Đến năm 2001, Học viện đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức của mình gồm Khoa Khoa học an ninh (Faculty of Security Science), Viện nghiên cứu Khoa học an ninh (Institute of Security Sciences), Viện Khoa học hình sự, 9 Trung tâm nghiên cứu và 28 trường cảnh sát trực thuộc. Với cơ cấu tổ chức này, công tác giáo dục đào tạo được phân định cụ thể như sau: Khoa Khoa học an ninh và 28 trường cảnh sát trực thuộc có nhiệm vụ đào tạo cảnh sát hệ trung cấp và đại học theo nhu cầu nhân lực của lực lượng cảnh sát quốc gia. Viện Nghiên cứu khoa học an ninh và Viện Khoa học hình sự chịu trách nhiệm đào tạo hệ sau đại học. Các trung tâm nghiên cứu chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu chiến lược cho lực lượng cảnh sát quốc gia, tham gia các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế… Trong năm học 2012-2013, Khoa Khoa học an ninh có gần 1.900 học viên hệ đại học, Viện Nghiên cứu khoa học an ninh có hơn 900 học viên hệ sau đại học và tại 28 trường cảnh sát trực thuộc có gần 17.000 học viên đào tạo hệ trung cấp.
Với quan điểm đảm bảo và khẳng định vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế, thì việc có những trung tâm và tổ chức lớn với sự thiết lập mạnh mẽ là yếu tố không thể thiếu. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Học viện Cảnh sát quốc gia được đầu tư xây dựng và được chính phủ coi là một trong những tổ chức lớn và có sự thiết lập tốt nhất nhằm đảm bảo phát triển an ninh và giáo dục với mục tiêu trở thành một trong những cơ sở đào tạo đại học chuyên ngành khoa học an ninh tốt nhất và là một trong những trung tâm đào tạo cảnh sát quốc tế hàng đầu của thế giới.
Với sự ưu tiên đầu tư phát triển một cách bài bản của Chính phủ, Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang vươn lên trở thành một trung tâm đào tạo cảnh sát có uy tín tại khu vực, đặc biệt là với vị trí chiến lược ở điểm giao cắt giữa Châu Á và Châu Âu, Học viện có điều kiện mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo của các quốc gia thuộc cả hai khu vực. Có thể giới thiệu một số đơn vị mũi nhọn của Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ như sau:
1. Khoa Khoa học an ninhKhoa Khoa học an ninh là đại diện điển hình nhất và được được coi là ngọn cờ đầu trong hệ thống đào tạo cảnh sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi đào tạo cho các nhà lãnh đạo tương lai của lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời, Khoa cũng là đầu mối thực hiện công tác hợp tác quốc tế, đào tạo cho sinh viên cảnh sát các nước để trở thành những nhà quản lý an ninh cao cấp.
Hàng năm, Khoa tuyển sinh từ ba nguồn chính: các học viên đã tốt nghiệp trung cấp cảnh sát, học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông và các học viên quốc tế được gửi đến từ các cơ sở đào tạo của các nước có ký kết hợp tác với Học viện Cảnh sát quốc gia. Việc lựa chọn đầu vào được thực hiện trên cơ sở kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Trong năm học 2012-2013, Khoa tiếp nhận gần 300 sinh viên quốc tế đến từ 16 quốc gia khác nhau. Những sinh viên quốc tế này được hỗ trợ đầy đủ những nhu cầu thiết yếu như: ăn, ở, trang phục, sinh hoạt phí...
Chương trình đào tạo của khoa gồm có 4 năm, riêng học viên quốc tế sẽ có thêm một năm đào tạo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trước khi vào học chương trình chính thức. Khoa có 6 Ban trực thuộc, phụ trách giảng dạy các môn chuyên ngành gồm có: Quản lý an ninh; Quản lý công cộng; Tư pháp hình sự; Khoa học an ninh quốc tế; Quản lý an ninh biên giới và Bộ môn nghiệp vụ cơ bản.
