Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, từ ngày 21-24/11/2023, đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Thiếu tướng, TS. Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện CSND làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 12 của Hiệp hội các cơ sở đào tạo Cảnh sát quốc tế (INTERPA) do Đại học Kỹ thuật hình sự quốc gia Ấn Độ (NFSU) chủ trì tổ chức tại thành phố Amedabad, bang Gujarat, Ấn Độ. Hội nghị năm nay có sự tham gia của 92 đại biểu, đại diện cho 36 cơ sở đào tạo thành viên INTERPA đến từ 36 quốc gia và 02 tổ chức cảnh sát ASEANAPOL và AFRIPOL.
Hội nghị kéo dài 02 ngày với 02 phiên họp chính: Họp Ban điều hành và Hội thảo chuyên môn. Phiên họp Ban điều hành của INTERPA lần thứ 12 đã kết nạp thêm 01 thành viên mới là Học viện Cảnh sát quốc gia Phi-líp-pin. Phiên họp cũng thông báo Hội nghị INTERPA lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Đại học An ninh mang tên Vua Faud, Ả-rập Xê-út.
Hội thảo chuyên môn diễn ra với 03 phiên họp tương ứng với 03 chủ đề là: Những vấn đề an ninh trong bối cảnh xảy ra thiên tai; Công tác cảnh sát trong xử lý các tình huống khẩn cấp; Quản trị sự cố công nghệ tại các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Trong 3 phiên họp đã có 13 bài tham luận của các đại biểu, trong đó Học viện CSND đã tham luận về chủ đề "Vai trò của lực lượng Cảnh sát trong quản lý thảm họa", được Hội nghị đánh giá cao. Nội dung các phiên họp tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn về ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật mới phục vụ công tác Cảnh sát trong bối cảnh các sự cố công nghệ và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Hội nghị đã bố trí cho các đại biểu tham quan Trung tâm Kỹ thuật hình sự công nghệ cao của Đại học Kỹ thuật hình sự quốc gia Ấn Độ và Dự án lắp camera của Cảnh sát bang Gujarat. Qua tham quan Trung tâm Kỹ thuật hình sự công nghệ cao cho thấy, Ấn Độ nói chung và các trường đại học tại Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghệ - vốn là sở trường của quốc gia này. Nhiều công nghệ về điện toán đám mây, thu thập, phục hồi, lưu trữ, nhất là công nghệ phân tích dữ liệu điện tử như: dữ liệu trên không gian mạng, dữ liệu viễn thám, dữ liệu từ các thiết bị không người lái… đã được quan tâm đầu tư.
Đáng chú ý, các trung tâm này ngoài chức năng nghiên cứu, tham gia giảng dạy còn có chức năng cung cấp kết luận giám định phục vụ công tác điều tra của lực lượng thực thi pháp luật và các dịch vụ khác phục vụ xã hội.
Có thể nói, sau 12 năm hoạt động, Tổ chức INTERPA đã khẳng định được vai trò, vị trí là một diễn đàn quốc tế quan trọng về giáo dục, đào tạo Cảnh sát; tạo cơ hội và điều kiện cho các cơ sở đào tạo Cảnh sát của nhiều nước trên thế giới trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác. Sau Hội nghị thường niên năm 2023 này, INTERPA đã thu hút được hơn 80 thành viên chính thức là các cơ sở đào tạo đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, hỗ trợ đắc lực cho các cơ sở đào tạo Cảnh sát có cơ hội được mở rộng hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường thành viên. Với vai trò là thành viên chính thức của Hiệp hội, Học viện CSND đã từng bước khẳng định được vị trí và sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường Cảnh sát trong khu vực và trên thế giới.
Các Hội nghị INTERPA đã được tổ chức từ năm 2011 đến nay:
1. Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề “Tổng quan về cơ chế đào tạo Cảnh sát của các quốc gia”.
2. Hội nghị lần thứ 2 tổ chức tại Ả-rập Xê-út với chủ đề “Các vấn đề hiện hành trong nghiên cứu, đào tạo và giáo dục lực lượng Cảnh sát”.
3. Hội nghị lần thứ 3 tổ chức tại Malaysia với chủ đề “Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo Cảnh sát”.
4. Hội nghị lần thứ 4 tổ chức tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất với chủ đề “Công tác đào tạo cán bộ Cảnh sát trong các lĩnh vực chuyên ngành”.
5. Hội nghị lần thứ 5 tổ chức tại Xu-đăng với chủ đề “Cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu”.
6. Hội nghị lần thứ 6 tổ chức tại Cộng hòa Bắc Síp - Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề “Tội phạm ma túy và các cách tiếp cận mới trong công tác đào tạo lực lượng phòng chống ma túy”.
7. Hội nghị lần thứ 7 tổ chức tại Doha - Qatar với chủ đề “Những xu hướng mới trong Chống khủng bố và Chủ nghĩa cực đoan”.
8. Hội nghị lần thứ 8 tổ chức tại Gujarat - Ấn Độ với chủ đề “An ninh mạng và đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao”.
9. Hội nghị lần thứ 9 tổ chức với hình thức trực tuyến với chủ đề “Thách thức của các Học viện trong tương lai”.
10. Hội nghị lần thứ 10 tổ chức tại Antalya - Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề “Ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đến công tác Cảnh sát và đào tạo Cảnh sát”.
11. Hội nghị lần thứ 11 tổ chức tại Dhaka - Bangladesh với chủ đề “Số hóa trong công tác Công an”.
|
HTQT