày từ 26 - 28/6/2018
Tại hội nghị, đại diện các quốc gia đã thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo Cảnh sát với INTERPOL để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh với các loại tội phạm mới, đặc biệt là các loại tội phạm xuyên quốc gia như khủng bố, tội phạm công nghệ cao. Để làm được điều đó, các cơ sở đào tạo Cảnh sát cần phải có những sự thay đổi trong xây dựng chương trình đào tạo, đồng thời đổi mới phương pháp và tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo Cảnh sát các quốc gia với nhau và với INTERPOL.
Các ý kiến phát biểu đã thống nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của các nội dung, cụ thể: Các quốc gia cùng tập trung phát triển năng lực thực thi pháp luật chống khủng bố và tội phạm sử dụng công nghệ cao; phát triển các dự án xây dựng năng lực thông qua phương pháp đào tạo giảng viên nguồn (Train the trainer: T-t-T) nhằm tối ưu hoá phạm vi và hiệu quả đào tạo trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Đại diện các quốc gia đề nghị INTERPOL tổ chức các khóa học phát triển năng lực cho giảng viên (IDC) đối với các quốc gia trong khu vực; tăng cường trao đổi, chia sẻ nội dung đào tạo giữa các cơ sở đào tạo Cảnh sát của các quốc gia để tránh trùng lặp về nội dung, đồng thời tận dụng được đối ngũ chuyên gia có chất lượng của khu vực; phát triển không gian phục vụ việc học tập và chia sẻ tức thời đối với các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng thông qua nền tảng E-learning, lớp học, hội thảo trực tuyến trên internet. Đại diện các quốc gia đề nghị INTERPOL tăng cường tập huấn cho các cơ sở đào tạo khả năng tối ưu hóa việc sử dụng các phương thức này.
Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên tặng quà lưu niệm của Học viện CSND cho ông Harold O’Connell, Giám đốc Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng năng lực của INTERPOL bên lề Hội nghị
Hội nghị chuyên đề về đào tạo Cảnh sát lần thứ 21 của INTERPOL với chủ đề “Kiến tạo một hệ thống đào tạo lực lượng thực thi pháp luật toàn cầu” được tổ chức tại Trường đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (KNPU), cũng tại thành phố Asan trong thời gian 3 ngày từ 26 - 28/6/2018. Tham dự hội nghị này có đại diện của lãnh đạo các cơ sở đào tạo Cảnh sát đến từ 50 quốc gia thành viên của INTERPOL. Hội nghị chia làm 4 phiên thảo luận với các chủ đề: “Đào tạo lực lượng thực thi pháp luật với tư cách là một hệ thống”, “Tác động của việc ứng dụng các công nghệ đột phá trong đào tạo lực lượng thực thi pháp luật”, “Chia sẻ các mô hình đào tạo điển hình” và “Quá trình toàn cầu hoá của việc đào tạo lực lượng thực thi pháp luật”. Mỗi phiên thảo luận có từ 8 đến 10 báo cáo của các quốc gia thành viên, theo từng chủ đề. Thông qua các phiên thảo luận này, các cơ sở đào tạo Cảnh sát chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình đào tạo, đặc biệt là việc ứng dụng những khoa học công nghệ tiên tiến (công nghệ mô phỏng, công nghệ thực tế ảo, học tập trực tuyến… trong việc nâng cao hiệu quả đào tạo lực lượng thực thi pháp luật trên toàn thế giới. Đồng thời, qua các ý kiến phát biểu, các đại biểu đều đánh giá cao tầm quan trọng của việc hợp tác toàn cầu đối với hoạt động đào tạo lực lượng thực thi pháp luật, đảm bảo yêu cầu đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới.
Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên trao đổi với Thiếu tướng, GS.TS Yoon So Sik, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc bên lề Hội nghị
Hội nghị lần này được tổ chức tại Hàn Quốc là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động 02 năm một lần của Trung tâm đào tạo toàn cầu INTERPOL nhằm đánh giá hiệu quả của các dự án đào tạo được chủ trì bởi INTERPOL, đồng thời lấy ý kiến của các quốc gia thành viên trong nỗ lực tổ chức các hoạt động đánh giá nhu cầu, phát triển nội dung đào tạo, và đặc biệt là phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình hiện nay.
Với tư cách là một quốc gia thành viên của INTERPOL, Việt Nam hiện nay đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm thông qua tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người chấp hành hình phạt tù, đặc biệt là công tác hợp tác đào tạo, học tập thông qua các hoạt động trao đổi giảng viên, học viên giữa Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam với các cơ sở đào tạo Cảnh sát trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc...
Nguyễn Ngọc Hải