2. Viện Nghiên cứu khoa học an ninhViện khoa học an ninh thành lập năm 2001, Viện đào tạo 8 chương trình cấp bằng thạc sỹ và 2 chương trình cấp bằng tiến sỹ. Học viên nghiên cứu tại Viện chủ yếu là các cán bộ cảnh sát đã tốt nghiệp hệ Đại học. Đồng thời, Viện cũng tiếp nhận đào tạo sau đại học cho tất cả các nhóm cán bộ đã tốt nghiệp trong các trường quân đội, các trường luật, khoa học chính trị, khoa học quản lý và kinh tế, khoa học giáo dục, triết học và lịch sử, khoa xã hội học và tâm lý học…
Tại viện nghiên cứu khoa học an ninh, 8 chương trình đào tạo thạc sỹ bao gồm: Kỹ thuật hình sự; Tư pháp Hình sự; Điều tra tội phạm; Quản lý và đảm bảo an toàn giao thông; An ninh quốc tế; Quản lý nhà nước về an ninh; Điều tra trinh sát; Tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố quốc tế. Các chương trình đào tạo thạc sỹ thường yêu cầu từ 42 đến 48 tín chỉ. Hai chương trình đào tạo tiến sỹ tại Viện nghiên cứu khoa học an ninh gồm: An ninh quốc tế và Quản lý nhà nước về an ninh. Trong năm học 2012-2013, Viện nghiên cứu khoa học an ninh có 938 học viên trong đó có 212 nghiên cứu sinh.
Đồng thời với việc đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, Viện nghiên cứu khoa học an ninh còn tổ chức các khóa đào tạo nâng cao dành cho các cán bộ là lãnh đạo, chỉ huy của các cơ quan cảnh sát thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia.
3. Viện kỹ thuật hình sựMục đích chính của Viện khoa học hình sự là đào tạo đội ngũ nhân viên có chất lượng cho Ban giám đốc các cơ quan quản lý cảnh sát và Học viện Cảnh sát theo nhu cầu.
Trong chương trình đào tạo sau đại học, Viện đào tạo cho nhân viên của cơ quan kĩ thuật hình sự và các thành viên của Bộ tư pháp, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nhân viên của chính quyền nhân sự trực thuộc Bộ Nội vụ…
4. Các trường Trung cấp cảnh sátHệ thống các trường Trung cấp cảnh sát được hoàn thiện ở 28 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2001. Hệ thống các trường trung cấp cảnh sát này được xây dựng nhằm tạo nguồn nhân lực cảnh sát cho các cơ quan cảnh sát địa phương, với chương trình học từ 1 đến 2 năm đào tạo tập trung về các vấn đề cơ bản liên quan đến nghiệp vụ cơ bản, kiến thức xã hội, pháp luật và văn hóa.
Nguồn tuyển đầu vào của các trường được lấy từ các học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Hội đồng tuyển sinh sẽ căn cứ vào kết quả học tập và chỉ tiêu, nhu cầu về nhân lực của từng địa phương để quyết định số lượng tuyển sinh. Trung bình hàng năm có khoảng 16000 thí sinh nộp đơn đăng ký tham dự tuyển sinh vào các trường trung cấp trên toàn quốc.
5. Hệ thống các Trung tâm nghiên cứuCác Trung tâm nghiên cứu được thành lập trực thuộc Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo và tham mưu chiến lược của Học viện. Các trung tâm nghiên cứu cũng hỗ trợ đắc lực cho công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học chuyên sâu liên quan đến an ninh quốc gia; đồng thời các các trung tâm nghiên cứu cũng chia sẻ những phân tích khoa học mà họ phối hợp thực hiện với các tổ chức và cơ quan khác phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Các Trung tâm còn tham gia các nghiên cứu khoa học liên kết với các trường đại học lớn trong và ngoài nước, phối hợp tổ chức các sự kiện khoa học quốc gia và quốc tế nhằm đóng góp vào quá trình gìn giữ an ninh toàn cầu.
Hiện nay, Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ có 9 Trung tâm nghiên cứu bao gồm:
- Trung tâm nghiên cứu quản lý an ninh;
- Trung tâm nghiên cứu phòng ngừa tội phạm;
- Trung tâm nghiên cứu tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố quốc tế;
- Trung tâm nghiên cứu điều tra trinh sát;
- Trung tâm nghiên cứu đào tạo an ninh;
- Trung tâm nghiên cứu an ninh giao thông vận tải;
- Trung tâm nghiên cứu di cư và tị nạn;
- Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật hình sự;
- Trung tâm nghiên cứu về lịch sử cảnh sát.
Các trung tâm nghiên cứu tham gia xuất bản nhiều ấn phẩm khoa học quốc gia và quốc tế như:
- Tạp chí chuyên đề nghiên cứu cảnh sát (Journal of Police Studies): đây là tờ tạp chí chuyên đề về công tác thi hành pháp luật và quản lý nhà nước của lực lượng cảnh sát. Tạp chí được phát hành 4 số trong một năm.
- Tạp chí chuyên đề quốc tế về an ninh và khủng bố (Internaional Journal of Security and Terrorism): được xuất bản từ năm 2010 do Trung tâm nghiên cứu về khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia phát hành. Tạp chí cung cấp các bài viết chuyên sâu về các nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực như: an ninh quốc tế, khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…
6. Công tác Hợp tác quốc tế của Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ KỳNgoài việc duy trì thường xuyên các chương trình hỗ trợ đào tạo, trao đổi học viên thường xuyên với các cơ sở đào tạo an ninh, cảnh sát của 16 nước trong khu vực Tây Nam Châu Á và Đông Nam Châu Âu, Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tích cực tham gia vào nhiều Hiệp hội, diễn đàn hợp tác đào tạo cảnh sát quốc tế như:
- Hiệp hội các trường đại học cảnh sát châu Âu (Association of the European Police College - AEPC): Hiệp hội này được thành lập nhằm thiết lập, duy trì và điều phối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo cảnh sát của châu Âu. Hiện nay, AEPC có 50 cơ sở đào tạo đại học cảnh sát của 42 quốc gia châu Âu làm thành viên chính thức. Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tham gia thành viên chính thức của AEPC từ tháng 10/2006.
- Chương trình ERASMUS (European Community Action Scheme for the Mobility of University Students): Đây là một chương trình hợp tác trao đổi học viên giữa các trường đại học của châu Âu, được khởi phát từ năm 1987. Hiện nay đã có khoảng 4000 cơ sở đào tạo đại học của 33 quốc gia tham gia chương trình này. Khi tham gia chương trình ERASMUS, các cơ sở đào tạo sẽ trao đổi học viên ngắn hạn từ 3 tháng trở lên với điều kiện, học viên đã học xong năm thứ nhất, thời gian và kết quả học tập tại trường của đối tác được thừa nhận và tính vào kết quả học tập của trường cử đi tuân theo những cam kết giữa hai nhà trường, các trường sẽ không thu thêm bất cứ một khoản chi phí nào mà có các chương trình hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho học viên.
Đại học Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Chương trình ERASMUS từ năm 2004 và đến nay đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với 17 cơ sở đào tạo đại học của 11 quốc gia. Tính từ năm 2005 đến năm 2012, trường đã cử 102 học viên và 47 giáo viên tham gia chương trình trao đổi ngắn hạn với các trường. Đồng thời, tiếp nhận 37 học viên và 37 giáo viên quốc tế của các trường đối tác trong khuôn khổ chương trình ERASMUS.
- Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế (International Association of Police Academies - INTERPA): Hiệp hội được thành lập theo sáng kiến của Học viện Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động dưới sự bảo trợ của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ra đời từ tháng 7/2011, hiện nay INTERPA đã có 49 cơ sở đào tạo cảnh sát từ 46 quốc gia làm thành viên chính thức. INTERPA được thành lập với mục tiêu: thông qua các hoạt động thường niên hoặc không thường niên của INTERPA các thành viên sẽ cùng hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cảnh sát; cùng hợp tác tiến hành các chương trình nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau; tăng cường năng lực và chất lượng công tác đào tạo cảnh sát phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Được sự đồng ý của Bộ Công an Việt Nam, Học viện Cảnh sát nhân dân đã chính thức tham gia
INTERPA từ tháng 4/2013.